Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

TĨnh Tâm mùa chay 3- Thiên Chúa tìm kiếm con người


TĨNH TÂM CỘNG ĐOÀN
Buổi thứ ba 29/3/2019: Thiên Chúa tìm kiếm con người
L.m. G.B Trương Đình Hà


Cầu nguyện đầu: Lạy Chúa chúng con cám ơn Chúa vì Chúa đã yêu thương chúng con, đã cho chúng con thời gian để sống; đã hướng dẫn chúng con sống tốt lành bằng lề luật thánh thiện của Chúa, đã dẫn dắt chúng con, tìm kiếm chúng con, và hôm nay đã quy tụ cộng đoàn chúng con nơi đây để dọn mình gặp gỡ Chúa. Xin Chúa gợi lên trong chúng con những ước muốn lành thánh và quyết tâm mới trở về với Chúa trong mùa chay này.
Hát: Xin Ngôi Ba Thiên Chúa
Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các thánh cầu bàu cùng Chúa cho chúng con.
Đọc kinh Kính Mừng
Đọc Tin Mừng (Lc 15, 4-10)
Gợi ý:
1. Chúng ta đi tìm Chúa hay Chúa đi tìm chúng ta
- Chúa tìm con người. Câu chuyện đàn vịt. Ađam - Evà
2. Tại sao Chúa tìm chúng ta? Bởi vì Chúa yêu chúng ta.
- Yêu là gì? (Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử: Ai hãy lặng im chớ nói nhiều, để nghe dưới đáy nước hò reo, để nghe tơ liễu rung trong gió, và để cho Trời giải nghĩa yêu)
- Tình yêu muốn người mình yêu có mặt: Chúa sáng tạo chúng ta. Ngài muốn chúng ta có mặt, yêu ai mình muốn người đó có mặt. Nên Chúa dựng nên chúng ta.
- Tình yêu muốn người ta nhớ tên mình. Yêu ai mình cũng muốn người đó biết tên của mình. Tên mình quan trọng lắm. Có người gọi điện thoại đến hỏi cha có nhớ con không? Sao mà nhớ được! Nhưng nếu nhớ thì người ddó chắc là vui lắm. Chúa có tên không? Tên của Chúa là gì? " Ta là Đấng Hiện Hữu". Vì vậy mà Ngài cho chúng ta biết tên vì yêu ta.
- Tình yêu muốn người mình yêu được tự do. Chúa ban tự do cho con người. Tự do đến nỗi con người đi vào con đường tội lỗi và quay lưng lại với Thiên Chúa.
- Tình yêu đòi mình hy sinh cho người khác. Chúa hy sinh cho ta, Chúa chết cho ta.
- Tình yêu đòi mình có thì giờ cho người khác. Chúa yêu ta Chúa ban thời gian dành cho ta. Ta yêu Chúa ta đừng tiếc với Chúa. Hãy dành thời gian cho Chúa. Đôi khi đến với Chúa cách vội vã, đến muộn về sớm, nhiều người đi lễ trể thấy áy náy chạy vội đến cho kịp lễ, nhiều người cứ lững thững được lúc nào hay lúc ấy. Đi lễ học hỏi Lời Chúa thì thấy lâu nhưng mà ngồi lại với nhau thì vui lắm bao nhiêu thời gian cũng được, chúng ta dễ bị cám dỗ. Rồi hãy dành thời gian cho nhau, cho gia đình, vội có mặt tốt mặt tích cực nhưng nếu sống cách vội vã chỉ có tính toàn bươn chải làm ăn suốt thì ta đánh mất những giây phút dễ thương trong cuộc đời. Thỉnh thoảng phải có buổi gặp gỡ đầy đủ gia đình con cái với cha mẹ. Lẽ thường ở đời ai ai cũng muốn nhanh chóng làm được nhiều điều một cách nhanh chóng, làm nhanh như thế là tốt nhưng nhanh như thế lại khiến mình sống thật nhạt, bỏ qua những hạnh phúc giản dị, tình yêu thương và bình yên quanh ta, đôi khi chỉ quay cuồng chạy theo những thứ hư ảo có đó rồi lại mất, đến khi chợt nhìn lại thì ta đã già, đánh mất khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Khi ta chạy thì hạnh phúc cũng chạy theo. Khi ta đứng yên thì hạnh phúc đứng đó mĩm cười với ta.
Xin trích bài thơ Vội của Thích Tánh Tuệ
Thơ: Vội
Vội đến vội đi, vội nhạt nhòa
Vội vàng sum họp, vội chia xa
Vội ăn vội nói rồi vội thở,
Vội hưởng thụ mau kẻo vội già
Vội sinh vội tử vội một đời
Vội cười, vội khóc, vội buông lơi
Vội thương, vội ghét nhìn nhau lạ
Vội vã tìm nhau vội vã rời
Vội bao nhiêu kiếp rồi vẫn vội
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa
Ngoài hiên đâu thấy hoa hồng nở
Vội ngày, vội tháng vội năm qua
Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội
Mặt mũi ngày xưa không nhớ ra
Đáy nước tìm trăng mà vẫn vội
Vội tĩnh vội mê, vội gật gà
Vội quên vội nhớ vội đi về
Bên ni, bên nớ mãi xa ghê
Có ai "giác lộ" bàn chân vội
"Hỏa trạch" bước ra dứt não nề.

