Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Cuộc Tử Đạo Mới



CUỘC TỬ ĐẠO MỚI SAU HƠN BA THẾ KỶ

(Chia sẻ nhân Lễ Khai mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 19/06/2018)

Hôm nay, 19/6/2018 Giáo Hội Việt Nam long trọng khai mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hình ảnh của các Thánh Tử Đạo như sống lại trong tôi, những con người chất phác, nghèo khó, đơn sơ, chân thành; những con người can đảm, giàu lòng hy sinh và trung kiên với đức tin. Trong cơn gian nan bị bách hại bị bắt bớ các ngài là những con người hòa bình, không quá khích, không bạo động, có những vị là quan của triều đình một lòng trung thành với vua, yêu đất nước. Chỉ vì tin vào Đức Kitô mà các ngài bị bắt bớ bị giam cầm, bị tra khảo, bị đánh đập và bị giết chết dưới nhiều hình thức. Trong cơn đau đớn các ngài âm thầm chịu đựng vì Chúa và làm theo Lời Chúa dạy. Tôi tình cờ xem vidéo clip chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc Lụa ở Sài Gòn bị công an bắt hôm nay và bị đưa về đồn công an phường Bến Nghé. Xin được chia sẻ lời kể của chị như một lời chứng.

1. Câu chuyện của chị Lụa
Kết thúc thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam khoảng 7g45 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, chị ra trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện. Khoảng năm phút sau có bốn người công an đến bắt chị. Chị hỏi các anh là ai mà bắt tôi? Họ trả lời: mày phải về đồn công an. Tên công an tát cho chị một cái rồi bắt chị lên xe đưa về đồn. Chị chứng kiến có khoảng mười người lúc ấy ở đồn nhưng một lúc sau xe buýt chở người đến đông thêm, rất đông có khoảng 150 người, công an cũng tới đông. Chị nói công an bắt người đem đến đồn như một cái chợ không có luật lệ. Chúng nó cải cọ, chửi bới, cấp trên chửi cấp dưới, cấp dưới cải cọ với nhau, có một tên công an đứng ra vỗ ngực xưng tên: ở đây là phải nghe tao, không nghe thằng nào hết. Họ dùng những lời lẽ rất thô tục để chửi những người họ bắt được, những người đáng bậc cha mẹ họ cũng gọi bằng "mày" hết. Cả những người công an nữ cũng dùng những lời lẽ thô bỉ để chửi mắng những người phụ nữ. Chị chứng kiến công an đánh anh Trịnh Toàn cùng bị bắt hôm đó. Một tên công an dùng cái mũ bảo hiểm của anh đánh lên đầu anh một cái anh té ngã xuống đất ngay lập tức, chị Loan vợ anh chạy tới ôm anh thì nó đá chị một cú vô hông chị cũng ngã xuống xĩu luôn. Thấy vậy, chị Lụa chạy lại chỗ hai người kêu khóc các anh đừng đánh người, tại sao các anh đánh ngừoi, nó xô chị ra. Rồi bọn công an lôi anh vào phòng tiếp tục đánh anh, anh kêu lớn cứu tôi với! công an đánh tôi, cứu tôi với! công an đánh tôi, chị nghẹn lời chỉ còn biết cầu nguyện xin Chúa gìn giữ anh. Chị vừa khóc vừa nói các anh tại sao lại đánh người Việt của mình, tại sao không đương đầu với những người Trung quốc? hãy thả anh ấy ra, các anh coi người Việt cùng máu mủ như kẻ thù. Mọi người trong phòng bị bắt lúc đó cũng đứng lên kêu họ ngừng đánh anh Trịnh Toàn nhưng công an dùng dùi cui quất tới tấp với những người lên tiếng ở đó, và nói tụi mày chống phá hả, tụi mày ngồi xuống!!! Tiếp đó, chị thấy họ dẫn ra một tốp những người thanh niên mặt mày đầy máu, có ngừoi mặt sưng húp vì bị đánh, nghĩa là họ dẫn vào phòng của họ và đánh đập trước hết, hễ ai có thái độ đứng lên phản đối tức thì họ bị công an đánh đập bắt ngồi xuống. Chị nói những người bị bắt ở đây có rất nhiều người công giáo, mình bị họ bắt bớ, đánh đập chỉ vì hòa bình, vì công lý, vì sự thật, vì yêu quê hương, đất nước. Con thấy như một cuộc bách hại. Sáng nay con đi lễ trong bài giảng trong thánh lễ cha nói về cuộc bách hại đạo.
Thấy chị Lụa cầm tràng Hạt đọc kinh, tên công an lôi chị riêng ra rồi hỏi mầy cầm cái gì đó? nó bắt chị đưa cho nó, chị trả lời Chúa của tôi, nó hỏi Chúa của mày là ai? Chúa của tôi là sự thật! Sự thật hả! Rồi nó tát chị một cái. Chị bắt đầu đọc kinh, giờ con chỉ biết cầu nguyện thôi không làm được gì. Khi nghe tiếng đánh đập người trong phòng trong con cảm thấy đau xót như họ đánh mình vậy... và kêu gọi mọi người đọc kinh cầu nguyện cho những anh chị em ở đây, xin Chúa ban cho họ can đảm và gìn giữ họ. Nghe họ đọc kinh, công an liền nói ở đây mà tụi mày còn đọc kinh hả! Có một chị bị bắt ở Đồng Nai, công an lôi chị vào phòng đánh chị gãy răng và miệng chị đầy máu, nhưng chị không phun máu ra ngoài chị nuốt luôn cái răng bị gãy và máu vào bụng. Chị nói nó đánh gãy răng chị rồi em nhưng chị nuốt cái răng với máu vô bụng rồi, đây là máu cao quý của người Việt Nam chị không để nó rơi ra ngoài. Chị rất can đảm và mạnh mẽ.
Rồi chị Lụa xin mọi người cùng đọc với chị một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh để cầu nguyện cho những người công giáo và ngay cả không công giáo đang bị bắt, được sự bình an. Cầu xin cho đất nước thoát khỏi sự dữ. Chị  cũng xin Chúa tha thứ cho những người công an đã bắt bớ đánh đập chị và mọi người bị bắt. Xin Chúa hoán cải lòng họ trở về với dân.

