Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Huyền thoại “BÔNG HOA NHỎ”

 

HUYỀN THOẠI “BÔNG HOA NHỎ”

(Dâng kính Thánh nữ Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu)

 

Giữa khu vườn trăm hoa khoe sắc,

“Anh” tìm “em” chẳng biết phương nào ?

Cũng phải thôi, cuối vườn lặng lẽ,

Một mình em dáng nhỏ xanh xao !

 

Thì ra “em” là “Bông Hoa Nhỏ”,

Hoa dại của vùng “Nót-Man-di”,

Ven đường “Li-si-ơ” hay đầu ngõ,

Hoa quê nên chẳng sắc hương gì !

 

Nhưng rồi khi “Mặt trời” chợt đến,

Nắng hồng lên sưởi ấm vườn xuân,

Đài hoa em bây giờ chợt thắm,

Cảm ơn Trời, giọt nắng bâng khuâng !

 

Trời đã thấy “em” và nắng dọi,

Nào có quên “cỏ nội hoa đồng” !

Nên em đã “chong đèn ngóng đợi”,

Mang “em” về trang điểm thánh cung.

 

Và “cánh hoa quê” từ dạo ấy,

Khoác màu tươi dịu ướp hương nồng.

Em vẫn chọn âm thầm lặng lẽ,

Giữ màu hoa nghèo khó tinh trong.

 

Nắng vẫn lên và sương lại xuống,

Trong vườn kín nghe vọng kinh chiều.

Khóc vu vơ, nụ cười lắng đọng…

Tình cho “Anh” biết đếm bao nhiêu !

 

Chẳng biết bao giờ “Anh” mới gọi,

Nhưng đường “em” chọn “nhỏ bé thôi”,

Một chút hy sinh, tình thơ dại,

Làm “bông hoa nhỏ” để lên trời !

 

Hăm bốn xuân xanh “Bông Hoa Nhỏ”,

Ngày “em” lìa thế bước lên trời,

Cơn mưa hoa hồng rơi trên cỏ,

Đường “em” đi bỗng hoá rạng ngời !

 

Sơn Ca Linh (1.10.2021)

 

 

Đọc tiếp »

Hướng đến tiến trình hiệp hành Đức Thánh Cha đề xướng

 

Hướng đến tiến trình hiệp hành Đức Thánh Cha đề xướng

G. Trần Đức Anh, O.P


Chỉ còn 2 tuần nữa, Chúa nhật 10/10, tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc với thánh lễ tại Vatican theo chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham dự và sứ vụ”. Tiến trình này sẽ được khai mạc ở các giáo phận vào Chúa nhật 17/10 sau đó và chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sẽ nhóm tại Roma vào tháng 10 năm 2023.

Quan tâm lớn của Đức Thánh Cha

Một trong những mối quan tâm lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay là làm sao đưa Giáo Hội hoàn vũ đi vào tiến trình hiệp hành vì ngài xác tín tính hiệp hành (sinodalità) thuộc về bản chất của Giáo Hội và tiến trình này có thể giúp Giáo Hội ra khỏi khủng hoảng và hăng say chu toàn sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó.

Với các Hồng Y cố vấn

Mối quan tâm này ngày càng được Đức Thánh Cha biểu lộ trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, chiều thứ ba 21/9 vừa qua, ngài đã họp trực tuyến với Hội đồng 7 vị Hồng Y cố vấn trong vòng 2 giờ: Trong lời dẫn nhập ngắn, Đức Thánh Cha đã nói về Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 16 về tính hiệp hành. Ngài cũng nhắc đến hai diễn văn chính được coi là chủ yếu trong tư tưởng của ngài về Thượng Hội Đồng Giám Mục: trước tiên hồi năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập cơ chế Thượng Hội Đồng Giám Mục, và gần đây, hôm thứ Bảy 18/9 vừa qua, khi nói với giáo phận Roma. Sau đó, các Hồng Y cố vấn đã góp ý về một số khía cạnh nói lên sự cần thiết của sự đồng hành, đối thoại và lắng nghe, đặc biệt tại đất nước của các vị, để vượt thắng thái độ phe phái và việc tìm kiếm những lợi lộc riêng.

Trước đó, ngày 24/6 năm nay, trong cuộc họp trực tuyến với các Hồng Y Cố vấn, Đức Thánh Cha tái khẳng định tầm quan trọng của tiến trình hiệp hành ở cấp giáo phận và quốc gia, làm sao để tiến trình này phản ảnh trong một tiến trình rộng lớn hơn mà Văn phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục đã khởi xướng trong những tuần lễ trước đó.

Giải thích tính hiệp hành

Nhưng sinodo và sinodalità là gì? Cho đến nay, đối với nhiều người, từ Sinodo được hiểu là hội nghị các đại diện Linh Mục, các tu sĩ và giáo dân do Đức Giám mục giáo phận triệu tập để bàn luận về những vấn đề của Giáo Hội địa phương. Lên đến cấp cao hơn là Thượng Hội Đồng Giám Mục là khóa họp các đại biểu của các Hội Đồng Giám Mục, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số đại diện khác của các thành phần dân Chúa để bàn về các vấn đề của Giáo Hội hoàn vũ.

Trong khi đó, nơi các Giáo Hội Chính Thống hoặc Công Giáo Đông phương, “Santo Sinodo”, Thánh Hội Đồng, là cơ quan cai quản Giáo Hội gồm vị Thượng Phụ hoặc tương đương, cùng với các Giám Mục thành viên được bầu lên. Trong Hội đồng này, Đức Thượng Phụ cũng chỉ có 1 phiếu như các giám mục thành viên khác.

Đối với nhiều Giáo Hội Tin Lành khác, như Giáo Hội Valdese ở Ý, Sinodo là khóa họp lập pháp thường niên của tất cả các mục sư với các thành viên giáo dân được bầu, để ban hành các qui luật, cũng như điều hành Giáo Hội.

Từ Sinodo theo Đức Thánh Cha Phanxicô

Nguyên ngữ Hy lạp của từ Sinodo có nghĩa là “đồng hành”, cùng đi, và ý nghĩa này thường được Đức Thánh Cha sử dụng, đặc biệt ngài nhấn đến từ Sinodalità, tính hiệp hành.

Chẳng hạn trong diễn văn dài 40 phút với 4 ngàn đại biểu của Giáo phận Roma hôm 18/9/2021, Đức Thánh Cha giải thích “sinodalità”, sự đồng hành, như một lối sống và hành động của Giáo Hội: lắng nghe nhau và có thái độ mục vụ, đặc biệt đứng trước cám dỗ của chủ nghĩa duy giáo sĩ và thái độ cứng nhắc.

Đức Thánh Cha nói: “đề tài hiệp hành, sinodalità hay đồng hành, không phải là một chương trong khảo luận Giáo hội học, và càng không phải là một kiểu thời trang, một khẩu hiệu hay một từ ngữ mới cần sử dụng hoặc lèo lái trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Không phải vậy, sinodalità biểu lộ bản chất của Giáo Hội, hình thể, kiểu sống và sứ mạng của Giáo Hội.” Và Đức Thánh Cha dựa vào sách Tông Đồ công vụ, với nhiều giai thoại để chứng tỏ Giáo Hội là đồng hành.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Trong tiến trình hiệp hành, giai đoạn giáo phận rất quan trọng, vì thực hiện sự lắng nghe toàn thể các tín hữu đã chịu phép rửa [...].”

Ngài nhận xét: có nhiều đối kháng chống lại việc vượt qua hình ảnh một Giáo Hội được phân biệt cứng nhắc giữa các thủ lãnh và những người bề dưới, giữa người giảng dạy và người phải học hỏi, mà quên rằng Thiên Chúa muốn đảo lộn các vị trí: “Ngài lật đổ những người cường quyền khỏi tòa cao, và nâng cao những người hèn mọn” (Lc 1,52). Việc đồng hành khám phá chiều ngang của Giáo Hội hơn là chiều dọc. Giáo Hội đồng hành tái lập chân trời từ đó mặt trời của Chúa Kitô mọc lên: dựng lên những đền đài phẩm trật có nghĩa là che phủ mặt trời Chúa Kitô. Các mục tử bước đi với dân, khi thì đi trước, khi thì đi giữa, lúc thì đi sau. Đi trước để hướng dẫn, đi giữa để khuyến khích và không quên mùi của đoàn chiên, đi sau vì dân có “mũi”, có khứu giác trong việc tìm ra những con đường mới để đi, hoặc để tìm lại con đường đã lạc mất”.

Những hiểu lầm

Sự kiện Đức Thánh Cha nói đến sự can dự của toàn thể dân Chúa vào tiến trình hiệp hành khiến cho một số người cho rằng đây là một chủ trương “dân chủ hóa Giáo Hội”, và họ quan niệm hiệp hành hay Thượng Hội Đồng Giám Mục là một thứ “nghị viện” của Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã hơn 1 lần bác bỏ quan niệm này.

Mới đây, Đức Cha Maurice Muhatia, Giám mục giáo phận Nakuru kiêm Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Kenya, cũng ghi nhận có sự hiểu lầm ngày càng nhiều về việc đưa giáo dân tham gia vào tiến trình quyết định trong Giáo Hội. Trong cuộc hội luận trực tuyến hôm 18/9, Đức Cha nói: “Sự can dự của giáo dân vào việc đưa ra quyết định không có nghĩa là chúng ta đang cổ võ một Giáo Hội dân chủ. Tiến trình hiệp hành cho một Giáo Hội đồng hành đòi phải diễn ra trong cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội. Ý thức rõ về điều ấy rất quan trọng để tránh những hiểu lầm.”

Đức cha Muhatia giải thích rằng: Chúng tôi đã nghe vài người nói về một Giáo Hội dân chủ; một số người khác nói về một chế độ nghị viện được du nhập vào Giáo Hội. Tất cả những điều này là điều xa lạ, và Đức Thánh Cha không hiểu như vậy.” Chủ ý của Đức Thánh Cha là muốn có sự can dự nhiều hơn của dân chúng vào những gì đang diễn ra trong Giáo Hội. Cần tránh hiểu lầm về vấn đề này.

Một giải thích đơn sơ

Hôm 16/9 vừa qua, Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, nữ tu Nathalie Becquart, giải thích một cách đơn sơ cho các phụ nữ Công Giáo và tín hữu Ba Lan về từ “tính hiệp hành”, Sinodalità, là chuyển tiếp từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”.

Nữ tu Becquart đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu tính hiệp hành mà Đức Thánh Cha muốn Giáo Hội thi hành: ví dụ trong một giáo phận, tính hiệp hành hệ tại luôn đồng hành với nhau, và một người không thể tự mình quyết định mà không tham khảo ý kiến người khác, các Linh Mục phải tham khảo ý kiến giáo dân. Hiệp hành là đi từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”. “Chúng ta” ở đây là mọi tín hữu đã chịu phép rửa. Đây là định nghĩa ngắn nhất về “Tính hiệp hành”.

Trong cuộc hội luận, nữ tu Becquart trả lời câu hỏi làm sao để các giáo phận nghe tiếng nói của giáo dân, và sơ nói rằng quan tâm và lắng nghe tiếng nói của giáo dân là điều rất quan trọng, nhưng đây vẫn còn là con đường mở ngỏ trong Giáo Hội. Đối với thành phần giáo phẩm của Giáo Hội, đây là điều mới mẻ và ta không lạ gì khi có những người tỏ ra lo sợ về điều này. Trong thực tế, cần tìm ra một phương thế, một con đường để chia sẻ kinh nghiệm như vậy. Điều này đòi phải có một kinh nghiệm chung cho cả giáo dân và giáo sĩ, một kinh nghiệm đối thoại và cởi mở. Hàng giáo sĩ phải tiến đến con đường đối thoại và cảm nghiệm nó. Vai trò của linh mục và giáo sĩ sẽ không thay đổi xét về cơ cấu của Giáo Hội, nhưng nó phải thay đổi khi họ bắt đầu lắng nghe dân chúng trong Giáo Hội. Thách đố mới ngày nay là tái khám phá sự phong phú trọn vẹn của những người họp thành Giáo Hội, điều này chỉ có thể qua sự lắng nghe nhau và để cho mọi người khác được lắng nghe, cố gắng để được lắng nghe”. (Kai 15/9/2021)

G. Trần Đức Anh, O.P (vatican news 30/09/2021)

 

 

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Hướng dẫn rút gọn bài viết trên trang chủ blogger

 Hướng dẫn rút gọn bài viết trên trang blogger


Làm thế nào để rút gọn bài viết trên trang chủ Blog với một ảnh thumbnail ngay bên trái và một nút "Read more" (Đọc tiếp) ngay bên dưới nội dung rút gọn như mô tả trong hình blog dưới đây.

Tôi đã tìm đọc nhiều bài viết nói về cách rút gọn bài viết trên trang Blog, rồi thực hành theo nhưng lại không được.Vì vậy tôi tìm kiếm tổng hợp lại nhiều nguồn khác nhau, thử nhiều lần và tìm được giải pháp tốt nhất sau khi đã làm được trên blog của mình, xin được chia sẻ sau đây:






Bước 1: Mở khung soạn thảo HTML của blogger.
Đăng nhập vào blog của bạn. Vào phần Design >> Tìm đến Template >> Edit HTML


Bước 2: Vào HTML đánh Ctrl + F Tìm thẻ ]]></b:skin> 
Chèn đoạn mã dưới đây vào trước (phía trên) ]]></b:skin>


.readmore {

float:right;

margin:5px 20px 5px 0px;

padding:3px;}

.readmore a{

color:#fff;

padding:3px 5px 3px 5px;

background:#fc8b33;

}

.readmore a:hover{

color:#fff;

background:#000ff;}

Bước 3: Hiển thị bài viết dạng rút gọn
Tiếp tục như trên ở HTML bấm Ctrl + F để tìm đoạn mã sau:

<data:post.body/>

Sẽ có hai đến ba vị trí chứa đoạn mã này. Bạn tìm đến vị trí thứ hai. Và thay đoạn mã trên bằng đoạn mã mới như sau:


<b:if cond='data:blog.pageType != &quot;static_page&quot;'>
<b:if cond='data:blog.pageType != &quot;item&quot;'>
<div expr:id='&quot;summary&quot; + data:post.id'><data:post.body/></div>
<script type='text/javascript'>createSummaryAndThumb(&quot;summary<data:post.id/>&quot;,&quot;<data:post.url/>&quot;,&quot;<data:post.title/>&quot;);</script>
<span class='readmore' style='font-weight:bold;padding:5px;float:right;'><a expr:href='data:post.url'>Đọc tiếp &#187;</a></span>
</b:if>
</b:if>
<b:if cond='data:blog.pageType == &quot;item&quot;'><data:post.body/></b:if>
<b:if cond='data:blog.pageType == &quot;static_page&quot;'><data:post.body/></b:if>


Bước 4: Xác định kích thước ảnh thumbnail và nội dung tóm tắt bài viết
Làm tương tự như trên. Ctrl + F Tìm đến dòng: </head>

Ngay phía trên dòng này, dán vào đoạn code sau:


<script type='text/javascript'>
posts_no_thumb_sum = 400;
posts_thumb_sum = 310;
img_thumb_height = 140;
img_thumb_width = 170;
</script>
<script type='text/javascript'>
//<![CDATA[
function removeHtmlTag(strx,chop){
if(strx.indexOf("<")!=-1)
{
var s = strx.split("<");
for(var i=0;i<s.length;i++){
if(s[i].indexOf(">")!=-1){
s[i] = s[i].substring(s[i].indexOf(">")+1,s[i].length);
}
}
strx = s.join("");
}
chop = (chop < strx.length-1) ? chop : strx.length-2;
while(strx.charAt(chop-1)!=' ' && strx.indexOf(' ',chop)!=-1) chop++;
strx = strx.substring(0,chop-1);
return strx+'...';
}
function createSummaryAndThumb(pID, pURL, pTITLE){
var div = document.getElementById(pID);
var imgtag = "";
var img = div.getElementsByTagName("img");
var summ = posts_no_thumb_sum;
if(img.length>=1) {
imgtag = '<span class="posts-thumb" style="float:left; margin-right: 10px;"><a href="'+ pURL +'" title="'+ pTITLE+'"><img src="'+img[0].src+'" width="'+img_thumb_width+'px" height="'+img_thumb_height+'px" /></a></span>';
summ = posts_thumb_sum;
}
var summary = imgtag + '<div>' + removeHtmlTag(div.innerHTML,summ) + '</div>';
div.innerHTML = summary;
}
//]]>
</script>
<b:if cond='data:blog.pageType != &quot;static_page&quot;'>
<b:if cond='data:blog.pageType != &quot;item&quot;'>
<style type='text/css'>
.post-footer {display: none;}
.post {margin-bottom: 10px; border-bottom: 1px dotted #E6E6E6; padding-bottom: 20px;text-align:justify}
 .readmore a {text-decoration: none; }
</style>
</b:if>
</b:if>

Lưu ý: 

- Bạn có thể thay đổi số lượng ký tự hiển thị trên trang chủ bằng cách thay đổi giá trị 400 (khi không có ảnh thumbnail) và 310 (khi có ảnh)

- Để thay đổi kích thước ảnh: ta chỉ cần đổi giá trị 140 (cao) và 170 (rộng).

- Quan trọng:  Bạn lưu lại Theme blog của bạn trước khi chỉnh sửa HTML, Trường hợp làm đầy đủ mà kết quả vẫn không thấy gì. Bạn Recover lại theme và thực hiện lại hai bước sau, bỏ bước 2. Vì có một số Theme mẫu không cần bước 2.

Bước 5. Save và mở lại trang Blogger để xem kết quả

Giang Hương Trà


Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Corona Virus -Video

Tổng hợp video nhận định, phân tích, tìm hiểu sự thật về Corona Virus




1. Phim Tài Liệu: Vụ Che Đậy Thế Kỷ (về Virus Vũ Hán)

2. Thử nghiệm bí mật về Virus Corona của Trung Quốc

 

 3. Tiến Sĩ Li-Meng-Yan (Diêm Lệ Mộng) tiết lộ sự thật về Virus Viêm phổi Vũ Hán


4. Tiến sĩ Diêm Lệ Mông tiết lộ: 
WHO thông đồng với đảng CS Trung quốc che dấu dịch bệnh Covid-19
 

5. Có bằng chứng lớn - Virus Corona từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

 

6. Có bằng chứng lớn: Virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
- quan chức Mỹ


7. Virus Corona tiết lộ bí mật đen tối của đảng CS Trung quốc

Đọc tiếp »

CN 26 Tn B - TỪ BAO DUNG ĐÓN NHẬN ĐẾN QUẢNG ĐẠI SẺ CHIA

 

TỪ BAO DUNG ĐÓN NHẬN ĐẾN QUẢNG ĐẠI SẺ CHIA

(CHÚA NHẬT 26 TN B 2021)

 

            Trong cái thời đại dịch mà gần như ai cũng hoang mang, lo sợ; thậm chí có nhiều người hoảng loạn, thất vọng và nguyền rủa…, thì đâu đó vẫn sáng lên những hình ảnh đẹp của sự chia sẻ yêu thương, của tinh thần liên đới phục vụ đầy quả cảm, hy sinh, vị tha, quảng đại; cả trên bình diện thế giới giữa nhiều quốc gia, lẫn trong những mối tương quan bà con xa gần trong nước, thành phố, hay nơi chòm xóm láng giềng….Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” của cách ly dịch bệnh tại Sài Gòn, hình ảnh của nữ tu Công Giáo Maria Hồng Quế, bên cạnh những những Phật tử như cô Đào, Đại đức Thích Lệ Ngôn hay mục sư Tin Lành Phạm Đình Nhẫn cùng sát cánh bên nhau mang lương thực sẻ chia đến những căn hộ đói khổ, nghèo nàn, đã rực sáng lên như những “viền bạc” của tình liên đới giữa đám mây đen tối cả cách ly. Quả thật, như câu ngạn ngữ của người Tây phương: Every dark cloud has a silver lining” (Mỗi đám mây đen đều có một viền bạc). Chính trong cái nhìn tích cực và đầy hy vọng đó mà có nhiều người đã cho rằng: Con virus Covid đã mang con người lại gần nhau hơn, liên đới hơn, quý trong mạng sống hơn, khiêm tốn hơn trước những giới hạn và bất lực của phận người…

            Thật vậy, thế giới nầy đã trải qua bao nhiêu trận dịch kinh hoàng, những sóng thần bão lũ, động đất hoả hoạn, hay những cuộc chiến tranh tàn khốc…, nhưng rồi, thế giới vẫn tồn tại, phát triển, văn minh… Chắc chắn, ngoài những yếu tố “thuộc linh”, căn nguyên để thế giới nầy khỏi bị diệt vong đó chính là sự chung ta góp sức, liên đới hiệp thông của nhiều người thành tâm thiện chí, của những công dân địa cầu đón nhận nhau, hợp tác với nhau và bao dung lẫn nhau.

            Và đó chính là trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mà chúng ta được gọi mời lắng nghe, đón nhận và đem ra thực hành.

            Thật vậy, Thánh Kinh Cựu ước qua trích đoạn sách Dân Số nới Bài đọc 1, Dân Israel xưa đã bị cám dỗ hình thành một cộng đoàn khép kín, cục bộ; não trạng trần tục nầy đã được minh hoạ qua nhân vật Giosuê: Giosuê muốn bịt miệng hai ông Enđát và Mêđát, chỉ vì hai ông nầy nói tiên tri mà không chính thức có mặt trong hàng 70 kỳ mục: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Nhưng Thiên Chúa đã ứng xử hoàn toàn khác. Ngài đã truyền đạt một sứ điệp bao dung qua lời phát biểu của Môsê: Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”. Vâng, “phen bì”, “đố kỵ”, “loại trừ”… không có chỗ trong phạm trù “Lòng Thương Xót”; và vì thế cũng không có chỗ nơi một “đoàn dân ưu tuyển” phát xuất từ chính lòng thương xót đó !

            Rồi sang giai đoạn Tân ước, các “cột trụ” của cộng đoàn Hội Thánh Chúa Kitô, một “đoàn dân ưu tuyển mới”, cũng suýt đi vào vết xe cũ cực đoan và bất khoan dung của Giosuê thời Xuất Hành: Gioan Tông Đồ đã cố ngăn cản những người không thuộc “Nhóm Mười Hai” nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.

            Thế nhưng, Chúa Giêsu không thiết lập một Giáo Hội “pháo đài”, khép kín; mà là một Hội Thánh Công giáo, là “cộng đoàn mở” đón nhận tất cả những ai được Thánh Linh tràn ngập và được Tin Mừng hướng dẫn. Thái độ của Mô-sê vào thời Xuất hành “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (BĐ 1) hay của Chúa Giêsu vào thời Tân Ước “Đừng ngăn cản người ta…Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (TM) đều qui hướng về một nội dung đức tin nền tảng: Ơn cứu độ dành cho hết mọi người và bất cứ ai cũng được Thiên Chúa mời gọi tiến bước trong chân lý cứu độ.

            Đây cũng chính là một trong những chiều kích thuộc căn tính sâu xa của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới sẽ chọn làm chủ đề: “Vì một Giáo hội mang tính đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”[1], một đặc tính mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh từ năm 2015, nhân dịp kỷ niệm “50 năm thiết lập cơ cấu Thượng Hội Đồng”: “… vì Giáo Hội chính là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì ta sẽ hiểu được rằng ở giữa lòng Giáo Hội, không ai tự cho mình vượt trội những người khác. Trái lại, trong Giáo Hội, mỗi người cần phải “hạ mình xuống” để phục vụ anh chị em trên nẻo đường hành lữ.”[2].

            Tất cả những gợi ý của Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh đó vẫn là một sứ điệp mang tính thời sự cho tất cả chúng ta. Vì ngay ở đây và bây giờ, trong cộng đoàn của tôi, trong gia đình của tôi, trong nhóm sinh hoạt của tôi… rất có thể đang tồn tại một thái độ bất khoan dung, khép kín của Giosuê, hay một tinh thần phe nhóm, loại trừ của Tông đồ Gioan… Có một điều không thể hoài nghi đó là: sự khoan dung, đón nhận, liên đới… bao giờ cũng mang lại hiệu quả tốt đẹp.

Người ta khẳng định rằng, sở dĩ đất nước Mỹ hùng cường, thịnh vượng, phát triển là do yếu tố quan trọng bậc nhất nầy: đất nước sẵn sàng đón nhận mọi dân tộc (Hợp chủng quốc); và có một bằng chứng lịch sử đầy thuyết phục về sự bao dung đó là: vẻ đẹp của ngày kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc: Toàn thể phe thắng trận Miền Bắc, từ Tổng thống Abraham Lincoln tới tướng U. Grant cùng toàn thể quân đội đều tỏ thái độ kính trọng, bao dung đối với phe bại trận Miền Nam: “Tất cả hàng ngũ quân miền Bắc khi đón tiếp quân bại trận miền Nam thì thay vì khinh bỉ hay kiêu ngạo, lại đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh, dùng nghi lễ quân sự trang nghiêm để bày tỏ sự kính trọng. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm…”[3].

            Từ thái độ khoan dung, đón nhận nhau trong đức ái, Lời Chúa hôm nay còn gọi mời chúng ta mang một nhãn quan mới để vừa khám phá những điều kỳ diệu trong những nhỏ nhặt đời thường, cái nhỏ nhặt như “một ly nước lã”, mà tri ân cảm tạ; cùng tránh mọi gương mù cho những kẻ yếu đuối, hay can đảm nói không trước mọi lôi kéo của dục vọng làm mất phúc thiên đàng, sự can đảm chỉ có được khi biết đặt mình trong khiêm hạ phó thác.

            Khi dùng những hình ảnh gợi hình như “cột cối đá vào cổ quăng xuống biển” cho kẻ gây gương mù, hay “chặt tay, chặt chân, móc mắt” để nói không với tội lỗi, chắc chắn Chúa Giêsu muốn giáo huấn của Tin Mừng phải được thể hiện bằng hành động cụ thể và mạnh mẽ, dứt khoát, chứ không thể chỉ là một ý tưởng suông mang tính mị dân hay giả hình, lý thuyết; giống như câu chuyện nhà thám hiểm O‘Reil, quyết chặt cánh tay ném lên bờ để trở thành chủ nhân của miền đất mới được khám phá[4].

            So với sự hy sinh của O’Reil để có được một mảnh đất hoang nhỏ bé trên bản đồ thế giới, thì với đòi hỏi của Chúa Giêsu để có thể chiếm hữu được Vương quốc Nước Trời, thì đâu có gì quá đáng. Thế nhưng để làm được chuyện nầy thật không phải là chuyện giản đơn. Tuy nhiên, với trái tim khiêm hạ, biết nhìn thấy Thiên Chúa và tình yêu hiến tặng trong những hành vi nhỏ nhặt đời thường, như một ly nước lã sẻ chia, hay nửa tấm áo choàng của Thánh Martino … thì điều đó lại trở nên khả thi và mang nét đẹp tuyệt vời; và còn hơn thế nữa, vì đó là tấm vé để đi vào Nước Trời. Vâng, chính Đức Kitô đã khẳng định như thế: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Amen.

 

Trương Đình Hiền

 

         



[1] DUC TRUNG VU CSsR, HĐHY Cố vấn thảo luận thượng hội đồng về tính đồng nghị (synodality), website https://gpbuichu.org/news/TIN-GIAO-HOI-HOAN-VU-73/hoi-dong-cac-hong-y-co-van-thao-luan-ve-thuong-hoi-dong-ve-tinh-dong-nghi-synodality-11826.html, đăng ngày 23.9.2021.

[2] PAPE FRANÇOIS, Discours du pape françois commémoration du 50e anniversaire de l'institution du synode des évêques, website http://w2.vatican.va/content/francesco/fr/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html

[3] AN HOÀ, Nội chiến và sự bao dung của người Mỹ, website https://trithucvn.org/van-hoa/tong-thong-abraham-lincoln-noi-chien-khong-co-nguoi-thang.html, đăng ngày 25.2.2021.

[4] Có một đoàn thám hiểm từ lục địa Châu Âu đi tìm đất mới. Và một trong những vùng đất mới đó là hòn đảo Ireland ngày nay – Nhà lãnh đạo của đoàn thám hiểm tuyên bố: “Ai đụng đất đầu tiên, sẽ là chủ toàn thể lãnh thổ”. Một người trong nhóm tên là O‘Reil quyết tâm dành được đất mới. Ông ráng sức chèo, nhưng một chiềc thuyền đối thủ rượt theo ông, bắt kịp ông rồi qua mặt ông. Ông có thể làm gì? Người đàn ông tinh thần mạnh mẽ, ý chí sắt đá nay buông mái chèo cầm lấy búa và chặt bàn tay trái liệng trên bờ. Như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới, và nó là của ông.

Đọc tiếp »

CN 25 tn B- NHỮNG NGƯỜI THẾ GIỚI ĐANG CẦN

 

NHỮNG NGƯỜI THẾ GIỚI ĐANG CẦN

(CN 25 Thường niên B 2021)

 

Trong các cuộc đua tài mang đẳng cấp quốc tế, thì sân chơi “Olympic” là nơi để các vận động viên toàn thế giới tìm kiếm chức vô địch về “Citius, Altius, Fortius” (Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn)[1]. Vâng, được “về nhất”, được “vô địch” là cả một vinh dự của một đời người. Riêng, với các vận động viên Trung Quốc, tấm huy chương vàng còn là “cái giá phải trả cho danh dự quốc gia”, một cái giá cao ngất ngưỡng mà người ta tính được là: một trăm triệu đô la cho một huy chương vàng[2].

          Không chỉ trong thể thao mà trong muôn lãnh vực đời thường cuộc sống, ai cũng muốn tìm cái nhất, cái vô địch, cái hơn người… ; và dĩ nhiên, ít có ai lại chọn nhận vào cho mình sự thất bại, phần yếu kém, hạng chót ! Đừng quên, chính “con rắn” nơi địa đàng đã cám dỗ hai ông bà Nguyên tổ: “Ngày nào các ngươi ăn nó thì các ngươi sẽ trở thành”người lớn nhất”, trở thành Thiên Chúa”. Không may cho loài người, Ađam và Eva đã bất kể lời của Thiên Chúa dạy bảo, luật của Thiên Chúa nghiêm cấm, đã ước mơ “làm đầu” nên đã kéo theo một nhân loại sa ngã thảm thương, đánh mất hạnh phúc của địa đàng ban sơ thánh thiện.  

          Và rồi, bài học đó cứ lặp đi lặp lại hoài trong lịch sử. Cain vì không muốn thua em là Aben trước con mắt Thượng Đế, nên sẵn sàng ra tay sát hại đứa em ruột giữa cánh đồng. Hêrôđê vì sợ mất quyền vương đế độc tôn bởi sự xuất hiện của em bé mới sinh ở Bêlem nên đã tàn nhẫn sát hại các trẻ  em ở Bêlem từ hai tuổi trở xuống… Hàng ngày trên thế giới, đã xảy ra bao nhiêu vụ án khiếp kinh mà nguyên do cũng chỉ vì lòng ham muốn thống trị, đè đầu cỡi cổ kẻ khác…

          Phải chăng đó chính là cái cách ứng xử và lý luận của phường vô đạo mà sách Khôn Ngoan cách đây mấy ngàn năm đã lên tiếng cảnh giác và chúng ta vừa nghe trong BĐ 1: Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. (…). Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”.

          Cũng trong dòng suy tư và ý nghĩa nầy, Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật một bối cảnh thật sống động, thật “người” về tập đoàn các tông đồ đang đi theo Chúa truyền đạo. Lại là một cuộc tranh đua về nhất. Xem ra cái ước mơ trần tục với cõi lòng còn nặng trĩu tham sân si, các Tông đồ, những cột trụ cho Giáo Hội tương lai của Chúa Giêsu, những sứ giả đem Tin mừng gieo rắc khắp tứ phương thiên hạ, sao mà yếu đuối, sao mà tầm thường ! Nhưng tế nhị làm sao. Chúa Giêsu đợi về đến nhà mới “hỏi tội”: “Dọc đường anh em tranh luận chuyện gì thế?”. Cho tới nước nầy thì “im thin thít’ chứ biết mở miệng làm sao. Và từ đó, các ông được một bài học để đời; một bài học được áp dụng cho toàn thể Dân Chúa từ kẻ cao nhất cho đến người thấp nhất, mà biểu hiện minh hoạ cụ thể chính là hình ảnh của một em bé: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”. Và kể từ đó, sứ điệp nầy, lời căn dặn nầy đã đi vào đời sống Hội Thánh như một nguyên tắc ứng xử phổ cập, đến độ, đã trở thành danh xưng thường xuyên của vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công giáo – Đức Giáo Hoàng: TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ.

          Nếu nói Chúa Giêsu là một nhà cách mạng, thì yếu tố cách mạng đầu tiên phải chăng là “cách mạng về thái độ ứng xử, về cung cách đối nhân xử thế”: Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Ngài đã chứng minh cụ thể vào chiều Thứ Năm trước khi bị trao nộp, khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh trong bữa tiệc cuối cùng. Và biểu hiện đỉnh điểm của cuộc tự hạ chính là cái chết tủi nhục thập giá như Ngài đã từng loan báo: Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Thế nhưng, cũng từ đó, một nhân loại mới ra đời, một cuộc đua tranh mới xuất hiện: đua tranh để trở nên bé nhỏ thấp hèn, trở nên hiền lành khiêm hạ, trở nên tôi tớ phục vụ trong quảng đại yêu thương… Hàng triệu vị Thánh được tôn vinh trên bàn thờ Giáo Hội là những chứng từ sống động cho những cuộc “về nhất”, cho những “những nhà vô địch” trong cuộc cách mạng của Tin mừng do Chúa Giêsu mang đến. Có ai ngờ, người phụ nữ già nua, lưng còng Têrêsa-Calcutta kia lại chinh phục con tim của cả thế giới chỉ vì đã “phá kỷ lục” trong con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Giải Nobel Hòa Bình năm 1979 được trao cho Mẹ chính vì những “kỷ lục” về bác ái yêu thương và phục vụ người nghèo ! Và Hội Thánh đã tuyên dương Mẹ trên bàn Thờ cũng vì lý do “đơn giản” đó !

          Cơn cám dỗ chọn lựa khác với con đường khiêm hạ phục vụ vẫn luôn có trong Giáo Hội. Nhưng như Thánh Giacôbê khuyên bảo: “ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

          Trong những ngày đại dịch khắc nghiệt nầy, trong những không gian như bệnh viện, các khu tập trung cách ly…, hình ảnh khiêm tốn phục vụ, quên mình và hy sinh vì yêu thương của các nữ tu, các bạn trẻ thiện nguyện đã mang lại bao niềm an ủi cho các bệnh nhân, cho những người hấp hối. Phải chăng, đó chính là những “lời loan báo về cuộc khổ nạn phục sinh của Đức Kitô” có giá trị thuyết phục hơn trăm ngàn bài giảng ! Thế giới nầy đang cần biết bao những người “xây đắp an bình” như thế để “hoa quả công chính” được trỗ sinh trên khắp mọi nẻo đường nhân sinh. Amen.

 

Trương Đình Hiền


[1] Khẩu hiệu của Olympic quốc tế được Pierre de Coupertin đề nghị khi thành lập Thế vận hội Olympic năm 1894; và được đưa vào kỳ Thế vận hội Olympic Paris năm 1924. Ba từ nầy (Citius, Altius, Forrtius) được Pierre de Coupertin vay mượn từ một linh mục Dòng Đa Minh, cha Henri Didon (1840-1900).

[2] NHƯ NGHĨA VISON TIMES, Vì sao Trung quốc giành huy chương vàng cũng không được tôn trọng ? website https://trithucvn.org/doi-song/vi-sao-trung-quoc-gianh-nhieu-huy-chuong-vang-cung-khong-duoc-ton-trong.html, đăng ngày 8.8.2021.

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

CHÚA KHÓC VỚI CON NGƯỜI

 

CHÚA KHÓC VỚI CON NGƯỜI

(Cảm nghiệm trong mùa dịch Covid-19)

 


 

Lạy Chúa,

Hôm nay con cử hành Thánh Lễ

Một “Lễ Dâng” của một ngày đáng nhớ !

Vắng tiếng chuông ngân,

Thánh Đường như im tiếng thở.

Đàn chiên xôn xao,

Vắng bước chân vui tuôn đến nhà thờ.

Những cây nến buồn,

Những hàng ghế trống chơ vơ…

Con đã gục khóc bên Bàn Thờ Mình Máu Chúa !

 

Thế giới ngoài kia, mọi người đang dẫy dụa,

Bởi cơn bệnh hiểm nghèo do virus Corona[1].

Tiếng khóc của những người con mất cha,

vợ mất chồng, anh mất em thiết tha ở Vũ Hán…

Những lò thiêu,

hàng vạn xác người thâu đêm suốt sáng[2]

Từng đoàn người,

nước mắt lưng tròng nhận tro cốt của người thân[3]

Dọc hành lang bệnh viện,

tiếng nấc nghẹn và những đôi mắt quầng thâm,

vĩnh biệt bạn bè,

y bác sĩ nằm xuống, ra đi vì kiệt sức[4].

 

Con cảm nhận nỗi buồn và niềm hy vọng

trong Tin Mừng sống động hôm nay

Mac-ta, Maria lệ đẫm tràn mi

Thương người em trai Lazarô ốm bệnh lìa đời,

Chúa đã đến trãi lòng với trái tim nhân loại

Thổn thức dâng đầy trước tang tóc ly phôi

Thêm nỗi xót chia xa người bạn thân vắn số.

 

Và hôm nay con chắc rằng Chúa cũng đang rơi lệ

Với con người trước dịch bệnh thương đau

Có Chúa ở đây,

Thêm một lần, Chúa thổn thức dâng trào !

Không chỉ với Lazarô năm nào trong mộ đá,

mà hàng lớp quan tài lặng lẽ,

trong những ngôi Thánh Đường Italia cổ kính,

không người thân, không tiếng khóc phân ly.

Những con đường, xa lộ vắng người đi,

từng đoàn xe xếp hàng dài vội vã,

chuyển quan tài trong  buốt giá thê lương.

Sài gòn những chiều buồn và trên khắp quê hương con

Từng ngày qua hàng ngàn người người gục ngã[5].

Nghĩa trang Sao Paulo sao thiếu chỗ tiễn biệt người đi?

New Delhi xinh đẹp giờ mịt mờ sương khói    

Xác người cô đơn chờ thiêu ngợp đường vào

Thế giới hôm nay màu tím buồn giăng kín lối

Lời khẩn cầu kêu thấu đến trời cao !

 

Lạy Chúa Giêsu!

Trước đớn đau, tang tóc, buồn thương…

Con vẫn tin Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Giữa bóng tối, mây mù hay cuồng phong biển động,

Giữa phố chợ cách ly, những nẻo đường vắng hoang cô quạnh.

Chúa vẫn hiện diện với sức mạnh quyền năng.

Chúa vẫn ở bên con

Thầm lặng, giản đơn nhưng tràn trào ân thánh.

Vì Chúa đã gọi Lazarô ra khỏi mồ hoang lạnh,

Nên con tin rằng,

Dẫu cho con người đang dãy chết hôm nay,

Dẫu mịt mờ bóng tối phủ đường dài,

Có Chúa ở đây,

Là có cả một ngày mai tươi sáng.

Vì Chúa là tình yêu,

Là nguồn sống vĩnh hằng đang ló rạng,

Là Ánh Sáng Phục Sinh,

Cho con người niềm hy vọng dâng tràn.

 

"Ta là sự sống lại và là sự sống,

ai tin Ta sẽ không chết bao giờ"[6].

 

Giang Hạ

 

(Cập nhật ngày 09/09/2021)

 (Xem bản gốc 20/03/2020)



[1] Cf. Worldometers.info/corona virus update, vào ngày 29/03/2020 vào lúc 5g07 GMT, trên thế giới có 664,103 người nhiễm virus corona và 30,883 người chết.

[2] Cf. Mỗi ngày Vũ Hán trả 3,500 lọ tro cốt,  trithucvn.net,<https://trithucvn.net/trung-quoc/moi-ngay-vu-han-tra-3500-lo-tro-cot-nan-nhan.html>

[3] Cf. vnexpress, Thứ bảy, 28/3/2020, 11:23 (GMT+7), Hàng nghìn lọ tro cốt chất bên ngoài nhà tang lễ Vũ Hán

[4] Các cơ quan y tế Trung Quốc và một nhóm từ Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo vào tối 24/2/2020 rằng 3.387 nhân viên y tế ở Trung Quốc đã bị nhiễm COVID-19, hơn 90% trong số đó là ở Hồ Bắc, nơi bệnh dịch khởi phát. Cf. Tuyết Mai, Y bác sĩ Trung Quốc trả giá bằng sinh mạng trong cuộc chiến với virus corona, Theo Los Angeles Times, 20/2/2020

[5] Tính đến ngày09/09/2021, theo Worldometer, Thế giới có 223,452,593 ca nhiễm, số người chết do Covid-19 là: 4,452,523 người. Riêng tại Mỹ có 671,183 người chết, tại Brazil : 584.458 người chết, Ấn độ có 441,782 người chết, Indonesia có 137,782 người chết, tại Việt nam có 563,676 người nhiễm bệnh, 14,135 người tử vong vì covid-19.

[6] Ga 11, 25-26.

Đọc tiếp »