3. Đáp lại cuộc tìm kiếm của Chúa, Đáp lại tình yêu Chúa. Đáp lại lời mời gọi của Chúa,  chúng ta cần nổ lực trở về, nổ lực tìm Chúa gặp Chúa trong cuộc đời mình.
Cụ thể: Mỗi người trong gia đình nổ lực trở về sống luật Tin Mừng, sống đời sống kinh nguyện, đi lễ, thành tâm ăn năn sám hối những tật xấu của mình, xưng tội, quyết tâm cải thiện đời sống. Sống cho Chúa, cho anh chị em, quan tâm đến người nghèo, người đau khổ.
Người chồng không tìm hạnh phúc cho mình mà cho người vợ. Không chỉ bắt vợ phục vụ mình mà mình cần phải phục vụ nghĩ đến vợ mình, con mình. Chăm sóc cho nhau cho gia đình.
Phía người vợ đừng đanh đá với chồng, với con. Cũng đừng chạy theo "group", rồi bê tha với việc chăm sóc gia đình mình. Sự dịu dàng đức hạnh là vũ khí của người phụ nữ. Những người con cần nổ lực sống đạo, nhất là giới trẻ ngày hôm nay bị lôi cuốn vào công ăn việc làm, học hành mà quên mất những giá trị đạo đức. Rồi phần khác bị bạn bè lôi cuốn, lối sống buông thả tự do lôi cuốn nên có thế sa đà vào lầm lạc; bỏ bê nhà thờ, kinh lễ. Mùa Chay là mùa quyết tâm trở về. Quyết tâm tìm gặp Chúa trong cuộc đời mình.
Chuyện minh họa:
1. Bà vợ có ông chồng nghiện rượu
Hai vợ chồng có 4 người con, từ 2 đến 8 tuổi, các cháu xinh xắn khỏe mạnh, anh làm công chức vợ nội trợ ở nhà, và rảnh lúc nào, chị leo lên chiếc máy may để may gia công hàng chợ. Hai vợ chồng này rất hiền lành, bà con chòm xóm ai cũng quý mến. Ðột nhiên, một năm nay anh ta bị bè bạn quyến rũ mắc phải tật nghiện rượu. Mới đầu, ngày một hai ly, chẳng sao, dần dần cơn nghiện tăng lên, làm cho anh không còn sáng suốt nhận thức được những hành động của mình, tiền lương hàng tháng đem về cho vợ nuôi con càng ngày càng ít. Ðã vậy, anh lại u mê hành hạ vợ, đòi tiền uống rượu, nộ nạt con cái làm cho đứa nào cũng sợ anh như sợ cọp.
Nhưng làm sao để cho anh trở về bổn phận chính đáng của anh, là làm chồng làm cha? Ðã nhiều lần vợ anh đã thỏ thẻ bên tai anh, đã van xin anh, thậm chí chị đã hù sẽ bỏ anh nếu anh cứ đam mê rượu chè! Thế nhưng đều vô ích, mặc cho chị khuyên bảo, van xin, anh càng ngày càng thêm hành hạ chị nếu chị không bỏ tiền ra cho anh mua rượu. Cuối cùng chị nghĩ, chỉ còn cách phải cầu nguyện thật nhiều, phải ráng chịu cảnh hành hạ của chồng để dâng lên Chúa làm của lễ hy sinh cầu nguyện. Chị nói với các con: "Ba mình bây giờ bị ma quỷ lôi kéo, bị bè bạn quyến rũ rượu chè hóa thế này, thì các con và mẹ đều buồn chứ, mà chẳng biết làm sao. Thôi từ tối nay, các con với mẹ cố gắng tối nào cũng chịu khó lần hạt kính Ðức Mẹ, xin Mẹ thương dẫn đưa ba mình trở về với Chúa từ bỏ bạn bè xấu với con ma rượu."
Từ đó, tối nào chị và 4 cháu cũng chăm chỉ sốt sắng lần hạt năm chục Kinh Mai Khôi và tha thiết dâng lên Chúa, dâng lên Mẹ những lời nguyện xin, cầu cho người cha trong gia đình biết ăn năn hối cải. Sau giờ kinh tối là chị lại đun nồi nước nóng để chờ chồng về, cho anh tắm rửa. Còn anh thì vẫn tiếp tục đi sớm về khuya, vẫn tiếp tục rượu chè, nói năng lè nhè...
Cho đến một hôm, anh đang ở quán nhậu với bạn bè, anh cảm thấy như có ai thúc hối anh phải về nhà sớm, mặc dù nhìn đồng hồ chưa đến 9 giờ tối. Bạn bè cùng bàn níu kéo anh thế nào cũng không được. Ðến nhà, anh xô cổng bước vào thì thấy cửa nhà đóng kín, bên trong nhà 5 mẹ con đang đọc kinh lần hạt. Anh dựng chiếc xe lên và ngồi lên đó nghe ngóng, đúng lúc đó tiếng đọc kinh chấm dứt và tiếng vợ anh cất lên: "Lạy Chúa, lạy Mẹ, con đau khổ lắm, cả năm nay chồng con làm khổ con rất nhiều. Tiền bạc anh ấy làm ra đem về cho con thì ít, và anh ấy đòi con bỏ ra cho anh ấy ăn nhậu thì nhiều. Con lấy đâu ra tiền vừa lo cho 4 đứa con ăn học, lại còn lo cho chồng ăn nhậu. Ôi, xin Chúa, xin Mẹ thương cho chồng con biết trở lại làm con người hiền lành như xưa..."
Những lời tâm sự với Chúa với Mẹ của vợ anh, anh nghe rõ mồn một, anh còn nghe cả tiếng sụt sùi của vợ anh, làm anh thấy chạnh lòng. Anh đang suy nghĩ miên man, thì anh nghe tiếng đứa con lớn vang lên: "Lạy Chúa, chúng con cũng buồn lắm, ba con cứ đi cả ngày nhậu nhẹt với bạn bè, chẳng biết chúng con cần gì, thiếu gì. Chúa ơi, Chúa hãy đưa ba con về cho chúng con nhé, để mẹ con và chúng con khỏi khổ."
Sau lời nguyện của người con này là bài hát "Xin Vâng" do chị vợ anh xướng lên và các con cùng hát. Sau đó là làm dấu Thánh Giá kết thúc... Ðứa con lớn mở cửa ra, thấy ba em đang ngồi trên nệm yên xe vội reo lên: "A, ba đã về!" Nghe thế chị vợ anh nói lớn: "Ô, anh chờ em nấu nước cho anh tắm rửa nghen." Người chồng dắt xe vào nhà và nói vừa đủ cho vợ anh nghe: "Thôi để anh tắm nước lạnh được rồi, và từ mai anh sẽ không còn uống rượu nữa!"
Ðây quả là một phép lạ, Chúa và Ðức Mẹ đã đưa người chồng từ bỏ con đường nghiện rượu, trở về với mái ấm gia đình, chỉ do việc thành tâm lần chuỗi Mai Khôi của vợ con anh.
Phạm Văn Lượng (Huynh Ðoàn Ki-Tô Bệnh Nhân Và Người Khuyết Tật) sưu tầm
 (Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 33, năm 2001) Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
2. Ăn năn
Satan phàn nàn với Chúa: "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời. "Chúa nói: "Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa?".
3. Cơ hội cuối cùng
Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: "Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu". Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy: Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (Tonne).





Đọc tiếp »

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Lễ Thánh Giuse


 SỐNG ĐỨC THINH LẶNG CỦA THÁNH GIUSE


Kính thưa cộng đoàn
Chúng ta đang ở trong mùa chay, và nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về, thì có lẽ việc trở về sâu xa nhất là trở về cõi lòng mình trong thinh lặng để nhận ra Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, nhận ra tha nhân là anh chị em mình, nhất là nhận ra con người thật của mình. Nhờ đó mà ta có những điều chỉnh cho đúng đắn phù hợp với ý Chúa hơn.
Và tại sao Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse trong Mùa Chay, chính bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thinh lặng.
Trong lễ mừng kính thánh Giuse hôm nay, xin Chúa cho chúng ta biết trân trọng và yêu quý đời sống thinh lặng, nhất là biết học nơi thánh Giuse bài học về “đức thinh lặng”.
Có truyện kể về 3 pho tượng vàng: Ngày xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn tuyển nhân tài của đất nước. Nhà vua có ba pho tượng vàng, giống hệt nhau, yêu cầu,  ai tìm được bí mật giá trị của mỗi pho tượng sẽ được trọng thưởng.
Nhiều người thông thái nghĩ ngay tới giá trị của mỗi pho tượng sẽ căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng tốt xấu, hoặc căn cứ vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng vàng! Nhưng rồi các nhà thông thái đành phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, khối lượng và tuổi vàng.
Có một người ở ẩn trong núi biết chuyện xin được xem ba pho tượng. Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng. Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm. Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai này sang lỗ tai kia, anh bảo: “đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người nghe điều gì, vừa vào tai nọ, đã ra tai kia, không biết ghi nhớ, không để tâm gì suy nghĩ điều đã nghe”.
Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống miệng pho tượng. Anh bảo: “pho tượng này hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ nhưng mắc khuyết điểm là: vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại”.
Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: “pho tượng này quý giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi vào tâm dạ mình”.
Vua đã trọng thưởng cho người đó và gọi người đó vào làm quan trong triều[1].

Trong các sách Tin Mừng dù có nhắc tên Thánh Giuse đôi lần, nhưng không hề thuật lại bất cứ lời nào của thánh Giuse. Có lẽ không phải vì vô tình mà Thánh Kinh không ghi nhận một lời nào của Thánh Giuse, nhưng muốn đề cao giá trị của sự thinh lặng.
Thinh lặng giúp ta cảm nhận được vẽ đẹp.
Trong bài thơ “Đà Lạt Trăng Mờ”, nhà thơ Hàn Mặc Tử kêu mời ta hãy lắng đọng tâm hồn trong cỏi riêng tư để cảm nhận sâu xa vẻ đẹp thiên nhiên mà Thượng Đế yêu thương ban tặng cho.
“…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hò reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu…”
Chỉ có thinh lặng, ta mới chìm sâu vào tận đáy lòng mình để nhận ra đáy nước hò reo, nghe thấy nhịp rung của liễu tơ và nhận ra tình yêu của đất trời.
Chính đời sống thinh lặng, Thánh Giuse mới có khả năng nhìn thấu được phía bên kia của những biến động làm xáo trộn cuộc sống của ngài. Chính trong thinh lặng ngài mới thấu suốt và tin tưởng vào những vẽ đẹp của ơn Chúa ban trước những biến cố đầy sóng gió xảy đến cho gia đình mình.
Thinh lặng là chọn cho mình lối sống khôn ngoan
Người đời thường nói: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Thinh lặng hơn nói, vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng, là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc. Như thế thinh lặng được ví như một chuẩn mực của đạo đức, một tiêu chí của khôn ngoan thông thái.
Thánh hiền có nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” (Người không biết thì lại nói nhiều vì tưởng người khác không biết như mình, người biết thì lại ít nói vì nghĩ rằng mọi người đều biết”).
Trong thinh lặng đầy khôn ngoan, Thánh Giuse đã âm thầm bảo vệ che chở Đức Maria và nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu trong bầu khí ấm êm của một gia đình hợp pháp. Cho nên Heidegger mới khuyên chúng ta thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biểu, bớt bàn tán….không phải để ta nên ngu muội, vô tri, nhưng để cho tâm khảm suy nghĩ hoà quyện với sinh linh vạn vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, của nhiên giới.
Thinh lặng giúp ta nhận ra giới hạn của mình
Thinh lặng để thấu đạt được cái vô thường, cái bất biến, cái trường cửu của đất trời. Thinh lặng để thấu triệt được nội quan cũng như ngoại giới. Thinh lặng đễ thấy ta là nhỏ bé, là mong manh, là hạn hữu trong cái mênh mông, bao la, vô hạn của đất trời, của vũ trụ thường hằng và vô biên. Thinh lặng để chuyển tải nhiều hơn, để nghe nhiều hơn, để thấu đạt nhiều hơn.
Trong chính sự thinh lặng của đêm vắng, Thánh Giuse đã nhận ra được ý muốn của Chúa, lắng nghe được Lời Chúa nói. Phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai và chọn lựa cách thế thực hiện như thế nào đẹp ý Chúa nhất. Vì thế ngài được gọi là “người công chính”: làm theo ý Chúa.
Hôm nay mừng lễ thánh Giuse, Bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam, bổn mạng của giới gia phụ (gia trưởng), bổn mạng của giáo họ Giuse và bổn mạng của nhiều ngừoi mang thánh hiệu Giuse. Chúng ta hãy cầu cùng thánh Giuse cho mỗi người thắm nhuần nhân đức thinh lặng cua thánh Giuse. Người ta nói người phụ nữ, tức các bà hay "ngồi lê đôi mách". Nhưng ngày nay có khi ngược lại "các ông hay ngồi lê đôi mách". Bởi vì các bà đi chợ về là ở nhà lo nấu cơm giặt giũ…còn các ông sáng sớm đã rủ nhau làm mấy xị súc miệng rồi, hoặc là ngồi quán càphê nói nhiều chuyện, đến trưa lại rủ rê tiếp làm một trận trưa, đến chiều làm một hiệp nữa, hết hiệp chính lại tiếp hiệp phụ còn đá thêm luân lưu. Mà ngồi bàn nhậu sao làm thinh được mạnh ai nấy nói. Lúc đầu nói ít càng uống càng nói nhiều lại nói lớn nữa. Cho nên làm sao thinh lặng cho nỗi. Vì vậy mà cầu xin thánh Giuse giúp mỗi người biết sống thinh lặng nội tâm, dành thì giờ cho Chúa, dành thì giờ cho nhau, lúc nào cần nói lúc nào cần thinh lặng.
Giữa cuộc sống hôm nay với biết bao thăng trầm, dòng chảy của cuộc sống vẫn áp đảo lôi cuốn ta , bao nhiêu thách thức về niềm tin, về lối sống, phương thức làm ăn, về những tu tưởng, đối nghịch với Tin Mừng, giá trị giữa cái đúng và sai, giữa điều chân thật và giả dối thật mong manh ta phải đứng về phía nào? Ta phải chọn lựa thế nào? Có lẽ ta hãy học thinh lặng như thánh Giuse, để lắng đọng tâm hồn, bình tĩnh lắng nghe tiếng Chúa nói. Khi nghe được tiếng Chúa, ta phải cương quyết chọn lấy cho mình con đường. Đó là con đường vâng phục thánh ý Thiên Chúa, con đường sống đức tin cách mạnh mẽ và truyền đạt đức tin cho con cái và con đường sám hối quyết tâm sửa đổi đới sống của mình cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Amen.

L.m. G.B. Trương Đình Hà



[1] X. lamhong.org.

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Thứ Tư Lễ Tro


Thứ Tư Lễ Tro
BÀI ĐỌC I: Ge 2, 12-18 /BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 20 – 6, 2/ PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
L.m. G.B. Trương Đình Hà

Thứ Tư Lễ Tro là ngày khởi đầu cho Mùa Chay thánh. Mùa chay kéo dài đúng 40 ngày trước Lễ Phục sinh nên còn được gọi là ngày “Đầu Mùa Chay” hay “Đầu Mùa ăn chay 40 ngày”. Gọi là Lễ Tro tại vì Hội Thánh có thói quen dùng tro đã được làm phép để ghi dấu lên trán của các tín hữu. Chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Tro để rồi mỗi người có quyết tâm sám hối đổi mới con người mình khi bước vào mùa chay.
1. Nguồn gốc
- Bắt nguồn từ Cựu ước thời tiên tri Giôna, Chúa sai ông đến thành Ninivê, Giona kêu gọi dân sám hối vì chỉ còn 40 ngày nữa Chúa sẽ giáng phạt trên thành này. Dân chúng nghe lời vị tiên tri mặc áo nhặm, ăn chay từ người lớn đến trẻ con. Sách Giô-na thuật lại rằng: "Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: ´Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.` Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro“ (Gn 3,4-6).
Với Ngôn Sứ Đa-ni-en: "Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu, rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van“ (Đn 9,3).
- Trong Tân Ước, khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu ăn chay trong sa mạc 40 đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4, 1-11).
Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội thời sơ khai, có hình thức sám hối công khai cho những người phạm một hay nhiều tội trọng công khai ảnh hưởng đến cộng đoàn. Đó là ngay từ đầu Mùa Chay, họ phải mặc trên mình một bộ áo vải thô, hay cũng còn được gọi là bộ quần áo thống hối. Những bộ quần áo này thường được dệt từ vỏ cây gai theo dạng rất thô sơ, giống như những chiếc bao bố. Bên cạnh đó, họ còn phải phủ tro hay rắc tro lên người. Tại Giáo hội Gallia, tức tại Pháp Quốc, dựa vào cảnh tượng A-đam và E-và bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng sau khi phạm tội (St 3tt), vào ngày thứ Tư Lễ Tro, những người mắc trọng tội sẽ tạm bị trục xuất ra khỏi nhà thờ. Và tới ngày thứ Năm Tuần Thánh thì những người đó mới lại được tái đón nhận vào trong nhà thờ, và từ đó mới được phép Rước Lễ.
Khoảng từ cuối thế kỷ thứ X, những tục lệ kể trên mất dần, thay vào đó, người ta tiến hành việc rắc tro lên đầu cho tất cả các tín hữu, trước hết là để thể hiện tình liên đới với các tội nhân sám hối.
2. Nghi thức xức tro có ý nghĩa như thế nào?
“Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Tro bụi là biểu tượng của sự dòn mỏng của con người, nay còn mai mất, nên khi nhận một ít tro, người tín hữu phải nhớ mình là kiếp phù du. Giúp nhắc nhở các tín hữu về nguồn gốc của mình “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật”.
Nghi thức xức tro cũng là khởi đầu của mùa thống hối, gợi nhớ cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Tro là dấu chỉ để mỗi người chúng ta đều nhìn nhận mình là tội nhân. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.
Tóm lại, mặc dù nguồn gốc của con người hèn kém như tro, như bụi đất nhưng con người được Thiên Chúa yêu thương, cứu chuộc và sau này sẽ được sống lại để hưởng phúc đời. Vì vậy, hãy cố gắng ăn năn đền tội, lập công phúc để được hạnh phúc muôn đời.
3. Lễ Tro khởi đầu cho hành trình Mùa Chay: Hoán cải và đổi mới
Sứ điệp mùa chay 2019 ĐTC Phanxicô đã dạy:"Muôn loài thụ tạo hết sức mong mỏi con cái Thiên Chúa thực sự trở nên “những thụ tạo mới”. Vì “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17). Thật vậy, nhờ vào việc được mặc khải, chính loài thụ tạo có thể của hành một Cuộc Vượt qua, tự mở ra một trời mới đất mới (x. Kh 21: 1). Hành trình hướng đến Lễ Phục Sinh đòi hỏi chúng ta cần phải đổi mới diện mạo và tâm hồn của mình với tư là những người Kitô hữu thông qua việc ăn năn, hoán cải và tha thứ, ngõ hầu có thể sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của Mầu nhiệm Vượt qua".
Trong mùa chay Giáo Hội khuyên các tín hữu thực hành ba việc đạo đức
3.1. Việc cầu nguyện
Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa, gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện đối với người kitô hữu như cá cần nước để sống. Khi cầu nguyện chúng ta bắt chước gương Đức Giêsu: Ngài cầu nguyện khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước những vấn đề hệ trọng.
Khi cầu nguyện chúng ta thi hành bổn phận Đức Giêsu dạy:
Ngài dạy chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha;
Ngài dạy chúng ta cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ;
Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù;
Ngài dạy chúng ta cầu nguyện để xua trừ ma quỷ, vì có những thứ quỷ chỉ có trừ được bằng cầu nguyện, như có lần Ngài nói:“Giống quỷ ấy chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”(Mc 9,29).
Khi cầu nguyện nhắc nhở chúng ta sống tín thác vào Chúa. Đức Giêsu nói: “Không có Thầy các con không thể làm được việc gì?”(x. Ga 15,5). Vậy, chúng ta hãy xét mình lại về tinh thần cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Cầu nguyện riêng? Cầu nguyện chung? Cầu nguyện trong gia đình, ở nhà thờ ? Cầu nguyện khi thành công? Cầu nguyện khi thất bại?…
3.2. Việc ăn chay
Nhằm giúp chúng ta làm chủ các ham muốn của xác thịt, thanh thoát tâm hồn, để hướng tới các điều thiện hảo và đặc biệt là để đền bù các tội lỗi của mình, cũng như có đủ sức mạnh cùng với ơn Chúa giúp thắng được những đam mê xấu. Giáo hội mời gọi chúng ta ăn chay.
Ăn chay theo luật bao gồm việc nhịn ăn và kiêng ăn.
Việc nhịn ăn: Trong ngày ăn chay không được ăn vặt, chọn một bữa ăn no, còn hai bữa kia chỉ được ăn vừa hoặc ăn ít.
Việc kiêng ăn: Kiêng ăn thịt loài máu nóng như thịt heo, gà, bò, vịt…Ngày hôm nay, Giáo hội chỉ buộc ăn chay trong hai ngày: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
Ngoài ra, Giáo hội khuyến khích người kitô hữu ăn chay theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Giáo hội luôn mời gọi con cái mình ăn chay theo nhiều cách thế khác nhau. Chẳng hạn: giảm bớt tiêu xài; kiêng ăn uống say sưa; không nói xấu nói hành; không xem những bộ phim xấu, những tranh ảnh khiêu dâm, giảm bớt việc tổ chức đám tiệc, ngay cả lễ cưới cũng không nên tổ chức vào mùa chay…
3.3. Việc bố thí.
Một trong những ý nghĩa của việc ăn chay là bớt phần ăn của mình để làm phúc bố thí cho người nghèo. Vì vậy, việc ăn chay và bố thí luôn đi đôi với nhau.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô.” Trong Tin mừng theo Thánh Mathêu, Đức Giêsu cũng cho chúng ta biết, khi làm phúc bố thí cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa, và đó cũng là điều kiện để được hạnh phúc Nước Trời. Vị Thẩm Phán mời gọi kẻ lành vào hưởng hạnh phúc Nước Trời bằng những lời thân thương sau đây: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”(Mt 25,35-36).
Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv. không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người.
Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro. Một số ví dụ để ứng dụng thực hành trong cuộc sống.
4. Ứng dụng thực hành
4.1. Thái độ
Dững dưng: “Đâu phải việc của tôi đâu mà tôi phải “xía” vào. Đổi thành quan tâm và tích cực hơn: “Tôi có thể giúp được gì không?”
Ôm đồm: “Không có tôi thì chẳng có ai làm được gì cả.” Đổi thành chia sẻ, cộng tác và thoát ly – không dính bén: “Tôi cần sự giúp đỡ của bạn.”
Hấp tấp – Nhiều người tự bào chữa rằng làm nhanh làm lẹ tức là nhanh nhẹ, tháo vác, sáng trí. Nhiều công việc kéo dài trì trệ vì hấp tấp. Đổi lại thành điềm đạm, thận trọng và nhẫn nại hơn.
Lê thê – chậm chạp cà rề. Nói cách khác, lười. Đổi lại thành phấn khởi, tổ chức và chủ động hơn.
4.2. Thói quen trong cuộc sống.
Dọn dẹp phòng ở hằng ngày.
Gìn giữ vệ sinh cá nhân thường xuyên: đầu tóc, quần áo, thân thể . . .
Tập thể dục thường xuyên để gìn giữ sức khỏe
Bớt ăn bớt uống.
Bỏ bớt những đam mê về phim ảnh, rượu bia, thuốc lá.
Đọc kinh cầu nguyện thường xuyên hơn
Đọc một đoạn Thánh Kinh mỗi ngày và suy niệm
Hành xử trong cuộc sống.
Thay vì âu sầu, đổi thành tươi vui với người.
Thay vì dửng dưng, đổi thanh niềm nở tiếp đón – chào hỏi người thân, khách lạ hoặc bạn đồng nghiệp.
Thay vì nói lại chuyện xấu của người khác – tức là phao đồn tin xấu, thì tìm những điều tốt để bàn thảo và noi theo.
Thay vì chê trách nhau, thì khen ngợi và cảm ơn nhau nhiều hơn.
Thay vì nói một lời có nhiều ngụ ý ám chỉ, thì nói lời đơn thành yêu mến, khích lệ người nghe.
Thay vì nói lời làm buồn lòng hoặc gây hoang mang, nghi kỵ và phân bì cho người nghe, thì ta quyết tâm nói những điều có lợi, tức là tạo niềm vui, bình an và tin tưởng cho người nghe.
4.3. Làm việc bác ái hoặc từ thiện
Đặt ra kế hoạch giúp đỡ người nghèo.
Để dành tiền lẽ, đồ hộp, quần áo, thức ăn khô, rồi chọn một ngày trong tháng, đem đến Nhà Xứ hoặc một cơ quan từ thiện nào đó để để trao tặng.


Đọc tiếp »