2. Hành xử cách côn đồ trong một xã hội văn minh
Tôi thật sự đau xót khi xem clip chị kể lại. Tôi cầu nguyện cho chị, cho những anh chị em tín hữu công giáo hay không công giáo đang gặp cảnh bắt bớ, đánh đập. Họ là những người dân trong tay không một tấc sắt, chỉ vì họ biểu tình một cách ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước, nói lên bức xúc của người dân trước việc đất nước có nguy cơ mất chủ quyền. Bởi vì nhà nước chuẩn bị ký dự luật đặc khu kinh tế cho Trung quốc thuê đất 99 năm ở ba trọng điểm chiến lượt của đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quôc và dự luật an ninh mạng. Thật ra chính quyền đã nhượng bộ nhiều đã để người Trung Quốc vào Việt nam mua đất, xây dựng nhà cửa, nhà hàng, cơ quan khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ Tây Nguyên tới đồng bằng, từ đất liền ra biển đảo.
Trong khi thế giới đang cùng nhau xây dựng nền văn minh, thì đất nước mình tụt hậu như vậy. Tại sao lại đánh đập ngừoi dân nước mình, tại sao lại hành xử cách côn đồ và thiếu văn minh. Khi bắt người cần có lệnh bắt không dùng luật rừng, không tùy tiện. Đất nước có luật pháp thì xin hành xử theo pháp luật. Ai có quyền đánh ngừoi dân khi họ không có bạo động không quá khích. Những lời lẽ thô bỉ thiếu văn hóa lại được chính những người thi hành công vụ xử dụng để nói với dân. Anh không được xúc phạm đến tôn giáo của ngừoi khác, đó là quyền tự do tôn giáo mà hiến pháp đã quy định. Xúc phạm đến tôn giáo rõ ràng là hành vi vi hiến.
Xin các thánh Tử Đạo Việt nam gìn giữ bảo vệ những người con của các thánh Tử Đạo. Hôm nay, họ đang bắt đầu cuộc tử đạo mới trên chính mảnh đất thân yêu, mà hơn ba thế kỷ trước các thánh Tử Đạo đã anh dũng làm chứng cho đức tin. Tôi mường tượng cảnh của người dân bị công an bắt bớ, đánh đập, dày xéo hôm nay chẳng khác nào cảnh hỏa ngục. Những con người lương thiện bị bắt vào giữa bầy quỹ dữ gào thét, cãi cọ, chửi bới những lời lẽ gớm ghiết thô tục, bạo lực, chà đạp trên nhân phẩm của con người. Cảnh mà xưa kia chính các thánh Tử Đạo cũng đã từng trãi qua. Tôi đọc hạnh cách thánh Tử Đạo thấy các ngài bị quan quân bắt, giam vào tù ngục, rồi bị đánh đập, bị chửi mắng, bị thích lên mặt hai chữ "tả đạo", có những người bị dụ dỗ bước qua thập giá như các thánh Đaminh Ninh, Giuse Túc. Thánh Guse Khang, thánh Giuse Ngôn bị đánh đòn đến ngất xỉu trong tù...họ bị chặt đầu, bị thiêu sống, bị siết cổ, bị phanh thây, bị bêu riếu đánh đòn, làm nhục trên các con phố như trường hợp thánh Hồ Đình Hy. Rõ ràng là nhân phẩm bị chà đạp đến cùng cực. Nhưng các thánh vẫn can đảm chịu mọi cực hình sĩ nhục và trung kiên với đức tin. Suy niệm Tin mừng của Chúa Giêsu trong tuần này cũng thật trùng hợp: "Các ngươi đã nghe bảo người xưa hãy yêu mến thân nhân và ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các ngưoi hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi" (Mt 5, 43-44). Xin Chúa tha thứ cho họ. Họ đang lầm đường lạc lối mà không biết, xin đưa họ về đường chính nẻo ngay.

3. Sống tinh thần các Thánh Tử Đạo
Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu như Ngài đã yêu, sống như Ngài đã sống "ai vả má bên phải của con, hãy đưa má bên kia nữa. Ai đoạt áo trong của con, hãy đưa cho nó cả áo khoát. Ai bắt con làm phu đi một dặm, hãy đi với nó hai dặm" (Mt 5, 38-41). Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu thương và tha thứ. Quá khích và bạo động không phù hợp với Tin Mừng. Sống Tin Mừng giữa những bấp bênh và nghịch cảnh của đất nước hôm nay người Kitô hữu cần sống tinh thần của các thánh Tử Đạo: ôn hòa, nhẫn nại, can đảm, hy sinh, kiên trung. Là công dân của nước Việt nam các thánh Tử Đạo đã nêu cao lòng dũng cảm, yêu đất nước, tận tụy lo dân nước như thánh Micae Hồ Đình Hy, quan Thái Bộc dưới triều vua Tự Đức. Những người ghen tức ông xin truất chức ông, vua Tự Đức trả lời: "Không thể truất chức ông được, vì ông đã chu toàn trách nhiệm một cách đáng khen có lẽ trẫm còn phải tăng lương bổng cho cân xứng với việc ông làm". Chưa ai giữ chức ấy được hai năm. Đến nay, trẫm chưa có gì phải phiền trách ông ta"[1].

4. Tử đạo ngày hôm nay
Ngày hôm nay, con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ tiếp bước cha ông khi họ nổ lực sống tinh thần Tin Mừng; nổ lực xây dựng hòa bình. Khi họ tích cực đóng góp vào việc xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương; khi họ phải đấu tranh cho công lý và hòa bình; khi họ phải can đảm sống sự thật giữa bao điều dối trá, cả những lúc họ chịu nhiều đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần vì mục đích cao thượng nhằm phát triển cộng đồng nhân loại trên mọi phương diện: tự do, hạnh phúc, nhân quyền, giáo dục, y tế, chính trị, xã hội, tôn giáo... . Không có thành công nào mà không phải trả giá bằng gian nan, khổ cực, nước mắt và cả máu nữa. Không có nền độc lập của nước nhà, nếu như không có những giọt máu trên chiến trường của tất cả các chiến sĩ đã hy sinh. Sẽ không có Giáo Hội Việt Nam như hôm nay, nếu không có những đau khổ, hy sinh và máu các Thánh Tử Đạo đã đổ ra. Vì vậy, để vươn lên, để sống còn, lẽ nào đất nước Việt Nam, Giáo Hội Việt nam hôm nay lại không đi qua con đường đó.
Trong giai đoạn hiện tại, chính quyền csVN đã có quyết tâm dùng bạo lực để trấn áp những người biểu tình cách ôn hòa vì lòng yêu nước. Họ bắt giam đánh đập tùy tiện với chủ trương khủng bố tinh thần. Có thể có một cuộc bách hại lớn lao trên toàn Giáo Hội Việt nam với từng cá nhân, những người công giáo âm thầm bị xé lẽ hay trên quy mô lớn. Càng ngày càng lộ rõ bản chất khiếp nhược của chính quyền trước Trung Quốc nhưng lại hành xử côn đồ đối với ngừoi dân. Người dân Việt Nam, người công giáo Việt Nam cần đoàn kết lại và phải can đảm trả giá bằng những hy sinh, bằng nước mắt và máu mới có thể giữ vững bờ cõi và đem lại nền độc lập thật sự cho dân tộc. Trước tình hình này các vị mục tử cần theo dõi bảo vệ cho người giáo dân trước những cuộc đàn áp và bắt bớ. Nếu cần, xin lên tiếng để bảo vệ quyền tự do của người dân, lên tiếng về những bất công xã hội. Các quyền tự do căn bản của ngừoi dân đã bị "đánh cắp" qua dự luật an ninh mạng: Tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, tự do báo chí. Từ nay nhà cầm quyền ra sức sách nhiễu dân chúng, tự tung tự tác mà luật an ninh mạng như là vũ khí để bảo vệ những sai trái của chính quyền và sẽ bóp nghẹt tiếng nói của ngừoi dân.
Cũng cần cảnh báo rằng nhà cầm quyền sẽ một mặt siết chặt, theo dõi những cuộc lễ nghi tôn giáo đông người, theo dõi những cá nhân bất đồng chính kiến, cả những người công dân lẫn những vị lãnh đạo Giáo Hội. Với những người công dân thấp cổ bé miệng thì họ dễ dàng bắt bớ, đánh đập khủng bố tinh thần; với những Linh mục hay Giám Mục họ sẽ cô lập, làm áp lực với cấp trên để buộc vị đó nghỉ việc về hưu non; mặt khác chính quyền sẽ tìm cách tiếp cận với các vị lãnh đạo Giáo Hội, bằng cách gây thân thiện, tặng quà cáp, những cuộc mời mọc giao lưu để làm lu mờ ý chí, tìm cách làm cho các vị lãnh đạo Giáo Hội có một sự thỏa hiệp nào đó bất thành văn để an thân mà không còn có thể lên tiếng trước những bất công xã hội, trước an nguy tồn vong của Đất Nước. Trong một chuyến viếng thăm tại Braxil, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".
Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt nam, gìn giữ mọi thành phần Dân Chúa được luôn trung thành theo Chúa Kitô, can đảm làm chứng cho Chúa cho dù gặp thử thách, gian nan, đau khổ; đồng thời nói không với thỏa hiệp chỉ vì sự an thân, dễ dãi hay một chút lợi quyền để gióng lên tiếng nói cho công lý, cho hòa bình, cùng thao thức với mọi người dân trước vận mệnh của đất nước.

Giang Hương Trà






[1] Lm. Vinh Sơn Bùi Đức Sinh O.P, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong llịch sử Giáo Hội Công Giáo, NXB Veritas Edition, San Jose. 2012, 240.






[1] Lm. Vinh Sơn Bùi Đức Sinh O.P, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong llịch sử Giáo Hội Công Giáo, NXB Veritas Edition, San Jose. 2012, 240.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét