Các Bài Suy Niệm
Chúa Nhật 12 Thường Niên – B
Mc 4,35-41
TÌM BÀI
0. Đấng dẹp yên sóng gió cũng là Đấng trừ khử ma quỷ - Lm. G.B. Trương Đình Hà
2. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
3. Người dựa vào chiếc gối mà ngủ - Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
4. Bão táp cuộc đời – Cố Lm. Hồng Phúc
5. Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?
6. Sóng gió cuộc đời – Lm Anphong Trần Đức Phương
9. Ai có thể trở nên một người như thế?
10. Nỗi kinh hoàng của con người
12. Các con không có lòng tin sao? – Noel Quesson
13. Mời gọi qua sông – Jean-Yves Garneau
17. Cha em là người cầm lái. – Thiên Phúc
18. An tâm – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
19. Biển đời và biển khơi – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
21. Suy niệm của Lm Trọng Hương
23. Bão tố – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực
24. Suy niệm của nhóm Đồng Hành
25. Sao nhát thế? Anh em chưa có lòng tin
26. Gợi ý suy niệm của Hiền Lâm
27. Suy niệm của Lm. Nguyễn Ngọc Thế
30. Chú giải của Fiches Dominicales
31. Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
32. Chú giải của William Barclay
33. Thiên Chúa Có Quyền Trên Sóng Nước
34. Tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa
35. Vũ trụ là một cuốn sách nói với chúng ta về Thiên Chúa
36. Thử thách trong cuộc đời _ ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
37. Hãy tin vào Chúa _ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
38. Quyền năng của Chúa _ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
39. Muốn có đức tin mạnh, cần phải thử thách
40. Những đợt sóng _ Trầm Thiên Thu
41. Người dựa vào chiếc gối mà ngủ _ Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
43. Sóng yên biển lặng _ Lm. Jos. DĐH
44. Ai có thể trở nên một người như thế?
45. Nỗi kinh hoàng của con người và sự yên tĩnh của Thiên Chúa – Achille
Degeest.
49. Cuồng phong thử thách _L.m Giuse Hoàng Kim Toan
50. Quyền Uy Trên Thiên Nhiên _ Lm Đan Vinh – HHTM
0. Đấng
dẹp yên sóng gió cũng là Đấng trừ khử ma quỷ
L.m.
G.B. Trương Đình Hà
(BĐ I: Ga 38, 1. 8-11, BĐ
II: 2 Cr 5, 14-17, Mc 4, 35-40)
1. Tìm hiểu ý nghĩa Kinh Thánh
Trong Tin Mừng Chúa nhật trước Chúng ta nghe thánh Maccô tường thuật việc
Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng ở biển hồ Galilê, sau đó Đức
Giêsu rời bỏ ven Biển Hồ Galilê, nơi Người đã dùng dụ ngôn mà giảng dạy cho dân
chúng để di chuyển sang "bờ bên kia”, nơi có đông dân cư' là người
ngoại. Tin mừng Maccô chúng ta nghe
hôm nay nằm trong bối cảnh đó.
Câu chuyện thánh Maccô kể lại hôm nay nói đến chiếc thuyền của các môn đệ
đang đi thì gặp bão tố, sóng gió ập đến, Chúa Giêsu có lẽ đã mệt nhoài vì rao
giảng cả ngày cho dân chúng, nên Ngài ngủ thiếp đi, các Tông đồ đánh thức Người
dậy và Người quát bảo sóng gió im lặng. Ta tìm hiểu ý nghĩa của phép lạ sóng
gió im lặng, biểu tượng của biển trong Kinh Thánh và đối chiếu với phép lạ trừ
quỷ trong thánh Maccô.
Thực vậy,
"gió” và "biển" trong Kinh Thánh, mang rất nhiều ý nghĩa. Theo Marie-Emile Boismard giải thích:
"Trong ngôn ngữ Do Thái, cùng một tiếng mang hai ý nghĩa khác nhau,
"gió" cũng có nghĩa là "Thần trí”. Ngoài ra trong Kinh Thánh, biển
thường là biểu tượng sức mạnh của sự dữ, ma quỷ mà Thiên Chúa phải đánh gục để
kế hoạch của Người chiến thắng. Ở đây, biển động dữ dội do ảnh hưởng của cuồng
phong. Ta phải hiểu là có một “thần trí xấu” đang tung những ma lực dưới quyền
để ùa đến tấn công con thuyền, “tức là tấn công các môn đệ"[1], theo
nghĩa rộng hơn là tấn công vào Giáo Hội phôi thai do Chúa Giêsu thiết lập. Đây
quả là một trở ngại lớn lao cho việc loan báo Tin Mừng trên miền đất dân ngoại![2]
Nếu chúng ta đối chiếu phép
lạ dẹp yên sóng gió với phép lạ giải thoát người bị
quỷ ám ở hội đường Capharnaum trong Mc 1,23-27, ý
nghĩa của Tin Mừng hôm nay lại càng rõ.
+ Trong Mc 1,25: Đức Giêsu
đã quát mắng "thần ô uế". "Câm đi” hãy xuất khỏi người
này!". Còn ở đây, sau khi được các bạn đồng hành đánh thức dậy, vì Người
đang ngủ ở đàng lái, Đức Giêsu ngăm đe gió và truyền cho biển: "Im đi, câm
đi”.
+ Trong Mc 1,26: thần ô uế,
sau khi đã lay mạnh người ấy, thì thét lên một tiếng và xuất khỏi anh ta. Còn ở
đây, gió và biển đều tuân phục Đức Giêsu: " Gió liền tắt và biển lặng như
tờ”.
+ Trong Mc 1,27: cảnh kết
thúc với lời bàn tán của những người chứng kiến: Mọi người đều kinh ngạc và bàn
tán: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. ông ấy ra
lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh. Còn ở đây, các môn đệ cũng
bàn tán: các ông hoảng sợ và nói với nhau. Vậy người này là ai, mà cả đến gió
và biển cũng tuân lệnh".
Vì vậy, câu chuyện kể Chúa Giêsu dẹp yên bão tố
trong Tin Mừng Maccô hôm nay, không chỉ đơn thuần là việc Đức
Giêsu biểu dương quyền lực đối với thiên nhiên mà chính là vấn đề trữ quỷ đích
thực: Đức Giêsu có quyền trấn áp Satan và những thế lực của sự ác đang hoạt
động song hành với Người.
Về lời bàn tán của các môn đệ sau khi chứng kiến Chúa
Giêsu dẹp yên bão tố "Vậy người này là ai mà cả đến gió và biển cũng
tuân lệnh", theo Jean Potin
chú giải[3]: theo cách nhìn của Kinh
Thánh, bão táp là biểu hiện của những ma lực tiềm ẩn trong biển cả. Chỉ mình
Thiên Chúa hoặc kẻ được Chúa ban quyền mới có thể chế ngự được những ‘thế lực
ấy’. Ở đây các môn đệ được mời gọi khám phá ra chân lý tiềm ẩn đàng sau cảnh
dẹp yên sóng gió là: Đức Giêsu được Thiên Chúa trao ban quyền lực để thu hồi
mọi lực lượng về phục tùng Thiên Chúa. Nhờ thế lực của Đức Giêsu mà các môn đệ
đã khắc phục được hiểm nguy lớn lao. Việc hồi tưởng lại một biến cố rõ rệt đã
trải qua, sự hộ phù che chở của Chúa trong chuyến vượt biển nguy hiểm ấy. Đều
là biểu tượng ơn nâng đỡ người sẽ ban cho các ông trong lúc con thuyền Giáo Hôi
lâm cảnh lênh đênh sóng gió
2. Lời Chúa trong cuộc sống
Ngày hôm nay ta thấy tình hình dịch bệnh do virus Covid-19 lan tràn khắp
thế giới, nó như một thế lực của sự ác của ma quỷ tấn công vào nhân lọai. Đặc
biệt là tấn công vào nghi lễ, việc thờ phượng Thiên Chúa, một cách nào đó tấn
công vào Giáo Hội. Nó không phải tấn công một đợt mà nhiều đợt. Ngay đợt đầu từ
khoảng cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 tức vào Tuần Thánh và lễ phục sinh năm
2020. Và ở tại Sài gòn, Bà Rịa cũng như nhiều nơi chính thức cách ly xã hội và
ngưng các hoạt động tôn giáo vào Chúa nhật lễ Kính Mình Máu Chúa Kitô. Lúc đó
các Giám Mục phải ra thông báo ngưng các Thánh lễ có giáo dân tham dự. Ta thấy
như thế nào. Tâm tình của các ngài là đau đớn trước một sự kiện chưa từng bao
giờ xảy ra cho Giáo Hội: phải ngưng các thánh lễ[4], các linh mục, những linh
mục nhiêt tâm với nhà Chúa cũng cảm thấy đau đớn vì không dâng thánh lễ cho
giáo dân được. Những người giáo dân đạo đức cũng vậy, tiếc nuối xót xa đau khổ
vì không được đến nhà thờ, không được hiệp thông thánh lễ trực tiếp mà phải
“trực tuyến”. Nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Sau đó đến đợt thứ hai, đợt thứ
ba, giờ là đợt thứ tư, ta đọc lại các thông báo của Tòa Giám Mục, tất cả trở
thành bình thường…Các Giám Mục ra thông báo mà có lẽ không còn “đau đớn” như
ban đầu nữa, các linh mục (có những linh mục thiếu nhiệt tâm) thì coi đó như cơ
hội để nghỉ ngơi. Những người giáo dân dần dà quen với việc không tham dự thánh
lễ, cũng không còn thấy tiếc xót như lúc đầu. Ca đoàn cảm thấy được nghỉ lễ
thoải mái không phải sáng nào cũng dậy đi lễ buồn ngủ để hát lễ. Mọi việc như
là bình thường. Đức tin của người tín hữu do vậy có chiều sa sút, nhiều người
bị khủng hoảng trong đức tin. Trước đây khi người ta muốn cấm đạo hoặc bắt
ngưng Thánh lễ, đóng của nhà thờ rất khó khăn, chính quyền có thể dùng bạo lực
để trấn áp. Như tại El Salvador khoảng thập niên 1980, nếu chúng ta từng xem bộ
phim về vị Tổng Giám Mục Oscar Romero, ta thấy chính quyền độc tài quân sự lên
nắm quyền lãnh đạo đất nước, họ đàn áp người dân, đàn áp tôn giáo, Giám mục
Romero và các linh muc Dòng Tên đấu tranh cho quyền con người, cho tự do tôn
giáo bằng hình thức bất bạo động, họ được đáp trả bằng bạo lực giết chóc, và
cưỡng chế đóng của nhà thờ bằng súng ống vũ khí, bạo lực. Giám mục Romero và
các cộng sự của Ngài tiếp tục đâu tranh trứơc sự áp bức tàn bạo của chính quyền
quân sự, Ngài mạnh mẽ lên tiếng trước cảnh nghèo đói, bất công xã hội, bắt cóc,
tra tấn, ám sát giết chết dã man những người dân vô tội. Và cuối cùng chính
Giám muc Oscar Romerô bị ám sát chết khi Ngài đang cử hành Thánh Lễ. Năm 1997 Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên phong Ngài lên hàng Tôi tớ Chúa và mở ra lộ
trình tuyên Chân phước và Tuyên Thánh. Vào ngày 03 tháng 02 năm 2015 ĐTC
Phanxicô đã ra sắc lệnh tuyên bố ĐGM Romero là vị tử đạo, người ta ám sát ngài
vì hận thù đức tin chứ không phải vì lý do chính trị. Và ngày 23 tháng 5 năm
2015 Ngài được tuyên phong Chân Phước. Vào ngày 14 tháng 10 năm 2018 Đức Tổng
Giám Mục Romerô được ĐTC Phanxicô Tuyên phong Hiển Thánh. Ngày hôm nay, người ta không cần dùng đến bạo
lực và vũ khí, mà chỉ nhẹ nhàng ra một thông báo Covid-19 không được tụ tập
đông người, là mọi nhà thờ phải đóng cửa.
Chúng ta tin tưởng vào Chúa Kitô, Đấng đã dẹp yên sóng gió hôm nay cũng là Đấng
đã đến xua trừ ma quỷ, Đấng khử trừ bệnh tật, Đấng đã làm cho Lazarô chết chôn
trong mồ bốn ngày đứng dậy đi ra khỏi mồ; và là Đấng Phục Sinh vinh hiển đang
sống giữa chúng ta. Có lẽ Giáo Hội ngày hôm nay cũng đang bị tấn công bởi một
thế lực đen tối của ma quỷ dưới chiêu bài bênh truyền nhiễm, làm bao nhiêu Giám
mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân và nhiều người nhiễm bệnh ra đi, nhà thờ
trên khắp thế giới phải đóng cửa, lòng đạo của tín hữu sa sút và đức tin bị
lung lay. Xin Đức Ktô Phục sinh chiếu sáng sức mạnh Thánh Thần của Người trên
chúng ta, xin người củng cố đức tin yếu kém của chúng ta, và khấn xin Người dẹp
yên sóng gió bởi cơn bệnh do virus covid-19 đang xâu xé thế giới làm con người
điên đảo. Amen
1. Sóng gió
Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng sáng hôm
nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao
nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của
cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xung quanh, làm cho chúng
ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.
Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng
Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để
rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ
hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân
trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc
sống.
Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người
làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích
kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá
của những người khác.
Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với
số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải
đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên
Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải
khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.
Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy,
bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng
chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của
mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa
nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ,
nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể thất vọng và chán nản khi Ngài
vẫn ở bên chúng ta và vẫn yêu thương chúng ta. Mặc dù ngày nay Thiên Chúa không
còn trực tiếp làm phép lạ để truyền cho sóng gió phải yên lặng, nhưng Ngài dùng
bàn tay của những người nhiệt tâm làm vơi giảm những nghịch cảnh, những bất
công trong cuộc sống. Và cũng không ít những con người đang đấu tranh cho công
bằng xã hội. Nhiều khi họ cũng đã phải trả giá cho những đấu tranh ấy bằng
chính mạng sống của mình.
Còn chúng ta thì sao? Niềm tin vào một Thiên Chúa toàn
năng và yêu thương lẽ nào lại để cho chúng ta phải buông xuôi và tuyệt vọng bởi
vì Đức Kitô chính là niềm hy vọng, chính là sức sống trong cuộc đời chúng ta.
2. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu.
Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi
thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất
hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến,
càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả
vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên
đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ
phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui
mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc
bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta
có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho
thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm
đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm
cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành
được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương
của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi
yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường
đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi
Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn.
Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi
không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt
hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để
rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh
mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những
thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở
ba phương diện.
Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình
thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình
thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi
được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã
quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao
phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết
mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện
bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa
hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những
việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp
nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta
mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá
sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.
Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng
có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi
Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn
đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ
mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp
nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa
cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa
luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận
dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng
cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước
gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng,
lòng cậy và lòng mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần
thiết không?
2) Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?
3) Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên
trên thử thách?
3. Người dựa vào chiếc gối mà ngủ - Lm. Gioan
Nguyễn Văn Ty
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo
gì sao?”
Cũng như hai dụ ngôn ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải
nhỏ bé’ được kể trước đó, sự kiện cuồng phong nổi lên và sóng nước ập vào làm
cho con thuyền các môn đệ hòng chìm, trong khi đó Đức Giê-su ‘đang ở đàng lái,
dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ’ buộc ta phải suy nghĩ khi giáp mặt với những
nghịch lý đầy thách thức trong chính đời sống Tin Mừng. Tự nhiên, khi nghĩ về
Thiên Chúa cũng như về vương quốc của Ngài, thì quyền năng và sức mạnh mới
chính là điều mà mọi người thường nghĩ tới trước nhất. Chính vì vậy mà khi nhìn
thấy đau khổ tràn lan, bất công ngập tràn và sự ác thống trị, trong khi sự
thiện lại thoi thóp trong tuyệt vọng, nhiều người đã cho rằng, đó là một bằng
chứng thuyết phục cho thấy không hề có Thiên Chúa; vì nếu Ngài thật sự hiện hữu,
thì với tất cả quyền năng và thánh thiện như thế, tại sao lại không can thiệp,
không giáng phạt bằng tất cả sức mạnh của Ngài? Thiên Chúa lẽ nào lại vô tâm
tới mức đó sao? Giải đáp duy nhất mà người ta thường nại tới để giải quyết nghịch
lý này là sự kiên nhẫn chịu đựng có giới hạn của Thiên Chúa, sự nhẫn nhục này
chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời này, để rồi tới kiếp sau sự
công thẳng và quyền bính của Ngài sẽ hiển trị qua việc nghiêm minh xét xử, với
phần thưởng thiên đàng dành cho người thiện, hay hình phạt hỏa ngục dành cho
người dữ. Giải đáp này trên thực tế hình như được hầu hết các tôn giáo trưng
ra, tuy với những hình thái khác nhau, chẳng hạn như thuyết luân hồi của Phật
Giáo.
Vẫn biết Thiên Chúa là quyền năng và quyền năng này vượt
trên tất cả mọi sự, ‘Thức dậy, Người ngăn đe gió và truyền cho biển: “Im đi!
Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’. Thiên Chúa đương nhiên có quyền
trên cả sự dữ! Trong trường hợp cụ thể này, theo lối suy nghĩ của các môn đệ,
biển cả dậy sóng là hình ảnh quen thuộc của sức mạnh sự dữ, của tà thần (xem Mc
1:25). Có điều là ít tôn giáo nào dám nghĩ rằng quyền năng lớn lao nhất của
Thiên Chúa (Thượng Đế…) lại chính là quyền năng buộc Ngài phải câm nín. Ngoài Ki-tô
giáo, có tôn giáo nào dám nghĩ rằng có một Thiên Chúa mà quyền năng và bản chất
tuyệt hảo nhất của Người lại chính là lòng nhân từ và thứ tha? Đặc tính ‘nhân
từ và hay thương xót’ của Thiên Chúa, nếu có tìm thấy trong Do Thái giáo, Hồi
giáo…, thì cũng chỉ mang tính tạm bợ và hạn hẹp, và chỉ dành cho một số đối
tượng nhất định mà thôi (các tín hữu trung thành, những người công chính chẳng
hạn). Chỉ riêng Tin Mừng của Đức Giê-su mới cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình
yêu, và bản chất của Tình Yêu đó trước hết và trên hết là thứ tha và hay thương
xót. Phải chăng từ muôn thuở yếu tính của Thiên Chúa chính là điều này… và sẽ
còn tiếp tục mãi mãi cho tới muôn đời? Mạc khải lớn nhất của Đức Giê-su Ki-tô
chính là đây: Thiên Chúa không lên án, Ngài không luận phạt, Ngài chỉ làm một
điều duy nhất là cứu độ và xót thương. Luận phạt hay lên án là do chính con
người tự quàng vào cổ mình “vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”
(Ga 3:16-21). Kể từ mạc khải vĩ đại này, thinh lặng trước sự dữ, thay vì là yếu
đuối sợ hãi, lại biểu lộ sức mạnh vô địch nhất của Thiên Chúa. “Ông không nói
lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?… Nhưng đức Giê-su vẫn làm
thinh” (Mt 26:62-63).
Thần lực Người làm cho gió im biển lặng đã làm cho các
môn đệ hoảng sợ, mối hoảng sợ này có lẽ lớn không kém lúc cuồng phong bão tố
nổi lên, ‘Các ông hoảng sợ nói với nhau…’ Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3:1),
hoặc I-sai-a khi thoáng nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa (Is 6:5), hoặc bất cứ
ai khác cũng đều run sợ trước mọi biểu hiện của quyền lực thần linh. Chỉ duy uy
quyền tình yêu của Thiên Chúa là không gây sợ hãi! Và chỉ có sức mạnh tình yêu
tha thứ mới làm cho con người được thư thái và an bình thực sự. “Bình an cho
anh em… Thầy đây đừng sợ!” (Lc 24:36). Một khi được Đức Giê-su tỏ cho biết
Thiên Chúa là ai trong thực chất của Ngài, và Thần Khí giúp ta khám phá ra
Thiên Chúa thật gần gũi, thấu hiểu hết các yếu đuối lỗi lầm của con người cho
dù họ có gian ác tội lỗi tới đâu đi nữa, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy tràn ngập
một niềm an bình độc đáo, một thứ an bình không ai trên cõi đời này có thể ban
cho. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy… không theo kiểu thế gian. Anh em
đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi…” (Ga 14:27)
Tuy nhiên, một khi khám phá ra và hiểu rõ hơn về sức
mạnh tình yêu tha thứ và xót thương của Thiên Chúa, con người sẽ không khỏi cảm
thấy một mối kinh ngạc thú vị, gần giống như một cảm giác ngất ngây. Hy vọng
rằng các Ki-tô hữu chúng ta, một khi nghiệm thấy cảm giác tuyệt diệu đó, hãy để
cho mối ‘kinh ngạc ngất ngây’ này tiếp tục tràn ngập tâm hồn mình… bây giờ và
cho tới muôn đời!
Lạy Vua Tình Yêu nhân ái, cảm tạ Chúa đã một lần cho
con nếm cảm được uy lực tình yêu nhân ái Chúa trong đời sống con. Xin cho con
luôn nghiệm thấy Thiên Chúa tình yêu đang thinh lặng hiện diện trong con giữa
mọi sóng gió cuộc đời. Xin đừng bao giờ cất khỏi lòng con sự bình an ngây ngất
của Thần Khí hiện diện trong con, để con luôn có thể mở miệng kêu lên ‘Áp-ba’
giữa mọi nghịch cảnh. A-men.
4. Bão táp cuộc đời – Cố Lm. Hồng Phúc
Một phái đoàn quan khách đến thăm quan một trại cùi.
Họ rất cảm phục vì thấy các nữ tu vui vẻ săn sóc cho bệnh nhân. Một người trong
phái đoàn hỏi một chị: “Vì sao chị lại sống ở đây? Cho tôi một triệu tôi cũng
không dám!” Người nữ tu trả lời: “Cho tôi hai triệu tôi cũng không ở. Sở dĩ tôi
muốn ở đây và sống chết ở đây vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy tôi.” Với
giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cũng từng nói như vậy: “Lòng yêu mến Đức Kitô
thúc bách tôi”. Từ ngày ngài được biết Chúa Kitô và cảm thấy tình thương của
Chúa đến độ “hiến thân mình vì tôi” (Ga 2,20), Phaolô như bị đè nặng dưới khối
tình yêu của Chúa. Từ trong thâm tâm, người nghe như có tiếng vọng lại: Hãy yêu
mến Ta như Ta đã yêu mến ngươi. Hãy tiến lên nữa. Hãy để Ta dùng ngươi để yêu
mến kẻ khác. “Chúa Kitô đã chết thay cho hết mọi người, để những ai đang sống
không sống cho mình nữa, mà chỉ sống cho Đấng đã chết và sống lại vì ta.”
Đối với tất cả chúng ta, tình yêu Thiên Chúa cũng thúc
bách và đè nặng như vậy.
Bài Phúc Âm hôm nay, dưới ngòi bút linh động của
Marcô, là một bài phóng sự một cơn bão táp xảy ra trên mặt biển hồ Tiberiade
hay có những cơn gió lốc về chiều do bầu khí bị dồn ép trong thung lũng sông
Giordan. Sau khi giải tán đám đông, Chúa truyền cho các môn đệ chèo thuyền qua
bên kia biển hồ. Ngài lên thuyền. Sau một ngày giảng dạy mệt nhọc, Ngài đến
phía sau lái, dựa trên một chiếc gối và ngủ say. Một cơn gió lốc thổi đến, cuộn
lên những ngọn sóng lớn làm cho thuyền đầy nước. Các môn đệ tay chống tay tát…,
còn Ngài, Ngài vẫn ngủ. Các ông đến thức Ngài dậy: “Chúng con chết mất, Thầy
không quan tâm sao?” Ngài bèn đe gió và phán với biển, như một người bị quỉ ám:
“Hãy im đi!” Tức thì gió và biển lặng.
Tường thuật cơn bão táp im lặng có ý nghĩa gì? Đối với
Chúa Giêsu, Ngài muốn dạy cho chúng ta phải có niềm trông cậy và phó thác nơi
Chúa: “Sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin ư?” Trong mọi hoàn cảnh,
mọi hiểm nguy, chúng ta đều nằm trong bàn tay của Cha trên trời. Trong một hoàn
cảnh tương tự, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay
chèo, được nghe một câu nói bất hủ: Anh không biết là anh đang chở vua César?
Thì huống hồ ở đây, không phải là một vị vua trần thế mà là Vua Cả trên trời,
“Ngài làm cho bão táp dừng yên phăng phắc, sóng biển yên lặng như tờ” (Tv
107,29).
Đối với nhiều người đã chứng kiến, vì Marcô nói: “Có
nhiều thuyền khác theo”, thì đây là một phép lạ nói lên quyền năng của Chúa
Giêsu, Đấng chỉ cần phán lên một lời thì gió yên biển lặng, Đấng có quyền trên
vạn vật, là Đấng tạo thành vạn vật. Các Thánh Giáo phụ nhìn thấy ở đây tác động
của hai bản tính của Chúa Giêsu. Thánh Gioan Kim-Khẩu nói: “Họ vừa nhìn thấy
Ngài, dựa trên gối, ngủ say, đó là một con người, họ nhìn thấy Ngài bắt biển cả
phải lặng yên, đó là vị Thiên Chúa.” Trong khi các nhà thần học minh giáo lại
đề cao ý tưởng “con thuyền Giáo hội” giữa sóng gió ba đào (Tertullien). Chúa
Kitô vẫn ở trong con thuyền Giáo hội cũng như Ngài ở trong tâm hồn chúng ta.
Một hôm Bà Thánh Catarina Sienna phải chiến đấu mãnh liệt với chước cám dỗ, Bà
kêu lên: “Lạy Chúa, trong khi con phải chống lại những ý tưởng nhuốc nha thì
Chúa ở đâu? Chúa phán: Ta đang ở trong tâm hồn con, để hỗ trợ con và để chia sẻ
sự toàn thắng của con.”
“Lạy Thầy, xin cứu chúng con vì chúng con sắp chết
mất!”
5. Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?
(Trích trong ‘Tin Vui
Xuân Lộc’)
Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay thánh Maccô thuật
lại một hành trình trên biển để “sang bờ bên kia” của Chúa Giêsu và các môn đệ.
Hành trình này được ví như hành trình đức tin của mỗi chúng ta. Hành trình trên
biển gặp sóng gió là chuyện không lạ lắm đối với những người thường xuyên đi
biển và sống bằng nghề biển như các môn đệ. Tuy nhiên, chiếc thuyền của Chúa
Giêsu và các môn đệ hôm nay không gặp những con sóng ngọn gió hiền lành bình
thường, mà là gặp “cuồng phong”… “sóng ập vào”… “thuyền đầy nước”… Các môn đệ
lo lắng như “chết đến nơi rồi”, còn Chúa Giêsu thì “chẳng lo gì”… Các môn đệ
kêu cầu đến Chúa và Chúa đã ra tay uy quyền, Chúa mắng các môn đệ “làm sao mà
anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Chúng ta ngắm nhìn xem, tại sao Chúa Giêsu lại mắng
các môn đệ chưa có lòng tin?
Qua trình thuật này chúng ta có thể hiểu rằng, giữa
Chúa Giêsu và các môn đệ đã có một tương quan rất thân thiện với nhau rồi. Cùng
làm việc và cùng thi hành sứ vụ chung với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ
dàng cảm nghiệm rằng, dường như tương quan ấy chỉ mới có ở bề mặt bên ngoài, có
nghĩa là các môn đệ mới chỉ gặp gỡ, gần gũi làm việc chung, mới tương quan trên
bình diện công việc và cuộc sống, chứ các môn đệ chưa đi vào tương quan sâu,
chưa hiểu hết Chúa như thế nào, quyền năng của Ngài ra sao?
Chúa mắng các môn đệ “chưa có đức tin” quả thật là
phải lẽ, vì hành trình của các ông đang có Chúa đó, nhưng các ông chẳng ý thức
về sự hiện diện đồng hành của Ngài, các ông không nhận biết quyền năng của
Chúa, các ông cũng chẳng trông cậy vào Ngài… Sóng gió ập đến, các môn đệ mới
sực nhớ đến Chúa, và rồi các ông vội trách Chúa “chẳng lo gì”.
Cuộc sống thường ngày của chúng ta dường như cũng thế,
chúng ta ít khi ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta thường đi với Chúa cách
vô ý thức, coi như Chúa không biết gì, Chúa chẳng quan tâm. Đến lúc nguy khó
mới nhớ chạy đến Chúa và kêu la rối rít. Thái độ sống này, chắc chắn sẽ bị Chúa
mắng là “chưa có lòng tin”. Tuy nhiên, một thái độ ngược lại cũng đáng quan tâm.
Cuộc sống đôi lúc chúng ta cũng rơi vào tâm trạng thất vọng nặng nề, chúng ta
cũng chẳng còn nhớ đến Chúa, và quên rằng Ngài ở bên chúng ta và chờ chúng ta
khiêm tốn lên tiếng kêu cầu Ngài. Thái độ chỉ kêu đến Chúa khi gặp khó khăn,
hoặc là thất vọng đến quên cả Chúa mà lầm lũi bước đi đó là thái độ “chưa có
lòng tin”.
Thánh Maccô thuật tiếp, sau khi các môn đệ kêu đến
Chúa, tin tưởng vào quyền năng của Chúa, Chúa bắt đầu ra tay. Nhưng sau khi
Chúa ra tay truyền sóng biển im lặng, thì các ông hoảng sợ và nói với nhau:
“Vậy người này là ai…?”
Gặp sóng gió, các môn đệ hoảng sợ, không tin đủ vào
Chúa. Sau khi Chúa tỏ quyền năng thì các ông lại thắc mắc “Ngài là ai?” Điều
này chứng tỏ nền tảng đức tin của các môn đệ chưa vững chắc, đi bên Chúa, gặp
gỡ Chúa nhưng không khao khát tìm biết Chúa là ai? Lẽ ra các ông phải tìm hiểu
về Chúa, biết Chúa là ai khi bắt đầu cất bước theo Ngài! Còn nghi ngờ vào chính
Thiên Chúa thì chắc chắn là chưa có lòng tin. Tin Chúa là phải học cho biết
Ngài là ai và đi vào trong tương quan sâu để cảm nghiệm Ngài như ta đã được học
biết. Tin vào Chúa là hiểu điều Chúa làm, mong điều Chúa muốn và phó thác cho
Ngài cuộc sống của ta.
Sau phép lạ Chúa làm truyền sóng biển im lặng, chắc
chắn các môn đệ phải tìm được câu trả lời Chúa là ai khi quan sát sự kiện và
khi tương quan gần gũi song hành với Chúa. Vậy mà không hiểu sao các ông lại
còn hoảng sợ và thắc mắc “ông này là ai?” Câu hỏi này chứng tỏ lòng tin của các
ông chưa có và bị Chúa mắng thì cũng không oan uổng gì.
Bởi vì các môn đệ chưa có lòng tin, nên chưa ý thức sự
hiện diện của Chúa. Chưa có niềm tin nên còn nghi ngờ “ông này là ai?”. Chưa có
lòng tin nên còn dành quyền điều khiển và kiểm soát hành trình. Khi các môn đệ
dành quyền kiểm soát và điều khiển hành trình đời mình, thì Chúa dành cho họ ưu
tiên đó, Ngài nghỉ ngơi. Giả như chúng ta tin tưởng trao phó cho Chúa để Ngài
điều khiển và an tâm nghỉ ngơi, thì chính lúc ấy Chúa sẽ giang tay ra hành
động, Ngài chở che, bao bọc và cứu giúp.
Thái độ của những người “chưa có lòng tin” là thái độ
của những người ưa thích đảo lộn tình thế, đứng vào vị trí điều khiển của Chúa,
quên đi vai trò lệ thuộc của chính bản thân mình.
Có lòng tin là ý thức Chúa hiện diện trong mọi nẻo
hành trình; Có lòng tin là trả lời xác tín với mọi người về chính Chúa, bằng sự
cảm nghiệm của chính cá nhân mình; Có lòng tin là để Chúa điều khiển và kiểm
soát cuộc sống của mình; Có lòng tin là khiêm tốn kêu xin khi gặp gian nan khốn
khó.
Giờ đây, chúng ta khiêm tốn dâng lên Chúa lời nguyện
xin ơn đức tin:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúng con cám ơn Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống
chúng con.
Xin cho chúng con tin vào quyền năng Chúa vẫn hiển trị
trong cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, cuộc sống quanh chúng con có biết bao điều
xảy đến.
Tất cả đều nằm dưới bàn tay tình thương quan phòng của
Chúa.
Xin Chúa giúp chúng con biết cùng với vạn vật dâng lời
ca khen quyền năng Chúa.
Xin giúp chúng con biết đón nhận ân ban của Chúa trong
sự khiêm tốn thẳm sâu.
Xin dạy chúng con biết chạy đến với Chúa khi gặp những
gian nan thử thách,
Xin giúp chúng con biết bám vào Chúa để đi qua những
giông bão trong cuộc đời.
Lạy Chúa, Chúa luôn nâng đỡ những ai kêu cầu Chúa.
Chúng con xin phó dâng cuộc sống trong tình thương
quan phòng của Chúa. Amen.
6. Sóng gió cuộc đời – Lm Anphong Trần Đức Phương
Tôi đã được nghe một câu chuyện về Đức Giáo Hoàng
Gioan XXIII (1881-1963). Ngài chỉ ở trên ngôi vị Giáo Hoàng trong vòng 5 năm
(1958-1963), nhưng được nhiều người sùng mộ. Sau khi Ngài qua đời, rất nhiều
người đã đến viếng mộ của Ngài, đến nỗi di hài của Ngài đã được đưa từ hầm mộ
lên trên nền Đền Thờ Thánh Phêrô để dễ dàng cho giáo dân kính viếng. Ngài có
một niềm ưu tư đặc biệt về việc hiện đại hóa Giáo Hội. Ngài cũng luôn quan tâm
về nền hòa bình thế giới. Một trong những thông điệp nổi tiếng của Ngài là
Thông Điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới” (Pacem in Terris), ra ngày 11-4-1963, trong
đó Ngài kêu gọi mọi người có thành tâm thiện chí hãy chung tay xây dựng Hòa
Bình và sự Công Chính trên thế giới, để “làm cho trái đất này trở nên nơi ở tốt
đẹp hơn cho nhân loại!” (Lời kết Thông Điệp) Một đêm khi Ngài đang ngủ, Ngài
chợt nghĩ đến bao nhiêu những điều cần phải thực hiện trong Giáo Hội. Ngài mong
cho đến sáng để xin vào trình bày với Đức Giáo Hoàng về những việc cần phải làm
ngay. Nhưng Ngài sực tỉnh và mới nhận ra chính Ngài đang là Giáo Hoàng! Lúc đó,
Ngài cảm thấy hết sức sợ hãi! Nhưng như có tiếng Chúa nói với Ngài: “Giáo Hội
là của Cha chứ không phải của con!” Bấy giờ Ngài mới lấy lại can đảm và cầu
nguyện xin Chúa soi sáng cho Ngài biết phải làm gì để canh tân Giáo Hội. Rồi
Ngài đã mở Đại Công Đồng Vatican II (1962-1965), mời các vị Hồng Y và Giám Mục
từ các nơi trên thế giới trở về Rôma họp để cùng nhau đưa ra những ý kiến hiện
đại hóa Giáo Hội.
Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, trong Bài Phúc Âm (Mc 4,35-41),
chúng ta thấy các Thánh Tông Đồ đang chèo thuyền trên Biển Hồ Tibêriat trong
đêm tối, thì sóng to gió lớn nổi lên, nước ùa vào trong thuyền đến nỗi thuyền
sắp chìm, mà Chúa Giêsu cứ ‘ngủ yên’ trên mạn thuyền, như không biết gì cả. Các
Tông Đồ phải đánh thức Chúa dậy: “Chúng con sắp chết đến nơi mà Thầy không quan
tâm đến sao?” Chúa Giêsu đã ‘thức dậy’ và làm phép lạ cho gió yên, biển lặng!
Rồi Chúa trách các Tông Đồ: “Các con không có đức tin ư? Sao mà qúa sợ hãi như
vậy!”
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng
ta có nhiều lúc cũng gặp “bão tố nổi lên” và chúng ta có cảm tưởng Chúa cứ ‘ngủ
yên’ mà không thương cứu giúp chúng ta. Y như trong trường hợp khổ đau của ông
Gióp trong Bài Đọc I (Gióp 38,1.8-11). Nhưng ông Gióp đã luôn vững tin nơi
Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm
dứt, và ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong Bài Đọc II (2Cr
5,14-17), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô
đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!..”, đem lại cho chúng ta
một niềm tin vững chắc vào tình thương của Chúa.
Là những tín hữu của Chúa, chúng ta hãy noi gương ông
Gióp, luôn biết tin tưởng, phó thác nơi Chúa trong mọi biến cố xảy ra cho chúng
ta, gia đình chúng ta, thế giới chúng ta và ngay trong Giáo Hội Chúa nữa; vì
Chúa là Thiên Chúa toàn năng, và là Cha yêu thương của chúng ta. Trong Phúc Âm
Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi sự quan phòng của Chúa là
Cha luôn yêu thương chúng ta và lo lắng mọi điều cần thiết cho chúng ta. (Mt
6,25-34)
Trong thế giới ngày nay, người ta thường thiếu niềm
tin nơi Chúa, và vì thế dễ lo lắng, sợ hãi trước những biến cố đau thương xảy
ra trong cuộc đời, và trở nên khủng hoảng tinh thần, bất mãn với cuộc đời, tâm
trí bị căng thẳng, rồi suy nhược (depressed) và có những trường hợp đưa đến
loạn trí, hành động điên rồ gây nên những tội ác khủng khiếp: như tự hủy chính
mình, có khi giết hại mạng sống cả gia đình, có khi giết hại những người vô
tội, như những cuộc bắn giết tại các trường học, tiệm ăn, sở làm và các trung
tâm thương mại v.v…
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho
chúng ta được vững niềm tin phó thác nơi tình thương che chở của Chúa là Cha
chúng ta. Xin cho chúng ta biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để chấp nhận mọi đau
khổ, thử thách xảy ra cho chúng ta , gia đình chúng ta. Chính những đau khổ,
thử thách tôi luyện đức tin của chúng ta, làm cho đức tin của chúng ta trở nên
vững chắc hơn. Đau khổ và thử thách cũng là những dịp để chúng ta được thông
phần với sự đau khổ Chúa đã chịu để cứu chuộc chúng ta (Xin xem 1 Pr 1,6-9; 2
Cr 4,17-18; Rm 8,18).
“Anh em hãy phó thác mọi nỗi lo âu cho Chúa; vì Chúa
luôn lo lắng cho anh em!” (1Pr 5,7).
“Hãy phó thác đường đời cho Chúa,
Người sẽ lo liệu mọi sự cho chúng ta!”
(TV 37).
“Tôi tin, tôi tin Chúa đã thương tôi, nên Người đã
chết, chết vì tôi…
“Tôi tin Chúa vẫn thương tôi, cho dù đời tôi bao phen
giông tố…”
(Bản Thánh ca “Tôi Tin” của Thành Tâm)
7. Lời kêu xin
Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cho chúng ta thấy các tông
đồ đang ở vào một tình thế tuyệt vọng. Lời van xin của họ dường như bị sóng
biển vùi lấp:
– Lạy Thầy, xin cứu chúng con.
Chúa Giêsu rất có thể lên tiếng trách cứ các ông:
– Bộ các con không hiểu rằng bao lâu Thầy còn ở với
các con, thì không một tai ương hoạn nạn nào có thể xảy ra.
Thế nhưng lời van xin ấy lại rất bình thường và gần
gũi với bản tính của chúng ta. Lời van xin xuất phát từ trái tim của một tạo
vật nhỏ bé, như muốn xác quyết rằng: Vấn đề thật vô phương cứu chữa, chỉ mình Chúa
mới có thể giúp đỡ.
Thế nhưng ngày hôm nay, liệu chúng ta có còn tìm thấy
những lời van xin đầy tin tưởng và hy vọng như thế hay không? Nếu chúng ta hỏi
những người lính chiến rằng: Vào những lúc nguy hiểm có bao giờ các bạn đã nghĩ
tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.
Nếu chúng ta hỏi những người lái xe rằng khi xảy ra
tai nạn có bao giờ các bạn nghĩ tới đời sau và xin Chúa phù trợ hay không. Hầu
như tất cả đều trả lời rằng không.
Chiếc tàu Dora với một ngàn bảy trăm hành khách, chẳng
may gặp nạn và chìm dần xuống biển, người ta đã ghi nhận được một cảnh tượng
thật trái ngược trong thời điểm hoảng hốt đó. Các cô thì lo giữ lấy đôi giày
của mình. Các bà thì lo giữ lấy những bộ áo của mình. Các ông thì lo giữ lấy ví
tiền của mình. Chỉ có một em bé năm tuổi là đã quỳ gối cầu nguyện.
Ngay cả bản thân chúng ta cũng thế. Mỗi khi gặp phải
tai ương hoạn nạn, chúng ta vùng vẫy, chúng ta kêu gào, chúng ta làm mọi cách
để thoát khỏi tai ương hoạn nạn ấy, nhưng lại không biết mở miệng kêu xin:
– Lạy Chúa, xin Chúa cứu giúp con kẻo con chết mất.
Chỉ mình Chúa mới có thể bảo đảm cho con được an toàn.
Chúng ta cũng giống như dân ngoại. Chẳng tìm thấy
hướng đi cũng như ánh sáng cho cuộc đời chúng ta. Ngày xưa mỗi khi mất mùa đói
kém giặc giã xảy ra, người ta kêu cầu Chúa:
– Lạy Chúa xin giúp đỡ con.
Người ta tổ chức những cuộc rước kiệu, những cuộc hành
hương để kêu cầu Chúa. Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao?
Ngày hôm nay, người ta có rất nhiều phương tiện, chẳng
hạn như thuốc trụ sinh, công ty bảo bảo hiểm, và người ta cảm thấy không còn
cần đến sự trợ giúp của Chúa nữa. Và tệ hơn nữa, người ta muốn trục xuất Thiên
Chúa ra khỏi những sinh hoạt cá nhân và xã hội. Người ta muốn thay trời vắt đất
làm mưa. Người ta sống như không còn sự hiện diện của Ngài nữa.
Từ những điều vừa trình bày chúng ta đi tới kết luận:
Bao lâu Chúa Giêsu còn ở trong chúng ta thì không một tai nạn nào có thể xảy
ra. Tuy nhiên con người thời nay lại không hiểu là như thế. Do đó, vấn đề cần
phải đặt ra cho mỗi người, đó là Chúa Giêsu có thực ở trong thuyền đời chúng ta
hay không. Tôi đã phản ứng và hành động như thế nào trong những hoàn cảnh đen
tối. Tôi có biết hướng tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không? Đó là những câu
hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự tìm lấy lời giải đáp.
8. Thầy không lo sao?
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Các môn đệ gặp trận cuồng phong khi vượt biển. Họ kinh
hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chửng. Bất lực trước cơn cuồng nộ của sóng gió,
họ đã đánh thức Đức Giêsu, xin Ngài giúp đỡ.
Cuộc đời nào tránh được mọi cơn giông tố?
Ai trong chúng ta cũng thích biển lặng sóng yên, nhưng
giông tố lại giúp ta nhận ra mình: yếu đuối, chao đảo, mong manh, bất lực,
không đủ khả năng đương đầu với bao thách đố.
Giông tố đưa ta đến với Đức Giêsu, và phó thác cho sự
trợ giúp của Ngài. “Chúng con chết mất!”
Cái chết thể lý và cái chết tinh thần. Cái chết của
bản thân và của tập thể mình gắn bó. Cái chết của những công trình mình xây
dựng.
Chúa là sự sống, sao Chúa lặng yên để chúng con chịu
chết? Sao Chúa để sự dữ tung hoành trên thế giới? “Mà Thầy không lo sao?”. Một
lời trách móc?
Nhiều khi chúng ta cũng trách Chúa như vậy. Có vẻ Chúa
quá vô tư, lãnh đạm, hững hờ. Chúa yên ngủ khi đời ta gặp cơn giông tố.
Đức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh cho gió và biển: “Câm
đi! Im đi!”. Gió ngừng ngay và biển lặng xuống.
Sự lặng đi của biển đưa đến sự trầm lặng của lòng. Nỗi
kinh hoàng tan biến, nỗi sợ chết cũng bay xa.
Nhưng chúng ta không đòi phép lạ biển lặng trong đời.
Điều quý hơn, đó là lòng ta được lặng.
Lòng lặng không phải vì biển lặng, mà lặng ngay giữa
lúc biển động. Đó là một phép lạ lớn hơn nhiều, và đó cũng là thái độ Chúa muốn
ta phải có.
Tại sao các anh lại kinh sợ? Sóng gió làm gì được các
anh khi Thầy đang cùng các anh ở chung một con thuyền?
Đức Giêsu đòi các môn đệ không được khiếp sợ.
Thầy đã làm bao phép lạ trước mắt các anh, vậy mà các
anh vẫn chưa có lòng tin ư? Nếu có lòng tin thì đâu có cuống cuồng như vậy.
Đức tin chỉ lộ ra khi biển động. Và có thể nói, biển
động giúp hình thành đức tin. Đức tin lớn lên ít nhiều sau mỗi lần biển động.
Thuyền đời Kitô hữu chẳng bao giờ êm ả. Nó chỉ êm ả
khi về tới bến. Nhưng lòng ta lại phải giữ cho bình yên, ngay cả khi Ngài không
thức dậy, dù ta đã gọi Ngài nhiều lần giữa tiếng sóng gào thét. Ta tin rằng Ngài
sẽ cứu ta theo cách của Ngài.
Gợi Ý Chia Sẻ
Điều gì khiến bạn sợ hơn cả trong cuộc sống? (Sợ thất
nghiệp, sợ thi rớt, sợ không được yêu, sợ mất uy tín, hay sắc đẹp…). Sự sợ hãi
có làm đời bạn bớt vui không? Có làm bạn bớt tự do không?
Khi bạn bị căng thẳng, lo âu, mất bình an, bạn thường
làm gì để trở lại bình thường? Cầu nguyện có giúp gì cho bạn không?
Cầu Nguyện
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm
được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý
chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho
con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát
được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào
cả đời con. Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và
khuôn mặt thật của Chúa.
9. Ai có thể trở nên một người như thế?
(Trích trong ‘Mở Ra
Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Chiếc tàu Titanic được chào hàng như một chiếc tàu
không bao giờ chìm. Và sau đó là đụng một tảng băng ngay trong cuộc hành trình
đầu tiên của nó, chiếc Titanic đã chìm xuống đáy của Đại Tây Dương với hầu hết
những người đi trên con thuyền đó trong vài phút. Đại dương quyền năng hơn bất
cứ một con tàu nào, đã nuốt trọn con tàu Titanic giống như nó đã nuốt một hộp
cá mòi vậy.
Đó là một mầu nhiệm sâu xa về biển cả, và đó không có
gì là ngạc nhiên về quyền năng của nước được xem là một thuộc tính của thần
linh. Trong sách Gióp chính Thiên Chúa đã làm chứng về quyền năng thần linh của
Ngài, bằng việc biểu dương quyền năng của Ngài là chủ tể của nước sâu. Những
tông đồ là những người đánh cá, hơn ai hết họ không cần ai nói cho họ biết về
việc phải sợ hãi cái vẻ bề ngoài đáng sợ của biển Galilê. Thình lình, tai họa
có thể xảy ra một cách bất thường. Biển thì ở 685 bộ bên dưới mực nước biển và
bao quanh bởi những ngọn núi. Với một làn không khí lạnh thổi xuống từ những
ngọn núi hầu như nhanh chóng biến đổi làn nước đại dương thành những con sóng
nguy hiểm cao đến bảy hoặc tám bộ.
Thật chính xác những gì đã xảy ra vào buổi chiều hôm
đó, khi Chúa Giêsu vào thuyền của các môn đệ ở trên biển Galilê. Đó giống như
một ngày của sáng tạo, những yếu tố tự nhiên đang chờ đợi khoảnh khắc khi mà
Chúa là chủ tể của chúng xác quyết quyền năng và tỏ hiện sự thần linh của Ngài.
Sau khi Chúa Giêsu làm cho biển bình yên bởi những lời của Ngài, các tông đồ đã
kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Người này là ai mà làm cho gió biển phải vâng lời?”
Gió và biển đã biết Chúa Giêsu là ai và cả chúng ta
cũng như thế. Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi của các tông đồ. Nếu chúng ta
không có đức tin, chúng ta xem Người một cách giới hạn bởi xét đoán của con
người nhưng bởi đức tin mà chúng ta nhận biết rằng Chúa Giêsu là Chúa, là Đấng
Cứu Độ. Vì Chúa là Đấng cứu độ của chúng ta, Ngài ước ao giải thoát chúng ta
khỏi những tai họa của đời sống trên biển. Sự sợ hãi những căn bệnh như ung thư
hoặc Siđa, lo lắng về tận cùng của tương lai một cách bất an, những lo lắng về
con cái trong một xã hội say sưa và hỗn tạp, sự không vững chắc hay gãy đổ của
đời sống hôn nhân, sự khủng hoảng hay sự cô độc, bị bỏ rơi, sự khủng khiếp mà
viễn cảnh của sự chết có thể phát sinh.
Trong lời tuyên xưng Thánh Thể chúng ta đã kêu lên: “Bởi
thánh giá và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta”. Sau kinh Lạy
Cha chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ và
ban cho chúng con bình an trong ngày hôm nay, bởi lòng thương xót Chúa sẽ giữ
gìn chúng con khỏi tội lỗi và bảo vệ chúng con khỏi mọi lo âu”. Lời nguyện này
muốn nói lên lời diễn tả đức tin của chúng ta nhưng cấp độ bình an và quang
đãng của chúng ta không tùy thuộc và sự diễn tả đức tin của chúng ta nhưng ở
chiều sâu của nó. Đức tin của chúng ta phải sâu như biển cả vậy.
Khi chiếc Titanic chìm xuống, số người bị lâm nạn đã
tăng lên gấp bội bởi vì thuyền đã không trang bị đủ những thuyền cứu sinh. Chúng
ta còn được hơn thuyền cứu sinh cứu nữa. Chính Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khi
chúng ta bị chìm trong biển cám dỗ sâu nhất của cuộc đời. Chúng ta có con người
của Chúa Giêsu Kitô, luôn luôn hiện diện với chúng ta trong Giáo Hội và hướng
về Người, chúng ta có thể cầu nguyện một cách tin tưởng. Trong cơn bão trên
biển hồ, các tông đồ đã phàn nàn: “Lạy Thầy chúng con sắp chết mà Thầy không
quan tâm đến sao?” Với đức tin chúng ta biết rằng, không có vấn đề gì với Chúa
Giêsu. Vấn đề là sự cứu độ của chúng ta không đến từ những lời nói, tuy nhiên ở
nơi. Lời quyền năng của Ngài: “Hãy yên lặng, hãy im đi”. Sự cứu độ của chúng ta
đến từ hy tế nơi thánh giá. Đức tin của chúng ta là: “Lạy Chúa bởi thánh giá
của Người, và sự Phục Sinh của Người xin giải thoát chúng con, Người là Đấng
cứu độ chúng con”.
10. Nỗi kinh hoàng của con người
và sự yên tĩnh của
Thiên Chúa – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương
Thực Ngày Chúa Nhật’)
Giai thoại bão táp yên lặng là một cơ hội tốt cho những
ai ngã theo khuynh hướng “giải huyền thoại” trong phúc âm (khuynh hướng này
ngày nay đã giảm). Để giản lược biến cố vào một sự kiện tự nhiên, họ chỉ cần
tưởng tượng và rồi sau khi đã chiều theo sức ép của trí tưởng tượng, quả quyết
rằng bão táp tự nó ngưng lại, vừa lúc Đức Giêsu ra lệnh cho biển; và như thế là
do tình cờ. Có một loại não trạng tự gọi là khoa học, chủ trương ngay từ đầu
chối bỏ mọi can thiệp của Thiên Chúa trong vũ trụ và giải thích một số sự kiện
bằng một định kiến như thế thật dễ dàng. Trong trường hợp này chúng ta có thể
bám vào lời này: Ở khởi điểm của truyền thống Phúc Âm, có thật là biến cố,
nhưng liền được giải thích trong môi trường của Giáo Hội sơ khai, dựa trên một
não trạng Kinh Thánh và một niềm tin vào sự Sống Lại” (X.L. Dufour, Etudes
d’Evangile, Paris, 1965).
Ưu tư của Giáo Hội sơ khai là minh chứng: Đức Giêsu có
cùng một quyền năng trên tạo vật như Thiên Chúa (não trạng Kinh Thánh) và dẫn
đưa người tín hữu đến một niềm tin nơi Đức Giêsu Phục Sinh, một niềm tin trọn
vẹn, truyền giáo (Hãy sang bên kia bờ) và có khả năng đương đầu với mọi nghịch
cảnh.
Giải quyết xong điều trên, câu chuyện bão táp yên lặng
gợi cho chúng ta một vài suy nghĩ rất đơn sơ:
1) ‘Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan
tâm đến sao?’
Lời trách móc này cho thấy rõ sự mâu thuẫn giữa nỗi
kinh hoàng của các môn đệ và sự yên tĩnh của vị Thầy. Một bên sóng gió nguy
hiểm, một bên Đức Giêsu vẫn ngủ. Biển hồ Giê-nê-sa-rét, như các biển hồ được
núi đồi bao phủ khác, thường có những cơn bão táp đột ngột và dễ sợ. Con thuyền
bị sa vào một trong các cơn bão táp như thế. Chúng ta hiểu Đức Giêsu sau một
ngày trọn rao giảng mệt nhọc, đã ngủ thiếp đi. Các môn đệ không hiểu được sóng
gió mạnh mẽ như thế, lại tràn ngập vào thuyền mà không làm cho Ngài tỉnh dậy.
Họ không mường tượng được rằng: chỉ duy có sự hiện diện của Đức Giêsu với họ,
đã là một sự bảo đảm an toàn vững chắc.
Họ có lỗi vì đánh thức Thầy dậy không? Chắc là không.
Đó chỉ là phản ứng bình thường của con người hoảng hốt, sự yếu hèn của họ
(nhưng họ chưa có niềm tin sau Phục Sinh) ở chỗ họ không đặt sự an toàn của
mình nơi con người Đức Giêsu. Chúng ta cũng gặp phải những giây phút thử thách
nghiêm trọng. Chúng ta không có lỗi khi kêu đến Thiên Chúa, khi đánh thức Người
dậy. Chúng ta không thể chế ngự một số âu lo tự nhiên. Ít là chúng ta nên nhớ
Đức Giêsu đang ở với chúng ta để giữ vững niềm tin của chúng ta.
2) Hình ảnh con thuyền gợi lên con thuyền Giáo Hội,
theo như ngôn từ của các thánh phụ.
Trong thời đại của chúng ta, cũng như trong mọi thời
đại, Giáo Hội tựa con thuyền bị lay động và cản trở mạnh mẽ do các lầm lạc,
bách hại, thao túng của thế gian. Một vài lầm lỗi hình như xâm chiếm cả Giáo
Hội. Những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. Điều này có lẽ tạo
nên nỗi lo âu lớn nhất cho nhiều người ưu tú trong nhóm môn đệ Đức Kitô. Hãy
nhớ rằng chỉ một lời của Chúa vào lúc ngài muốn, có khả năng cứu thoát tất cả.
Ngài nói: “Im đi….”, tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Điều quan trọng là hãy
giữ niềm tin cho sống động và mạnh mẽ. ‘Các con không có đức tin ư?’.
11. Đức tin trưởng thành
(Trích trong ‘Niềm Vui
Chia Sẻ’)
John Newton là con trai một đại uý hải quân người Anh.
Khi John lên 10 tuổi, mẹ cậu qua đời. Từ đó cậu bé thường theo bố đi biển. Nhờ
vậy mà cậu rành rẽ đường lối ngoài biển khơi. Tuy nhiên vào năm cậu 17 tuổi,
cậu bé bất mãn với bố. Cậu bỏ thuyền ra đi lao vào cuộc đời gió bụi. Cuối cùng
cậu nhận được việc làm trên chiếc tàu hàng buôn nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu.
Cậu thăng quan tiến chức rất lẹ và chẳng bao lâu đã trở nên thuyền trưởng.
Chẳng bao giờ Newton bận tâm suy nghĩ đến việc buôn nô lệ là đúng hay sai. Cậu
chỉ làm công việc của mình nhằm mục đích kiếm tiền mà thôi. Thế nhưng một biến
cố quan trọng đã xẩy đến thay đổi tất cả cuộc đời cậu.
Một đêm nọ một cơn bão dữ dội xuất hiện trên mặt biển.
Sóng dâng cao như thác núi xô đẩy và quay vòng chiếc thuyền của Newton như món
đồ chơi trẻ con. Mọi người trên thuyền vô cùng kinh khiếp. Lúc bấy giờ bỗng
dưng Newton buột lời cầu nguyện. Đây là điều cậu không hề làm kể từ khi rời
khỏi thuyền của bố cậu, cậu kêu to: “Lạy Chúa, nếu Ngài thương, xin cứu vớt
chúng con, con nguyện sẽ mãi mãi làm nô lệ cho Ngài”.
Chúa nhậm lời cầu xin của cậu và cứu vớt con thuyền.
Thế rồi sau khi vào được bờ, Newton đã giữ lời hứa và bỏ nghề buôn nô lệ. Sau
đó cậu đi tu, và một thời gian sau trở thành mục sư coi sóc một nhà thờ nhỏ ở
Olney, nước Anh. Ở đây vị mục sư trở nên một nhà giảng thuyết kiêm nhà soạn
thánh ca lừng danh. Một trong những bản thánh ca cảm động nhất mà Newton đã
sáng tác là bản nhạc ca ngợi Chúa về cuộc trở lại của cậu.
Giống như Newton, các Tông đồ cũng gặp phải bão biển
dữ dội. Giống như Newton, các ông đã kêu to lên cùng Chúa: “Xin hãy cứu chúng
con”. Giống như Newton, các ông cũng đã được biến đổi hoàn toàn sau khi Chúa
nhậm lời cầu xin. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Ông này là ai, mà cả đến
gió và biển cũng phải tuân lệnh?”.
“Ông này là ai?”. Đây chắc chắn là một câu hỏi căn
bản. Dĩ nhiên câu trả lời đã có sắn trong bài đọc 1 và trong Thánh Vịnh đáp ca
hôm nay. Bài đọc 1 mô tả Chúa là Đấng Tạo Hoá, chính Ngài đã tạo dựng biển cả,
đã đặt ranh giới cho chúng và truyền lệnh cho chúng tuân theo ý muốn của Ngài.
(x.G 38,1.8-11). Thánh Vịnh đáp ca là lời kêu cầu Chúa của những thuỷ thủ gặp
bão biển. Và Chúa đã ra tay cứu họ. Họ vui sướng, vì trời yên biển lặng. Và
Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ. Họ tạ ơn Chúa, vì Chúa từ nhân (x. Tv 107).
Trong cả hai bài đọc Cựu Ước này, chúng ta thấy Chúa
đang thi hành chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài truyền lệnh cho chúng và
chúng tuân phục Ngài. Đây cũng là điều chúng ta thấy Chúa Giêsu đang thực hiện
trong Tin Mừng hôm nay.ngài đang biểu lộ chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài
truyền lệnh và chúng tuân phục ngay. Như thế các bài đọc hôm nay cho thấy Thiên
Chúa trong Cựu Ước và Đức Giêsu của Tân Ước là một. Ngài đang thực thi quyền
năng của một Thiên Chúa. Thánh Marcô không chỉ muốn nói lên quyền năng của Chúa
mà còn muốn khẳng định Ngài chính là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, và mời gọi
chúng ta hãy hoàn toàn tin vào Ngài.
Các môn đệ ở chung một thuyền với Chúa, các ông đã
biết Chúa quyền năng, có thể làm nhiều phép lạ, nhưng khi sóng gió nổi lên, các
ông vẫn hoảng hốt. Các ông quên rằng dù thức hay ngủ, Chúa vẫn là Chúa. Các ông
chưa hoàn toàn tin vào Chúa. Chúng ta thường nghĩ mình có đức tin, nhưng trong
thử thách, khi cần biểu lộ lòng tin thì nhiều khi ta lại hoảng sợ.
Đời tự nó đã là khó. Đi trong cuộc đời với niềm tin
theo cách Chúa dạy lại càng khó hơn. Chúng ta đã vâng lệnh Chúa mà nhổ neo ra
khơi, đã tin tưởng vì có Chúa ở đàng lái, ở vị trí hoa tiêu, nhưng có thể đã có
lần chúng ta đau đớn vì Chúa lại ngủ giữa phong ba. Điều đó có thật, là kinh
nghiệm muôn đời của những ai tin Chúa. Niềm tin không phải là giải đáp dễ dãi,
không miễn trừ những khó khăn. Cần phải dày công học tập mới chấp nhận được
thực tế đó. Người có niềm tin trưởng thành là người “giữa phong ba khốn cùng
ngàn nỗi vẫn luôn thành tín ngợi khen Chúa là thuẫn đỡ, là khiên che, là đồn
luỹ”. Phải dám ra đi dù trời đã về chiều, dù có thể gặp phong ba. Nếu không thì
chẳng bao giờ sang được “bờ bên kia” của cuộc sống. Chúa có thể ngủ, nhưng Chúa
luôn thức vào lúc quyết định để trợ giúp những ai bằng lòng để cho “Chúa ở đằng
lái”.
Bão lớn, nước sắp đầy thuyền thì ai mà không sợ? Vậy
mà Chúa còn trách: “Sao các con sợ thế, các con không có đức tin ư?”. Các môn
đệ lâm nguy thật sự. Trong hoàn cảnh đó, chẳng những nên kêu cứu Chúa, mà đúng
là phải kêu cứu Chúa. Nhưng đừng kêu cứu với tâm trạng sợ hãi đến tuyệt vọng
như vậy. Phải kêu cứu nhưng hãy kêu cứu trong niềm cậy trông tín thác tuyệt
đối. Lời trách cứ của Chúa Giêsu khai mở cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin
quý báu: niềm tin vững vàng làm chúng ta thêm can đảm lắm mới có thể tin. Vì
tin Chúa, thực tế chính là “trao thân gởi phận” cho Chúa. Người tin Chúa thực
sự thì không sợ, còn người sợ thực sự thì không tin. Trong rất nhiều trường
hợp, “yếu tin” đồng nghĩa với “hèn tin”!
Câu hỏi của các môn đệ sau khi được Chúa cứu nguy:
“Ngài là ai mà cả gió lẫn biểu cũng đều vâng lệnh?” phải là câu hỏi căn bản cho
những ai muốn tin và muốn đạt tới niềm tin trưởng thành vào Chúa Giêsu. Phải
trả lời cho thật, cho đúng, cho sâu và sát với hoàn cảnh đời mình. Tin không
phải chỉ là xác tín về một chân lý lý thuyết cho thoả trí óc, nhưng là “trao
thân gởi phận” cho Chúa, nên phải biết rõ Chúa là ai, đáng tin đến mức nào.
Thánh Phaolô là chứng nhân đức tin kiệt xuất, đã trải qua bao gian nan mà vẫn
tín trung với Chúa, vì thánh nhân “biết mình đã tin vào ai” (2Tm 1,13). Nếu
thực sự muốn tin, chúng ta cũng phải biết: Chúa Giêsu Kitô là ai? Tin Mừng cho
chúng ta biết: Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Chân lý ấy quá đơn sơ, chúng ta
đều đã biết. Nhưng có thể chúng ta mới biết bằng “cái đầu”, bằng trí óc, chứ
chưa biết bằng “con tim”, bằng lòng yêu mến. Tin cuối cùng là yêu, là trung
thành gắn bó với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Vậy lòng ta cần
phải biết Ngài là Chúa, nghĩa là không chỉ biết rằng Ngài quyền trên cuộc đời
mình, Ngài là Chúa của mình. Khi lòng ta chưa biết điều đó, thì dù không nói
hay không dám nói ra, tự thâm tâm ta vẫn nghĩ: Lời Chúa chói tai quá! Lệnh Chúa
truyền khó khăn qúa! Và sẽ bỏ đi như người Do Thái, vì thầy tin Chúa là phải là
phiêu lưu và quá khó khăn! Người có đức tin trưởng thành là người “biết điều”:
họ nhận ra Đấng mời gọi là Đấng có quyền, nên họ dấn thân theo lời mời gọi của
Ngài vì đó là đòi hỏi của tình yêu.
Hãy vận dụng đức tin để dấn thân vào đời, lấy sức chèo
chống, ngăn chận sự ác đang hoành hành. Hãy chạy đến Chúa và phó thác cho Ngài
mọi lo lắng của cuộc đời, kiên trì tin tưởng Chúa sẽ cứu thoát chúng ta.
12. Các con không có lòng tin sao? – Noel Quesson
Một sĩ quan người Anh cùng gia đình xuống tầu đi tới
một miền xa lạ. Đang lênh đênh trên biển thì bỗng có giông bão khủng khiếp ập
tới. Hành khách trên tầu cuống cuồng lo sợ, nhất là bà vợ của viên sĩ quan. Bà
thấy ông vẫn bình thản thì bực bội và trách ông không quan tâm đến nỗi lo lắng
của bà và các con. Ông này ra khỏi phòng một lát rồi trở lại, ông nghiêm nét
mặt, rút kiếm ra dí vào ngực vợ. Bà vợ hơi tái mặt, nhưng lát sau bà phá lên
cười. Viên sĩ quan hỏi: – Thấy mũi kiếm sắp đâm vào người mà em không sợ sao? –
Việc gì em phải sợ? Em biết anh vẫn thương em mà.
– Thế tại sao em bắt anh phải sợ khi anh biết Thiên
Chúa luôn yêu thương chúng ta? Và cơn bão này cũng ở trong bàn tay Thiên Chúa?
Chúng ta thường nghĩ mình có đức tin, nhưng trong thử
thách, khi cần biểu lộ lòng tin thì nhiều khi ta lại hoảng sợ. Chính vì thế,
Chúa nhắc bảo ta luôn nhớ cầu nguyện để xin ơn tăng cường đức tin. Các môn đệ ở
chung một thuyền với Chúa, các ông đã biết Chúa có quyền năng có thể làm nhiều
phép lạ, nhưng khi sóng gió nổi lên, các ông vẫn hoảng hốt. Các ông quên rằng
dù thức hay ngủ, Chúa vẫn là Chúa. Các ông chưa tin vào Chúa hoàn toàn. Chúng
ta có thể nghĩ rằng Chúa làm ra vẻ ngủ say để thử lòng tin của các môn đệ.
Nhưng cũng có thể Chúa ngủ thực, vì Chúa cũng mang bản tính con người như ta.
Chúa mệt mỏi vì bao công chuyện dồn dập mấy bữa qua: đi lại, giảng dạy, chữa
bệnh cho bao nhiêu người. Sự mệt mỏi đã đưa Chúa vào giấc ngủ say.
Có những bất trắc, những tai nạn, rủi ro xảy tới cho
đời ta, ta kêu cầu hoài mà không thấy Chúa đáp cứu. Những nhà duy vật thời nay
thường nói: “Thiên Chúa đã chết”. Đôi khi, chính chúng ta là tín hữu Kitô, cũng
có cảm tưởng như vậy. Chúng ta bị đe dọa, bị xô đẩy, bị chèn ép, chúng ta bất
lực mà Thiên Chúa cứ làm thinh cho thiên nhiên hoành hành, cứ để cho bạo động
xảy tới, xem ra Thiên Chúa đang ngủ quên. Tuy hoảng sợ, các môn đệ cũng còn
chút tin tưởng ở Chúa, các ông tới đánh thức Chúa: “Thưa Thầy, chúng con chết
đến nơi mà Thầy không quan tâm sao?”. Chúa thức dậy, đứng lên, quát nạt sóng
gió và sóng gió trở lại yên tĩnh tức thì.
Sau khi trời yên biển lặng, Chúa bảo các môn đệ: “Sao
các con sợ hãi? Các con không có đức tin ư?”. Chúa trách các môn đệ thiếu lòng
tin. Không tin rằng có Chúa đang ở với mình trong thuyền. Không tin rằng Chúa
vẫn yêu thương săn sóc các ông. Nhiều khi chúng ta còn đáng trách hơn các môn
đệ, vì những lần chúng ta than thân trách phận, oán trời, trách Chúa: Sao Chúa
để chúng ta đau khổ, kêu mãi kêu hoài mà Chúa vẫn làm ngơ.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh để chúng con
lướt thắng mọi thử thách trên đường đức tin. Xin giúp chúng con luôn nhận ra
Chúa trong những biến cố cuộc đời để chúng con an tâm phục vụ Tin Mừng. Quyền
năng và tình thương của Chúa luôn làm cho con vững dạ an lòng (Tv 23,4).
13. Mời gọi qua sông –
Jean-Yves Garneau
Chúng ta phải liên lỉ băng qua bờ bên kia. Thường
thường biển động. Nhưng Chúa Kitô ở với chúng ta. Việc băng qua hồ Tibêriát,
như thánh Marcô kể lại, mang một ý nghĩa tượng trưng, cho ta thấy một kinh
nghiệm quan trọng và sâu sắc mà các môn đệ đã có được. Kinh nghiệm này có một
giá trị gương mẫu đối với chúng ta. Thường thường chúng ta phải sống những kinh
nghiệm tương tự.
Sang bờ bên kia.
Chúa Giêsu bảo bạn hữu của Chúa sang bờ bên kia. Vấn
đề không phải chỉ đơn giản là đi từ nơi này đến nơi khác, nhưng là sống một
biến cố sẽ giúp họ lớn lên. Lúc đó họ chưa biết được điều này.
Nhiều lần cả chúng ta nữa, chúng ta đứng trước một
tiếng gọi của Chúa Kitô. Gọi vươn lên, gọi sống đời sống Kitô hữu của chúng ta
mãnh liệt hơn, gọi dấn thân một cách mới mẻ… Nếu chúng ta đáp trả tiếng gọi ấy
chúng ta không biết trước những gì sẽ xảy ra cho mình hoặc nó sẽ đưa mình đến
tận đâu.
Từ biển lặng đến sóng gió.
Không chút do dự các tông đồ chấp nhận qua bờ bên kia,
thậm chí họ còn có sáng kiến chuẩn bị nữa. Lúc khởi hành, mọi sự diễn ra suôn
sẻ. Biển hồ yên lặng. Họ là những tay chèo giỏi. Chúa Kitô nằm ngủ ở mạn
thuyền.
Rồi gió nổi lên. Đó là giông bão. Các môn đệ hoảng
hốt. Từ đáy lòng họ la lên: “Lạy Thầy, chúng con chết mất!”.
Sự kiện này có thể áp dụng vào chính cuộc sống của
chúng ta. Nhiều lần chúng ta phải đáp lại những lời mời gọi của Thiên Chúa.
Không thể nghi ngờ thiện chí của chúng ta: Như các môn đệ, chúng ta thưa vâng
trước những tiếng gọi này. Nhưng việc thực hành những gì tiếng gọi ấy thường có
vẻ khó khăn và gắt gao hơn ta tưởng. Các khó khăn nhất thiết sẽ xảy đến. Chúng
rất thường nhiều hơn và lớn hơn điều ta dự tính.
Thế giới này trong đó chúng ta sống cũng giống như mặt
biển động vậy. Sống đạo trên một mặt biển như thế không dễ dàng, không đơn
giản! Không dễ dàng lớn lên về mặt Kitô hữu trong một xã hội như xã hội của
chúng ta, đang loan truyền đủ mọi thứ khác trừ sứ điệp của Chúa Kitô và lôi cuốn
đến mọi nơi khác trừ những con đường của Tin Mừng.
Lúc đó ta bị cám dỗ buông xuôi hết. Trở thành những kẻ
không dấn thân. Không đi nhà thờ nữa, chỉ còn sống cho mình, chỉ còn mang tên
là tín hữu mà thôi. Người ta vớt vát cho bộ mặt bên ngoài nhưng trong lòng thì
không còn gì nữa.
Phải làm một hành vi đức tin.
Giữa cơn giông tố, các tông đồ có ý tưởng rất hay là
quay về với Thầy của mình và cầu cứu Ngài. Kết quả thật lạ lùng. Chúa Kitô ra
lệnh cho biển. Biển lặng như tờ. Ngài trách họ: “Sao lại sợ? Tại sao các con
không có lòng tin?”. Phản ứng của các môn đệ có thể làm chúng ta ngạc nhiên.
Thay vì kêu lên: “Lạy Chúa, chúng con tin”, họ lại tự hỏi: “Ngài là ai mà ngay
cả đến phong ba và biển cả cũng phải vâng phục Ngài?”.
Không phải một sớm một chiều mà ta có được một niềm
tin vững chắc và sâu xa. Cần thời gian. Phải trải qua nhiều kinh nghiệm trong
cuộc đời làm Kitô hữu.
Ba điểm cần nhớ.
Những gì cần nhớ trong bài Tin Mừng hôm nay có thể tóm
tắt trong ba điểm.
Một là: đừng sợ qua bờ bên kia. Đây
là một điều kiện phải có để lớn lên. Khi cứ ở lại mãi trên bờ yên tĩnh của thế
giới bé nhỏ an toàn của mình, người ta không bao giờ trở thành một Kitô hữu
biết nhìn xa thấy rộng được Chúa Kitô luôn luôn mời gọi đi xa hơn, cao hơn.
Hai là: đừng ngạc nhiên về những khó khăn gặp phải khi
muốn sống một cuộc đời Kitô chân chính. Biển động là thành phần
của cuộc sống ấy, đó là dịp để tiến bộ.
Ba là: không nghi ngờ về sự hiện diện và quyền năng
của Chúa Kitô. Ngài ở với chúng ta. Cùng với
Ngài, chúng ta luôn luôn tới được những bến bờ khác. Chính Ngài đã đi qua cái
chết… và đã tới bờ của một cuộc sống mới. Những lần chúng ta phải đi từ bờ bên
này sang bờ bên kia trong cuộc sống hằng ngày đó là chúng ta được chuẩn bị cho
cuộc vượt qua cuối cùng.
Coi chừng những cuộc sống Kitô quá yên ổn, quá an
toàn. Chúa Kitô chờ đời chúng ta trên biển động. Thường thường đó chính là nơi
mà Ngài tự mặc khải cho chúng ta cách mạnh mẽ. Và chính ở đó, ở ngoài khơi mà
rất thường đức tin của chúng ta có thể được thức tỉnh hơn hết và có thể lớn
lên.
14. SLC- Giông bão
Qua hình ảnh mặt biển dạy sóng Chúa Giêsu muốn nói với
chúng ta những gì?
Mặt biển dạy sóng trước hết là hình ảnh của tâm hồn
chúng ta.
Thực vậy, nhiều lúc chúng ta đã cảm thấy: những quyến
dũ bất chính, những đam mê mù quáng, những cám dỗ nặng nề, quả thực đã trở nên
như những ngọn sóng ngầm. Những quyến dũ ấy, những đam mê ấy, những cám dỗ ấy
như muốn đè bẹp con thuyền nhỏ bé là tâm hồn chúng ta, nhận chìm nó xuống đáy
nước tội lỗi, nếu như Chúa Giêsu, Đấng có quyền làm cho gió yên biển lặng đã
không đến can thiệp và giúp đỡ chúng ta. Vì thế chúng ta hãy kêu xin Chúa như
các tông đồ ngày xưa:
– Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp chúng con không thì chúng
con chết mất.
Mặt biển dạy sóng còn là hình ảnh của thế gian.
Đúng vậy, thế gian là một mặt biển dạy sóng, trong khi
đó Giáo hội chỉ là một con thuyền nhỏ bé, mà người cầm lái, là Đức Kitô thì
dường như lại đang ngủ say. Những phong ba bão táp và những ngọn sóng trào dâng
là những cấm cớ bách hại, là những lập trường bài bác vu khống và chụp mũ,
khiến cho chúng ta, những môn đệ của Chúa cũng phải bàng hoàng kinh hãi, nếu
không muốn nói là đã đi đến chỗ tuyệt vọng.
Tại sao chúng ta lại sợ hãi? Phải chăng là vì yếu đức
tin. Chúng ta nên nhớ rằng, tình thương và sự quan phòng của Ngài luôn canh giữ
chúng ta. Chỉ một cái nhìn của Ngài cũng đã đủ để làm cho sóng yên biển lặng,
tất cả trở lại trật tự.
Kinh nghiệm của Giáo hội, cũng như của bản thân mỗi
người cũng làm chứng như vậy. Điều quan trọng, chúng ta phải luôn xác tín rằng:
Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta. Mặc dù đôi lúc Ngài dường như có vẻ ngủ say,
nhưng thực sự thì tình thương của Ngài luôn canh giữ chúng ta. Và một khi Ngài
đã ở với chúng ta thì không ai có thể chống lại chúng ta.
Thánh nữ Cartarina Sienna ngày kia đã hỏi Chúa, sau
khi đã thoát khỏi sự cám dỗ nặng nề:
– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải chiến đấu. Chúa
Giêsu đã trả lời:
– Ta ở bên cạnh con để giúp đỡ con.
Chính vì thế, giữa những gian nguy thử thách, giữa
những cám dỗ đe dọa, chúng ta hãy biết chạy đến và kêu van:
– Lạy Chúa, xin cứu chúng con, không thì chúng con
chết mất.
Điều quan trọng là làm thế nào để Chúa Giêsu thực sự ở
trong chúng ta với tất cả tình thương của Ngài?
Tôi xin đưa ra một pháp đó là hãy xa tránh
tội lỗi. Vì tội lỗi sẽ đẩy chúng ta xa lìa tình Chúa và làm dấy lên
trong tâm hồn cũng như xã hội một trận cuồng phong thảm khốc.
Chính vì thế muốn trấn áp cuồng phong, muốn tái lập
trật tự, chúng ta phải biết hãm dẹp những dục vọng xấu xa, những khuynh hướng
tội lỗi. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thành công, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ
đã kêu lên với Chúa giữa cơn phong ba bão táp:
– Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con, không thì chúng
con chết mất.
15. SNLC/565- Điều khiển
Rufus Jones có thuật lại câu chuyện sau đây: “Một cậu
bé đang chơi trên boong tàu, khi đó một cơn bão tố đang nổi lên. Một hành khách
tiến lại hỏi cậu bé: Này cháu, cháu không sợ cơn bão đang đến hay sao? Cậu bé
trả lời: “Không, cháu không sợ. Bởi vì cha cháu đang điều khiển con tàu”.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại một câu chuyện xảy
ra trong một cơn bão tố. Nhưng nó chỉ giống ở khung cảnh mà lại khác hẳn về nội
dung. Nỗi sợ hãi của các môn đệ hoàn toàn trái nghịch với lòng tín thác của cậu
bé trong câu chuyện của Jones, một lòng tín thác xuất phát từ một niềm tin vững
mạnh.
Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu
quở trách: “Tại sao các con nhát gan thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”
Chúng ta cần nhớ lại lời Kinh Thánh đã chép: “Đức tin là bảo đảm cho những điều
ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.
Chúng ta không luôn luôn thấy những đối tượng đức tin
của chúng ta, đặc biệt khi niềm tin của chúng ta bị che phủ bởi nỗi sợ hãi và
lo âu xao xuyến, và nhất là khi chúng ta bị những cơn giông tố trong cuộc đời
vùi lấp một cách phũ phàng. Trong những cơn thử thách mãnh liệt như vậy, chúng
ta hãy đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác vào chính Thiên Chúa. Vào thế
kỷ 19, tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ người Tô Cách lan George MacDonald đã viết:
“Con người hoàn hảo về đức tin là kẻ có thể đến với Thiên Chúa trong sự trống
rỗng về cảm giác, không có một chút cảm hứng và an ủi nào, chỉ có những thất
bại nặng nề, bị bỏ rơi, bị quên lãng hoàn toàn, và vẫn nói với Thiên Chúa: “Lạy
Chúa, Chúa là nơi con náu ẩn, là thành lũy che chở con”.
Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa là Trạng Sư và là bạn thân
thiết của con. Xin Chúa dạy con biết từ bỏ bản thân mà lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa
Giêsu. Con không muốn trốn tránh trách nhiệm của con đối với cuộc đời của mình,
nhưng con muốn để Chúa Giêsu chi phối toàn bộ cuộc sống của con.
16. CSTM/150- Bão tố
Hồ Tibêria nằm ở mạn bắc Palestine, còn gọi là hồ
Gênêsarét hay biển Galilê, nhưng quen gọi là Biển Hồ, có hình bầu dục, chiều
dài 21 km, chiều ngang 12 km, thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải 208m, lại nằm bên
rặng núi Hemon cao ngất, luôn có tuyết phủ, vì thế, các luồng gió mạnh đều dốc
đổ vào hồ, gây nên những cơn giông và bão tố bất thường.
Cựu Ước ít nhắc tới Biển Hồ này, nhưng trong Tân Ước,
hồ này nổi tiếng, vì nơi đây Chúa Giêsu đã làm một số phép lạ và giảng dạy
nhiều điều. Phép lạ kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra ở Biển Hồ này, vào
một buổi chiều đầy kỷ niệm của một ngày tháng chạp, năm thứ nhất công khai
giảng dậy của Chúa.
Hôm ấy, sau khi dùng thuyền làm tòa giảng dạy dân
chúng nhiều dụ ngôn, Chúa Giêsu giải tán cho họ ra về, rồi bảo các môn đệ kéo
buồm ra khơi sang bờ bên kia đến thành Gêrasa. Khi thuyền ra gần giữa khơi thì
gặp biển động mạnh, gió thổi dữ dội, sóng nước quật mạnh vào thuyền khiến
thuyền chòng chành, chồm lên chồm xuống muốn chìm. Các môn đệ ra sức chèo
chống, tuy là những ngư phủ đã quen với những cơn giông bão trên biển, mà lần
này các ông cũng hoảng sợ, vậy mà Chúa Giêsu vẫn nằm ngủ ngon lành ở cuối
thuyền như không có sự gì nguy hiểm đang xảy ra.
Các môn đệ không còn biết xoay sở làm sao đưa thuyền
vào bờ, trở lui không được vì bị sóng gió cản lại, mà tiến sang bờ bên kia thì
còn xa quá. Thật là tiến thoái lưỡng nan, các ông chỉ còn biết cầu cứu đến
Chúa, mà Chúa thì lại đang ngủ. Các ông đánh thức Chúa dậy và xin Chúa cứu
giúp. Lời kêu cứu này chứng tỏ các môn đệ tin Chúa có quyền phép. Nhưng Chúa đã
quở trách các ông: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Chúa trách
các môn đệ như vậy là vì mấy tuần qua các ông đã được chứng kiến Chúa làm nhiều
phép lạ tỏ ra Chúa là Đấng có quyền phép, nên đáng lẽ các ông phải tin tưởng
nơi Chúa mà không hoảng sợ trước cơn giông bão. Nhưng đức tin của các ông còn
yếu kém, gặp cơn giông bão, tuy có Chúa ở trong thuyền mà các ông vẫn hốt hoảng
sợ hãi, nên Chúa mới quở trách như vậy. Tuy nhiên, Chúa vẫn đứng dậy, truyền
cho sóng gió yên lặng, tức khắc biển trở lại bình thường.
Qua phép lạ này, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy
uy quyền Thiên Chúa toàn năng của Ngài, đồng thời cũng cho họ biết: họ phải
vững tin vào Ngài, có Ngài ở bên, họ không được sợ hay không phải lo sợ gì cả,
vì không có gì Ngài không làm được, mọi sự đều tùy thuộc uy quyền toàn năng của
Ngài.
Khi tìm hiểu về cơn bão tố xảy ra trên Biển Hồ, một
nhà chú giải Kinh Thánh đã giải thích: “Chúa Giêsu đã muốn đem các môn đệ của
mình đi trên biển, giữa bão tố kinh hoàng để cho họ thấy trước những bão tố sau
này là những bắt bớ, những hành hạ mà họ sẽ gặp trên đường tông đồ. Đối với họ,
là những người sẽ cầm lái thế giới sau này, con thuyền nhỏ bị sóng gió dữ tợn
đánh chòng chành sắp chìm, là hình ảnh của những trận bão tố sau này sẽ tấn công
Giáo hội mà họ phải kiên gan chống đỡ”.
Các nhà giảng thuyết thường áp dụng việc Chúa Giêsu
làm cho sóng gió yên lặng vào việc Chúa luôn ở cùng Giáo hội, và bênh vực gìn
giữ Giáo hội trải qua những cơn sóng gió trần gian. Chiếc thuyền của Phêrô là
tượng trưng cho con thuyền Giáo hội của Chúa mà Phêrô là đầu. Những cơn sóng
gió là những cơn thử thách bách hại mà Giáo hội luôn gặp phải. Cũng như khi xưa
các tông đồ trên thuyền đã được an toàn qua cơn sóng gió vì có Chúa Giêsu ở với
các ông, thì ngày nay cũng nhờ có Chúa Giêsu luôn hiện diện trong Giáo hội mà
trải qua bao cơn thử thách bách hại, Giáo hội vẫn đứng vững và trường tồn.
Nhìn vào lịch sử Giáo hội, qua dòng thời gian, trải
qua các thời đại, chúng ta thấy Giáo hội đã gặp phải bao cơn gió bão, thuyền
Phêrô, tức là Giáo hội, đã vượt biển được hai ngàn năm, thuyền đó ra đi, mặc
dầu gặp bao sóng gió, nhưng vẫn luôn đứng vững, lý do là vì Chúa Giêsu luôn
hiện diện trong Giáo hội như Ngài có mặt trên thuyền của các môn đệ xưa kia.
Đôi khi xem ra Ngài ngủ và có vẻ buông xuôi tay lái, nhưng thực ra đó chỉ là
những cơ hội để nêu cao sự hiện diện đầy quyền năng của Ngài.
Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa toàn
năng cai trị những bão tố bên ngoài, thì Ngài cũng thống trị những cơn bão,
những sóng gió trong tâm hồn, trong cuộc sống, trong cuộc đời thăng trầm của
mỗi người. Cuộc đời chúng ta là một đời lữ khách, vui buồn chen nhau. Là thân
lữ khách, chúng ta biết phận mình là thế, và trong muôn cảnh ngộ, chúng ta luôn
có hy vọng về tới bến. Đức tin vững chắc là bánh lái thuyền đưa chúng ta về tới
bến cứu độ. Chúa Giêsu luôn ngồi đàng sau con thuyền để trợ giúp chúng ta.
Chúng ta cứ yên trí lớn chèo thuyền ra đi, điều cần thiết nhất là chúng ta có
luôn tin tưởng vững chắc vào Chúa hay không?
Vì thế, giữa những bão tố, những sóng gió của biển
đời, chúng ta cần bắt chước gương các tông đồ, chạy lại với Chúa Giêsu và xin
Ngài cứu giúp: Lạy Chúa, xin cứu chúng con kẻo chúng con chết mất. Tin tưởng và
cầu xin Chúa, chúng ta sẽ được bình an.
17. Cha em là người cầm lái. – Thiên Phúc
(Trích trong “Như
Thầy đã yêu”)
Trong một cuộc hải trình vượt Đại Tây Dương, khách du
lịch đang thư thái ngắm cảnh hoàng hôn trên boong tàu.
Nơi tít mù xa, mặt trời đỏ cam đang chiếu những ánh
vàng cuối cùng của một ngày còn sót lại.
Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, tối sầm cả một vùng trời.
Sấm chớp đổ xuống liên hồi, giông tố cuồn cuộn nổi lên, càng lúc càng thét gào
dữ dội.
Mọi người trên boong chen lấn nhau chạy về phòng mình.
Duy chỉ có một bé trai cứ tiếp tục chạy giỡn trên boong giữa trận cuồng phong.
Được hỏi tại sao em không sợ hãi trước cơn giông tố?
Em thản nhiên đáp lại:
– Vì cha em là người cầm lái con tàu!
***
Giống như khách du lịch trong câu chuyện trên, các môn
đệ cũng gặp một trận cuồng phong khi vượt biển. Các ngài kinh hoàng vì thấy
mình sắp bị nuốt chững. Bó tay bất lực trước phong ba bão táp, các ngài đã vội
đánh thức Đức Giêsu và xin Người ra tay cứu giúp: “Thưa Thầy, chúng con chết
mất, Thầy không quan tâm sao” (Mc. 4,38). Người liền đe gió và phán với biển
như một người bị quỉ ám: “Hãy im đi”. Tức thì sóng yên biển lặng.
Ai cũng thích sóng yên biển lặng, xuôi chèo mát mái.
Nhưng cuộc đời nào mà chẳng có những cơn giông? Đại dương nào mà không có những
bão tố?
Tuy nhiên, chính giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính
mình: mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém tin.
Cũng chính giông tố sẽ đưa ta đến với Chúa, để ta hoàn
toàn phó thác cho sự quan phòng của Người. Cũng chính giông tố sẽ giúp ta biểu
lộ đức tin. Có thể nói, đức tin sẽ lớn lên ít nhiều sau mỗi lần giông tố.
Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa không ban cho ta một
thần khí nhát sợ nhưng mạnh mẽ, bác ái và tự chủ” (2Tm 1,7).
Mỗi người chúng ta không khác chi chiếc thuyền nan
chông chênh giữa cơn lốc cuộc đời, khó khăn nối tiếp khó khăn. Giống như cậu bé
đã tin tưởng ở cha mình cầm lái con tàu, mỗi người chúng ta cũng hãy vững tin ở
Thiên Chúa tình yêu. Người sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Có Chúa
trong đời, những cô đơn như bị xóa nhòa, những khó khăn dường như nhỏ lại,
những yếu đuối như được mạnh sức. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như
biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển
động.
Thánh Phanxicô Salêsiô dạy: “Phải ở lại trong con
thuyền mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, để hành trình từ cõi đời này về chốn
đời sau. Chúng ta phải sẵn sàng ở lại trong sự bình an thanh thản”.
Lạy Chúa, thuyền đời chúng con chẳng bao giờ được êm
ả, nó chỉ êm ả khi tới bến thiên đàng. Xin cho lòng chúng con luôn bình an ngay
cả khi Chúa còn đang ngủ, miễn là có Chúa trong thuyền, vì Chúa chính là thuyền
trưởng của đời chúng con. Amen.
18. An tâm – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Sau một ngày giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu bảo các
môn đệ chèo thuyền đưa Ngài sang bên kia Biển Hồ. Biển Galilê dài 21km, rộng
12km, xung quanh có những rặng núi bao bọc. Nhiệt độ ở Galilê thuộc miền Bắc
Israel và ở Biển Chết thuộc miền Nam chênh lệch nhau, thỉnh thoảng tạo ra những
cơn gió mạnh. Biển Galilê nổi sóng dữ dội vì hình thể lòng chảo với núi non bao
quanh. Vì thế, người xưa quan niệm rằng, biển là biểu hiện cho những gì nguy
hiểm, tối tăm và sợ hãi. Biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn
và phường tội lỗi (x. Is 57,20). Ý định băng qua bên kia Biển hồ lúc trời đã về
chiều quả là một ý định táo bạo, liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy.
Tuy vậy, Chúa Giêsu quyết định ra đi và thực hiện phép
lạ trên biển với mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ, đồng thời biểu lộ uy
quyền của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực sự dữ.
Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và có một số thuyền
khác vượt biển giữa trời đêm. Thuyền lướt sóng ra khơi giữa màn đêm. Bão tố
cuồng phong bỗng dưng ập đến. Các môn đệ, dù nhiều trải nghiệm về biển cả vẫn
hốt hoảng lo lắng hoang mang. Chỉ mình Chúa Giêsu vẫn an nhiên tự tại, vẫn ngủ
như không có gì xảy đến. Lạy Chúa, đến nước này mà Ngài vẫn ngủ sao? Trong dòng
lịch sử, không ít lần dân Do thái thấy như Chúa ngủ quên: “Lạy Chúa, Ngài quên
con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con
vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày? Tới bao giờ kẻ thù con thắng mãi?”
(Tv 13,1-2).
Các môn đệ cuống cuồng lo sợ và hỏi: “Thầy ơi, chúng
ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng. Gặp
bão tố cuồng phong trên biển cả, không lẽ những dân chài thứ thiệt như các ngư
phủ lại phải cậy đến sự trợ giúp của một bác thợ mộc ư? Kinh nghiệm thợ mộc
giúp được ích gì cho các ông lúc này? Ở đây rõ ràng là các ông cần sự trợ giúp
thần linh, cần một phép lạ. Khi con người đối diện với những gian nan khốn khó,
với những mãnh lực ác thần, họ mới thấy sức người quá hèn yếu, nhỏ bé. Bài đọc
1 cho thấy con người yếu đuối tìm đâu được một chỗ dựa vững vàng ngoài niềm tin
vào Thiên Chúa toàn năng: “Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả
lời ông Gióp như sau: Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ
đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” (G
38,1.8-9). Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi tóc, họ mới thấy cần biết bao
quyền năng Thiên Chúa trợ giúp. Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc để đáp ứng tiếng
van nài của họ.
Không phải bằng một kỹ năng hàng hải mà bằng uy quyền
của trời cao, Chúa Giêsu thức dậy và ra lệnh cho sóng biển: “Im đi! Câm đi!”.
Cử chỉ và lời nói của Chúa giống như lúc Ngài trừ quỉ. Lập tức, gió ngừng thổi
và biển yên lặng như tờ. Rồi Chúa quở các môn đệ: sao các con lại sợ hãi thế?
Đức tin của các con như thế nào? Rõ ràng, Chúa không nói các môn đệ không có
đức tin; Chúa cũng không nói các môn đệ có đức tin bé nhỏ; ở đây đức tin của
các môn đệ giới hạn quyền năng của Thiên Chúa, thua sức mạnh thiên nhiên, sự
hiện diện của Chúa Giêsu không thể cứu nguy cho những người cùng thuyền được
nên họ phải đánh thức Chúa dậy.
Khi Chúa dùng lời quyền năng dẹp yên gió bão, các môn
đệ ngạc nhiên và hỏi: “Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”.
Thông cảm với các môn đệ vì các ông chưa biết rõ Chúa là ai, quyền năng thế nào
để phó thác mạng sống mình cho Chúa. Nhờ phép lạ này, các ông nhận ra Thầy có
quyền trên cả gió và biển, có quyền như Thiên Chúa vậy. Từ đó, các ông suy
nghĩ, tìm hiểu con người Thầy hơn.
Những trắc trở đến từ thiên nhiên chỉ nói lên một phần
nhỏ sự yếu đuối của con người khi phải đối diện với trăm ngàn đợt sóng mãnh
liệt từ các dục vọng làm xáo động tâm hồn họ. Những sự ác dữ dội như sóng biển
ấy chẳng để ai ngủ yên, mà bắt người ta phải đặt niềm tin vào Chúa trong khi
chống cự để có được sự sống muôn đời: “Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô
kể, chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng. Xin bảo toàn sinh mạng và giải
thoát con, đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài” (Tv 25,19-20).
Giông bão bắt người ta phải tin, nhưng niềm tin lại
cần đến thử thách của giông bão, vì niềm tin cần được thử thách để lớn lên.
Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp
ta giúp ta biết mình hơn, biết yêu mến cậy trông vào Chúa hơn và giúp đức tin
vững mạnh hơn. Chúa phán với ông Gióp trong gió bão, dạy dỗ ông những lẽ khôn
ngoan. Ông Gióp đã luôn vững tin vào Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa
đã làm cho sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, và ban lại cho ông một cuộc sống tốt
đẹp hơn. Các Tông đồ cũng gặp bão táp trên biển cả. Chúa dùng lời quyền năng
dẹp yên giông bão. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi
Chúa hơn, từ nay các ngài không còn cuống quít sợ hãi mỗi khi gặp gian nan nữa.
Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng hơn. Thánh
Phaolô nhắc nhở: vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi
chúng ta, nhưng Ngài đã sống lại!” đem đến cho chúng ta một niềm tin vững chắc
vào tình thương của Thiên Chúa.
Tàu thuyền một khi đã lênh đênh trên mặt biển rồi thì
không thể nào tránh được những cơn sóng to nhỏ và chẳng có cách chi thoát khỏi
những chao đảo, bập bềnh và lắc lư do bão táp và cuồng phong gây nên. Cũng vậy,
mọi người không ai tránh khỏi những sóng gió và bão tố to nhỏ do biển đời này
gây ra!
– Khi tôi lâm vào cảnh hoang mang, sợ hãi, lúng túng,
lo lắng, bất an, phiền muộn, chán chường, thất vọng…
– Khi gia đình tôi chạm trán với những biến cố đau
thương như tai nạn xe cộ, tai nạn nghề nghiệp, thất nghiệp, vợ chồng con cái
bất hòa xung đột với nhau, đau ốm, tang chế…
– Khi trong cộng đoàn giáo xứ của tôi xảy ra những
gương mù, gương xấu: đố kị, ghen tương, kèn cựa, tranh giành quyền lợi, chia
bè, kéo phái, tố cáo nhau, mạt sát, thù ghét nhau…
– Khi trong cộng đoàn dòng tu của tôi phải đương đầu
với những khủng hoảng về mặt nhân sự, tài chánh, huấn luyện, đào tạo, kỳ thị,
chia rẽ, phân biệt, thiên vị…
– Khi Giáo Hội bị bêu xấu, hạ nhục, và bị công kích
bởi gương mù gương xấu do một số nhỏ giáo sĩ gây ra…
Thuyền trên biển gặp sóng gió, bão táp là chuyện rất
bình thường. Khi thuyền đời của mình không thể tránh được sức va chạm và những
ảnh hưởng của sóng gió, bão táp giông tố của cuộc đời này thì tôi phải làm gì
để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp?
Cách hay nhất là bắt chước các môn đệ, chạy đến với
Chúa Giêsu để xin Ngài dẹp tan sóng gió và bão tố bảo vệ thuyền của mình khỏi
bị nhận chìm. Chỉ khi nào tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có
quyền năng trên sóng gió mưa bão và mở miệng van xin Ngài ra tay cứu giúp thì
lúc đó thuyền đời mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy thì các con không thể
làm gì được!” (Ga 15,5).
Tin mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm. An
tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa
những thử thách gian truân vẫn luôn có Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền
vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ
chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng
chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng
ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì
như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững
tin vào sự hiện diện của Chúa, để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn
có Chúa ở vị trí hoa tiêu để hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến
bến bờ bình an.
19. Biển đời và biển khơi – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Cuộc ra khơi nào cũng chứa đựng những bất trắc, những
hiểm nguy. Dòng đời nào cũng có biết bao cạm bẫy giăng ngang. Biển khơi luôn
làm cho con người sợ hãi. Dòng đời luôn làm cho con người lo âu. Con người luôn
cảm thấy mình quá nhỏ bé trước biển khơi và biển đời. Biển đời và biển khơi mãi
mãi làm cho con người cảm thất bất lực. Sóng gió vẫn thét gào. Sự dữ vẫn tung
hoành. Con người luôn phải đối phó trước những tình huống rủi ro có thể xảy
đến.
Thời gian qua báo chí nói nhiều về những nguy hiểm của
các ngư dân Việt Nam đánh cá xa bờ. Lênh đênh trên biển. Không được bảo vệ. Một
mình đối phó với biết bao hiểm nguy do thiên nhiên đưa đến, và ghê sợ hơn là do
chính con người gây ra. Sự táo bạo của bọn cướp biển. Sự tranh giành phần biển
đánh cá của các nước lân bang. Nhiều ngư dân cảm thấy sợ hãi khi phải rời bến
xa bờ. Họ cảm thấy bất lực trước gian nguy trước mặt. Họ không dám mạo hiểm
đánh đổi tính mạng mình để đổi lấy một vài con cá. Họ đành rút lui. Họ sợ không
thể đương đầu với bao sóng gió nghi nan. Kẻ bán thuyền. Người để thuyền nằm bờ
chờ đợi thời cơ. Có mấy ai đủ can đảm ra khơi lúc này? Họ biết rằng ở nhà thì
đói. Nhưng ra đi càng thêm nợ nần, có khi còn mất cả tính mạng!
Năm xưa các tông đồ đã từng hoảng loạn, sợ hãi trước
sức mạnh của thiên nhiên, của giông bão. Giông bão như muốn nhấn chìm tất cả:
con người và tài sản. Con thuyền của họ thật mong manh! Họ đâu nghĩ rằng đêm
nay biển dậy sóng trào. Họ đâu lường hết được những rủi ro có thể đến với họ
đêm nay. Họ phải đối đầu với nguy nan, với bất trắc, với rủi ro. Một chiếc
thuyền nan mong manh trên biển cả biết bám víu vào đâu? Làm sao họ có thể vào
bờ an toàn trước gió biển và cuồng phong lồng lộng. Họ bất lực. Họ muốn buông
xuôi cho dòng đời xô đẩy. Nhưng may thay, họ đã nhớ đến Thầy. Thầy vẫn hiện
diện bên họ. Có Thầy hiện diện tại sao không cầu cứu? Thầy có thể làm cho kẻ
chết sống lại. Thầy có thể đẩy lùi sự dữ. Thầy có thể làm mọi sự. Tại sao không
chạy đến cùng Thầy? Dầu sao Thầy cũng là một cái phao duy nhất để các ông bám
víu trong lúc nguy nan của dòng đời.
Các ông đã chạy đến kêu cầu Thầy: “Thầy ơi, chúng con
chết mất!”. Đó là tiếng kêu từ thẳm sâu tâm hồn cần đến sự trợ giúp từ Thầy Chí
Thánh. Đó là tiếng cầu cứu nói lên sự bất lực của con người trước sóng gió ba
đào.
Đó cũng là tiếng kêu cứu của con người hôm nay khi
đứng trước biết bao nghịch cảnh xảy đến trong đời. Biển đời vẫn đưa đẩy những
sóng gió nghi nan, những bất trắc đau thương. Thiên tai vẫn ập xuống địa cầu.
Sự dữ vẫn đang tung hoành. Có nhiều người như muốn thất vọng buông xuôi vì không
tìm được lối thoát. Có nhiều người oán trời oán đất vì quá sức chịu đựng. Có
nhiều người ôm phiền muộn trong đau thương một mình vì chẳng tìm được sự an ủi,
cảm thông và tin tưởng nơi tha nhân. Dòng đời vẫn còn đó tiếng kêu van tha
thiết dâng lên Đấng tối cao. “Xin cứu chữa chúng con, Chúa ơi!”.
Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao sóng gió nổi trôi.
Cuộc đời tựa như chiếc thuyền nan chòng chành trước bao cám dỗ mời mọc, bao sự
dữ bủa vây. Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa.
Hãy đưa tay để Chúa dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của dòng đời. Dòng đời
đâu mấy khi bình yên. Con người mãi chơi vơi trong bể khổ trần gian. Nhưng có
Chúa vẫn đang đi trong cuộc đời chúng ta. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa. Hãy
tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa, Ngài sẽ luôn làm những điều tốt
đẹp nhất cho con cái của Ngài.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng luôn hiện diện bên cạnh
các tông đồ và bên cuộc đời chúng ta, xin thương đến những cảnh đời đầy khó
khăn thử thách của kiếp người chúng ta. Amen.
20. Vẫn chưa có lòng tin?
(Giải thích bản văn
Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Nằm trong văn mạch 4:35-5:43, trình thuật 4:35-41 là
một trong những đoạn trình bày quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ cho các
môn đệ sau khi Người đã giảng dạy (4:1-34): giải thoát khỏi nguy hiểm sự chết
(4:35-41); khỏi quyền lực thù nghịch với Thiên Chúa (5:1-20), khỏi bệnh tật
(5:25-34), và khỏi sự chết (5:21-24.35-43). Điểm chung của các trình thuật nầy
là: – sự hiện diện của các môn đệ ( 4:35; 5:13; 5:31.37); – sự bất lực của con
người – cầu cứu ở Chúa Giêsu (4:38; 5:3; 5:23; 5:26); – Chúa Giêsu giải thoát
mọi sự dữ (4:39; 5:12-13; 5:29; 5:41tt); – Người đòi hỏi lòng tin (4:40;
5:34.36). Cấu trúc của đoạn 4:35-41 có thể phân ra như sau: 1- Nhập đề: bối
cảnh và nhân vật (cc. 35-36); 2- Chúa Giêsu làm sóng gió lặng yên (cc. 37-29);
3- Kết luận: Thắc mắc của cả Chúa Giêsu và các môn đệ (cc. 40-41).
Câu 4:34 là móc nối giữa hai đoạn 4:1-34 và 4:35-5:43.
Như khi ở riêng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã thường cắt nghĩa mọi sự cho họ,
Người cũng sẽ tỏ chân dung của Người qua những việc quyền năng Người thực hiện
khi Người và họ đã tách khỏi dân chúng (x. 3:9.20.32; 4:1). Họ cần “ở với
Người” (c. 36) như lần đầu tiên họ được kêu gọi để có thể có kinh nghiệm sâu
đậm về Người (3:14; x. 5:37). “Buổi chiều” trong Marcô thường là khung cảnh của
những việc không tốt lành sẽ xảy đến (4:35; x. 6:47; 11:11; 14:17; 15:42). Đây
là lần duy nhất Marcô nói là các môn đệ “đem Người theo” (paralambano).
Động từ nầy nói đến quan hệ giữa Chúa Giêsu-môn đệ. Thông thường Người đem các
môn đệ theo để tỏ cho họ chân tính của Người (9:2), cho họ hiệp thông vào cuộc
thương khó của Người (10:32; 14:33). Ngược lại, các môn đệ đem Người theo và
cuối cùng tỏ lộ cho Người thấy sự yếu đuối của họ (4: 40).
Trong hành trình sang bờ bên kia, các môn đệ kinh
nghiệm ba điều: vũ lực của gió bão kéo theo nguy hiểm chết người, sự bất lực
của con người và quyền năng của Chúa Giêsu (cc. 37-39). Gió bão được kể là
quyền lực thù nghịch gây hại cho con người. Chúa Giêsu ngăm đe và ra lệnh “Im
đi!” cho ma quỷ và gió bão (x. 1:25; 3:12; 4:38; 8:33; 9:25). Các môn đệ thấy
lâm nguy cho tất cả “chúng ta”, nhưng lại tỏ ra bất lực chế ngự gió bão, nên
phải làm Người chỗi dậy (egeirò). Mỗi lần Chúa Giêsu “làm ai chỗi dậy”
là Người đã chữa lành người đó (x. 1:31; 5:41; 9:27). Trái lại, các môn đệ chờ
đợi sự can thiệp từ phía Người. Việc Người ngủ trong khi thuyền gặp bão tố cho
thấy Người không sợ bị hại do những gì có thể xảy ra (x. 13:36; 14:37.40tt).
Không cần ngăn ngừa và tránh né, vì Người làm chủ trên gió bão.
Khi gió bão đã biến mất, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với
các môn đệ, cũng như họ cũng tự hỏi về Người là ai. Hai câu hỏi của Người không
mâu thuẫn nhau; trái lại, mở một con đường. Trong tình huống gió bão có thể gây
chết người, vì đã để mình cuốn lôi bởi vũ lực vô nhân tính, nên các môn đệ đã
cảm nghiệm cách thâm sâu sự bất lực mà biểu hiện của nó là sự sợ hãi. Trái lại,
cũng trước nguy hiểm ấy, nếu để Chúa Giêsu và sự hiện diện của Người dẫn dắt vô
điều kiện, sẽ không cảm thấy bị đe dọa và không sợ hãi. Đó là đức tin vô điều
kiện Người muốn nơi môn đệ của Người (x. 11:22). Còn câu tự hỏi của các môn đệ
rất giống với những câu hỏi của dân chúng trước đây, chỉ sự kinh ngạc và thán
phục trước công cuộc cao cả tỏ hiện quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu
(x. 1:27).
Biết Chúa Giêsu không chỉ bằng tri thức, mà cả kinh
nghiệm bản thân. Đức tin cần thiết để nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa
đang thực hiện những điều không thể cho con người, và để sống hiệp thông với
Người (x. 4:11).
21. Suy niệm của Lm Trọng Hương
Hạt giống…
Phép lạ dẹp yên bão tố này chứng tỏ uy quyền của Chúa
Giêsu trên sức mạnh thiên nhiên:
– Những chi tiết mô tả sức mạnh của thiên nhiên: một
trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền, thuyền đầy nước, các môn đệ hoảng sợ.
– Những chi tiết mô tả sức mạnh ưu việt của Chúa
Giêsu: Ngài vẫn ngủ, Ngài hăm đe gió và truyền lệnh cho biển, sau chỉ một lời
truyền của Ngài gió liền tắt và biển lặng như tờ; sau phép lạ các môn đệ hỏi
nhau “Người này là ai mà cả đến gió lẫn biển cũng tuân lệnh”.
… nẩy mầm.
Vì Chúa là chúa tể của thiên nhiên nên khi nhìn thiên
nhiên, chúng ta phải dâng lời ca tụng Chúa. “Chúc tụng Chúa đi, nguồn nước tận
cao xanh; Chúc tụng Chúa đi mọi cơ binh thượng giới; Chúc tụng Chúa đi mặt trời
với mặt trăng; Chúc tụng Chúa đi hỡi tinh tú muôn ngàn; Chúc tụng Chúa đi nào
mưa sương tất cả; Chúc tụng Chúa đi mọi luồng gió cơn giông; Chúc tụng Chúa đi
sức nóng với lửa hồng; Chúc tụng Chúa đi trời nồng và khí lạnh; Chúc tụng Chúa
đi nào sương đọng mưa tuôn; Chúc tụng Chúa đi kìa thời đông tiết giá; Chúc tụng
Chúa đi nào băng phủ tuyết rơi; Chúc tụng Chúa đi hỡi đêm ngày đắp đổi; Chúc
tụng Chúa đi ánh sáng và bóng tối; Chúc tụng Chúa đi chớp giật với mây trôi…”
(Tv 62: Kinh Sáng Chúa nhựt Tuần I).
Sức mạnh thiên nhiên cũng là những hiện tượng tự nhiên
xảy đến trong cơ thể ta. Thí dụ: lúc ta khoẻ khi ta bệnh, khi ta trẻ lúc ta
già… Có lúc sức khoẻ suy sụp làm ta tưởng mình đang trên một chiếc thuyền gặp
cuồng phong bão táp. Và khi đó hình như Chúa vẫn ngủ. Nhưng thực sự Ngài không
ngủ, Ngài vẫn là người lèo lái dẫn dắt thuyền đời của ta. Hãy phó thác cho Ngài
dẫn dắt.
Thi sĩ Lord Tennyson và một người bạn đang đi dạo
trong vườn hoa và cùng nhau trao đổi về những chủ đề thời thượng của quần
chúng. Là một Kitô-hữu, người bạn muốn biết thái độ của thi sĩ đối với đức
Kitô. Sau mấy giây thinh lặng, người bạn hỏi: “Anh có khi nào nghĩ về đức Kitô
không?” Tennyson đưa tay ngắt một bông hoa rực rỡ toả hương bên đường, nói:
“Như mặt trời đối với đoá hoa thế nào, thì đức Kitô đối với tôi cũng vậy.” (Góp
nhặt)
22. Bão biển – Lm VIKINI
Cơn bão số hai đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng từ
chiều 24 đến 25 tháng 05 năm 1989, sức gió giật cấp 12 kèm theo mưa to đổ xuống
như thác. Đây là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay ở tỉnh này. Thống kê đầu
tiên cho biết gần 500 người bị chết và mất tích. Hàng trăm người bị thương,
hàng vạn ngôi nhà, nhiều trường học, bệnh viện, trạm trại, kho tàng… bị sụp đổ,
hàng nghìn tầu thuyền bị chìm, hư hỏng, thất lạc. Trên 50.000 mét khối kinh
mương thủy lợi bị vỡ lở… Bị tổn thất rất to lớn chưa thể tính hết được.
Chỉ một cơn bão ở một miền nhỏ so sánh với cả nước, và
nếu sánh với cả địa cầu nó chỉ là một chấm nhỏ đã phải chịu một cơn bão khủng
khiếp như thế, thì trên trái đất này còn phải chịu bao nhiêu cơn bão khủng
khiếp đến chừng nào! Biển cả đối với loài người vẫn là mối nguy cơ lớn đe dọa
ghê gớm, một mãnh lực không thể chế ngự được. Trước nguy cơ của biển, con người
quá bé nhỏ mong manh không ai dám cậy tài, cậy sức vào bất cứ một con tàu nào,
dù nó là con tàu khổng lồ như Titan, hay tối tân như con tàu nguyên tử, chỉ
đụng sơ vào tảng băng, đá ngầm đều vỡ tan, chìm mất tích dưới đáy đại dương.
Biển hồ Tibêria xưa tới nay vẫn nổi tiếng sóng gió đột
ngột nổi lên dữ dội do những luồng gió thổi từ cao nguyên Giôlăng tới. Thêm vào
đó, thời các tông đồ, thuyền bè chỉ là mấy miếng gỗ, tre, nứa thô sơ, khi gặp
bão biển, chỉ còn cách nộp mình cho thần chết. May cho các môn đệ, các ông đã
biết Đức Giêsu, Đấng đã trừ khử quỷ dữ (Mc 1,25), Đấng chế ngự thần chết (Mc
5,35-43), Ngài đang ngủ ở đàng sau thuyền, chắc chắn sẽ khắc phục được bão
biển.
Nhưng sao Ngài vẫn ngủ yên trước cuồng phong dữ dội?
Thật lạ lùng! Các ông không thể kiên nhẫn chờ Ngài thức dậy. Sóng đã ập vào
thuyền đầy tràn nước rồi, mau mau chạy đến kêu gào Ngài cứu nguy: “Lạy Thầy,
xin Thầy cứu vớt, chúng con chết mất”.
Chìm thuyền, chết đến nơi rồi, thế mà Ngài còn than
trách: “Sao nhát đảm, hỡi kẻ yếu lòng tin?”. Lòng tin quá yếu, nhưng các ông
vẫn còn một chút tin tưởng cầu xin Ngài, nhờ đó, Thầy đã quát bảo bão biển phải
im lặng ngay. Kinh ngạc bao nhiêu, Ngài là ai mà bão tố, sóng gió biển cả phải
tuân lệnh. Thứ mãnh lực vô tri, vô giác, sao biết nghe lời Ngài? Sao những thứ
có tri, có giác, không biết nghe lời Ngài mà lặng yên đi, đừng nổi loạn nữa?
Tại sao loài người dám nổi loạn chống lại Ngài? Phải chăng họ cậy có tri, có
giác, có tài? Vì cậy có tri, có giác, có tài nên đã bị những thứ vô tri, vô
giác, vô tài nổi loạn chống lại loài người. Chừng nào loài người mới biết mở
mắt ra thấy mình quá yếu đuối, quá bất lực trước thiên nhiên vô tri giác, lúc
đó loài người mới biết chạy đến cầu cứu Đấng đã dựng nên và an bài mọi sự.
Thiên Chúa nhiều lần đã dạy cho loài người những bài học đích đáng như đại hồng
thủy, động đất, cháy rừng, hạn hán, bệnh tật để đừng bao giờ dám cậy mình đòi
bằng Thiên Chúa hay chối bỏ Ngài.
Các môn đệ, phải chăng lúc ra khơi cũng tự mãn cho
mình là dân biển lành nghề, chẳng sợ chi ai, mặc kệ Thầy nằm đó, Thầy đang nhờ
cậy ta vượt biển! Viết đoạn Phúc Âm này, Marcô không phải chỉ giản dị kể lại
một phép lạ, mà chủ đích làm nổi bật câu hỏi: “Ngài là ai mà bão và biển phải
tuân lệnh?”. Không phải Ngài vô tình dẫn môn đệ sang bờ biển đối diện bên kia,
miền đất của lương dân thù địch với Galilê, miền đất của dân Do thái. Suốt cuộc
đời Ngài phải trải qua những cuộc chiến gay go chống lại kẻ tin ma thờ quấy, sự
dữ, tội lỗi, bệnh tật và cái chết khốc liệt. Những sự dữ đó Kinh thánh thường
gọi đêm tối, vực sâu biển cả, Ngài ngủ trong đêm tối giữa biển cả trần gian,
bao nhiêu cuồng phong bão lực đang phá xiềng, phá xích, xổ lồng tung hoành
khủng khiếp. Giấc ngủ kinh hoàng của Ngài là cuộc thương khó; Ngài ở đàng lái,
cuối thuyền, dựa đầu vào gối mà ngủ giữa đêm bão biển. Cuối đời Ngài, Ngài cũng
phải dựa đầu vào cây thập giá mà chết giữa những địch thù khát máu. Hôm nay,
giữa bão biển đêm tối, Ngài muốn thao dượt đức tin non yếu của các ông, để ngày
mai giữa cơn khủng hoảng thương khó của Ngài, các ông “đừng sợ”. Nhưng các ông
vẫn khiếp sợ chạy trốn. Phúc cho các ông, Ngài thức dậy, dẹp yên sóng gió. Ngài
chỗi dậy từ trong kẻ chết cho các ông được bình an! được chỗi dậy với Ngài
trong vinh quang, Ngài bảo trước cho Phêrô: “Khi con chỗi dậy, con hãy làm cho
anh em con nên vững mạnh” (Lc 22,32).
Giờ đây Phêrô đang kể lại kinh nghiệm sống chết này
cho giáo đoàn Rôma đang lâm cảnh cuồng phong bão táp gây nên cảnh chết chóc tử
đạo khốc liệt để họ kiên trì vững mạnh trong đức tin mà biết dựa đầu vào Đức
Giêsu mà chỗi dậy trong “Đấng đã chết và sống lại vinh quang vì họ” (2Cr 5,17).
Lạy Chúa, biển đời đầy dẫy những nguy hiểm: “nguy hiểm
về sông ngòi, nguy hiểm về trộm cướp, nguy hiểm về đồng bào, nguy hiểm về dân
ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm trên biển
cả, nguy hiểm vì anh em giả dối… nào ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Ai vấp
ngã mà tôi không bỏng xót!” (2Cr 11,26-29).
Lạy Chúa xin cho chúng con biết dựa đầu vào Chúa mà
chỗi dậy luôn luôn.
23. Bão tố – Lm. Giuse Đỗ Vân Lực
Hôm qua ngồi nghe sư huynh Phong giảng tĩnh tâm tại giáo
xứ Lộ Đức, Hoa Kỳ, tôi thấy rùng mình khi thấy những cô bé Việt nam bị bán sang
các lầu xanh bên Cambodia. Có những em mới chỉ hơn mười tuổi. Kết quả một số em
bị mắc bệnh liệt kháng và đã sớm kết thúc cuộc đời trong hoang lạnh. Có cảnh bé
thơ Việt nam bị bán đi với giá hai trăm đô. Nhưng em bị trả lại vì có bệnh liệt
kháng. Suýt nữa em đã bị giết ngay trước mặt người mua. May thay, đứng trước
cảnh đau lòng đó, người mua đành hy sinh mất hai trăm để cứu mạng em.
Những cảnh tang thương đó đã đập vào mắt các bạn trẻ
Việt nam hải ngoại. Sư huynh lạc quan về giới trẻ Việt nam Hải ngoại. Chỉ cần
năm ngàn đô để cứu các cô gái kém may mắn. Nhưng các bạn trẻ ở Los Angeles đã
lạc quyên được mười lăm ngàn. Với số tiền lớn gấp ba như thế, sư huynh đã hết
sức cảm động và đầy tin tưởng xông pha đi tìm đường cứu sống những cô gái đó.
Nhiều nơi các bạn trẻ, như tại Lộ Đức, tự động đứng ra rửa xe, lạc quyên, hớt
tóc giúp người nghèo khổ, bệnh tật, già nua, xây trường học v.v.
Tất cả những khốn cùng của dân tộc đều do sự nghèo
đói. Đứng trước biển cả nghèo đói bao la của dân tộc, nhiều người đã tự hỏi:
Thiên Chúa ở đâu? Chúa có biết gì về những khốn cùng của kiếp người không? Chúa
đang ngủ hay thức? Thất vọng tràn trề. Thất vọng như những môn đệ của Chúa trên
khoang thuyền năm xưa.
Hôm ấy, sau khi rời đám đông sang bờ bên kia (x. Mc
5:35), Chúa Giêsu đã lôi cuốn một số thuyền theo Người. Chắc lúc đó trời yên bể
lặng nên các thuyền mới có thể nối đuôi nhau như thế. Các thuyền đi đông vừa
vui vừa cảm thấy an toàn khi hữu sự. Chúa Giêsu cũng chỉ là một người ngồi
trong khoang thuyền nào đó mà thôi. Gió biển thổi lên mát quá. Chúa chìm vào
giấc điệp bao giờ không hay. Chắc Chúa phải ngủ say lắm mới không nghe tiếng
các môn đệ đang thi nhau thét gào cùng sóng biển.
Gió rít mạnh. Các con thuyền lắc lư quá đến nỗi nước
trào vào đầy khoang thuyền (x. Mc 5:38). Mạnh đến thế mà sóng gió cũng không
kéo Chúa ra khỏi giấc nồng. Đó là dấu chứng tỏ, sau một ngày hoạt động mục vụ,
Chúa bị dân chúng “quần thảo” dữ dội lắm. Nhưng như thế mới biết tâm hồn Chúa
bình an chừng nào! Quả thế, “ai có tâm hồn trong sạch, mới ngủ được. Và ai ngủ
được đều có tâm hồn trong sạch.”(Péguy 1962:27) Đố ai ngủ được như Chúa!
Nhưng Chúa càng bình an, các môn đệ càng bấn loạn lên.
Bao nhiêu chiếc thuyền vẫn không thể nương dựa nhau trong cơn sóng bão. Bao
nhiêu ngư phủ lành nghề vẫn không đủ tài trí bảo đảm an toàn cho bấy nhiêu sinh
mạng đang treo sợi mành. Vận dụng hết năng lực vẫn không tát hết nước ra khỏi
các khoang thuyền. Tình hình càng lúc càng nguy ngập. Bí quá, các môn đệ mới
chợt nhớ đến Thầy như giải pháp cuối cùng. Các ông vội vàng đến kéo Chúa ra
khỏi giấc nồng. Các ông không ngại gài thêm một lời trách móc: “Thầy ơi, chúng
ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 5:38) Đối với các ông, Thầy thuộc
loại người “vô ăn vô lo.” Sao Thầy vô tư đến thế?!
Choàng tỉnh khỏi giấc nồng, Thầy liền bắt tay vào
việc. Các ông nghĩ, nếu mình không đánh thức, chắc chìm xuống đáy biển Thầy vẫn
còn ngủ. Nhưng thực ra, họ đánh thức Thầy, hay Thầy đánh thức họ? Thực tế, họ
còn ngủ sâu hơn Thầy nữa. Họ ngủ vùi trong sự hèn nhát và vô tín (x. Mc 5:40).
Bởi vậy, sau khi dẹp tan biển cả, Chúa lôi các ông ra khỏi cảnh tối tăm. Té ra,
chính họ mới cần đánh thức, chứ không phải Chúa. Chứng kiến cảnh Chúa ra tay uy
quyền trên biển cả, họ mới ngạc nhiên về quyền năng vô biên của Chúa. Từ đó, họ
mới biết Chúa là ai.
Nếu chỉ là người phàm, hẳn Chúa không thể nào có quyền
năng lớn lao như vậy. Trước sức mạnh biển cả, họ mất bình tĩnh. Nhưng trước
quyền năng của Chúa, họ mới “hoảng sợ.” (Mc 5:41) Biển cả có gầm thét cũng chỉ
làm cho các ông đâm lo vì sự bất lực của mình. Nhưng quyền năng Chúa mới thực
sự làm cho các ông phải đứng trước một thần lực lớn lao trổi vượt hơn thủy thần
như Bơhêmốt, Giao long, Raháp. Biển cả vẫn là nơi quỷ dữ hoành hành. Như thế,
“Chúa Giêsu chứng tỏ thần lực của Người trên quyền lực sự dữ.” (Các Giờ Kinh
Phụng Vụ 2005:184) Nếu không là Thiên Chúa, làm sao Chúa Giêsu có thể có quyền
toàn năng đến như vậy?!
Đứng trước những thống khổ mênh mông như biển cả của
hàng triệu người Do thái đã bị Đức Quốc Xã tiêu diệt hồi thế chiến thứ hai, ĐGH
Bênêđictô XVI cũng đã ngạc nhiên về sự im lặng của Chúa. Có lẽ cũng như các môn
đệ trên biển cả, ĐGH cũng thắc mắc: “Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 5,38) Câu hỏi
đó đã dẫn nhiều người xa Chúa. Nhưng cũng chính thắc mắc đó lại đặt môn đệ
trước một mầu nhiệm vô cùng lớn lao. Mầu nhiệm này vượt quá khả năng con người.
Bởi thế, muốn đi sâu vào mầu nhiệm đó, con người phải có đức tin. “Chỉ có lòng
tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng quyền lực sữ dữ,
mới cho phép họ vượt qua sự sợ hãi.” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ 2005:184) Đức tin
trở thành sức mạnh khiến ta đứng vững trước tất cả mọi giông tố cuộc đời. Chỉ
có đức tin mới là câu trả lời đích xác nhất cho những gì chúng ta đang quan tâm
lo lắng hôm nay. Đức tin sẽ không trình bày một Chúa Kitô theo quan điểm loài
người (x. 2 Cr 5:16), nhưng một Chúa Kitô đã chết cho mọi người theo đúng ý
định Thiên Chúa.
Cám ơn Chúa vẫn cho đức tin sống mạnh trong các bạn
trẻ Việt nam hôm nay. Nhìn kỹ vào niềm tin tuổi trẻ chúng ta sẽ thấy tất cả sức
mạnh của niềm tin. Bạn trẻ đã mở ra một lối thoát mới cho những bế tắc hôm nay.
Chúng ta có quyền hy vọng và học hỏi nơi các bạn!
24. Suy niệm của nhóm Đồng Hành
Chi Tiết Hay
(cc. 35-37) Vào thời thượng cổ, gió và biển là tượng
trưng cho náo loạ n và sự dữ, luôn chiến đấu với Thiên Chúa. Giáo hội tiên khởi
được coi như là một con thuyền .
(c. 38) Các môn đệ đã từng thấy Chúa Giêsu chữa nhiều
bệnh tật, và trừ được quỷ (chương 1-3). Thế mà khi họ phải lao đao giữa cơn bão
biển, Chúa Giêsu lại ngủ. Họ kết luận rằng Chúa Giêsu chẳng lo nghĩ gì đến họ!
Sách Cách Ngôn (3:24) dùng giấc ngủ an bình để tả lòng tin tưởng hoàn toàn nơi
Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu có thể ngủ ngay lúc bão táp là dấu chỉ lòng tin
tuyệt đối vào Thiên Chúa của Ngài.
(c. 39) Những lời Chúa Giêsu dùng để nói với bão biển,
“Im đi! Câm đi!”, cũng cùng là lời Chúa đã dùng để trừ quỷ (Mác-cô 1:25). Như
thế, quyền năng của Chúa Giêsu trên sóng gió ngụ ý nói về quyền năng của Người
trên thần dữ.
(c. 40) Chữ “lòng tin” khi dùng trong xã hội Hy Lạp
hay Do Thái thời đó có nghĩa là “lòng trung thành”. Chúa Giêsu trách các môn đệ
đã để sự nhát gan làm lung lay lòng trung thành của họ đối với Người.
(c. 41) Quyền năng trên biển và bão tố là dấu hiệu một
quyền năng đến từ Thiên Chúa (Thánh Vịnh 107:23-32).
Một Điểm Chính
Sự hiện diện của Chúa mang bình an đến cho tâm hồn. Đi
với Chúa Giêsu là đi trong bình an, dù là đi giữa bão tố của đời. Hãy tin tưởng
vào Chúa luôn luôn và trong mọi biến cố.
Suy Niệm
Đời tôi hiện nay đang ở trong cơn bão tố nào? Có thể
là một biến cố bên ngoài hay một cuộc chiến trong tâm hồn.
Nếu như Chúa Giêsu ở bên cạnh tôi khi tôi lao đao giữa
giông tố ngoài biển khơi, thì tôi sẽ làm gì? Tôi có vẫn ngồi bên Người ngay khi
khi nước trào ngập thuyền? Tôi có đánh thức Người dậy để xin một phép lạ? Tôi
có bỏ đi tìm một quyền năng nào khác để làm lặng xuống những sóng gió trong
tôi?
25. Sao nhát thế? Anh em chưa có lòng tin
Trên con đường theo Chúa Giêsu, mặc dù các môn đệ đã
được Người đào tạo, dậy dỗ, uốn nắn… các ông vẫn chưa hiểu gì về đường lối của
Chúa: Người đã giảng dậy, đã làm nhiều phép lạ nhưng các môn đệ vẫn sống trong
sự mờ ảo của cuộc sống, các ông vẫn chưa làm sao hiểu được ý của Thầy Giêsu. Do
đó, đã có lúc các ông tưởng Thầy mình là ma, đã có lúc các ông lánh xa Chúa, đã
có lúc các ông phản ứng lại những lời nói, cách sống, cử chỉ, thái độ của Thầy
mình. Đức tin của các môn đệ nhiều lúc tưởng như lu mờ, hay nói một cách khác
các ông chưa có lòng tin. Tin Mừng Mc 1,35-41 là một bằng chứng nói lên quyền
năng vô biên của Chúa giống như sách Gióp khẳng định:” Chỉ Thiên Chúa là Đấng
sáng tạo quyền năng, chủ tể muôn loài, muôn vật, chủ tể mọi sự”. Phép lạ Chúa
Giêsu làm cho sóng to, gió lớn phải im bật nói lên quyền uy của Chúa. Đáng lẽ
các môn đệ phải vui mừng vì Thầy có quyền năng khiến gió to, biển động im hơi
lặng tiếng, các môn đệ lại hoảng hốt sợ sệt. Chúa Giêsu đã phải lên tiếng:” Sao
nhát thế? Anh em chưa có lòng tin sao?”.
CÁI TRỚ TRÊU CỦA CÁC MÔN ĐỆ
Theo Chúa gần ba năm, các môn đệ đã được Chúa dậy bảo
nhiều điều: Người đã nói thực tế, đã làm những phép lạ, đã dùng những dụ ngôn,
những ví dụ xẩy ra chung quanh các môn đệ để làm sáng tỏ lòng tin của các ông,
nhưng các ông vẫn còn u tối, các ông vẫn chưa cảm nghiệm được quyền năng và tư
cách thần linh của Chúa Giêsu. Các môn đệ luôn tỏ ra không hiểu hay tỏ ra hiểu
lờ mờ về Thầy mình. Các ông luôn mơ tưởng đến việc Chúa Giêsu sẽ khôi phục lại
nước Israen và rồi các ông được ăn trên ngồi trốc trước mọi người khi Chúa
Giêsu đăng quang làm vua theo ý nghĩ trần gian của các ông. Điều đó không lấy
gì làm lạ khi phép lạ hôm nay xẩy ra. Bối cảnh phép lạ được Chúa Giêsu thực
hiện vào một buổi chiều trên biển hồ. Thuyền của các môn đệ rời bến để qua bờ
bên kia. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu phép lạ diễn ra trong đêm. Chúa Giêsu
ngồi ở đằng lái, gối đầu mà ngủ. Bỗng gió to, sóng lớn nổi lên, sóng ập vào
thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.
Các môn đệ hoảng hốt, xôn xao, nhốn nháo đánh thức
Chúa: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo sao?” (Mc 4,38). Chúa Giêsu
liền can thiệp bằng một lời và chỉ một lời truyền của Người: “Im đi! Câm đi!”
(Mc 4,39). Gió liền im. Biển lặng như tờ. Điều làm chúng ta ngạc nhiên không
phải là phép lạ, nhưng là cách Chúa Giêsu thực hiện phép lạ: “Tại sao Chúa biết
trước sẽ có cuồng phong, biết trước việc Người sẽ làm?. Tại sao Người không can
thiệp liền, tại sao Người cứ gối đầu mà ngủ?
Thực ra khi gió to, biển động, sóng gào, các môn đệ
xốn xáo, chạy lại đánh thức Chúa dậy, các ông xin Chúa can thiệp hai điều xem
ra như là một tối hậu thư: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi”. Điều thứ hai:
“Thầy chẳng lo gì sao?”. Câu nói thứ hai của các môn đệ hàm ý sao Thầy vô tư
quá, chúng con sắp chết mà Thầy cứ tỉnh bơ ngủ say. Chúa Giêsu đã trả lời cả
hai điều các môn đệ yêu cầu. Điều thứ nhất, Chúa truyền cho biển yên, gió lặng.
Điều thứ hai, Người khiển trách: “Sao nhát thế? Anh em chưa đủ đức tin hay
sao?” (Mc 4,40). Cái trớ trêu hầu như khờ khạo của các môn đệ ở chỗ Chúa luôn
có mặt, luôn hiện diện dù Người đang ngủ, Người hay biết mọi sự nhưng các môn
đệ đâu có nhận ra điều ấy. Vậy, khi Người khiếm diện, khi Người không có mặt ở
đấy, các môn đệ sẽ ra thế nào!: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”(Mc
4,40). Anh em để đức tin ở đâu? Ở đây, trong tình huống này, các môn đệ có thể
nghĩ đến những can thiệp của Thiên Chúa đối với số mệnh của dân tộc các ông.
Thiên Chúa đã cứu thoát cha ông của các ông, đã giữ lời Giao Ước của Ngài cho
dù có lúc Thiên Chúa hầu như im lặng. Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân tộc. Bốn
mươi năm sau, dân lưu đầy bên Ai Cập đã được Thiên Chúa giải thoát, đoàn người
lưu đầy kéo về Giêrusalem được thanh luyện và lớn lên trong thử thách.
CHÚA MỜI GỌI CÁC MÔN ĐỆ VÀ NHÂN LOẠI TIN VÀO CHÚA:
Đối diện với quyền lực của sự dữ, của ma quỷ vì theo
não trạng của người Do Thái, biển là biểu tượng của quyền lực ma quỷ. Các môn
đệ cuống quýt đã quên cả lòng tin của mình vào Chúa Giêsu. Vậy phải chăng Tin
Mừng hôm nay mời gọi con người, nhân loại hãy tin vào Chúa, hãy bám chặt lấy
Chúa, hãy tin vào uy quyền tuyệt đối của Chúa trên mọi loài, mọi vật, mọi sự.
Tiếng la hoảng hốt của các môn đệ trước trận cuồng phong bão táp, phải chăng
đang là thử thách của con người, của mỗi người khi họ gặp cơn cám dỗ, gặp sự
thử thách gian nan giữa cuộc đời, giữa hành trình đức tin đầy cam go? Liệu Chúa
có bỏ con người hay con người chỉ ngờ ngợ, yếu tin chưa có lòng tin mạnh mẽ và
gắn chặt vào Chúa Giêsu? Chúng ta hãy đọc lại nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng,
chúng ta sẽ thấy nhiều lòng tin làm ta ngạc nhiên. Và khi ta tin thật sự vào
Chúa, chắc chắn sự an bình sẽ đến với chúng ta. Thiên chúa không ở xa ta, Ngài
ở bên ta, Ngài yêu thương ta, Ngài sẵn sàng can thiệp vào mọi biến cố của đời
ta. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có thái độ như các môn đệ hoảng hốt, như ông
Môsê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3,1), như ngôn sứ Isaia khi nhìn thấy vinh
quang của Thiên Chúa trong đền thờ (Is 6,5). Tất cả đều tùy thuộc vào lòng mến
và vào sự phó thác tuyệt đối của mỗi người chúng ta trong bàn tay yêu thương của
Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng
con luôn bám chặt lấy Chúa vì Chúa là Đấng uy quyền và hay thương xót.
26. Gợi ý suy niệm của Hiền Lâm
Câu chuyện thầy trò Chúa Giêsu và các môn đệ vượt biển
đã gặp phải cuồng phong đe dọa, cho chúng ta hình ảnh một Đức Giêsu Con Thiên
Chúa đầy quyền năng trừ phong dẹp vũ, trong một con người Giêsu mệt mỏi nằm ngủ
trên thuyền sau một ngày làm việc vất vả.
Câu chuyện này gợi lại hình ảnh được nói tới trong
Thánh Vịnh 78:
“Bấy giờ Chúa như người đang ngủ,
như tướng hùng đã thấm men say,
bỗng tỉnh giấc, đánh cho quân thù quay lưng chạy,
phải thảm thê nhục nhã muôn đời”.
(Tv 78,65-66).
Kẻ thù ở đây là biển cả cuồng phong. Theo não trạng
người Do-thái, biển là biểu tượng của quyền lực ma quỷ. Mỗi ngày, biển cũng
nhắc mọi người nhớ lại thời hỗn mang nguyên thủy: tại đây hải thần thủy quái
vẫy vùng và chỉ có một mình Thiên Chúa Toàn Năng mới thách thức và chế ngự được
chúng. Khi Chúa Giêsu thức dậy “ngăm đe gió và biển” như khi Người truyền cho
ma quỷ (x. Mc 1,25), cho thấy Chúa Giêsu chứng tỏ thần lực của Người trên quyền
lực sự dữ.
Chúa Giêsu chứng minh sức mạnh và sự phát triển không
có gì chống lại được của Nước Thiên Chúa. Người chứng tỏ điều này bằng một dấu
chỉ quyền năng là phép lạ dẹp tan sóng gió trước khi đi vào miền đất dân ngoại,
nghĩa là chiến thắng của Tin Mừng trên ma quỷ vượt ra ngoài biên giới Israel.
Khi đối mặt với mọi hình thức sự dữ đang tấn công con
người trong các trận cuồng phong nó gây nên, đôi khi chúng ta tự hỏi: Phải
chăng Thiên Chúa đang ngủ?
Thật vậy, cảm nhận của con người giữa biển đời lắm khi
như Thiên Chúa ẩn mình hay vắng bóng. Và rồi giữa phong ba bão tố cuộc đời, con
người lựa chọn đương đầu ít nhất với 3 cách:
– Dùng sức mình để vật lộn với sóng gió để rồi thất
bại tuyệt vọng,
– Chạy đến với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc nên không
bao giờ sợ hãi,
– Gặp khi khó khăn mới chạy đến kêu cứu Chúa, nghĩa là
coi Chúa chỉ như một phương thế giải quyết tức thời, mà thiếu đi đức tin thật
sự và lòng yêu mến nồng nàn.
Trường hợp thứ ba này là trường hợp của dân Do-thái
xưa, sách Xuất Hành và đặc biệt là sách Thủ Lãnh là một câu chuyện lặp đi lặp
lại khi dân bị quân thù ức hiếp thì kêu cứu Chúa, Chúa giải cứu rồi lại tiếp
tục phản nghịch Ngài…
Và có thể nói, đây cũng là thái độ của các môn đệ của
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, khi họ chưa có niềm tin và lòng yêu mến
Thầy cho đủ, đến nỗi ngay khi chứng kiến phép lạ rồi vẫn ngỡ ngàng không hiểu
Thầy là ai. Thầy Giêsu đang ở trên thuyền nhưng có vẻ như không có Người hiện
diện, cho đến khi sóng gió bủa vây mà kinh nghiệm chống đỡ của dân làng chài
như mấy ông đã bất lực mới chạy đến cầu cứu Thầy.
Đó cũng là cách sống và giữ đạo của không ít người
trong chúng ta ngày nay. Khi an vui hạnh phúc chúng ta quên mất sự hiện diện
của Thiên Chúa, đến khi gặp khó khăn thất bại mới tìm về cầu cứu Chúa. Sống đạo
như thế là hời hợt, thiếu niềm tin đích thật và thiếu lòng lòng mến Chúa Giêsu.
Cũng không thiếu những người ỷ lại vào khả năng mình mà thiếu đi lòng tín thác
vào Chúa nên khi gặp sóng gió đã dễ ngã lòng kêu trách Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con luôn tin
tưởng vào sự hiện diện của Chúa trên con thuyền cuộc đời chúng con giữa biển
đời sóng gió. Để chúng con không bao giờ nao núng vì Chúa đã chiến thắng nên
chúng con cũng sẽ chung phần chiến thắng và cập bến Nước Trời. Amen.
27. Suy niệm của Lm. Nguyễn Ngọc Thế
“Sao nhát thế? Làm
sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
* Vài hàng sơ lược
– Từ đoạn thánh kinh này Mc 4,35-41 đến 5,43, Mác-cô
bắt đầu kể về những phép lạ của Chúa Giêsu. Qua đó những hành động quyền năng
của Chúa được nêu bật. Vì vậy mà sau đó người ta bắt đầu thắc mắc về
Giêsu: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là
làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,2)
Ngoài ra, tất cả những phép lạ này đều có một khung
cảnh chung, đó khung cảnh biển hồ Ga-li-lê-a. Và hình ảnh thuyền đều xuất hiện
trong mỗi phép lạ (x. 4,36.37; 5,2.18.21)
Một điều luôn được nhấn mạnh trong chuỗi phép lạ này.
Đó là niềm tin tưởng. (x. 4, 40; 5. 34.36) Thêm vào đó có thể nhắc đến việc
thiếu lòng tin trong 6,6. Ngoài ra, một thái độ đi đôi với niềm tin tưởng được
nhắc lại 3 lần trong chuỗi phép lạ này. Đó là thái độ bái lạy, sụp xuống và phủ
phục trước Đức Kitô (x. 5,6.22.33) Điều này làm nổi bật sự “chào thua” của
những quyền lực đe dọa trước Chúa Giêsu: quyền lực thiên nhiên (4,35-42), quyền
lực ma quỷ 5,1-20, quyền lực của bệnh hoạn (5,24-34) và quyền lực của sự chết
(5,21-23 và 35-43)
– Liên quan đến những đoạn thánh kinh về các dụ ngôn trước
đó, chúng ta thấy đoạn thánh kinh này nối kết với đoạn 4,1, mở đầu cho các bài
giảng với các dụ ngôn: “Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ”. Như
vậy, khung cảnh biển hồ đức Giêsu giảng dạy vẫn là khung cảnh của câu chuyện
phép lạ này, chỉ khác là giờ đây Giêsu lên thuyền và đi trên biển hồ. Ngoài ra,
theo Adolf Pohl thì sau những bài giảng bằng lời nói của Giêsu, thì tiếp nối
bằng những hành động của Ngài, để qua đó chứng thực về một Thiên Chúa không chỉ
nói hay mà còn làm giỏi nữa. Lời nói và hành động đi đôi với nhau.
– Ngoài ra, khi đọc đoạn Thánh Kinh này, người ta có
thể liên hệ ngay với đoạn thánh kinh ở Giona chương 1. Theo Rudfolf Pesch thì
đoạn thánh kinh là câu chuyện kể lại câu chuyện của Giona, với sự phụ họa của
thánh vịnh 107,23-30. Mục đích chính là sự tuyên xưng: Giêsu lớn hơn tiên tri.
Ở đây, chúng ta có thể so sánh hai câu chuyện với
nhau:
(a) Trong Giona 1,4 ĐỨC CHÚA tung ra một cơn gió to
trên biển. Còn ờ trong đoạn phúc âm của Mác-cô thì gió bão đến như là
quyền lực muốn chống lại Thiên Chúa.
(b) Trong Giona 1,5 Giona đi ngủ vì không muốn tuân
phục Thiên Chúa. Còn theo Mác-cô thì Giêsu ngủ vì mệt mỏi sau những ngày tuần
phục Thiên Chúa làm việc phục vụ mọi người.
(c) Trong Giona 1,14 mọi người trên tàu sợ hãi và kêu
cầu Thiên Chúa. Còn ở Mác-cô thì chính Giêsu là Thiên Chúa đã lên tiếng.
(d) Trong Giona 1,14 các người dân ngoại trên tàu có
niềm tin vào Chúa, còn các môn đệ trong đoạn Mác-cô này lại là những người
thiều niềm tin.
(e) Trong Giona 1,15 Biển dừng cơn giận dữ, vì Giona
đã vâng lời Chúa và đồng ý để người ta quăng xuống biển. Ở Mác-cô thì biển hồ
và cuồng phong vâng lệnh Giêsu.
– Trong đoạn Thánh Kinh Mc 4,35-41 này tích cách Kitô
học và Giáo Hội học được nêu bật, trong khi những sự kiện lịch sử cụ thể không
đóng vai trò quan trọng.
– Ngoài ra, theo Johannes Bours, trong câu chuyện mà
Mác-cô kể lại ở trên, có hai câu hỏi đã đụng độ nhau. Câu hỏi đầy sợ hãi của
các môn đệ đã gặp gỡ câu hỏi đầy trách cứ của Giêsu. Khi đọc câu chuyện này,
tôi cảm nhận rằng, câu chuyện đang kể về chính cuộc đời của chúng ta. Và câu
hỏi sống còn của các môn đệ cũng liên hệ đến chính câu hỏi sống còn của mỗi
người chúng ta: Cái gì có thể chiến thắng sự sợ hãi? Ai là người mạnh hơn? Thần
Dữ, kẻ muốn nhấn chìm chúng ta xuống biển sâu, hay là Đấng mà trong đoạn Thánh
Kinh này đã nhắc đến: “Người thức dậy.”
– Biển hồ Genesareth được người Ả-rập gọi là “Ajn
Allah” – Mắt của Chúa”. Biển hồ này theo Adolf Pohl, nằm 212 m dưới mặt nước
biển và ba phía của biển hồ được bao bọc bởi ba vách núi cao đến 300 m. Và biển
hồ này có khí hậu bán nhiệt đới. Giữa tháng 5 và tháng 6 nhiệt độ nóng đến 40
độ C. Sự điều hòa nhiệt độ nhờ luồng khí lạnh trong miền cao, kết hợp với nhiệt
độ nóng nực ở trên biển hồ, có thể được những trận gió lớn kéo theo một cách bất
ngờ, như Luca diễn tả: “Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước
và lâm nguy” (8,23). Vì sự bất ngờ không thể dự đoán trước của các trận cuồng
phong tại biển hồ này, mà các ngư dân ở đây rất sợ hãi. Và để tránh sự bất ngờ
này nên các con thuyền đều cố gắng hướng về phía đông, nơi mà các ngư dân
qua tiếng gió thổi, có thể đoán được xem có cuồng phong hay không.
* Suy niệm
– “35Hôm
ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”
“Hôm ấy, khi chiều đến” Câu chuyện được bắt đầu
như vậy. Chiều đến nghĩa là ngày sống từ từ chào tạm biệt, công việc từ từ được
gác xuống, giờ đây là thời gian để nghỉ ngơi. Ngày sống vừa qua của Giêsu là
một ngày làm việc miệt mài. Ngài đi giảng dạy ở ven Biển Hồ. Ngài đã giảng gì
vậy? Đọc lại các đoạn trước đó, chúng ta nhận ra rằng, Giêsu đã giảng dậy nhiều
dụ ngôn khác nhau: Dụ ngôn người gieo giống; dụ ngôn cái đèn và đấu đong, dụ
ngôn hạt cải. Từ ở trên thuyền Giêsu đã giảng dạy những điều đó cho dân chúng.
Giờ đây khi bóng dương từ từ ngả xuống, Giêsu cũng từ từ muốn ngả lưng, Ngài
cũng cần giờ cho mình, cần giờ để nghỉ ngơi, để ngủ nữa chứ. Vì thế, các môn đệ
đã chở thầy mình qua bờ bên kia. Trên thuyền Giêsu mệt nhoài đã thiếp ngủ. Theo
sau thuyền của Giêsu là rất nhiều thuyền khác nữa.
– 36Bỏ
đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những
thuyền khác cùng theo Người.
Giêsu bỏ đám đông ở lại mà không chia tay gì với họ,
là dấu hiệu Ngài mệt mỏi lắm rồi. Điều này được chứng minh qua câu 38 qua sự thiếp
ngủ của Chúa. Thuyền mà Giêsu đang ở sẵn trên đó theo Adolf Pohl thì chắc không
nhỏ, vì trên đó có cả một nhóm người. Ngoài ra, có những thuyền khác theo
Người. Động từ “theo với, ở với” trong Mác-cô luôn hướng về Giêsu (x. 1,13;
2,19; 3,14; 5,18; 14,57). Điều này nói lên tương quan chặt chẽ với Chúa Giêsu.
Không chỉ là nhóm 12 thôi, mà còn cả những môn đệ khác nữa (ss. 4,10)
– 37Và
một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.
Hôm ấy, khi chiều đến cũng còn là thời gian ánh dương
từ từ lặn dần để nhường bước cho đêm đen.
Và đêm càng đen hơn nữa, khi những con thuyền lênh
đênh trên mặt hồ bao la kia. Phải chăng đêm đen này như đang dẫn đời người vào
trong cái vòng ma quái? Hay đêm đen kia đang như muốn nuốt chửng không chỉ ánh
mặt trời, mà tất cả những con người đang ở trên thuyền kia, những con người mệt
mỏi sau một ngày vất vả với công việc?
Không chỉ đen, mà thêm vào đó là một trận cuồng phong
nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Ở đây cần nhắc đến một yếu
tố. Trong bản gốc của Hy-lạp, câu chuyện này được kể tiếp nối với nhau trong
thì hiện tại và quá khứ. Ngoài ra, chữ “Kai” trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa
là “Và”, được nhắc đến tất cả 12 x. Theo Johannes Bours, thì điều đó làm cho
câu chuyện ly kỳ hơn. Cái thảm cảnh trong câu chuyện theo đó được diễn tả thảm
não hơn. Thêm vào đó, trong thời cổ đại, thì thần dữ luôn gắn liền với cuồng
phong bão táp của biển khơi. Phải chăng đại dương là nơi chốn của thần dữ với
sức mạnh tàn phá và nuốt chửng?
Vâng, sự ly kỳ và thảm não của câu chuyện trong Thánh
Kinh bắt tôi phải dừng bước một chút, để lật lại những trang sách kể về các
chuyến vượt biển của người Việt thân thương. Lênh đênh trên mặt biển chứ không
phải là mặt hồ đâu. Đêm đen không chỉ làm đen cả bầu trời xanh ngát, mà còn làm
đen cả bao tâm hồn chan chứa hy vọng, khi xuống thuyền ra đi. Rồi chiếc thuyền
có lớn lao bao nhiêu đâu. Xăng dầu cũng đã gần cạn rồi. Thuyền nào chẳng may bị
bọn hải tặc “ghé thăm” một lần hay nhiều lần, thì còn thê thảm hơn nữa. Có một số
thuyền không chỉ đầy nước mà còn bị vỡ tan tành, giờ đây chỉ là những mảnh gỗ
của thuyền, làm bè cho một vài thân xác mệt nhoài, lực đã tàn sức đã kiệt, thả
cuộc đời trôi theo sóng, trôi theo biển, trôi theo bóng đen, mà không còn nhìn
thấy một tia hy vọng, không còn nhận ra một bến bờ để tấp vô. Mà có bờ đâu để
tấp để đậu. Phải làm sao đây? Không lẽ đứng chết chân một chỗ? Hay chấp nhận
một cái chết thê thảm trong bóng đêm, trong lòng biển? Không, ít nhất cần phải
hò hét! Nhưng “hò” thì ai “thưởng thức” và hét thì có ai nghe giữa đại dương
mênh mông này không? Đó là câu hỏi của những con người đụng tới đường cùng của
cuộc sống. Truớc đường cùng này, tôi cũng xin không chỉ dừng bước, mà với tất
cả tấm lòng xin cầu nguyện cho bao người Việt đã qua đời trên biển cả. Xin Chúa
thương nhìn đến và đón nhận tất cả vào Nước của Chúa.
Vâng, chúng con dù sao vẫn tin vào lòng nhân từ và ơn
giải thoát của Chúa, như Chúa đã nói:
“1 Bấy giờ, giữa cơn bão táp, ĐỨC CHÚA lên tiếng trả
lời ông Gióp như sau:
8 Cửa đại dương, ai ra tay khép lại
khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,
9 khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,
phủ sương mù làm tã che thân?
10 Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,
lại đặt vào nơi cửa đóng then cài;
11 rồi Ta phán: “Ngươi chỉ tới đây thôi,
chứ không được tiến xa hơn nữa,
đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!” (Gióp
38, 1.8-11)
Dù tin đấy, nhưng không dậm chân tại chỗ. Niềm tin
cũng cần biết tạo sáng kiến. Niềm tin cũng cần phải lên tiếng. Vâng, lên tiếng
để đánh thức Chúa dậy. Một hành động tuyệt vời. Đến đường cùng rồi, vì thế cần
phải đánh thức Ánh Dương, cần phải đánh thức Thiên Chúa đang ngủ dậy. Bóng đêm
kia không thể mạnh hơn Ánh Sáng. Cuồng phong kia không thể mạnh hơn Thần Khí
Thiên Chúa được. Cuồng phong và biển cả đều phải có ranh giới. Chúng phải ở
đàng sau cánh cửa kia. Thiên Chúa chính là người không chỉ vạch ranh giới,
không chỉ đặt then cài, mà Ngài còn là người có đủ quyền năng để gài then cửa.
– 38Trong
khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ
đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo
gì sao?”
Và quyền năng của Thiên Chúa cũng được trao cho Giêsu,
Người con dấu ái. Vì thế, các môn đệ đã đánh thức thầy: “Thầy ơi, chúng ta chết
đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”
Một câu hỏi chất chứa sợ hãi và âu lo, một câu hỏi
mang chút trách cứ và hờn giận Thiên Chúa. Joachim Gnilka, một nhà chú giải
thánh kinh đã cắt nghĩa rằng, câu hỏi của các môn đệ đã diễn tả thái độ sai lầm
của họ: Khi gặp hiểm nguy họ chỉ nghĩ về mình và về sự an toàn của mình mà
thôi. Một cách nào đó họ đã không chia sẻ nỗi hiểm nguy của họ với Thiên Chúa.
Họ không để cho Thiên Chúa cùng gánh vác nỗi hiểm nguy của họ. Thái độ này được
nhắc lại rất rõ ràng trong biến cố họ chạy trốn trước thánh giá tử nạn của
Giêsu. Còn với Rudolf Pesch thì lòng yếu tin của các môn đệ nằm ở chỗ, là họ
không hiểu được và chấp nhận được một Thiên Chúa ẩn mình. Và trên con đường
thương khó, các ông cũng đã ngựa quen đường cũ, không hiểu được tại sao Giêsu
thầy mình phải chịu bắt bớ, tra khảo, kết án và chết tất tưởi trên thập tự.
Đâu rồi niềm tin và sự cậy trông vào một Thiên Chúa đã
sinh ra làm người nghèo khổ trong hang lừa, để chia sẻ và gánh vác với đời
người những âu lo, những khổ đau? Đâu rồi sứ điệp và tin mừng Phục Sinh của một
Giêsu chiến thắng sự chết? Giêsu đó, Thiên Chúa đó ngay từ đầu và mãi mãi nói
với con người chúng ta rằng: “Đừng sợ!”
Hay sức mạnh của bóng đêm và sự đe dọa của cuồng phong
bão táp đã làm tắt lịm đi chút ánh sáng của niềm tin, và chút hơi ấm của niềm
hy vọng? Không, ngay từ ngày đầu tiên, khi Thiên Chúa sáng tạo con người, Thiên
Chúa đã thấy rằng, hành động sáng tạo này là hành động tuyệt vời nhất. Còn tạo
vật nào hơn con người mà Thiên Chúa yêu thương nữa. Vì thế, dù biển sâu hay
cuồng phong, dù bão táp hay đêm đen, dù thần dữ hay lòng người gian dối, không
có gì có thể làm cho tình yêu của Thiên Chúa phai nhòa.
Thiên Chúa vẫn hiện diện. “Emmanuel – Thiên Chúa luôn
ở cùng với chúng ta”.
Ngay cả trong những đêm tăm tối nhất của cuộc sống,
Ngài vẫn không hề bỏ mặc chúng ta một mình. Ngay cả trong những lúc khó khăn
nhất của cuộc đời, Ngài vẫn luôn hiện diện với chúng ta. Và thậm chí, ngay cả
trong đêm cuối đời, trong giây phút cô đơn hiu quạnh cuối cùng của cuộc sống, vốn
dĩ không ai có thể đồng hành cùng với chúng ta, trong đêm cuối cùng trước giờ
lâm tử đó, Thiên Chúa vẫn không hề từ bỏ chúng ta… (Đức Thánh Cha Bênêđíctô
XVI)
Lời của Đức Thánh Cha chất chứa niềm hy vọng. Niềm hy
vọng này cũng chính là nguồn sống cho Alfred Delp, một linh mục dòng Tên bị
phát xít Đức giam cầm trong ngục tù đen tối. Cha Alfred kể lại rằng:
“Vào một buổi tối tôi cảm thấy tâm hồn mình chao đảo. Tôi bị hành hạ rất dã man
và sau đó bị tống trở lại vào ngục. Những tên lính phát xít giải tôi vào ngục
đã nói những lời như sau: “Như vậy là đêm nay mày không thể nhắm mắt được đâu.
Mày sẽ cầu nguyện, nhưng không có một Thiên Chúa và cũng chẳng có một thiên
thần nào đến, để cứu thoát mày. Phần chúng ta sẽ đánh một giấc ngon lành, và
sáng sớm ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục hành hạ mày.’
Alfred kể tiếp: Thiên Chúa đã thử thách tôi. Giờ đây
làm thế nào để có thể bền bỉ đứng vững được thôi. Tôi vẫn luôn tin tưởng vững
vàng và hy vọng nơi Bàn Tay nhân từ, Bàn Tay đã đón nhận chúng ta và hướng dẫn
chúng ta…. và Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi một không gian thật đẹp với sự bình
tâm thẳm sâu. Tôi cảm thấy lúc này Chúa thật gần và thương tôi thật nhiều… Với
tôi có những lúc thật là khó khăn. Tôi đã trải qua những giờ phút rất đau
thương với nước mắt và máu. Nhưng tôi đã luôn luôn cố gắng đưa những giọt nước
mắt và máu của mình vào trong hai hành động thật nhỏ bé, để nhờ đó có thể đứng
vững được. Hai hành động đó là: Cầu Nguyện và Yêu Thương. Tất cả mọi hành động
khác trong lúc đó đều sai cả… Hôm nay là một ngày tồi tệ. Thiên Chúa như đang
thử thách tôi , xem tôi có giữ những lời mà tôi đã từng xác tín không: Chỉ với
Chúa thì cuộc sống mới tồn tại và phận người mới đứng vững được.
Giờ phút của Phêrô lại đến. Gió bão và sóng lớn
lại đe dọa… Phêrô bắt đầu run lẩy bẩy… Giờ đây mọi sự nằm trong bàn tay của
Chúa… Ngài có nhiều cách để vực chúng ta dậy và dìu chúng ta tiếp tục tiến
bước. Tôi đã thường cảm thấy điều này trong những tuần lễ thê thảm đầy sợ hãi
và dài đằng đẵng. Tôi luôn hy vọng vào Thiên Chúa, và vào tình yêu cùng sự
trung thành của Ngài… Tôi muốn đốt lên những ngọn lửa cho các bạn. Các bạn đã
cùng đi với tôi trong những đêm đen của cuộc đời. Các bạn cũng đã từng bị gió
bão và cuồng phong đe dọa, và các bạn đã đứng vững. Vai kề vai chúng ta cùng
gánh vác chung với nhau nhé… Giữa đêm đen Ánh Sáng sẽ bừng lên!”
Hành động của Cha Alfred chắc chắn là một bài học thật
quý giá cho chúng ta. Thực vậy, trên con thuyền của cuộc đời, chúng ta chỉ cần
tin thôi. Chúng ta hãy cứ an tâm. Dù cho Giêsu có ngủ, nhưng ngủ ở đàng lái
đấy! Và không chỉ ngủ ở đàng lái, mà theo Hans Urs von Balthasar, thì Giêsu còn
nằm nghỉ trong lòng của Chúa Cha, Đấng canh giữ cuộc sống của Giêsu và sứ mạng
của Giêsu, không bao giờ cho phép sức mạnh của thiên nhiên ảnh hưởng đến sứ
mạng của Giêsu.
Nhưng sứ mạng của Giêsu là gì? Là yêu thương mọi
người, là trao ban tình yêu của Cha cho mọi người, là chở che mọi người trước
bao nỗi hiểm nguy, là giải thoát con người khỏi mọi nỗi sợ hãi, và đưa mọi
người về với bờ bến của bình an, của hạnh phúc. Vâng, chúng ta hãy an tâm và
đừng sợ, Giêsu luôn gìn giữ chúng ta, và không bao giờ để cho chúng ta mất đi.
Như người mục tử nhân lành, chính Ngài chứ không ai khác sẽ che chở đoàn chiên
trước thú dữ đang nhâm nhe đe dọa.
Vì thế, dù gió có lớn, bão có to đến mấy, thì Giêsu
vẫn vững tay lái, vững mái chèo trên con thuyền của cuộc đời. Và dù Ngài đang
ngủ, nhưng Ngài vẫn hiện diện. Dù vì mệt mỏi đang nghỉ ngơi, nhưng Ngài nghỉ
ngơi trên con thuyền của chúng ta, của con người yếu đuối, chứ ngài không nằm
nghỉ trên giường êm nệm ấm. Và kìa Ngài đã nghe tiếng kêu của các môn đệ.
Chúng ta hãy nhìn xem. Ngài đứng dậy. Rồi Giêsu làm gì? Ngài sẽ mắng các môn đệ
chăng? Không, điều đầu tiên là:
– “39 Người
thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và
biển lặng như tờ.”
Tuyệt vời quá sức! Tuyệt vời như từ thuở xa xưa:
“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,
họ vui sướng, vì trời yên bể lặng
và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.” (Tv
107,28-30)
Vâng, dù tiếng sóng có gầm vang, có thét lên đến long
trời lở đất, thì cũng cần phải im tiếng đi, cần phải nhường bước cho Thiên
Chúa, Đấng là tình yêu, Đấng từ thuở đời đời luôn ở đó bên người con nhỏ yêu
dấu của Ngài:
“Sóng nước đã gầm lên, lạy CHÚA,
sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào.
Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất.
Nhưng hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng,
hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả,
CHÚA oai hùng ngự trị chốn cao xanh.” (Tv
93,3-4)
Sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa đã làm cho biển
phải câm lặng. Quyền năng này các môn đệ ngày xưa không thể hiểu được. Có lẽ
chính vậy mà niềm tin của các ông còn nhỏ lắm. Và có lẽ Giêsu hiểu thấu được
niềm tin của môn đệ mình, nên Ngài chỉ mắng:
– “40Rồi
Người bảo các ông: Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Ở đây một điều thú vị là, trước hết Giêsu ra lệnh cho
biển phải im lặng, sau đó Ngài mới mắng các môn đệ. Vâng, ngài đã hiểu thấu sự
sợ hãi của các ông, nên điều đầu tiên cần làm không phải là trách mắng người
đang sợ hãi, mà ra tay giúp đỡ giải thoát họ ra khỏi sự sỡ hãi trước, sau đó
muốn nói gì thì nói, muốn mắng gì thì cũng không sao.
Lời mắng các môn đệ nhát sợ được Giêsu lập lại nhiều
lần khác (x. Mc 4,13.40; 7,18; 8,17tt.21.33; 9,19). Nhưng khi mắng các môn đệ
như thế, Giêsu có ý chống lại sự nghi ngờ của các môn đệ vào chính Ngài, Thầy
của họ, cũng như chống lại sự nhát sợ của người được chọn, người môn đệ Chúa.
Như vậy lời mắng của Giêsu như là lời tỉnh thức giúp cho những ai theo Chúa cần
dừng bước lại, để nhận ra sự yếu đuối rất hay nhát sợ của con người mình, và ý
thức bám vào Chúa nhiều hơn. Vâng, ai càng bám vào Chúa và sống trong tình thân
với Ngài, thì sẽ chẳng sợ gì, họ càng ngày càng bình tâm hơn. Một sự bình tâm
tín thác và tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, đến nỗi không ước muốn sức khỏe hơn
bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết
yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì
dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả, và cái gì đúng theo thánh ý của
Chúa mà thôi (ss. Sách Linh Thao số 23)
Điều thứ hai mà Giêsu mắng các môn đệ là việc yếu lòng
tin của các ông. Về điều này chúng ta cũng thấy Máccô nhắc đến nhiều lần. Vâng,
dù cho các ông đã theo Giêsu và ở với Người (ss. Mc 3,14), dù cho mầu nhiệm
Nước Trời đã được trao cho các ông (ss. Mc 4,11), và giải nghĩa cho các ông cặn
kẽ (ss. Mc 4,34b), nhưng các ông vẫn chưa có lòng tin. Adolf Pohl chú ý chúng
ta về từ ngữ “chưa có lòng tin”. Với từ ngữ này chúng ta có thể nhận ra rằng,
sự chậm hiểu và thiếu lòng tin của các môn đệ là dấu hiệu của sự thiếu kinh
nghiệm thiêng liêng về Thiên Chúa và về niềm tin.
Phải chăng niềm tin không chỉ là một món quà của Chúa
ban tặng một lần là xong, mà niềm tin còn cần phải được chăm bón, cần phải được
thử sức và tôi luyện, cần phải luôn luôn được lấy ra khỏi “kinh tin kính”, để
đem vào cuộc sống, để nhìn lại và để rút ra thêm kinh nghiệm. Và cũng thật quan
trọng, khi ý thức như Luca cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, con tin Chúa, nhưng xin
Chúa tăng thêm lòng yếu tin của con.” Thực vậy, không ai dám nói rằng, khi tôi
bước theo Chúa và trở thành môn đệ của Ngài, thì niềm tin của tôi vào Ngài đã
vững vàng 100%, đến nỗi tôi không cần phải “vào nhà tập lại”, không cần phải đi
tĩnh tâm năm, không cần phải cầu nguyện hằng ngày, không còn phải ra sức học
hành và trau dồi Lời Chúa nữa.
Ai dám nghĩ như thế, thì thật là “tuyệt”, vì họ là con
người hoàn hảo rồi. Mà đã hoàn hảo rồi thì đi tu để làm gì nữa? Vì vậy, thật hay
từ ngữ “tu” của Việt Nam ta: Tu là để sửa chữa, để ngày ngày học biết tinh thần
của Giêsu và ý thức sửa đổi bắt chước Giêsu mỗi ngày nhiều hơn một chút. Hay
theo thiển ý của tôi, có thể nói theo kiểu của Linh Thao: Tu là một chuỗi ngày
tập thể thao cho linh hồn của mình, bằng cách ngày ngày ý thức dọn dẹp và chuẩn
bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong
cách xếp đặt cuộc sống để mưu ích cho linh hồn mình (ss. Linh Thao số 1)
– 41Các
ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng
tuân lệnh?”
Sau khi chứng kiến quyền năng của Giêsu trên thiên
nhiên, thì các môn đệ hoảng sợ. Ở đây, Adolf Pohl so sánh một điều rất hay.
Trong câu 37 nói về một trận cuồng phong lớn. Và sau đó ở câu 39 là “biển lặng
như tờ” nghĩa là sự thinh lặng lớn. Và ở câu 41 này thì các môn đệ “hoảng sợ”,
nghĩa là nỗi sợ thật lớn. Như vậy, nỗi sợ thật lớn này không còn là sự nhát sợ
mà Giêsu mắng các ông ở câu 40, mà là sự sợ hãi lớn trước sự mạc khải của Thiên
Chúa. Sự sợ hãi này cũng là sự công nhận của con người nhỏ bé trước quyền năng
phi thường của Thiên Chúa. Vâng, nỗi sợ lớn lao trước Thiên Chúa này không trói
buộc con người lại, mà thúc đẩy con người biết ý thức phủ phục, biết ý thức tỏ
lòng thờ lạy Chúa của mình, như trong Giona 1, 16: “Những người ấy sợ ĐỨC CHÚA,
sợ lắm; họ dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA và khấn hứa.” Như vậy, trong sự sợ hãi này
chứa đựng những điều thật tích cực: Tin tưởng và thờ lạy. Vâng, sau khi biển và
cuồng phong đã phải tuân phục và bái lạy Thiên Chúa, thì giờ đây đến lượt con
người chúng ta.
Nỗi sợ hãi lớn lao này cũng thúc đẩy con người đi vào
trong giao động mới, đó là đi tìm căn tính của Đức Kitô: Vậy người này là ai,
mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? Theo R. Pesch thì những ai chứng kiến
cảnh tưởng này chỉ có thể trả lời rằng: Đấng mà cả gió và biển phải tuân
lệnh thì lớn hơn tiên tri Giona. Ngài hành động với sức mạnh của chính Gia-vê
Thiên Chúa. Ngài là Đấng lớn hơn cả sức mạnh và bạo lực của hỗn mang. Phần bạn
và tôi, chúng ta hãy luôn để câu hỏi này đi với mình trong cuộc đời: “Đức Kitô
là ai đối với tôi vậy?” Chắc chắn rằng, mỗi thời điểm câu trả lời sẽ khác, vì
kinh nghiệm về niềm tin và về Giêsu của chúng ta cũng sẽ khác đi và dồi dào
hơn.
28. Đức Giêsu dẹp yên bão tố
(Chú giải và Suy
niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
TM Máccô theo một cái khung quen thuộc để kể truyện
này: một trở ngại phải vượt qua (một trận cuồng phong trên biển), hành động
quyền năng của Đức Giêsu (lệnh truyền im lặng), và sự xác nhận (sự yên lặng
hoàn toàn và nỗi sợ hãi của các môn đệ). Bối cảnh của câu truyện này rất có thể
là quan niệm cổ xưa của Cận Đông về biển: đây là biểu tượng của những quyền lực
của hỗn mang và sự dữ đấu tranh chống lại Thiên Chúa. Các độc giả đầu tiên của
Mc nắm được ý nghĩa của biểu tượng này đến mức nào, thì khó mà biết. Nhưng chắc
chắn câu hỏi của các môn đệ (“người này là ai?”) cho thấy là tác giả muốn nhấn
mạnh trên chân tính của Đức Giêsu. Câu hỏi ấy trở thành một lời tung hô mặc
nhiên mang tính Kitô học nhìn nhận bản tính thần linh của Đức Giêsu, bởi vì
Người làm được những việc Thiên Chúa làm.
Ở đầu bản văn, rõ ràng Mc bận tâm tạo ra một móc nối
với những phần đi trước. Ngày sắp tàn là ngày đã có bài giảng dài trên hồ (x.
4,1). Chiếc thuyền Đức Giêsu dùng để qua hồ vẫn là chiếc thuyền Người đã dùng
làm bệ giảng trên hồ (x. hình ảnh con thuyền trong Mc: 5,1.21; 6,45; 8,31). Bỏ
đám đông ở đầu c. 36 cũng là một điểm móc nối. Riêng với chiếc thuyền: Chuyến
vượt hồ bằng thuyền tương ứng với việc dừng lại nơi một ngôi nhà; và cũng như
có những giáo huấn đặc biệt Đức Giêsu ban cho các môn đệ được nối kết với lần
dừng lại nơi một ngôi nhà (x. 7,17-23; 9,28t; 9,33-50; 10,10-12), thì cũng có
những hành vi quyền lực đặc biệt được liên kết với chuyến vượt hồ bằng thuyền. Chiếc
thuyền là nơi để Đức Giêsu mạc khải đặc biệt cho các môn đệ (4,35-41; 6,45-52)
và là nơi Người chờ đợi các ông tỏ ra hiểu biết các hành vi quyền lực của Người
(8,17-21). Chiếc thuyền là nơi có sự hiệp thông đặc biệt chặt chẽ giữa Đức
Giêsu và các môn đệ. Và chính là trong sự hiệp thông rất chặt chẽ này và không
thiếu hiểm nguy, mà các hành vi cứu độ và mạc khải quan trọng của Đức Giêsu
được thực hiện.
2.- Bố cục
Sau khi đã giản lược một số chi tiết, chúng ta có thể
xác định bố cục như sau:
1) Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp sóng gió
(4,35-37);
2) Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió (4,38-39);
3) Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng gió (4,40-41).
3.- Vài điểm chú giải
– Hôm ấy, khi chiều đến (35): Tác giả
quen dùng hai thành ngữ đi liền nhau để chỉ thời gian, trong đó vế thứ hai xác
định vế thứ nhất (x. 1,32.35).
– sang bờ bên kia: nghĩa là sang bờ phía
đông của Hồ Galilê. Tại sao Đức Giêsu muốn sang đó: để tránh sự chống đối? để
tìm một vùng đất mới mà rao giảng? Ta không được rõ.
– ngủ (38): Giữa trận cuồng phong dữ
dội, Đức Giêsu vẫn có thể ngủ, có lẽ vì Người quá mệt, nhưng cũng chắc chắn vì
Người vừa hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa (x. Tv 4,9; 3,24-26) vừa chứng tỏ
Người luôn làm chủ mọi tình huống.
– Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì
sao? (38) Câu hỏi này của các môn đệ đã được làm nhẹ
đi rất nhiều trong Mt 8,25 (“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”)
và Lc 8,24 (“Thầy ơi! Chúng ta chết mất!”).
– truyền cho biển (39): x. 1,25. Đức
Giêsu có thể kiểm soát biển, đây là mặc nhiên khẳng định rằng Đức Giêsu có quyền
năng của Thiên Chúa, bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể điều khiển biển
(x. Tv 73/74,13-14; 88/89,10-12).
– Câm đi! x. 1,25: động từ phimoô.
Cơn bão được coi như một thú dữ. Động từ này cho hiểu rằng Đức Giêsu đang chứng
tỏ Người có thể kiểm soát các mãnh lực của tà thần.
– Gió liền tắt và biển lặng như tờ: Nhận
định này cho thấy Đức Giêsu hoàn toàn kiểm soát được biển.
– nhát (HL. deiloi, 40): Nhiều lần
các tác giả Tân Ước đã cảnh giác về deilia (“sự nhát đảm”). Ở
Kh 21,8, những người nhát đảm được kể ra cùng với những người không tin (x. 2
Tm 1,7; Ga 14,1).
– Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? Lời
trách này rất nặng, do nhắm thẳng vào các môn đệ (x. 8,14-21). Phải chăng họ đã
mất niềm tin vào Thiên Chúa hoặc vào Đức Giêsu? Nếu họ đã mất niềm tin vào
Thiên Chúa, chính là vì họ đã không chịu noi theo Đức Giêsu đặt hết tin tưởng
vào Thiên Chúa (4,38). Nếu họ đã mất niềm tin vào Đức Giêsu, chính là họ vì họ
đã không cậy dựa vào quyền lực của Đức Giêsu.
– Vậy người này là ai? (41): Bởi vì
chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chế ngự gió và biển, câu hỏi này của các môn
đệ hàm chứa một lời tuyên xưng mặc nhiên rằng Người làm được những việc mà
truyền thống Cựu Ước thường trình bày là chỉ Thiên Chúa mới làm được.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bản văn vừa cho thấy tương quan mật thiết giữa Đức
Giêsu và các môn đệ vừa diễn tả lộ trình các môn đệ khám phá ra mầu nhiệm Đức
Giêsu: họ bước theo Người, họ chứng kiến các biến cố trong đó Người can thiệp,
họ khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Chi tiết “có những thuyền khác cùng
theo” chỉ được nêu ra ở câu đầu, rồi sau đó cho đến cuối, không xuất hiện nữa.
* Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp
sóng gió (35-37)
Sáng kiến vượt hồ là sáng kiến của Đức Giêsu. Các môn
đệ luôn thinh lặng bước theo Người và tận tình thực hiện những việc Người đề
nghị. Đức Giêsu luôn tỏ ra là chủ, nắm vững mọi hướng đi.
* Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió
(38-39)
Nguy hiểm được mô tả bằng các chi tiết về sóng to gió
lớn. Nhưng Đức Giêsu vẫn tỏ ra là chúa tể, làm chủ tình hình: Người ngủ. Bình thường
các môn đệ chờ đợi Đức Giêsu phản ứng và dạy bảo rồi mới làm theo; nhưng ở đây,
thấy bão táp quá nguy hiểm, các ông bị chao đảo trong đức tin, các ông đã phản
ứng trước Thầy, các ông thúc bách Thầy bằng giọng hốt hoảng và trách móc. Người
đã trỗi dậy, dẹp yên sóng gió. Ở đây, bão và biển được truyền lệnh như những
sinh vật; chúng được yêu cầu “im đi!”, “câm mõm lại!”. Quả thật, từ vựng của
bản văn là từ vựng của một truyện trừ quỷ.
* Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng
gió (40-41)
Dù sao chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ (hoảng sợ
và đánh thức Thầy) là chuyện hợp lý. Khó hiểu hơn, đó là những câu hỏi của Đức
Giêsu: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (c. 40). Làm sao
có thể cấm các môn đệ sợ hãi khi gặp nguy hiểm chết người? Đức tin này là loại
đức tin nào, mà ngay trong nguy hiểm cùng cực vẫn loại trừ được nỗi sợ hãi? Đức
Giêsu trách các môn đệ là chỉ nhìn đến nguy hiểm và những sức mạnh đe dọa của
thiên nhiên chứ không hiểu biết ai là người đang cùng ở trên thuyền với họ.
Chỉ sau khi đã thực hiện phép lạ, Đức Giêsu mới ngỏ
lời với các môn đệ; lúc này, họ lại trở về đúng vị trí là những người bước
theo, đón nhận giáo huấn. Câu nói: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” chứng
tỏ các môn đệ đã được sống với Đức Giêsu khá lâu rồi. Câu hỏi “Vậy người này là
ai…?” vừa nhìn nhận quyền lực của Đức Giêsu vừa như muốn tìm ra câu trả lời nơi
những người nghe kể lại sự cố. Ta sẽ gặp câu trả lời được đề nghị trên môi
Phêrô ở 8,29.
+ Kết luận
Đoạn văn nêu bật sự cần thiết của đức tin trong đời
sống người môn đệ. Nếu chúng ta hiểu rộng ra rằng trận bão trên biển ấy là một
hình ảnh báo trước cuộc Khổ Nạn mà Đức Giêsu sẽ đi vào, thì bước theo Đức
Giêsu, dù ngày hôm qua hay ngày hôm nay, luôn luôn là bước theo Người xuyên qua
Khổ Nạn. Và như thế, cần phải có đức tin. Chỉ với giá ấy, người môn đệ mới được
tham dự vào cuộc Phục Sinh vinh quang với sự an bình thẳm sâu được.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hình ảnh con thuyền trong đó các môn đệ sống chung
với Đức Giêsu là biểu tượng cho cộng đoàn gồm những môn đệ hôm
nay vẫn đang muốn bước theo Người. Đó chính là một cuộc “cộng đồng sinh mệnh”,
sống chết có nhau. Phản ứng của các môn đệ trong biến cố này là một tấm gương
và một lời nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô hữu là đừng rơi vào một thái độ không
tin như thế. Nếu chúng ta gắn bó với Đức Giêsu, thì không có hoàn cảnh nào có
thể tiêu diệt chúng ta, bởi vì không có hoàn cảnh nào mà Người không chế ngự
được.
2. Sai lầm của các môn đệ là chỉ nghĩ đến mình chứ không
sẵn sàng chia sẻ nguy hiểm với nhau và với Đức Giêsu. Hoàn
cảnh này sẽ được lặp lại khi họ chạy trốn trong đêm Đức Giêsu bị bắt và bị đưa
đi đóng đinh. Cơn sóng gió cuối cùng chúng ta sẽ gặp, và không có cách nào
tránh được, đó là cái chết. Mỗi người chúng ta đều sẽ phải đương đầu với cái
chết; cái chết có thể đến bất ngờ một trận cuồng phong hay chậm chạp từ từ.
Nhưng cho dù cái chết đến bằng cách nào đi nữa, chúng ta cũng lo sợ. Bài Tin
Mừng này cho chúng ta biết là chúng ta phải tin rằng Đức Giêsu luôn nghĩ đến
chúng ta, Người sẽ không để chúng ta phải lo sợ quá mức. Chúng ta tin rằng khi
chúng ta cần, Người sẽ lên tiếng bảo cơn sóng gió “Câm đi! Im đi!”
3. Lời mời gọi “Hãy sang bờ bên kia” có
nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Với Giáo Hội, “bờ bên kia” mang ý nghĩa là
những người hiện giờ không ở trong cộng đoàn chúng ta, họ đang ở “bờ bên kia”,
có thể họ là những người vừa di chuyển đến trong xã hội chúng ta, những người
“bên phía kia”, là người cao niên, người tàn tật, người bệnh chờ chết, hay
người di dân vì chiến tranh trong trại di cư… Đức giáo hoàng Phanxicô dạy trong
Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đồng phải phân định
đường đi nước bước mà Chúa vạch ra, nhưng tất cả chúng ta đều được yêu cầu vâng
theo tiếng gọi của Người là ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi
vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (s. 20).
4. Lời Đức Giêsu trách các môn đệ: “Làm
sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” rất đúng cho chúng ta là những người đã
biết Đức Giêsu từ lâu, đã sống với Người, đã được chứng kiến biết bao nhiêu
việc kỳ diệu Người làm trong đời sống chúng ta, mà vẫn không biết phản ứng hay
lấy những quyết định tương hợp với kinh nghiệm ấy. Nhận biết đúng đắn chân tính
của Đức Giêsu thì sẽ có một thái độ đúng đắn đối với bản thân Người.
5. Các cộng đoàn chúng ta phải đưa Đức Kitô đến cho
người ngoại, nên không thể nào tránh khỏi những khó khăn và đối kháng.
Chẳng hạn, không phải mọi nhóm tôn giáo đều tôn trọng tự do của cá nhân; những
sứ giả Tin Mừng có thể gặp những nguy hiểm chết người… Tuy nhiên, vì loan báo
Tin Mừng là sứ mạng làm nên bản chất Kitô hữu, chúng ta không thể tránh né.
29. Chú giải của Noel Quesson
Giáo huấn bằng dụ ngôn của Đức Giêsu đã nói lên sự
phân biệt rõ ràng giữa hai loại người: Đối với những “người ở ngoài”, thì tất
cả đều bí hiểm. Còn đối với các “môn đệ”, thì mọi sự đều sáng tỏ trong các mạc
khải về mầu nhiệm mà “vị Thầy” đã thông tỏ riêng cho họ. Trong Tin Mừng theo
Thánh Mác-cô, tiếp theo một chuỗi những dụ ngôn là bốn phép lạ. Những phép lạ
này có đặc tính rõ ràng: Không được thực hiện trước công chúng, nhưng chỉ
“trước mặt các môn đệ”. Phải chăng những phép lạ này là những dụ ngôn bằng hành
động, phải được hiểu trên bình diện biểu tượng cũng như bình diện thực tế? Các
tông đồ giữa cơn bão tố được kể lại hôm nay, gọi Đức Giêsu là “Thầy” (tiếng Hy
Lạp là didaskalos có nghĩa là “Thầy dạy dỗ”), việc này phải chăng có một giá
trị mạc khải lớn? Vậy chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Người trong biến cố
này. Đọc một biến cố để nêu ý nghĩa thần học, không làm cho biến cố đó mất tính
cách lịch sử, nhưng mang lại cho nó chiều kích sâu xa hơn.
Chiều hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta
sang bờ bên kia đi?”. Vì Người đang ở trên thuyền, các ông cứ thế chở Người đi
bỏ dân chúng ở lại; có những thuyền khác cùng theo Người”.
Trên bình diện thực tế lịch sử, tôi tưởng tượng một
buổi chiều hè đẹp trời, Đức Giêsu mượn chiếc thuyền của Simon Phêrô và từ từ
rời xa bờ biển Ca-phác-na-um. Sau một ngày nóng bức, bây giờ là buổi chiều tà
mát mẻ. Sau khi đã tiếp xúc với đám đông ồn ào, bây giờ là lúc thân mật ân tình
với nhóm bạn hữu trên biển. Chính Đức Giêsu đã có sáng kiến tạo ra những giây
phút yên tĩnh này:
“Chúng ta hãy qua bờ bên kia”.
Gió tốt, cánh buồm căng phồng đang nhẹ rung – Người ta chỉ nghe tiếng nước vỗ
nhẹ vào mạn thuyền đang rẽ sóng và tiếng kêu của một vài con chim biển. Sau một
ngày giảng dạy bằng dụ ngôn, Đức Giêsu mệt mỏi thiếp ngủ nơi cuối thuyền. Bên
cạnh Người là Phêrô đang cầm bánh lái. Nhưng nếu chỉ dừng ở những trang này thì
thật đáng tiếc. Chúng ta biết rằng, từng câu, từng chữ trong trình thuật Tin
Mừng, đều được khoa Giáo lý ban đầu chú giải. Do đó chúng ta cũng phải đọc và
hiểu theo nghĩa tượng trưng, như những chú giải của các Giáo phụ minh chứng.
“Ngày hôm đó”: Đây không phải là
một kiểu nói thông thường, có nghĩa là: Ngày giảng dạy bằng dụ ngôn đã chấm
dứt. Đối với Thánh Maccô “sự trình bày cán sự kiện nối tiếp nhau là một cấu
trúc thần học hơn là một phóng sự “Ngày hôm đó” sẽ không phải một ngày thường.
Phêrô sẽ nhớ ngày đó suốt đời. Vì ông gợi nhớ những hình ảnh Thánh kinh: “Ngày
hiển hách của “Giavê”, “Ngày Thiên Chúa quyền năng can thiệp mạnh mẽ”, ngày đó
có những tai họa cánh chung đi trước (Ga 2,3).
“Chiều tối đến”: Không chỉ là màn
đêm buông xuống, mà còn “giờ của bóng tối”, giờ thử thách (Mc 14,17; Ga
9,4-13.30).
“Bờ bên kia”: Không chỉ là bờ
hồ đối diện mà còn là bước đi vĩ đại sang bên kia thế giới. Đó là số kiếp của
mỗi người vào lúc hoàng hôn của cuộc đời. Đó là ngày trọng đại Ngày của Thiên
Chúa”… Tất cả những ngày khác đều phải chuẩn bị cho ngày đó.
Bỗng nổi lên một trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền,
đến nỗi thuyền đầy nước.
Bão tố thực sự. Ngày nay hồ Tibêria vẫn nổi tiếng về
những cơn bão bất ngờ và mãnh liệt từ đồi Gôlăng thổi xuống. Hơn ai hết, vì
nghề nghiệp Phêrô đã biết rõ điều này. Những cơn gió thổi mạnh đập vào cánh
buồm và làm nghiêng ngả chiếc tàu thật nguy hiểm. Nhưng không cần phải đi biển
mới bị những cơn bão tố như thế. Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều dùng chữ
bão tố để ám chỉ “một cơn thử thách bất ngờ đổ xuống trên con người”. Trong
Thánh Kinh, đề tài bão tố thường được dùng để nói về sức mạnh của sự dữ. Công
cuộc tạo dựng ta được hiểu như sự chiến thắng của Thiên Chúa trên cảnh hỗn loạn
của biển khơi nổi dậy (St 1,2). Theo khoa huyền thoại xưa của Do Thái. Biển cả
là “vực thẳm vĩ đại”, nơi những con rồng, những thủy quái, Lêviathan, biểu
tượng của Satan, thống trị (Is 27,1; Tv 74,13; G 9,13; Đn 7; Kh 12,13).
Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào
chiếc gối mà ngủ.
Tôi ngắm nhìn Đức Giêsu đang ngủ, đôi mắt nhắm, hơi
thở đều đặn, vẻ bình thản, ở đằng lái thuyền, trong cớn bão tố. Chi tiết này gợi
cho tôi tâm tình cầu nguyện nào? Lạy Chúa, Chúa đưa chúng con đi đến đâu? Chúa
làm cho chúng con bối rối biết bao? Trong Thánh kinh, có một người khác cùng
ngủ trong cơn bão táp, đó là Giona. Người ta phải đến đánh thức ông dậy (Gn
1,3-16). Có phải tình cờ, mà Đức Giêsu nói về “dấu lạ của Gio-na” như một dấu
hiệu duy nhất để diễn tả về: Cái chết và sự Phục sinh của Người? (Mt 12,39-40;
Lc 11,29-30; Mc 8,12-13). Vả lại các tác giả Kinh thánh thường nói về “cái
chết” bằng từ “giấc ngủ” (Tv 13,4; Đn 12,2; Ep 5,14; Ga 11,11; Mc 5,39-41).
Hình ảnh này cũng dùng để diễn tả sự “lãnh đạm của Chúa”, sự “vắng mặt của
Chúa”: Lạy Chúa, xin Chúa chỗi dậy đi, tại sao Chúa lại ngủ? Chúa hãy thức dậy
đi (Tv 44,24; 45,23; 59,6; 78,65; Is 51,9-10). Vâng, đúng vậy trong những cơn
bão tố cuộc đời chúng con, dường như Chúa vẫn ngủ. Lạy Chúa, không phải chỉ có
con người hiện đại nghĩ ra đề tài “cái chết của Thiên Chúa”, nhưng đó là tình
cảm tự nhiên của thân phận con người, khi thấy mình bất lực, bị đe dọa trước
một Thiên Chúa không can thiệp để cho lực lượng của thần chết hành động, một Thiên
Chúa dường như đang ngủ.
Các môn đệ đánh thức Người dậy, và nói: “Thầy ơi! chúng
ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”
Đây là một lời cầu tuyệt diệu, đáng cho chúng ta bắt
chước, trước những bão tố cuộc đời.
Người thức dậy, ngăn đe gió, và truyền cho biển: “Im
đi? Câm đi?” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
Ở đây chữ được dịch là “thức dậy”, “diégertheis” cũng
chính là chữ được dùng để nói “được sống lại, Phục sinh” (Mc 5,41- 16,6.14).
Qua tình tiết có thực mà Maccô kể lại (đó là bài giảng
của Phêrô), chúng ta có lý do chính đáng để nhận ra cuộc khổ nạn của Đức Giêsu
là một cơn bão dữ dội: Nó làm lắc lư con thuyền nhỏ bé của cộng đoàn tông đồ,
vào lúc Đức Giêsu đã ngủ yên trong cái chết của Người. Nhưng đối đầu với lực
lượng thần chết được tượng trưng là “biển cả” Đức Kitô đã Phục sinh. Chúng ta
gặp lại kiểu nói của người Do Thái về biển cả, hình ảnh những lực lượng thù
địch với con người, vì ở đây, Maccô dùng chính những từ như khi Đức Giêsu “hăm
dọa” quỷ dữ để “bắt chúng im lặng” (Mc 1,25; 9,25).
Đức Giêsu nói với họ: “Tại sao lại sợ? Tại sao các
người không có đức tin?”
Câu nói rất nghiêm khắc: “Các anh không có đức tin”,
“các anh đã mất lòng tin”, thực sự đã được áp dụng vào lúc Đức Giêsu chịu khổ
nạn, lúc này tất cả các tông đồ chạy trốn, chối bỏ, hoài nghi. Chúng ta sẽ nghe
lặp lại ba lần rằng, các tông đồ “đã không tin”: “Chúa trách sự cứng lòng tin
của họ, vì. họ đã không tin những người đã thấy Chúa Phục sinh” (Mc 16,11-13).
Những cơn bão tố đời tôi thế nào? Chúa có làm nhẹ bớt
những cơn bão đó không?
Nếu đọc Thánh kinh một cách ngây ngô, chúng ta có thể
tin điều đó. Sự bình lặng của hồ Tibêria làm chúng ta mơ tưởng một cuộc sống an
bình, trong đó Chúa sẽ thường xuyên can thiệp vào những nguyện nhân tự nhiên để
tránh cho chúng ta sự thử thách và cái chết.
Nhưng đọc Thánh kinh cách đúng đắn, sẽ dẫn chúng ta
đến sự “thanh tẩy đức tin” theo lời mời gọi của Chúa. Chính qua giấc ngủ của sự
chết, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi những thế lực của hỏa ngục và sự
chết.
Không phải đức tin nào cũng dẹp yên được bão tố, mà
chỉ đức tin nới “Đức Kitô tử nạn và Phục sinh” mới có khả năng. Sự cứu độ mà
chúng ta tin, không làm cho chúng ta thoát khỏi những đau khổ gắn liền với bản
chất con người cách lạ lùng và đặc biệt.
Sự xác tín vào quyền lực của Chúa đã không ngăn cản
Chúa Kitô trải qua, giấc ngủ ở trong hồ. Chính chúng ta cũng phải trả qua thử
thách mới đến được “bến bờ bên kia”. Nhưng Đức Giêsu đang ở đó với chúng ta
trong những thử thách. Quả thật trang Tin Mừng này có một biểu tượng đáng phục.
Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Người là ai, mà cả
đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”
Đây là lần đầu tiên Thánh Maccô ghi lại câu hỏi này
của các môn đệ. Câu hỏi chủ yếu nhắm đến lai lịch sâu xa của vị “Thầy” trẻ
trung. Người phải chăng chỉ là một ông “Thầy” (Rabbi) như bao ông thầy khác?
Người là ai? Người sẽ đưa họ đến đâu? Một ngày gần đây, Đức Giêsu sẽ hỏi Phêrô:
“Đối với anh, Thầy là ai?” (Mc 8,29).
Không người nào có thể tự miễn cho mình khỏi phải đặt
câu hỏi đó. Và nếu không trả lời thì đó là chấp nhận rằng, những cơn bão trong
cuộc đời sẽ kết thúc bằng một sự chìm đắm vào hư vô. “Nhưng nếu người nào ở
trong Đức Giêsu, người đó sẽ là một tạo vật mới” (1Cr 5,7). Đức tin được thanh
luyện đưa chúng ta vào cuộc sống mới. Lạy Chúa, Chúa đã nói: “Chúng ta hãy sang
bờ bên kia”.
30. Chú giải của Fiches Dominicales
ĐỨC GIÊSU DẸP YÊN
SÓNG GIÓ
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
1. Một trình thuật giống kiểu trừ tà
Đức Giêsu rời bỏ ven Biển Hồ Galilê, nơi Người đã dùng
dụ ngôn mà giảng dạy cho dân chúng (x. Tin Mừng CN.11 TN) để phiêu lưu sang “bờ
bên kia”, nơi có đông dân cư’ là người ngoại. Trình thuật Maccô ta đọc hôm nay
nằm trong bối cảnh đó.
Đọc trích đoạn trên, người đọc chỉ có thể thấy cái hời
hợt bên ngoài, nếu không biết gió và biển trong Kinh Thánh có ý nghĩa biểu
tượng gì, và nếu không để giờ đối chiếu đoạn văn này với câu chuyện Chúa gặp
người bị quỷ ám ở hội đường Capharnaum.
Thực vậy, “gió” và “biển” đối với người am tường Kinh
Thánh, mang rất nhiều ý nghĩa. M.E.Boismard giải thích: “Trong ngôn ngữ Do Thái,
cùng một tiếng “gió” cũng có nghĩa là “Thần trí”. Ngoài ra trong Kinh Thánh,
biển thường là biểu tượng những thế lực gian tà mà Thiên Chúa phải đánh gục để
kế hoạch của Người toàn thắng. Ở đây, biển động dữ dội do ảnh hưởng của cuồng
phong. Ta phải hiểu là có một “thần tríxấu (Satan chăng) đang, tung những ma
lực dưới quyền để ùa đến tấn công con thuyền, “tức là tân công các môn đệ”
(“Jésus, un homme de Nazareth”, Cerf, 1996, trang 78). Quả là một trở ngại lớn
lao cho việc loan báo Tin Mừng trên miền đất dân ngoại!
Còn nếu đối chiếu với phép lạ giải thoát người bị quỷ
ám ở hội đường Capharnaum (Mc 1,23-27) ý nghĩa lại càng rõ.
+ Nơi Mc 1,25: Đức Giêsu đã quát mắng “thần ô uế”.
“Câm đi” hãy xuất khỏi người này!”. Còn ở đây, sau khi được các bạn đồng hành
đánh thức dậy, vì Người đang ngủ ở đàng lái, Đức Giêsu ngăm đe gió và truyền
cho biển: “Im đi, câm đi”.
+ Nơi Mc 1,26: thần ô uế, sau khi đã lay mạnh người
ấy, thì thét lên một tiếng và xuất khỏi anh ta. Còn ở đây, gió và biển đều tuân
phục Đức Giêsu: “ Gió liền tắt và biển lặng như tờ”.
+ Nơi Mc 1,27: cảnh kết thúc với lời bàn tán của những
người chứng kiến: Mọi người đều kinh ngạc và bàn tán: Thế nghĩa là gì? Giáo lý
thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và
chúng phải tuân lệnh. Còn ở đây, các môn đệ cũng bàn tán: các ông hoảng sợ và
nói với nhau. Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh”.
Thế nên, trong chuyện kể về bão táp được dẹp yên,
không chỉ đơn thuần là việc Đức Giêsu biểu dương quyền lực đối với thiên nhiên
mà chính là vấn đề trữ quỷ đích thực: Đức Giêsu có quyền trấn áp Satan và những
thế lực của sự ác đang hoạt động song hành với Người.
Còn về lời bàn tán của các môn đệ “Vậy người này là ai
mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh”, thì rõ ràng là lời mạc khải. J.Potin chú
giải: theo cách nhìn của Kinh Thánh, bão táp là biểu hiện của những ma lực tiềm
ẩn trong biển cả. Chỉ mình Thiên Chúa hoặc kẻ được Chúa ban quyền mới có thể
chế ngự được những ‘thế lực ấy’. Ở đây các môn đệ được mời gọi khám phá ra chân
lý tiềm ẩn đàng sau cảnh dẹp yên sóng gió là: Đức Giêsu được Thiên Chúa trao
ban quyền lực để thu hồi mọi lực lượng về phục tùng Thiên Chúa. Nhờ thế lực của
Đức Giêsu mà các môn đệ đã khắc phục được hiểm nguy lớn lao. Việc hồi tưởng lại
một biến cố rõ rệt đã trải qua, sự hộ phù che chở của Chúa trong chuyến vượt
biển nguy hiểm ấy. Đều là biểu tượng ơn nâng đỡ người sẽ ban cho các ông trong
lúc con thuyền Giáo Hôi lâm cảnh lênh đênh sóng gió “Jésus, l’histoire vaie”,
Centurion, 1994, trang 256-257).
2. Khi đọc lại câu chuyện dưới ánh sáng phục sinh.
Một sự đối chiếu khác không kém phần lý thú và chứa
đựng nhiều giáo huấn. Đó là cảnh khởi đầu của sách Giona mà trích đoạn Tin Mừng
này coi như đã sao họa lại.
Trong cả hai trường hợp, câu chuyện đều cùng mở đầu
bằng việc hành khách xuống thuyền (Ga 1,31 Mc 4,35-36).
+ Nếu Giona xuống thuyền để đi Taxê là vì ông nghĩ
mình có thể trốn lánh mặt Chúa, Người đã lệnh cho ông phải đi tới Ninivê, một
thành phố lớn của dân ngoại để kêu gọi dân thành ở đây trở lại.
+ Còn Đức Giêsu xuống thuyền là để tới ven bờ bên kia
của Biển Hồ, miền đất thuộc dân ngoại, cũng là để rao giảng Tin Mừng ở đây. Đây
là một khúc quanh quan trọng trong sứ vụ của Người.
Trong cả hai trường hợp đều có một trận cuồng phong
nổi lên khiến biển động dữ dội.
Trong khi đó, Giona và Đức Giêsu đều cùng ngủ mệt:
Giona ngủ vùi dưới lòng tàu, còn Đức Giêsu thì dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ ở
đàng lái, chỗ thường dành cho người thủy thủ cầm lái (T.O.B).
Tất cả đều “cùng sợ hãi”: các thủy thủ trong Giona 1,5,
các môn đệ Đức Giêsu trong Mc 4,40. Cùng xoay sở và cùng buông lời trách móc.
Nói với Giona: “Ông làm nghề gì”? Sao ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn
cùng Thiên Chúa của ông, may ra Người sẽ đoái đến chúng ta, và chúng ta khỏi
chết chăng? Nói với Đức Giêsu trong Mc 4: “Thầy ơi chúng ta chết đến nơi rồi.
Thầy chẳng lo gì sao?”.
– Cùng cảnh êm ả trở lại.
+ ở Giona 1: Sau khi các thủy thủ đã kêu cầu Chúa,
trước khi ném Giona xuống biển theo yêu cầu của ông.
+ Nơi Mc 4: Theo lệnh truyền của chính Đức Giêsu.
– Cùng một phản ứng từ phía những người chứng kiến sự
việc:
+ Nơi Giona 1: “Mọi người đều rất kính sợ Chúa, họ làm
lễ tế dâng lên Chúa cùng với lời khân hứa”.
+ Nơi Mc 4: “Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy
người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”.
Ở đây “dấu chỉ Giona” há chẳng phải là một lối ám chỉ
và là một biểu tượng loan báo cuộc đối đầu quyết liệt của Ngày Thứ Sáu Thánh
(nhất nữa, giấc ngủ theo Kinh Thánh thường là biểu ttượng của sự chết và động
từ chỗi dậy” được trình thuật sử dụng vốn là một trong những động từ thế hệ
Kitô giáo ban đầu dùng để chỉ sự phục sinh)?.
J.Hervieux đưa ra nhận xét: “Câu chuyện Chúa dẹp yên
sóng gió không chỉ đơn giản là một tường thuật về một phép lạ. Câu chuyện đó
được coi như một biểu tượng nói lên một cách cô đọng số phận nghiệt ngã của Đức
Giêsu. Nếu Người có đưa các môn đệ vào trận cuồng phong, thì cũng không phải do
ngẫu nhiên! Toàn bộ cuộc đời Người là một cuộc chiến cam go với những thế lực
của sự ác. Người phải tiến lên đối đầu với một cuộc chạm trán khốc liệt nhất:
đối đầu với chính cái chết của mình. Việc Người ngủ – chẳng ai lại ngủ giữa lúc
phong ba bão táp – lại là điều rất có ý nghĩa. Trong Kinh Thánh, giấc ngủ
thường là biểu tượng sự chết. Ở đây cuộc khổ nạn của Đức Giêsu như được diễn
trước bằng kịch câm. Đức Giêsu thiếp ngủ đi như chết giữa cảnh xôn xao náo động
của hỏa ngục được gợi hình bằng những đợt sóng lồng lộng điên cuồng. Trong một
tình huống như vậy, mà Thầy vẫn ngủ, thì chuyện các môn đệ hoảng sợ cũng là
điều dễ hiểu. Trước cảnh tượng của thập giá sau này, cũng như ở đây lúc này,
các ông sẽ mất lòng tin là điều hiển nhiên” (“Evanglle de Marc”, Centurion,
trang 75).
Cũng tác giả J.Hervieux kết luận: “Khi đọc lại câu
chuyện Chúa đi qua biển và dẹp yên sóng gió như vậy, Maccô cố gắng đáp ứng
những nhu cầu hiện thực của Giáo Hội thời ngài. Những tín hữu Rôma đang phải
điêu đứng vì những cuộc bách hại. Họ đang sống trong nỗi sợ hãi, giống như các
môn đệ trong con thuyền vượt biển xưa, đối với họ, Đức Kitô hình như đang ngủ.
Việc người: “vắng mặt” rõ ràng trong những biến cố bi thảm họ đang sống, tạo
cho họ thêm e dè, sợ sệt! Chúa phải làm gì để giải thoát họ khỏi cảnh chết chóc
đang rình rập?
Cuối cùng ta đừng quên, bão táp xảy đến trong lúc Đức
Giêsu đã quyết đinh đem các bạn hữu theo mình đi truyền giáo ở phía bên kia
Biển Hồ, nơi các dân ngoại. Người ta có thể nghĩ bụng phải chăng các tín hữu
đầu tiên ở Rôma không linh cảm việc loan báo Tin Mừng cho những người đương
thời của họ là một công việc đáng dễ sợ sao?” (Sđd)
BÀI ĐỌC THÊM
1. “Vậy người này là ai”.
“Có một thứ mâu thuẫn trong cách phản ứng của các môn
đệ: khi sợ hãi trong lúc gặp sóng gió, các ông liền lên tiếng kêu cứu Chúa,
đánh thức Người dậy: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?
Thế nhưng khi Chúa truyền cho gió yên bể lặng rồi, thì các ông lại kinh ngạc:
“Vậy người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? Đức Giêsu biết rõ
lòng các ông còn lẫn lộn bán tín bán nghi: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng
tin? Lắm lúc chúng ta cũng mang một tâm trạng như vậy. Ta cậy dựa vào Chúa,
biết rõ mình có thể kêu cầu Chúa, chẳng cần phải đánh thức Người dậy! Cùng lúc
ấy, tâm trí ta lại vương nỗi do dự này: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, mà
Thầy những lo gì sao? Chúa liền ra tay để củng cố lòng tin cho ta. Tin như vậy
là tiếng kêu gọi thiết tha, là niềm cậy trông còn nhỏ bé và mong manh thúc đẩy
ta chạy đến với Chúa. Rồi lòng tin ấy trở nên tâm tình cảm phục, vững tin khi
Chúa cho ta biết Người là ai, Người có thể làm gì cho những ai dám đến cùng Người.
“Vậy người này là ai? Lời đó phải vừa là câu hỏi, vừa là tiếng kêu bày tỏ lòng
suy tôn vậy”.
2. “Từ sợ hãi đến tin tưởng”
“Hãy xem ông Gióp, bị điêu đứng vì những thử thách
trăm bề, về mặt vật chất cũng như tinh thần, mặt đạo đức cũng như thiêng liêng.
Một người chính trực như ông mà đã phải gánh chịu bao bất công, phải chao đảo
vì những tai ương dồn dập, và vì sự thinh lặng của Chúa. Ông tố cáo Chúa, Chúa
sẽ chẳng đưa ra lời giải thích nào, và sẽ chẳng vén lên bức màn bao trùm mầu
nhiệm khôn dò về sự ác.
Thế nhưng chỉ giữa lúc phong ba bão táp thì Chúa mới
nhắc nhở cho ông biết rằng Người là Chúa tể của bão, Người có quyền đặt ranh
giới và ngăn chặn những đợt sóng kiêu hùng của bão. Thế là ông Gióp nghiêng
mình bái phục Chúa với lòng tin, đồng thời thú nhận sự ngu muội của mình.
Maccô dùng cũng thứ ngôn ngữ ấy để nói với các tín hữu
của giáo đoàn Rôma đang hốt hoảng và bị chấn thương vì cơn bách hại. Ngài để
lại cho họ một kinh nghiệm bản thân: chính các tông đồ cũng đã từng biết đến
một Đức Giêsu ấy nằm ngủ và tỉnh bơ trước thảm cảnh của những bạn đồng hành,
hoảng hốt thấy mình sắp “đi đời” rồi, dù họ là những tay ngư phủ dày dạn. Thực
tế là các ông đã chỉ thiếu lòng tin mà thôi, hay nói cách khác là lòng tin
tưởng và yêu mến, vì theo kiểu nói của thánh Phaolô, họ đã chỉ biết Đức Kitô
theo quan điểm loài người (Bài đọc 2).
Đường lối sư phạm của Chúa vẫn trước sau như một.
Những lớp sóng vẫn liên lì và ồ ạt vập vào thuyền khiến thuyền đầy nước. Vậy mà
Đức Kitô luôn có mặt ở đó, vẫn cứ ngủ. Giống như thời ông Gióp, ta cũng thường
tra hỏi, chất vấn, sửng sốt, đòi hỏi Chúa phải giải thích và trình bày. Tại sao
vẫn xảy ra những vụ tàn sát những người vô tội, những cảnh anh em chém giết
nhau không nương tay, những cuộc bách hại đẫm máu, những trận dịch kinh hoàng,
những bất công chỉ biết kêu trời báo oán, những cảnh chết đói khiến phải đào mồ
chôn tập thể.
Ta đừng chờ đợi phép lạ, có chăng chính là phép lạ của
lòng tin, cậy, mến. Thực ra “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai” cũng vẫn là
một. Hằng ngày ta vẫn còn thấy Người thực hiện những điều kỳ diệu khi làm nẩy
sinh những tạo vật mới, khi tạo dựng một thế giới mới. Đó là mỗi lần mà tha thứ
thay thế cho hận thù, ích kỷ nhường chỗ cho quảng đại và lòng can đảm quét sạch
đi những hèn nhát.
Còn một câu hỏi và nỗi sợ hãi khác từ phía những tín
hữu vốn khư khư với những tập quán, quan niệm hẹp hòi, với những chương trình
và kế hoạch tương lai cho Giáo Hội do họ suy luận ra, nên họ la ó lên rằng:
những hết cả rồi, khi họ nhìn thấy những bảng thống kê sụt giảm, những cơ cấu
rạn nứt, những hình thức đổi thay và những cánh cửa canh tân mở toang. Câu trả
lời của Chúa vẫn không thay đổi: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? Há
các bạn không nhìn thấy trong “cơn gió chướng mạnh” Thần Khí vẫn đang thổi hơi,
làm nổi lên cho mãi tới những gốc cây cổ thụ đang chết một giải đất. bao la đầy
những chồi non đang vươn lên ngợi ca sự sống và hy vọng. Bởi lẽ “cái cũ đã biến
mất, và cái mới đã có đây rồi” (Bài đọc 2)
31. Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
BÃO TỐ DẸP YÊN
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Người tín hữu thường quên chiều kích vũ trụ trong
hành động của Chúa Kitô, trong khi thời đại này, các khoa học kỹ thuật nói
nhiều đến việc khai thác, nhân hóa, bảo tồn, chinh phục thiên nhiên, các khoa
học nhân văn nói nhiều đến mối liên quan giữa con người và vật chất, thiên
nhiên, vũ trụ, môi trường sống. Kitô hữu phải hiểu cùng làm cho người khác hiểu
rằng Chúa Kitô không xa lạ với vật chất đã làm nên vũ trụ. Trái lại qua việc
nhập thể và phục sinh trong thân xác, Người đã mở rộng ơn cứu rỗi tới cho tất
cả những gì hiện hữu. Chúa Giêsu đã đến không phải chỉ để cứu linh hồn con
người mà thôi, nhưng cứu toàn thể con người xác hồn, và qua thân xác con người,
Người biến đổi sâu xa cả vũ trụ vật chất (x. Rm 8,19): chính vũ trụ vật chất
đang trên đường về với Thiên Chúa.
2. Câu chuyện xảy ra được Maccô kể lại theo lời chứng
nhân tận mắt là Phêrô nên có nhiều chi tiết. Nhưng một trong những điểm quan
trọng, chủ yếu của trình thuật là chính thắc mắc của các sứ đồ sau khi bão yên:
“Người là ai mà gió cùng biển phải tuân phục Người?”. Ngày nay với phát minh
khoa học kỹ thuật, con người khắc phục được thiên nhiên rất nhiều đã từng
nghiêng đồng đổ nước, thay trời làm mưa, bắt sông uốn khúc, ép núi cúi đầu, nên
dễ quên Đấng Tạo Hóa. Kitô hữu phải biết khám phá thấy trong mọi chuyển động tự
nhiên của vũ trụ cũng như trong mọi khắc phục thiên thiên của con người bàn tay
quan phòng của Thiên Chúa.
3. “Xảy đến một trận gió táp thổi mạnh, và sóng ập
tràn vào đò, làm đò đã hòng ngập đầy”. Ngày nay, đâu là cơn bão tố lớn đang vùi
dập con đò Phêrô? Là trào lưu vô thần, là sự tục hóa, là thái độ tấn công tinh
vi hay dửng dưng với tôn giáo. Nhưng Kitô hữu đừng lo! Giáo Hội đã trải qua
nhiều cơn bão lớn hơn trong lịch sử rồi, như những sa đọa trong hàng ngũ lãnh
đạo, sự cấu kết thái quá với thế quyền, sự chểnh mảng trong việc trau dồi đức
tin, những xâu xé nội bộ, thế mà Giáo Hội vẫn không chìm đắm. Vì Chúa Kitô và
Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội.
4. “Tại sao sợ hãi? Các ngươi không có đức tin ư”. Lời
chất vấn và trách cứ của Chúa Giêsu cũng như lời mời gọi hãy tin tưởng đang
được gởi đến những tín hữu mà niềm tin vào Thiên Chúa hôm nay đang bị lung lay
vì bao bão tố, đau khổ. Kitô hữu hãy nhớ: tin trước hết là xác tín rằng dù gặp
phải bao yêu thương, là hiểu rằng mọi chướng ngại chỉ là dấu chỉ tình yêu Thiên
Chúa, là phương tiện giúp ta về với Thiên Chúa.
5. Chúa Giêsu không hứa với Giáo Hội là sẽ che chở cho
khỏi cơn bão tố, trái lại người hứa là Giáo Hội sẽ thắng bão tố, sẽ không bị
chìm ngập và con thuyền Giáo Hội, cho dầu có xảy ra gì chăng nữa, sẽ đến bờ như
đã hứa. Chúa Kitô đã chẳng trải qua cơn bão tố Tử nạn để rồi đạt đến bờ Phục
sinh ư? Cuộc sống Giáo Hội và cuộc sống mỗi Kitô hữu chúng ta không thoát khỏi
định luật này, là định luật của tất cả những ai, những gì muốn về với Thiên
Chúa. Dĩ nhiên, đây không phải là định luật Thiên Chúa ra một cách độc đoán,
như thể Ngài muốn ta phải trả giá Nước Trời, hành hạ ta đã rồi mới cho được
nghỉ ngơi. Bão tố, gian nan, thử thách chính là những gì xảy ra khi ta quyết
tâm trung thành với Thiên Chúa, khi ta từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi sự để chiếm
đoạt cho được Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực của ta.
32. Chú giải của William Barclay
BÌNH AN CỦA SỰ HIỆN
DIỆN
Biển hồ Galilê nổi tiếng về bão tố. Những cơn bão từ
nguồn đến hết sức thình lình với sự tàn phá kinh khủng. Một tác giả đã mô tả
chúng như vậy: “Các trận cuồng phong khủng khiếp lồng lộn trên mặt nước mà bình
thường rất phẳng lặng, ngay cả khi bầu trời hoàn toàn trong trẻo, thình lình
cơn bão đến không phải là điều không thường thấy. Vô số các thung lũng từ hướng
đông bắc và hướng đông trải ra ở phần trên của hồ tạo thành rất nhiều hẻm núi
nguy hiểm bọc gió từ cao nguyên Hauran, vùng đồi Tracônít và đỉnh núi Hetmôn
tạo thành một sức nén, ào đến với một lực kinh khủng qua một khoảng trống hẹp
rồi thình lình thoát ra làm xao động hồ Giênêdarét bé nhỏ trong một tình trạng
kinh hoàng nhất. Những khách vượt hồ luôn luôn có cơ hội phải đối diện với
những cơn bão thình lình như vậy”.
Chúa Giêsu đang ở trong thuyền, tại chỗ dành cho bất
cứ một vị khách quý nào. Chúng ta được biết, “Trong những thuyền này, tại đó có
sắm sẵn một tấm thảm và gối. Người lái thuyền đứng cách đó một chút gần bánh
lái thuyền để có thể dễ dàng nhìn phía trước”.
Thật thú vị khi ghi nhận được những lời của Chúa Giêsu
truyền cho gió và sóng hoàn toàn giống như điều Người đã truyền cho người bị
quỷ ám trong Maccô 1,25. Sức mạnh phá huỷ của bão tố cũng như sức mạnh tàn phá
của ma quỷ khi nó nhập vào con người, vì vậy dân chúng tại Palestine vào thời
ấy tin rằng quyền lực xấu xa của ma quỷ cũng đang hoạt động trong lãnh vực
thiên nhiên.
Thật thiếu công bằng khi chúng ta chỉ suy nghĩ câu
chuyện này theo nghĩa đen. Nếu nó chỉ thuật lại một phép lạ vật chất trong đó
một cơn bão thực sự yên lặng thì đó là một điều rất lạ lùng và là điều đáng cho
chúng ta kinh ngạc, nhưng đó là điều xảy ra một lần. Trong trường hợp đó nó
hoàn toàn ở bên ngoài đối với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta đọc nó theo ý nghĩa
biểu tượng thì sẽ thấy giá trị hơn. Khi các môn đệ nhận thức được sự hiện diện
của Chúa ở với họ thì cơn bão yên lặng. Một lần nữa họ kinh nghiệm sợ hãi tan
biến và bình an vào trong lòng họ. Ra khơi với Chúa Giêsu là ra khơi an toàn
ngay cả trong bão tố. Giờ đây là sự thật cho mọi trường hợp. Đó không phải là
điều chỉ xảy ra một lần, nhưng vẫn còn đang xảy ra và có thể xảy ra cho chúng
ta. Trong sự hiện diện của Chúa Giêsu chúng ta có được bình an ngay cả trong
bão tố khủng khiếp nhất của cuộc sống.
1/ Ngài ban cho chúng ta bình an trong bão tố của sầu
muộn.
Khi sầu muộn đến, Ngài nói với chúng ta về vinh quang
của cuộc đời sẽ đến. Ngài biến đổi bóng tối của sự chết thành ánh sáng của sự
sống vĩnh cửu. Ngài nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa. Một câu chuyện
cổ nói về một người làm vườn, nơi ấy có một đoá hoa mà ông rất yêu quý. Một
ngày nọ khi ra vườn thấy bông hoa đó đã mất. Ông ta vô cùng phật ý, bực tức và
phàn nàn. Trong lúc đang bực tức ông gặp chủ vườn và phàn nàn với chủ. Chủ vườn
nói “Anh yên tâm! Chính tôi đã hái nó cho tôi”. Giữa bão tố của sầu muộn, Chúa
Giêsu nói với chúng ta rằng những người chúng ta thương yêu đã đi ở với Thiên
Chúa và Ngài đảm bảo rằng rồi đây chúng ta sẽ gặp lại những người thân thương
mà chúng ta đã thiếu vắng họ một thời gian.
2/ Ngài ban cho chúng ta bình an khi những nan đề của
cuộc sống cuốn hút chúng ta vào trong cơn bão của nghi ngờ, căng thẳng và không
chắc chắn.
Rồi có những lúc chúng ta chẳng biết phải làm gì, khi
chúng ta đứng trước ngã ba của cuộc sống không biết đi đường nào. Lúc ấy chúng
ta quay sang Chúa Giêsu và thưa cùng Ngài rằng “Lạy Chúa, Ngài muốn con làm
chi?”. Con đường sẽ được khai thông. Thảm kịch không phải là chúng ta không
biết phải làm gì, nhưng chính là chúng ta thường không hạ mình tuân phục sự
hướng dẫn của Chúa Giêsu. Câu hỏi ý Ngài và tuân phục ý đó là đường dẫn đến
bình an trong những lúc như vậy.
3/ Ngài ban cho chúng ta bình an trong bão tố của lo
âu.
Kẻ thù hàng đầu của bình an là lo lắng, lo lắng cho
chính mình, lo lắng về tương lai ngoài sự hiểu biết, lo lắng về những người
mình yêu. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta về một người Cha không bao giờ làm
đổ những giọt lệ không cần thiết nơi con Ngài, và về một tình yêu vượt trội
giữa chúng ta và những người thân yêu của chúng ta khỏi trôi giạt. Trong bão tố
của lo âu, Ngài đem đến cho chúng ta bình an của tình yêu Thiên Chúa.
33. Thiên Chúa Có Quyền Trên Sóng Nước
Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Văn chương thường ví đời sống con người từ khi sinh
đến khi chết, như một cuộc vượt biển, đi từ bên này sang bên kia. Và mặt biển
trần gian không mấy khi phẳng lặng. Không những thường có gió, có sóng, mà
nhiều khi còn nổi bão và sóng cuộn. Và không chắc thời buổi khoa học kỹ thuật
cao ít sóng gió hơn những thời đại bè nứa và thuyền nan. Lịch sử thế giới những
thập niên gần đây xem ra nhiều biến động và con người ở thời đại chúng ta cũng
rất nhiều thử thách. Cụ thể ai có thể bảo: đời sống bản thân, gia đình và xã
hội mình đang sống không có những nét bất ổn làm giao động tâm hồn?
Hôm nay Lời Chúa không những tỏ ra thấu suốt các nguy
hiểm của đời sống con người, mà còn muốn đem lại bình an hạnh phúc cho tất cả
chúng ta đang sống trong sóng gió của cuộc đời. Chúng ta lần lượt đọc lại bài
sách Yob, bài Tin Mừng và bài thư Phaolô.
A. Thiên Chúa Có Quyền Trên Sóng Nước
Phụng vụ chọn bài sách Yob đi trước bài Tin Mừng hôm
nay. Vì sao không chọn một bài khác? Cựu Ước không thiếu những đoạn sách tương
tự. Nhưng sách Yob gợi ngay đến cuộc sống của một người gặp thử thách khác
thường. Không những Yob đã trở thành biểu tượng mọi con người gặp đau khổ đớn
đau, sách Yob còn chứa đựng mọi suy tư của con người muốn giải thích vì sao
cuộc sống lại nhiều khổ đau vô lý như vậy. Các phát biểu nhiều và dài, nhưng
chẳng hoàn toàn thuyết phục được ai khác, ngoài chính người đã dựng ra những lý
thuyết giải thích kia. Cuối cùng, như không thể chịu đựng được nữa, những tư
tưởng ngu xuẩn của những kẻ múa mép một cách tự đại, Thiên Chúa đã nói với Yob
“từ cơn giông tố”.
Vì sao Người lại dùng giông tố làm bối cảnh? Văn
chương Cựu Ước và ở thời của Yob không thể nào tưởng tượng được một cuộc hiển
linh mà không thấy có sấm chớp, giông tố và khói lửa. Kể từ ngày mô tả Thiên
Chúa ngự xuống trên núi Sinai giữa cảnh trời long đất lở, sấm chớp hãi hùng,
các tác giả Cựu Ước luôn diễn tả việc Chúa hiện ra hoặc với loài người kèm theo
tiếng gió, tiếng sét, trong lửa, trong khói. Ðó là những bối cảnh đã trở nên
quen thuộc.
Ở đây, “giông tố” đã là dấu báo hiệu cho việc Chúa
hiện đến. Nó còn nói lên một ý nghĩa nữa. Nó muốn quét sạch mọi luân lý của
loài người đã nói ra trước đây để cắt nghĩa vì sao hết sự dữ này đến tai họa
khác đã ập xuống trên cuộc đời và thân thể của Yob. Chẳng lý lẽ nào có thể đứng
vững trước chân lý của Chúa. Chúng đã tháo lui, rút chạy khi Người sắp mở
miệng. Giông tố đã đến quét sạch mặt đất để cho Thiên Chúa xuất hiện. Và để tỏ
ra Lời Người sắp nói là Chân lý, khác hẳn các suy tư của con người. Giữa tư
tưởng của Người và luận lý của chúng sinh phải có một khoảng cách, một khoảng
trống. Ðấng siêu việt không thể ngự đến giữa các vật tầm thường. Chân lý của
Người không được xếp hạng chung với các tiếng nói của loài người.
Và quả thật, Người không phát biểu như bạn bè trước
đây của Yob. Các người này đi thẳng vào những đau khổ của ông, lấy lẽ này lẽ
khác ra mà giải thích. Họ và đối tượng họ giải thích cùng nằm trên một bình
diện. Họ đứng cùng tầm mức với các điều họ muốn hiểu. Thiên Chúa thì không. Người
siêu việt hơn hết thảy. Người đứng trên mọi sự. Người nắm đầu tất cả. Người bắt
chúng phải trả lời, chứ không lờ mờ tìm hiểu chúng.
Thế nên, Người bảo Yob: “Hãy nai nịt như một dũng sĩ
(để xứng đáng đứng trước nhan Người). Ta sẽ vặn hỏi ngươi và ngươi hãy cho ta
hay: ai đã cài chắc then biển bằng hai cánh xếp, khi nó trào ra từ lòng mẹ; khi
Ta phủ mây trên nó như áo quần và mây tối làm tã lót?”
Dĩ nhiên phải biết văn chương của thời Yob mới dễ hiểu
những lời vừa nghe. Thời ấy, người ta có những quan niệm rất khác với chúng ta
về vũ trụ. Ðối với họ, mọi vật đã từ “vực thẳm” đi ra. Biển cũng từ lòng sâu
thẳm ngoi lên. Vực thẳm là lòng mẹ sinh ra vạn vật. Nhưng khi nước biển trào ra
như vậy, làm sao nó lại đọng lại một vài nơi và không tràn ra lênh láng? Phải
có người vạch ranh giới cho nó và đặt nó trong cửa kín then cài. Ai vậy, nếu
không phải là tạo hóa? Người đặt định luật cho các vật để chúng không ngông
cuồng và không có kỷ luật…
Viết như trên, tác giả sách Yob cũng cùng quan điểm
với tác giả sách Khởi nguyên. Chúng ta quen tư tưởng của sách này từ chương đầu
tiên. Ở đó, chúng ta thấy Thiên Chúa đã làm ra mọi sự, một cách thật đơn giản
và quyền năng. Người phán hãy có vật nào là vật ấy xuất hiện. Người bảo nước
dưới vòm trời hãy tụ lại một chỗ, để cho khô ráo lộ diện. Và đã xảy ra như vậy.
Người gọi khô ráo là đất, còn khối nước tụ lại là biển.
Dĩ nhiên, một cách khoa học ngày nay không viết như thế,
nhưng con người ở thời Yob không hiểu được văn khoa học thời nay. Ðàng khác
sách Yob cũng như sách Khởi nguyên không muốn nói chuyện khoa học, nhưng chỉ
muốn dạy đạo. Chân lý chủ yếu ở đây là biển rộng với các định luật của nó là tự
Thiên Chúa sắp đặt. Tác giả thời bấy giờ phải dùng các hình ảnh vừa tầm mức của
người đương thời để diễn đạt tư tưởng đạo đức. Ông phải mượn hình ảnh then cài
và cửa khép hai cánh để nói lên định luật không cho nước lan rộng ra quá mức.
Ðịnh luật này cũng do tạo hóa đặt định thôi. Do đó, người xưa nói đến cửa đóng
then cài không cho nước thoát ra, và ngày nay chúng ta nói đến hấp lực của trái
đất và mặt trăng điều hòa sức nước dâng lên dâng xuống, cũng vậy thôi xét theo
quan điểm tìm hiểu: bởi vì cuối cùng vẫn phải nại đến ai làm ra cửa và ai đặt
ra định luật. Người thời xưa mộc mạc và thi sĩ hơn người khoa học. Họ thấy sức
mạnh của nước, nhưng đồng thời sức mạnh ấy được kiềm chế. Họ nghĩ phải có ai
điều khiển đại dương. Họ suy tôn tạo hóa trong các kỳ công của Người.
Cũng như họ thấy mặt biển thường có mây. Họ nghĩ đến
ngày sinh của con người phải có tã lót và con người không thể phô bày thân thể
mà không mang quần áo. Họ suy biển cũng phải như vậy. Nên ở đây tác giả viết:
Tạo hóa phủ mây trên nó như áo quần vá mây tối làm tã lót.
Chúng ta chia sẻ cái nhìn chân thực của tác giả. Chúng
ta cùng tác giả nhìn nhận Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật, có quyền trên hết
thảy. Người có quyền trên biển rộng. Nhưng điều này ăn nhằm gì với điều Yob
đang muốn biết. Ông đang điên đầu vì chẳng hiểu sao mình khổ sở quá như thế
này. Bạn bè của ông đã đưa ra những lời giải thích không thể chấp nhận được.
Thiên Chúa muốn trả lời thế nào cho ông đây, khi nói đến quyền của Người trên
sóng nước?
Sự thật Yob đã hiểu ngay Thiên Chúa muốn nói gì rồi. Ông
và đồng bào của ông quá biết sức mạnh của nước, nhất là khi nó phá phách như
trong truyện Ðại hồng thủy và truyện binh lính Pharaô chết hết khi nước vùi dập
họ nơi Biển Ðỏ. Trong bão táp, sóng nước thật hung dữ. Biển trở thành biểu
tượng cho nhiều sức mạnh nguy hiểm. Thế nên không phải chỉ ở Dothái, mà còn ở
nhiều nơi, loài người vẫn ví cuộc sống nguy hiểm của họ ở đời này như cuộc vượt
biển trăm bề hiểm nguy.
Vậy khi khẳng định uy quyền của Thiên Chúa trên sóng
nước, tác giả sách Yob chẳng qua có ý quả quyết: sự dữ cũng dưới quyền của
Chúa. Và kẻ gặp sự dữ hãy đến đặt niềm tin tưởng nơi Người.
Nhưng khốn nỗi nhiều khi Người lại như Ðức Yêsu cứ ngủ
yên trong khi môn đệ gặp sóng gió dữ dằn. Thái độ của chúng ta như thế nào
trong những trường hợp như thế?
B. Các Ngươi Chưa Có Lòng Tin Sao?
Marcô không phải là tác giả không biết kể chuyện. Lời
văn của ông vắn tắt nhưng ngụ nhiều ý. Ông biết quá mặt nước mà các môn đệ của
Ðức Yêsu sắp bơi thuyền sang, không phải là một đại dương hoặc một mặt biển
rộng. Ðây chỉ là một cái hồ, tuy không rộng như chưa thể gọi là biển. Thế mà
Marcô làm cho chúng ta thấy thuyền của các Tông đồ như đang vượt biển sóng to
gió lớn. Tác giả muốn dùng câu truyện hôm nay để nói đến con đường gian nan
nguy hiểm mà các Tông đồ sắp đi vào, và để báo trước cuộc đời của Hội Thánh sẽ
phải lênh đênh sóng gió, và đời sống đức tin của mỗi người chúng ta phải lao
khổ, hiểm nguy. Bài sách Marcô hôm nay vì thế cũng nằm trong viễn tượng chúng
ta vừa trình bày khi nói về bài sách Yob. Cả hai đều muốn gợi lên cuộc đời đầy
thử thách gian lao của con người.
Marcô lại khéo dùng vài từ ngữ để làm cho bối cảnh thêm
đe dọa, bi đát hơn. Ông viết: “Ngày hôm ấy”. Từ ngữ này rơi vào tai những người
am hiểu Kinh Thánh, lập tức có thể gợi lên viễn tượng về ngày chung thẩm, khi
Thiên Chúa đến phán xét lành dữ trong hãi hùng và thẳng nhặt. Không có gì đáng
sợ hơn những gì sẽ xảy ra trong ngày ấy. Thế nên, khi đặt cuộc vượt biển của
các tông đồ trong khung cảnh của “ngày hôm ấy”, Marcô đã mở ra một chân trời đe
dọa. Không những thế, ông còn viết: “Lúc chiều đến”. Nghĩa là tối tăm sắp sửa
ập xuống. Và ai biết trong bóng tối có những hung thần và nguy hiểm nào?
Chúng ta bảo: Các tông đồ không biết chọn thời điểm.
Nhưng họ đâu có quyền lựa chọn. Khi đã nhận làm môn đệ Chúa Yêsu và hấp thụ mầu
nhiệm Nước Trời như Người đã mạc khải qua các dụ ngôn hạt giống và hạt cải (đọc
trong Chúa nhật trước), họ phải băng “qua bên kia”, tức là phải bỏ đời sống cũ,
đi vào đời sống mới. Và đây là nếp sống môn đệ từ nay họ phải đi theo.
Nó không yên hàn. Chưa chi đã xảy đến một trận gió táp
thổi mạnh, và sóng ập tràn vào thuyền, làm thuyền đã hòng đầy ngập. Marcô đã
không tả dài hơn. Vì đây ông không có ý kể chuyện. Mọi người có thể tưởng tượng
được hoàn cảnh của một thuyền nhỏ bỗng dưng gặp gió táp sóng cồn. Nó không chìm
là may. Ai ai cũng có thể biết như thế. Ai ai cũng đã kinh nghiệm cuộc đời mình
nhiều khi tròng trành trong gian truân. Không cần nói, ai cũng biết; nên Marcô
tả bấy nhiêu cũng đủ rồi. Ông nói ngay sang việc cốt yếu.
Thuyền đã hòng ngập, mà Ðức Yêsu bây giời đang ở đàng
lái, dựa trên ván véo mà ngủ. Người ở chỗ quan trọng vì số phận con thuyền tùy
ở tay lái. Thế mà đang lúc khó khăn nguy hiểm tột độ, Người lại nằm ngủ. Ðây
không phải chỗ chúng ta khen Người có nếp sống bình dị, nằm đâu cũng ngủ được.
Ðối với Marcô, Người nằm ngủ như thế là hình ảnh về
Thiên Chúa như nhắm mắt làm ngơ và ngủ say quên mất rằng loài người chúng ta
sắp chết rồi, con thuyền Hội Thánh đã sắp chìm và bản thân chúng ta sắp bị vùi
giập trong hiểm nguy. Thái độ lạ lùng, khiến loài người phải đặt ra nhiều câu
hỏi về vấn đề đau khổ và sự dữ: có Thiên Chúa hay không? Người không biết chúng
ta đang khổ sao? Người bất lực hay là đa đoan như người ta thường nói về “Con
Tạo”? Sự dữ này bởi đâu?
Không phải chỉ có thế. Marcô có những nét tả trong câu
truyện này khiến chúng ta không thể không nhớ đến câu truyện Yona. Ông này cũng
lấy tàu vượt biển. Tàu cũng bị sóng gió. Mọi người trên tàu đều thất kinh tìm
cách chống cự. Duy mình Yona tìm chỗ vắng nhất đặt mình xuống ngủ. Và ngủ say
ngon giấc nữa. Người ta cũng đến lay ông dậy, cũng nói với ông tương tự như các
môn đệ hôm nay thưa với Ðức Yêsu. Nếu vậy thì dưới con mắt của Marcô, Ðức Yêsu
đang ngủ không phải chỉ gợi lên hình ảnh về sự vắng mặt của Thiên Chúa trong
lúc loài người khổ sở. Nhưng vì truyện Yona đã được chính Ðức Yêsu dùng để ám
chỉ việc Người tử nạn-phục sinh, nên các nét tả của Marcô hôm nay hẳn cũng muốn
báo trước những việc sẽ xảy ra sau này: Ðức Yêsu sẽ nằm chết trên thánh giá.
Người nằm ngủ trong đau thương. Nhưng rồi Người sẽ chỗi dậy và trở thành “Chúa”
trong mầu nhiệm Phục sinh. Cũng như hôm nay, tỉnh dậy Người quát bảo gió và
biển: Nín đi, im đi! Và gió tắt biển lặng như tờ.
Như vậy chúng ta được phép nghĩ rằng, đối với Marcô
không những thái độ yên lặng của Thiên Chúa trong các đau khổ của loài người,
đã là điều khó hiểu cho tâm trí chúng ta; Người còn khiến chúng ta khó hiểu
Người hơn nữa khi Người đã để cho Con Một Người nằm chết đau thương trên thập
giá. Nhưng lại chính khi trở nên khó hiểu hơn hết, Thiên Chúa đã ban cho chúng
ta được cái chìa khóa để mở mầu nhiệm đau khổ ra. Người làm cho Con Một Người
sống lại: Ðức Yêsu Kitô tỉnh lại truyền lệnh cho các lực lượng đối nghịch con
người; Người tỏ ra là Chúa để môn đệ hoàn toàn tin tưởng. Biết được gió và biển
phải vâng phục Người, từ nay họ không còn sợ chúng nữa. Những kẻ đã tin Người
tử nạn-phục sinh, không còn sợ gì đau khổ nữa. Có thể họ vẫn chưa hiểu được vì
sao Thiên Chúa lại như ngủ quên khi con cái loài người đang khổ sở và lâm nguy.
Nhưng biết rằng Người có toàn quyền trên mọi sự dữ, họ có thể đặt hết tin tưởng
ở nơi Người.
Ðó chính là bài học mà Marcô muốn đưa ra trong câu
truyện này. Và cũng vì vậy mà Ðức Yêsu đã nói với các môn đệ: Các ngươi chưa có
lòng tin sao? Chúng ta có thể bảo: Phaolô muốn áp dụng bài học ấy trong đoạn
thư hôm nay.
C. Cũ Ðã Qua Ði Và Mới Ðã Thành Sự
Thánh tông đồ nhìn ngắm Chúa Yêsu nằm ngủ trên thập
giá giữa bao đau thương khổ sở. Người hiểu Chúa đã chết vì mọi người. Và lòng
mến của Chúa thúc bách người, khiến người xác tín rằng: Chúa đã chết vì mọi
người, thì đừng ai còn sống cho mình nữa, nhưng là cho Ðấng chết và sống lại vì
họ. Và cho được như vậy mọi người phải chết, chết nơi con người cũ, chết nơi
con người luôn nghĩ đến mình, để trở thành con người mới, con người sống cho
Chúa Yêsu Kitô. Câu thánh Tông đồ nói: Cũ đã qua đi và này mới đã thành sự, có
nghĩa là như vậy. Ai đã tin Chúa Yêsu đã chết và sống lại, thì phải chết đi con
người cũ, để sống làm con người mới trong sự thánh thiện của Chúa Yêsu phục
sinh. Một nền đạo đức học mới phải phát xuất từ đó. Nó có nhiều hệ luận, nhưng
tất cả xây trên một niềm tin duy nhất, tin Chúa Yêsu Kitô đã chết và sống lại,
đã từ bỏ con người trần gian của Người qua con đường hy sinh thánh giá để trở
thành Chúa đứng trên mọi tạo vật. Nơi Người, đau khổ đã có ý nghĩa. Nó đã đưa
Người đến vinh quang. Nó trở thành con đường cho những ai muốn theo Người, bước
vào con đường này, người ta nhờ đau khổ sẽ dần dần giũ bỏ con người cũ, ích kỷ
và xác thịt, để trở thành con người mới, bác ái và thần linh. Người ta không
buồn phiền và nản lòng khi gặp đau khổ nữa; nhưng nhìn vào mầu nhiệm thập giá,
người ta tin có Chúa đang ở với mình, cho dù bề ngoài xem ra Người đang ngủ,
nhưng thật sự Người đã dùng chính sự yên lặng thánh giá để làm im gió và biển
của thế giới đầy đau thương này.
Giờ đây chúng ta sắp cử hành mầu nhiệm Thánh giá nơi
bàn thờ. Dưới hai hình thức bánh rượu, vừa đơn sơ vừa bất động, biểu tượng cho
sự lặng thinh của Thiên Chúa và cho việc Chúa Yêsu nằm yên trên thập giá, chúng
ta tin có sự sống của chính Thiên Chúa. Người ban cho những ai tin mà đón nhận,
chính sự sống của Người, để với ơn của Người họ được sức khắc phục mọi khó khăn
đau khổ ở đời, khiến con người mới được xây dựng mỗi ngày mỗi kiên vững. Chúng
ta hãy sốt sắng cử hành và tiếp nhận mầu nhiệm Thánh Thể này, để khi ra về có
thể nói được rằng: cũ đã qua đi và này mới đã thành sự. Và chúng ta sẽ sống
giữa xã hội như những con người mới, với những tư cách mới.
34. Tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa
Lm. GB Trần Văn Hào
SDB
Văn chương Kitô giáo vẫn thường diễn tả cuộc lữ hành
trần gian của chúng ta giống như con thuyền lênh đênh giữa biển khơi ngập đầy
sóng gió. Nhiều bài thánh ca khá quen thuộc với những ca từ bình dân, chẳng hạn
‘Ngày tháng chơi vơi như thuyền nan giữa khơi’, hoặc ‘Mẹ ơi thế trần là nơi
gian khổ, biển đời con gặp bao cơn giông tố’ khiến chúng ta dễ liên tưởng đến
con thuyền mà bài Tin mừng hôm nay nói tới. Con thuyền chở Chúa Giêsu và các
môn đệ, đang trực diện với một trận cuồng phong khiến nước ập vào. Các môn đệ
thì hoảng loạn, còn Chúa Giêsu vẫn an giấc ngủ say. Hình ảnh con thuyền đó rất
gần sát với cuộc sống hiện sinh của chúng ta ngày hôm nay.
Bão tố và những bầm dập trong cuộc sống
Giáo lý Phật giáo khởi đầu với xác quyết : ‘Đời là bể khổ’.
Các học thuyết của hầu hết các tôn giáo khác cũng nhằm tìm ra giải pháp cho vấn
đề khổ đau, thực tại nhức nhối nhất trong kiếp người. Trong cái nhìn Kitô giáo,
đau khổ là hệ quả của tội lỗi do chính con người gây ra. Vì tội của Ađam, sự dữ
đã thâm nhập vào trần gian. Con người phải nếm trải khổ đau và phải chết (x.
Rm chương 5).Nhưng mầu nhiệm Thập giá và sự Phục sinh vinh thắng của Chúa
Giêsu là đáp án tổng thể cho những vấn đề nan giải và hóc búa này.
Nhìn vào hình ảnh con thuyền chở các tông đồ đang lênh
đênh giữa biển hồ Galilê trong cơn bão tố, chúng ta liên tưởng đến cuộc sống
của chúng ta hôm nay với biết bao bầm dập và cay đắng. Nhiều khi chúng ta cũng
rơi vào tình trạng chán nản và tuyệt vọng đến tột cùng. Khi một người thân
thiết nhất trong gia đình bỗng nhiên gặp tai nạn và chết cách thảm khốc, khi
người tình mà chúng ta đang xây đắp mộng ước tương lai bỗng lặng lẽ chia tay,
hoặc khi công việc làm ăn đang thành đạt bỗng gặp những thất bại ê chề v…v…,
tất cả đều là những kinh nghiệm mà mỗi người chúng ta có thể đã từng nếm trải.
Những biến cố ấy như những cơn lốc mạnh kèm theo bão tố, khiến chúng ta hoảng loạn.
Tâm trạng của các tông đồ năm xưa cũng giống như thế. Trong bài Tin mừng hôm
nay, Thánh Marcô thuật lại biến cố và nêu bật một sự tương phản rõ rệt. Đang
khi các tông đồ hoảng hốt, con mắt mở to vì khiếp hãi, Chúa Giêsu vẫn bình
thản, đôi mắt Ngài vẫn khép chặt trong cơn ngủ say. Hình ảnh này hoàn toàn trái
ngược với khung cảnh trong vườn cây dầu. Chúa Giêsu thì khiếp sợ khi đối diện
trước cái chết, còn 3 người học trò thân tín lại say ngủ đến độ Chúa Giêsu đã
nhắc nhở: “Các con không thể thức được với Thầy lấy một giờ hay sao?”. Trong
hình ảnh thứ nhất, các tông đồ hoảng sợ khi nhìn thấy cái chết đang cận kề
trong gang tấc, trong khi Chúa Giêsu vẫn bình thản trong giấc ngủ sâu, vì Ngài
là Đấng quyền năng, Đấng Hằng Sống, Đấng có thể khuất phục sự chết. Ngược lại,
trong hình ảnh thứ hai, Chúa Giêsu thức để cầu nguyện trước giây phút hoàn tất
mầu nhiệm hiến tế và tiến nhận cái chết. Khi mang thân phận con người, Chúa
cũng sợ hãi đến độ mồ hôi và máu tuôn trào khi đứng trước cái chết kinh hoàng
sắp tới. Ngược lại, ba môn đệ lại say sưa trong giấc ngủ vì các ông chưa thể
tiến sâu vào mầu nhiệm Thập giá. Hai hình ảnh tương phản này cho ta thấy rằng
đau khổ luôn gắn liền với kiếp nhân sinh và cao điểm là chính sự chết. Một nhà
tu đức đã nói: “Chúng ta được sinh ra trong tiếng khóc chào đời của chính mình
và chết đi trong tiếng khóc tiễn đưa của những người thân quen. Tiếng khóc đầu
tiên đan nối với tiếng khóc cuối cùng trong cuộc sống, lột tả về mầu nhiệm đau
khổ, luôn bám chặt với cuộc sống hiện sinh của chúng ta ngày hôm nay.
Chúa ở kề bên
Một vị thánh nọ đã cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, khi
con gặp những sóng gió và thử thách, Chúa đang ở đâu?” Để trả lời, Chúa cho chị
ta thấy một thị kiến ghi lại những hình ảnh Chúa luôn cận kề bên chị. Những dấu
chân in trên cát đã chứng minh điều này. Chúa luôn sánh bước bên chị, thể hiện
qua những dấu chân của 2 người mãi ở bên nhau. Nhưng khi chị gặp khó khăn, chỉ
còn lại dấu chân của một người, hình như Chúa đã bỏ rơi chị vào lúc đó? Chúa
nói với chị ta rằng: “Những lúc con gặp sóng gió như thế, con thấy chỉ còn lại
dấu chân của một người, người đó chính là Ta. Chính Ta bồng ẵm con trên đôi tay
của Ta”. Các tông đồ trên con thuyền đầy sóng gió đã quên mất Chúa Giêsu đang ở
bên cạnh họ. Nhưng rồi các ông đã sớm nhận ra điều ấy và đánh thức Chúa dậy.
Tương tự như thế, chúng ta cũng phải ‘đánh thức’ Chúa, phải ‘lay động’ để Chúa
tỉnh dậy, tức là chúng ta phải đi sâu vào đời sống cầu nguyện hầu khơi lên cảm
thức đức tin, nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường của
cuộc sống. Quyền năng của Thiên Chúa có thể dẹp tan những sóng gió và tình yêu
của Ngài luôn phủ kín cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Cho dầu xấu xa hay tội
lỗi đến mấy, mỗi người trong chúng ta vẫn luôn có chỗ đứng trang trọng trong
con tim đong đầy yêu thương của Chúa, chỉ cần chúng ta biết trải lòng mình ra
với sự tin tưởng. Chúng ta hãy học lấy bài học của các môn đệ năm xưa, luôn
biết đánh thức Chúa dậy qua đời sống cầu nguyện, đặc biệt khi con thuyền đời ta
ngập chìm trong bão tố.
Đau khổ là quà tặng của Thiên Chúa
Điều này xem ra có vẻ nghịch lý và khó chấp nhận. Tác
giả sách Khôn ngoan đã viết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì
khi sinh mạng tiêu vong (Kn 1,13). Cái chết là tột cùng của khổ đau trong kiếp
người và Thiên Chúa không bao giờ muốn chúng ta phải đau khổ hay phải chết.
Chúa Giêsu cũng đã từng nói: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào (Ga
10,10). Vậy, tại sao chúng ta lại dám khẳng định rằng, ‘Đau khổ là quà tặng của
Thiên Chúa’ hay nói như Thánh Phaolô, ‘Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là
một mối lợi’ (Pl 1,21)? Câu trả lời được tìm thấy trong bài đọc 1 hôm nay. Cả
cuộc đời của ông Gióp là những chuỗi ngày đầy khổ đau và thử thách. Ông đã
nguyền rủa ngày ông chào đời và trải nghiệm biết bao phiền muộn (Gióp chương
3). Nhưng ông đã tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và thâm tín rằng những
khổ đau xảy đến với ông chính là quà tặng Thiên Chúa trao ban để giúp ông tôi
luyện đức tin (bài đọc 1). Nhờ vậy, tâm hồn ông vẫn bình an cho dầu phải đối
diện trước bao bão tố. Chúa phán với ông Gióp: “Các đợt sóng và các cơn bão táp
chỉ được đến đây thôi và không được tiến xa hơn nữa. Đây là nơi các đợt sóng
cao phải tan tành”. Quyền năng của Thiên Chúa thắng vượt tất cả sức mạnh của
thiên nhiên cũng như sự dữ. Ông Gióp đã thể hiện niềm tin vào Đấng quyền năng
cách tuyệt đối, và ông đã nêu cho chúng ta mẫu gương về sự kiên định trong niềm
tin, mỗi khi chúng ta gặp thử thách.
Kết luận
Tờ báo Digest có viết lại một câu truyện mang tính răn
đời như sau. Một bà cụ nọ khá đạo đức, sống trong một căn nhà ọp ẹp tại miền
quê nghèo. Bỗng có cơn mưa to ập tới và mực nước ngày càng dâng cao. Bà cầu xin
Chúa cứu bà khỏi chết. Nhóm cứu hộ đã cho một chiếc trực thăng và hai chiếc
thuyền đến để đưa bà về nơi an toàn, nhưng bà nhất quyết từ chối và vẫn chờ
Chúa đến cứu. Đám cứu hộ thất vọng bỏ đi và bà ta đã chết trong cơn lũ lụt. Khi
đến trình diện trước mặt Chúa, bà trách móc: ‘Sao Chúa không đến cứu khiến con
phải chết?” Chúa trả lời: “Ta đã làm hết cách. Ta đã gửi một chiếc trực thăng
và hai con thuyền cứu hộ đến mà con không nhận ra hay sao?”.
Chúa có nhiều cách thức để luôn hiện diện bên chúng ta
trong những sóng gió cuộc đời. Chỉ cần chúng ta nhận ra Ngài và đánh thức Ngài
dậy, giống như các tông đồ năm xưa.
35. Vũ trụ là một cuốn sách nói với chúng ta về Thiên Chúa
ĐGM Giuse Vũ Văn
Thiên
Ngày 18 tháng 6 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã
công bố một thông điệp với tựa đề “Chúa đáng chúc tụng – Laudato sii”. Nội dung
của thông điệp này là lời mời gọi mọi người nhận ra vẻ đẹp của vũ trụ và cùng
nhau chung tay bảo vệ.
Trước đó, ngày 14-6, vị Chủ chăn của Giáo Hội đã nói
trong bài huấn từ nhân dịp đọc kinh Truyền tin tại quảng trường Thánh
Phêrô: “Thông điệp mà tôi sắp công bố ngỏ lời với hết thảy mọi người.
Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi người cùng đón nhận thông điệp này và ý thức
trách nhiệm đối với ngôi nhà chung mà Thiên Chúa trao phó cho hết thảy” (Zenit
14-6-2015).
“Chúa đáng chúc tụng” là điệp khúc của “bài ca tạo
vật” rất nổi tiếng do chính Thánh Phanxicô khó khăn biên soạn. Vị Thánh của
người nghèo đã ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên hoàn vũ, và nhận ra, ngay
cả những cây cỏ, chim muông, hoa lá… đều có ngôn ngữ riêng để ta tụng Chúa.
Những tạo vật ấy đều do Thiên Chúa dựng nên, và như vậy, chúng là những anh chị
em với con người.
Tác giả sách ông Gióp (Bài đọc I) đã ghi lại lời Chúa
nói với ông Gióp về vẻ đẹp của thiên nhiên và sự tuần hoàn của vũ trụ do chính
Chúa thực hiện. Ông Gióp là người gặp nhiều bất hạnh. Đang là người giàu có
phong lưu, bỗng chốc mất hết con cái, của cải, bạn bè. Ông đang tìm một lời
giải đáp cho đau khổ chồng chất ông phải chịu. Những bạn bè đến thăm chỉ đưa ra
những lý luận phàm tục, không làm ông thỏa mãn. Chính lúc đó, Chúa hiện ra với
ông để đem cho ông nguồn an ủi. Ngài tỏ cho ông biết, Ngài là Đấng quyền năng,
đến đại dương hùng mạnh cũng phải vâng lời, vì chính Ngài vạch ranh giới cho
chúng.
Đức Giêsu đã tiếp nối mạc khải của Cựu ước để chứng tỏ
quyền năng thiên linh của Thiên Chúa nơi Người. Trong truyền thống Do Thái cổ
xưa, biển khơi được diễn tả như một loài quái vật hoặc quỷ dữ. Biển cũng tượng
trưng cho quyền lực của sự chết. Đối diện với cơn bão tổ trên biển hồ, các môn
đệ tưởng mình như đã đến ngày tận số. Các ông kêu la hoảng loạn và kêu Chúa cầu
cứu. Giữa cơn khốn khó của họ, Chúa Giêsu đã tỏ rõ quyền năng của Người đối với
biển khơi. Với kiểu nói: “Người ngăm đe gió và truyền cho biển: ‘Im đi!
Câm đi!’, Thánh Mác-cô muốn diễn tả biển khơi giống như một đối phương hùng
mạnh đang tấn công các môn đệ. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã đến thế gian để
trừ diệt quyền năng của sự chết. Người thiết lập trật tự mới trong ân sủng và
bình an.
Phép lạ dẹp yên sóng gió là dịp để các môn đệ nhận ra
quyền năng của Thầy mình. Họ hỏi nhau: “Người này là ai, mà cả đến gió
và biển cũng tuân lệnh?”. Chúng ta ngạc nhiên trước câu hỏi này. Thế
ra, từ khi theo Chúa Giêsu cho đến tận bây giờ, các ông vẫn chưa hiểu rõ Thầy
mình là ai. Chỉ đến khi chứng kiến phép lạ ngoạn mục, các ông mới ngỡ ngàng và
thấy rằng Thầy mình không phải là một người trần gian.
Trước sự an hòa của trật tự thiên nhiên vũ trụ, người
tín hữu nhận ra có một bàn tay khôn ngoan sắp xếp điều khiển. “Bàn tay” ấy chính
là Thiên Chúa, Đấng quyền năng vô song. Ngài dựng nên mọi sự cho con người
hưởng dùng. Công trình sáng tạo là tác phẩm của tình thương Thiên Chúa.Vũ trụ
là một cuốn sách nói với chúng ta về Thiên Chúa.
Môi trường thiên nhiên đang bị con người vô tâm tàn
phá nghiêm trọng. Cùng với môi trường thiên nhiên, môi trường đạo đức cũng băng
hoại do bị lây nhiễm lối sống phi đạo đức. Nhiều người viện cớ “cuộc sống hiện
đại” để coi thường những chuẩn mực đạo đức truyền thống. Họ muốn gạt bỏ Thiên
Chúa ra khỏi cuộc sống, vì họ tự cho mình có thể tự quyết định được tương lai.
Lịch sử đã chứng minh, một xã hội vắng bóng Thượng đế sẽ rơi vào nguy cơ bị hủy
diệt.
Thông điệp “Chúa đáng chúc tụng” là mời gọi mỗi người
cùng xét mình trước mặt Chúa về trách nhiệm đối với cộng đồng xung quanh trong
cách ứng xử của cá nhân cũng như tập thể.
Cuộc đời này cũng được sánh ví như đại dương bao la mà
mỗi người chúng ta đang cố gắng chèo chống để vượt qua. Trong cuộc “vượt biển”
này, có biết bao sóng gió thử thách vây bọc chúng ta. Có những lúc chúng ta cảm
thấy như Chúa vắng bóng trong cuộc đời, giống như các môn đệ kêu van với
Chúa: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”. Khi kêu
lên những lời đó, các ông nghĩ rằng Chúa đang ngủ và bỏ rơi các ông. Tuy vậy,
vào lúc các ông đang gặp gian nguy, Chúa đã can thiệp. Biển trở lại an bình, và
niềm vui cũng trở lai với mọi người.
Hãy chúc tụng Chúa là Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ và thiên nhiên
xinh đẹp, đông thời cộng tác với Chúa để tình nhân ái được nhân lên xung quanh
chúng ta. Nhờ đó, chúng ta nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong
cuộc đời.
36. Thử thách trong cuộc đời _ ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu.
Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi
thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất
hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến,
càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả
vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên
đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ
phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui
mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc
bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng
ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho
thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm
đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm
cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành
được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương
của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi
yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường
đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi
Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn.
Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi
không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt
hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để
rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh
mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những
thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở
ba phương diện.
Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình
thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình
thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi
được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã
quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao
phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết
mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện
bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa
hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những
việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp
nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta
mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá
sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.
Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng
có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi
Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn
đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi
khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều
thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa
cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa
luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận
dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng
cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước
gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng,
lòng cậy và lòng mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần
thiết không?
2) Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?
3) Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên
trên thử thách?
37. Hãy tin vào Chúa _ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có đôi khi trong cuộc sống chúng ta không hiểu tại sao
sóng gió lại đến với chúng ta. Sóng gió cứ dồn dập như muốn nhận chìm chúng ta.
Nó khiến chúng ta chao đảo, chơi vơi giữa bể khổ trần gian. Lúc đó , chúng ta
cầu mong một phép lạ. Chúng ta cầu mong Chúa đến cứu giúp chúng ta. Nhưng dường
như Chúa vẫn ở xa chúng ta. Chúa vẫn để chúng ta một mình chơi vơi giữa
trăm bề khổ đau.
Sách Cựu Ước đã từng nói về câu chuyện bi thương của
ông Gióp. Ông Gióp là một người giàu có và có lòng kính sợ Thiên Chúa, nhưng
rồi bao nhiêu tai nạn dồn dập đã xảy ra trên đời sống ông: con chết, tài sản
tiêu tan và chính ông mắc phải một chứng nan y không thuốc thang nào chữa trị
được. Vợ ông đã không thông cảm lại còn lên tiếng chế nhạo, còn những người bạn
thì cho rằng ông tội lỗi đầy mình nên mới nên nông nỗi đó! Thế mà, ông vẫn
trung kiên với niềm tin vào Chúa. Ông vẫn có thể nói lên trong những hoạn nạn
rằng: “Chúa biết con đường tôi đi, khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng”
Đây là một đức tin “có thể chuyển núi dời non”. Đây là
đức tin có thể chuyển họa thành phúc. Quả thực, ông Gióp sau những thử thách
thì phong ba bão tố cũng yên hàn. Ông đã được Chúa ban lại những gì đã mất.
Chúa không bỏ quên những ai tín trung với Ngài.
Năm xưa các tông đồ đã từng hoảng loạn, sợ hãi trước
sức mạnh của thiên nhiên, của giông bão. Giông bão như muốn nhấn chìm tất cả:
con người và tài sản. Con thuyền của họ thật mong manh! Họ đâu nghĩ rằng đêm
nay biển dậy sóng trào. Họ đâu lường hết được những rủi ro có thể đến với họ
đêm nay. Họ phải đối đầu với nguy nan, với bất trắc, với rủi ro. Một chiếc
thuyền nan mong manh trên biển cả biết bám víu vào đâu? Làm sao họ có thể vào
bờ an toàn trước cuồng phong lồng lộng. Họ bất lực. Họ muốn buông xuôi cho dòng
đời xô đẩy. Nhưng may thay, họ đã nhớ đến Thầy. Thầy vẫn hiện diện bên họ. Có Thầy
hiện diện tại sao không cầu cứu? Thầy có thể làm cho kẻ chết sống lại. Thầy có
thể đẩy lùi sự dữ. Thầy có thể làm mọi sự. Tại sao không kêu cầu Thầy? Dầu sao
Thầy cũng là một cái phao duy nhất để các ông bám víu trong lúc nguy nan của
dòng đời.
Các ông đã chạy đến thưa Thầy: “Thầy ơi, chúng con
chết mất!”. Đó là tiếng kêu từ thẳm sâu tâm hồn cần đến sự trợ giúp từ Thầy Chí
Thánh. Đó là tiếng cầu cứu nói lên sự bất lực của con người trước sóng gió ba
đào.
Đó cũng là tiếng kêu cứu của con người hôm nay khi
đứng trước biết bao nghịch cảnh xảy đến trong đời. Biển đời vẫn đưa đẩy những
sóng gió nghi nan, những bất trắc đau thương. Thiên tai vẫn ập xuống địa cầu.
Sự dữ vẫn đang tung hoành. Có nhiều người như muốn thất vọng buông xuôi vì
không tìm được lối thoát. Có nhiều người oán trời oán đất vì quá sức chịu đựng.
Có nhiều người ôm phiền muộn trong đau thương một mình vì chẳng tìm được sự an
ủi, cảm thông và tin tưởng nơi tha nhân. Dòng đời vẫn còn đó tiếng kêu van tha
thiết dâng lên Đấng tối cao: “Xin cứu chữa chúng con, Chúa ơi!”.
Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao sóng gió nổi trôi.
Cuộc đời tựa như chiếc thuyền nan chòng chành trước bao cám dỗ mời mọc, bao sự
dữ bủa vây. Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa.
Hãy đưa tay để Chúa dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của dòng đời. Dòng đời
đâu mấy khi bình yên. Con người mãi chơi vơi trong bể khổ trần gian. Hãy tin
rằng Chúa vẫn đang đi trong cuộc đời chúng ta. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa.
Hãy tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa, Ngài sẽ luôn làm những điều
tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài.
Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng luôn hiện diện bên cạnh
các tông đồ và bên cuộc đời chúng ta, xin thương đến những cảnh đời đầy khó
khăn thử thách của kiếp người chúng ta. Amen.
38. Quyền năng của Chúa _ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Chỉ những ai từng đi biển mới thấy thế nào là sức mạnh
của sóng gió. Trước sức mạnh của sóng biển, một con tàu
cũng chỉ như chiếc lá mong manh, và sức của con người thì không thể chống đỡ
được. Nhiều cư dân vùng biển không biết bằng cách nào có thể khống chế được
sức mạnh từ đại dương. Vì thế, họ cho rằng đó là sức mạnh đến từ thần biển và
họ cúng bái thần biển như thần linh.
Khác với các dân tộc chung quanh thờ cúng thiên nhiên
như thần mặt trời, thần biển, thần đất hoặc các con vật, thì dân Israel ngay từ
xa xưa đã nhận ra rằng: Thiên Chúa Israel tôn thờ là chúa tể của trời đất, là
thần của các thần, là Đấng quyền năng vượt trên mọi vật mọi loài. Sách Gióp đã
tuyên xưng niềm tin ấy. Ông Gióp là người trung tín với Thiên Chúa, là người
giàu có; thế nhưng, Thiên Chúa đã để cho Satan hành hạ ông, để thử thách sự
trung thành của ông với Thiên Chúa. Tuy có những lúc ông dường như cảm thấy
chao đảo, nhưng ông vẫn tin Thiên Chúa là Đấng ban cho ông tất cả, thì Ngài
cũng có thể lấy đi tất cả từ nơi ông. Đoạn trích trong bài đọc một hôm nay,
Thiên Chúa đã cho ông Gióp thấy quyền năng của Ngài là Đấng tạo dựng và điều
khiển vũ trụ. Chúa nói với ông: Cửa đại dương ai ra tay khép lại khi nước tuôn
trào? Đường ranh giới của nó chính tay Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng
then cài. Ta phán: sống chỉ đến đây thôi, không được xa hơn nữa, nó phải vâng
nghe.
Câu chuyện Tin Mừng thuật lại: Sau một ngày Chúa Giêsu
và các môn đệ vất vả với công việc, Ngài cùng với các ông lên thuyền băng
qua bên kia Biển Hồ. Thình lình, một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào
thuyền. Chúa Giêsu đang ở đàng lái dựa đầu vào gối và ngủ. Trong lúc sợ hãi,
các môn đệ đã cầu cứu Chúa: Thầy ơi! Chúng ta chết mất! Chúa Giêsu chỗi dậy
ngăm đe sóng gió: Im đi! Câm đi! Lập tức, gió yên biển lặng. Qua câu chuyện,
các môn đệ đặt câu hỏi: Ngài là ai mà cả đến gió và biển cũng phải vâng lệnh?
Đặt câu hỏi như thế, cũng có nghĩa là các môn đệ đã dần nhận ra Thầy của các
ông là Đấng quyền năng hơn hẳn các Rabi khác. Không chỉ tin Ngài là Đấng quyền
năng, Tin Mừng còn minh chứng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng,
sắp đặt vũ trụ trời đất, có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên, Ngài chỉ cần
ra lệnh là sóng yên biển lặng.
Câu chuyện hôm nay còn muốn diễn tả nhiều ý nghĩa giáo
lý sâu xa hơn nữa. Người Do Thái cho rằng, biển không chỉ là nơi có sóng gió tự
nhiên, mà còn là nơi cư ngụ của thủy thần hà bá, của ma quỷ và thần dữ, là kẻ
chuyên làm hại con người qua những trận sóng gió. Vậy mà hôm nay, đứng trước
cuồng phong sóng biển, Chúa Giêsu chỉ cần ra lệnh “Im đi! Câm đi!” là nó phải
im lặng. Điều này có nghĩa: Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên ma quỷ và các thứ
thủy thần, Ngài buộc nó im là nó phải im; Ngài ra lệnh câm miệng là nó phải
vâng theo, không còn dám há miệng để nuốt chửng con người nữa. Uy quyền ấy chỉ
có nơi Thiên Chúa mà thôi, như thế, hẳn Đức Giêsu phải là một vị Thiên Chúa.
Con thuyền có Chúa Giêsu và các môn đệ còn là hình ảnh
của Giáo Hội. Các môn đệ là người chèo chống, những cơn sóng dữ là khó khăn
bách hại. Các ông phải đương đầu với những cách thức tấn công mới của ma quỷ.
Các môn đệ nhiều khi cũng rơi vào sợ hãi, các ông cảm thấy bó tay trước những
sóng gió. Câu chuyện muốn nhấn mạnh: những lúc khó khăn như thế, không có nghĩa
là Chúa Giêsu vắng mặt, trái lại, Ngài vẫn hiện diện cùng với Giáo Hội, chỉ có
điều Ngài đang nghỉ ngơi phía đàng lái của con thuyền. Dù có khó khăn thử thách
thì chính Chúa Giêsu vẫn là người đang lái con thuyền Giáo Hội, chỉ cần các môn
đệ tin tưởng chạy đến đánh thức Chúa dậy, kêu cứu với Ngài: Chúa ơi, xin cứu
chúng con! Chúa sẽ chỗi dậy dùng quyền năng của Ngài để đem lại cho con thuyền
Giáo Hội sự bình an.
Để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa, các môn đệ
phải tin. Chúa Giêsu đã trách các ông: Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng
tin hay sao? Mặc dù đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, được nghe những
giảng dạy của Ngài, nhưng các môn đệ dường như chưa xác tín mạnh mẽ Thầy của
các ông chính là Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ làm ngơ trước những khó khăn
của các ông. Khi gặp sóng gió, các môn đệ đã tỏ ra quá sợ hãi. Cũng rất may là
các ông còn nhớ đến Chúa, kêu cứu Chúa: Thầy ơi! Chúng ta chết mất, Thầy chẳng
lo gì sao? Tâm trạng của các môn đệ cũng giống như tâm trạng của nhiều tín hữu
khi gặp khó khăn. Họ kêu cầu Chúa chưa hẳn vì lòng tin, mà chỉ để trách Chúa.
Dầu vậy, Chúa vẫn ra tay cứu giúp các ông, trả lại cho các ông sự bình an.
Chỉ sau khi Chúa phục sinh và được lãnh nhận Thánh
Thần, các Tông đồ mới được biến đổi hoàn toàn để trở nên những con người của
đức tin, trở nên chứng nhân của niềm tin vào Chúa Giêsu là Đức Chúa. Các ông
tin rằng, các ông không hoạt động một mình, nhưng hoạt động trong sự hiện diện
của Chúa Kitô và với sự soi sáng của Thánh Thần. Vì vậy, các Tông đồ đã trở
thành những con người miệt mài rao truyền quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa
Giêsu-Kitô. Thánh Phaolô đã chia sẻ với cộng đoàn Corintô: Tình yêu Chúa Kitô
thúc bách chúng tôi. Đó chính là động lực thúc đẩy ông và các Tông đồ căng buồm
ra khơi để loan báo Tin Mừng. Các ông đã nhận ra Thiên Chúa đã thể hiện quyền
năng tuyệt vời khi làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, và chính Ngài cũng làm
cho tất cả những kẻ tin vào Chúa Giêsu cũng sẽ được sống lại như Đức Kitô. Chúa
Kitô được Thiên Chúa Cha tôn vinh là Đức Chúa qua cái chết và sống lại. Ngài là
Đấng làm chủ sự sống và sự chết, ma quỷ và thần chết không làm gì được Ngài
nữa. Ngài sẽ ban tặng sự sống cho những ai hết lòng tin theo Ngài.
Chúa Giêsu Kitô là thiên Chúa quyền năng vẫn đang hiện
diện trên con thuyền là mỗi gia đình. Ngài đang hiện diện ở đàng lái để điều
khiển con thuyền gia đình của mỗi chúng ta. Đừng bao giờ ngăn cản quyền năng
của Chúa. Chúng ta sẽ trở thành kẻ ngăn cản quyền năng của Thiên Chúa khi chúng
ta cậy dựa vào sức mình, khi kiêu căng vì nghĩ rằng tự tôi có thể giải quyết
được tất cả, làm nên tất cả mà không cần ơn Chúa. Con thuyền gia đình của mỗi
người cũng đã nhiều lần bị sóng gió vùi dập. Chúng ta đừng sợ hãi, hãy tin vào
sự hiện diện quyền năng của Chúa. Những khi bị sóng gió vùi dập, đừng ngại chạy
đến đánh thức Chúa để cầu cứu: Thầy ơi! Cứu gia đình con với! Chúa sẽ ra tay để
bảo vệ chúng ta.
Cuộc đời của mỗi người cũng là một chiếc thuyền lênh
đênh trên biển đời. Hãy mời Chúa Giêsu bước lên chiếc thuyền cuộc đời của mình
bằng việc siêng năng đến với Chúa qua việc dâng lễ, cầu nguyện và để cho lời
của Chúa hướng dẫn con tuyền cuộc đời mỗi người. Con người thường bị cám dỗ cậy
dựa vào sức mình: người giàu cậy dựa vào tiền bạc vì cho rằng tiền bạc có thể
giải quyết được tất cả, người trẻ bị cám dỗ cậy dựa vào khoa học và kỹ thuật vì
cho rằng nó là chìa khóa của thành công, người khác thì cậy dựa vào thế lực
quen biết… Nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, thì tất cả những cái chúng
ta cậy dựa ấy sẽ không thể giải quyết được những khó khăn của cuộc sống và càng
không thể đương đầu được với những mưu mô cám dỗ của quỷ ma.
Xin Đức Maria giúp chúng ta noi gương Mẹ, nhận ra
quyền năng của Thiên Chúa và hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền
năng. Ngài đang làm chủ và điểu khiển mọi loài cũng như làm chủ và hướng dẫn
cuộc đời chúng ta. Amen.
– Khi trong cộng đoàn giáo xứ của tôi xảy ra những
gương mù, gương xấu: đố kị, ghen tương, kèn cựa, tranh giành quyền lợi, chia
bè, kéo phái, tố cáo nhau, mạt sát, thù ghét nhau…
– Khi trong cộng đoàn dòng tu của tôi phải đương đầu
với những khủng hoảng về mặt nhân sự, tài chánh, huấn luyện, đào tạo, kỳ thị,
chia rẽ, phân biệt, thiên vị…
– Khi Giáo Hội bị bêu xấu, hạ nhục, và bị công kích
bởi gương mù gương xấu do một số nhỏ giáo sĩ gây ra…
Thuyền trên biển gặp sóng gió, bão táp là chuyện rất
bình thường. Khi thuyền đời của mình không thể tránh được sức va chạm và những
ảnh hưởng của sóng gió, bão táp giông tố của cuộc đời này thì tôi phải làm gì
để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp?
Cách hay nhất là bắt chước các môn đệ, chạy đến với
Chúa Giêsu để xin Ngài dẹp tan sóng gió và bão tố bảo vệ thuyền của mình khỏi
bị nhận chìm. Chỉ khi nào tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có
quyền năng trên sóng gió mưa bão và mở miệng van xin Ngài ra tay cứu giúp thì
lúc đó thuyền đời mới được bình an, bởi lẽ “Không có Thầy thì các con không thể
làm gì được!” (Ga 15,5).
Tin mừng hôm nay giúp chúng ta luôn sống an tâm. An
tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa
những thử thách gian truân vẫn luôn có Chúa là thuyền trưởng hướng dẫn thuyền
vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ
chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng
chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng
ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì
như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững
tin vào sự hiện diện của Chúa, để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn
có Chúa ở vị trí hoa tiêu để hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến
bến bờ bình an.
39. Muốn có đức tin mạnh, cần phải thử thách
Tu sĩ Jos. Vinc.
Ngọc Biển, S.S.P.
Có một câu chuyện kể rằng: đêm nọ, có một người thấy
giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Những lúc vui,
thành công, anh thấy có hai đôi chân in trên cát, một của Chúa và một của anh.
Nhưng lúc anh gặp khó khăn, đau buồn thì khi nhìn lại, anh chỉ còn thấy một đôi
chân!
Anh trách Chúa rằng: “Tại sao những lúc khó
khăn, thất bại, Chúa lại bỏ con?” Chúa trả lời: “Ta không bỏ
con đâu, vì những lúc đó, Ta đã cõng con trên vai, vì thế, con chỉ còn thấy có
một đôi chân của Ta nữa mà thôi”.
Hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại câu chuyện Đức Giêsu
và các môn đệ gặp phải sóng gió trên biển hồ. Ngay trong lúc gặp sóng gió, Đức
Giêsu vẫn ngủ yên, còn các môn đệ thì vất vả vì chèo trống. Sứ điệp Tin Mừng
chỉ bắt đầu có ý nghĩa lớn khi các ông trách Thầy của mình vô cảm trước sự vất
vả của các ông, và, ngược lại, Đức Giêsu quở trách các ông kém lòng tin và ra
lệnh dẹp yên bão tố, ban lại sự bình an cho mọi người trên thuyền.
1/ Địa lý của Biển HồGalilê và nỗi hoang mang sợ
hãi của các môn đệ
Để thấy được nỗi sợ hãi của các môn đệ và quyền năng
của Đức Giêsu, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về Biển Hồ này để thấy được
đâu là nguyên nhân dẫn đến trận cuồng phong dữ dội như vậy.
Khi nói đến biển hồ, chắc có lẽ nhiều người trong
chúng ta nghĩ ngay đến độ rộng lớn, mênh mông, nhìn không thấy bờ… Tuy nhiên,
với Biển Hồ Galilê lại hoàn toàn khác! Khác ở chỗ Biển Hồ này chỉ vỏn vẹn 21km
chiều dài và 13km chiều rộng. Địa thế nằm ở thung lũng vùng Giodan do một vết
nứt sâu trên mặt đất, có thể do núi lửa tạo nên! Biển Hồ Galilê là một phần của
vết nứt đó.
Nó thấp hơn mặt biển 210 mét, vì thế, khí hậu rất ấm
áp và dễ chịu, nhưng cũng tạo nên tiền đề cho những nguy hiểm bất ngờ ập đến.
Lý do: bên phía tây có núi non cao hiểm trở kết hợp với thung lũng và nhiều khe
suối. Vì thế, khi có gió nổi lên, thì khu vực trũng của Biển Hồ này giống như
cái phễu lớn thu hút những làn gió từ trên cao và nơi các khe suối thổi
về. Gió bị dồn nén trong đó và thổi mạnh xuống hồ cách bất thình lình như
vũ bão, khiến mặt hồ đang phẳng lặng, bỗng chốc trở nên hung thần, dữ tợn và có
thể vùi lấp mọi thứ trên mặt hồ.
Khi các môn đệ và Đức Giêsu có một chuyến vận hành
trên Biển Hồ Galilê sau một ngày làm việc mệt nhọc để sang bờ bên kia thì cũng
là lúc trận cuồng phong ập tới. Các môn đệ của Đức Giêsu là những nhà ngư phủ
chuyên nghiệp và hẳn các ông có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chống chọi với
những bất trắc xảy ra trên biển, thế nhưng, trận cuồng phong hôm nay vừa bất
thình lình vừa vượt quá khả năng của các ông, nên họ rất hốt hoảng, lo sợ và kêu
la ầm ĩ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Câu nói này chứng tỏ cho thấy sự nguy hiểm đã lên tới tột độ và vượt sức cũng
như kinh nghiệm của các ông. Ngay sau đó, sự nguy hiểm của Biển Hồ và nỗi lo sợ
của các ông đã động đến lòng trắc ẩn của Đức Giêsu, vì thế, Ngài đã truyền lệnh
dẹp yên bão tố qua lời nói: “Im đi! Câm đi!” ‘Gió liền tắt, và biển lặng
như tờ’” (Mc 4,39), khiến các ông không khỏi ngỡ ngàng là bảo nhau: “Vậy người
này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41).
2/ Có Chúa, chúng ta sẽ sang “bờ bên kia”cách an toàn
Từ câu chuyện Tin Mừng trên, liên tưởng đến đời sống
đức tin của chúng ta:
Trong cuộc sống đời thường, người ta thường nói: tư
cách thật của một con người chỉ được bộc lộ thật khi gặp gian nan.
Lúc bình thường thì ai cũng như ai, khó thấy được tư cách ấy.
Đức tin của mỗi người cũng thế. Muốn biết ai vững vàng
trong đức tin phải đợi tới lúc đức tin đó chịu thử thách. Điều này cho
thấy, “lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Chỉ khi gặp khó khăn,
bất trắc, lúc ấy mới có thể lượng định được phẩm chất của đức tin.
Khó khăn, trở ngại là một thứ “kiểm tra chất lượng”.
Có kiểm tra thì mới thấy cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì thật, cái gì giả.
Một mẫu số chung cho nhiều người, đó là: đức tin phải
được rèn luyện, gọt giũa để đứng vững trước mọi thử thách, giông tố của cuộc
đời. Khi có được nền tảng này, lúc gặp thử thách, chúng ta sẽ can đảm, trung
thành, vững vàng hơn. Sẵn sàng đối phó với chúng và cậy trông vào Chúa Quan
Phòng. Lúc đó, chúng ta sẽ coi những thử thách ập đến là điều kiện cần thiết để
thanh lọc những thứ không phù hợp với giá trị Tin Mừng, nó giống như: “Bão tố
quật ngã cây cối, bẻ gẫy cành khô, cành sâu. Nhưng không thể nhổ được cây thánh
giá đã cắm vào lòng đất. Đừng tiếc những cành kia, dù không gió cũng gẫy, không
gẫy cũng phải chặt vì nó làm hại” (ĐHV. số 691), có thế, mới có những cành cây khác
trưởng thành hơn khi chúng đủ sức mạnh đâm trồi nảy lộc.
Từ những nguyên lý trên, chúng ta liên tưởng đến đời
sống hôn nhân của người Công Giáo. Lúc mới cưới, ai dám nói là mình không chung
thủy! Lúc du ngoạn tuần trăng mật, ai dám bảo mình không vui và hạnh phúc! Chỉ
khi nào ốm đau, bệnh tật, thất bại trong công việc, thiếu sự chung thủy, lúc đó
mới thực sự có vấn đề! Hay trong đời sống đạo đức cũng thế: lúc xin gì được
đấy, hay xin một được mười, đâu cần ai phải nhắc đi lễ, đọc kinh hay chia sẻ
bác ái! Chỉ khi xin hoài không được, làm ăn thất bát, lúc đó có đẩy cũng không
đi. Hoặc trong đời tu cũng thế: mới khấn, mới chịu chức, sức khỏe dồi dào,
chúng ta giống như những vị thánh. Tuy nhiên, lâu ngày, giá trị và ý nghĩa đời
dâng hiến bị nhạt phai, sự hiểu lầm, cô đơn, đau bệnh, việc phụng vụ nhàm chán,
lúc ấy mới thực sự thấy con người thật của chúng ta. Những trạng thái này, một
lần nữa sách Đường Hy Vọng có viết: “Đường con đi, có hoa thơm, cảnh đẹp, có
chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy,
chuyện không thể tránh được. Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như
Phanxicô, như Cyrillô, Athanasiô… đừng mất thì giờ đứng lại, đừng sợ tiếng
chửi, đừng ăn mày tiếng khen” (ĐHV. số 693).
Nếu không bền chí cũng như đức tin mạnh thì không phải
là người tài đức song toàn. Người tài là người được lớn lên trong thử
thách. Người có đức là người biết vượt qua thử thách, trung thành và can
đảm trong lòng mến.
Giuđa và Gioan chỉ khác nhau ở lòng mến mà
thôi. Trong tâm hồn chúng ta cũng vẫn còn đó hai hình ảnh và hai lối sống
lẫn lộn: Gioan và Giuđa. Bao lâu chúng ta còn yêu mến, sẵn sàng hy sinh, kiên
trung, bền chí, và hy vọng, ấy là dấu chỉ ta theo Gioan để đi trọn
con đường tình yêu dưới chân thập giá. Còn giờ phút nào chúng ta nhát đảm, sợ
sệt, ham tiền, ham danh, ấy là lúc chúng ta đã chọn Giuđa làm quan thầy và thắp
hương tôn thờ vị “quan thầy phản bội”.
Cần xác tín rằng: Chúa vẫn còn đó. Ngài không bỏ chúng
ta. Ngài sẽ lên tiếng, can thiệp, làm sóng gió im lặng, trả lại cho chúng ta
niềm hy vọng, qua đó, ta và Ngài, cả hai cùng “sang bờ bên kia” được trọn vẹn
trong bình an.
Lạy Chúa Giêsu, con thuyền của cuộc đời chúng con luôn
gặp phải những sóng to vũ bão của tội lỗi, hưởng thụ, trụy lạc và những chân lý
nửa vời, khiến đôi khi cuộc đời chúng con bị nước ập đầy thuyền làm cho đức tin
bị lung lay và tưởng mình đơn côi giữa dòng đời. Xin Chúa ban cho chúng con đức
tin mạnh mẽ và xác tín chắc chắn rằng: Chúa luôn còn đó trên con thuyền cuộc
đời của mỗi người, để chúng con vững tin bám chặt lấy Chúa. Amen.
40. Những đợt sóng _ Trầm Thiên Thu
Có lẽ chẳng ai lạ gì với câu ca dao này: “Người
ta đi biển có đôi, còn tôi đi biển mồ côi một mình”.
Đó là nói về tình trạng một phụ nữ có chồng nhưng chẳng nhờ chồng được gì, cứ phải
mình ên lo toan mọi thứ cho gia đình.
Nói đến sóng là nói đến nước, sông và biển. Sóng có
nhiều loại: Sóng lớn (to), sóng nhỏ, sóng cao, sóng thấp, sóng cồn, sóng cả,
sóng bạc đầu, sóng thần,… Sóng còn mang nghĩa khác như sóng truyền hình, sóng
phát thanh, sóng điện từ,… thậm chí còn gọi là làn sóng người. Chắc hẳn nguy
hiểm nhất và đáng sợ nhất là sóng cám dỗ, sóng tội lỗi, sóng mê đắm, sóng thù
hận,… Các xu hướng xấu càng ngày càng xuất hiện nhiều, đó cũng là những “con
sóng” nguy hiểm cần phải lưu ý!
Về điện tử, sóng còn gọi là bước sóng, có chuyển động
với tần số dài hoặc ngắn, và có tác dụng khác nhau. Ví dụ: Sóng phát thanh có
tần số ngắn thì có thể phát đi xa, sóng phát thanh có tần số dài thì có thể
phát đi gần. Trong vật lý, sóng là sự lan truyền của dao động, sóng có thể mang
theo năng lượng, lan truyền trong nhiều môi trường khác nhau, cũng có thể bị
đổi hướng (bởi khúc xạ, phản xạ, tán xạ, nhiễu xạ,…), và có thể thay đổi năng
lượng (bởi hấp thụ, bức xạ,…), thậm chí là thay đổi cấu trúc (như thay đổi tần
số, môi trường phi tuyến tính,…).
Trong ca khúc “Sóng Về Đâu”, cố NS Trịnh Công Sơn đã
từng nói với biển: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng
xô tôi ngã dưới chân người; biển sóng biển sóng đừng
xô nhau, ta xô biển lại sóng vềđâu?”.
Sóng là hình tượng của nỗi gian truân, cực khổ của con
người. Không ai muốn gặp đau khổ, nhưng chính đau khổ mới làm cho người ta
thành nhân. Vả lại, thử thách càng lớn, cơ hội càng lớn. Ngạn ngữ Phi châu có
câu: “Biển lặng chẳng tạo nên thủy thủ tài ba”. Tục ngữ Việt
Nam cũng nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính
gian khổ cho chúng ta biết ai là người đáng là thầy ta hay không.
Thomas Carlyle (1795-1881, triết gia, nhà văn châm
biếm, nhà viết luận, sử gia và nhà giáo người Tô Cách Lan) đã nhận định: “Tai ương
là bụi kim cương mà Thiên Đường dùng để đánh
bóng châu báu” (Adversity is the diamond dust that Heaven polishes its
jewels with).
Từ cổ chí kim – và có thể cho đến tận thế, có lẽ không
ai phải lao đao chịu khốn khổ như Thánh Gióp, thậm chí còn bị Satan thử thách
đủ kiểu (Sách Gióp, chương 1). Nhưng dù thế nào thì ông Gióp vẫn một niềm tín
trung. Và rồi ngay giữa cơn bão táp, Đức Chúa đã lên tiếng trả lời ông: “Cửa đại
dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta
giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che
thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi
cửa đóng then cài” (G 38:8-10). Rồi Thiên Chúa nói với ông
Gióp: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến
xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!”
(G 38:11).
Trong tâm tình tạ ơn vì được Thiên Chúa giải thoát,
tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Họ vượt biển ngược xuôi
nghề thương mãi, giữa trùng dương lèo lái con tàu, mắt đã tường
việc Chúa làm nên và kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ. Chúa
truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.
Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu
phách lạc, bị quay cuồng, lảo đảo như say, khéo cùng
khôn đã chìm đâu mất” (Tv 107:23-27). Thiên Chúa
là Tạo Hóa, là Đấng cầm quyền sinh tử, Ngài có quyền “đẩy xuống âm phủ rồi lại
kéo lên” (1 Sm 2:6). Quả thật, đúng như ông Gióp nhận định: “Thân trần
truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng
trần truồng. Đức Chúa đãban cho, Đức Chúa lại lấy đi:
xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Xác định được như ông
Gióp thì không gì phải lo. Nhưng muốn được vậy, vấn đề quan trọng là chúng ta
có dám chấp nhận thân phận mình mà vẫn chúc tụng Chúa hay không. Điều này không
dễ chút nào!
Có tin tưởng thì mới trung thành, và ai trung thành
thì chắc chắn không phải thất vọng. Tác giả Thánh Vịnh nói về những người thành
tín với Thiên Chúa: “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành
gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,
họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa
về bờ bến mong chờ. Ước chi họ dâng lời cảm
tạ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công
Chúa đã thực hiện cho người trần” (Tv 107:28-31).
Thánh Phaolô cho biết: “Tình yêu Đức
Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một
người đã chết thay cho mọi người thì mọi người đều
chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những
ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống
cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr
5:14-15). Tình yêu có sức mạnh hơn cả tử thần, khả dĩ khiến người ta làm
được những điều lạ lùng, ngỡ như không bao giờ làm được. Tình yêu biến đổi tất
cả. Vì yêu thương mà người mẹ liều lấy thân mình che cho đứa con dù biết mình
sẽ bị thương hoặc thiệt mạng. Vì yêu thương mà Thánh Lm Maximilian Maria Kolbe
(1894-1941, Dòng Phanxicô) đã dám chết thay cho một tử tù. Đó là tình yêu vị
tha (vì người khác) chứ không hề có chút gì vị kỷ (vì mình).
Loại tình yêu cao thượng như vậy được Đức Kitô gọi là
“tình yêu vĩ đại nhất” (Ga 15:13). Và chính Ngài đã thể hiện tình yêu này vì
yêu thương và để cứu độ các tội nhân chúng ta: Ngài bị đóng đinh vào Thập Giá
và chết trên đồi Can-vê. Thật hợp lý khi Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta
phải “sống cho Đấng đãchết và sống lại vì mình”.
Và vì thế, Thánh Phaolô xác định: “Từ đây,
chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho
dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo
quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn
biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức
Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua,
và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:16-17).
Người ta luôn thích mọi thứ đổi mới (quần áo, vóc dáng, giày dép, điện thoại,
xe cộ,…), nhưng có lẽ người ta chưa thực sự quan tâm việc đổi mới tâm hồn, đặc
biệt là tâm linh. Chúng ta đã được Đức Kitô đổi mới, nhưng chúng ta chưa tích
cực duy trì sự đổi mới đó nên tâm hồn chúng ta vẫn có cái gì đó “cũ” lắm!
Mỗi khi con sóng duyềnh lên, nó không chỉ “đổi mới” mà
còn đem theo phù sa bồi đắp cho vùng đất đó. Tâm hồn chúng ta cũng cần có những
đợt sóng mới để đổi mới, để hoàn thiện. Các đợt sóng đó vẫn hằng ngày như thủy
triều: Sóng tình yêu, sóng ân sủng, sóng thứ tha, sóng thương xót,… Ước gì
“vùng đất” chúng ta để cho Sóng Tình Chúa biến đổi bất cứ lúc nào!
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là đoạn Mc 4:35-40, nói
về việc Đức Giêsu dẹp yên sóng gió (tương đương Mt 8:23-27 và Lc 8:22-25).
Hôm ấy, khi chiều đến, sau khi giảng dạy cho dân chúng
về một loạt các dụ ngôn (người gieo giống, ngọn đèn, cái đấu, hạt giống tự mọc,
hạt cải), Đức Giêsu bảo các môn đệ cho thuyền sang bờ bên kia. Bỏ đám đông ở
lại, các ông chở Ngài đi, có những thuyền khác cũng chèo đi theo Ngài. Bỗng dưng
một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.
Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn
đệ thấy Thầy “vô tư” thế không biết, nên họ vội đánh thức Ngài, gọi giật dậy và
hốt hoảng la toáng lên: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi,
Thầy chẳng lo gì sao?”.
Có lẽ chúng ta cũng như các môn đệ xưa, chứ chẳng “ngon
lành” gì hơn ai, ở ngay bên Thầy Giêsu mà vẫn chưa thấy an tâm khi gặp giông tố
cuộc đời. Gọi như điện giật thế thì ai mà chợp mắt nổi. Ngài thức dậy, rồi ngăm
đe gió, và truyền cho biển phải “im ngay và câm ngay”. Thế là gió liền tắt, và
biển lặng như tờ.
Đâu vào đấy rồi, Ngài nghiêm mặt và nghiêm trách các
ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa
có lòng tin?”. Họ chỉ có nước ngậm tăm chứ nói chi được. Đúng quá
mà! Cãi gì nổi? Các ông hoảng sợ – vừa sợ vì thấy phép lạ vừa sợ vì Thầy mắng
thẳng, rồi họ xì xầm với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến
gió và biển cũng tuân lệnh?”. Theo Thầy vì tin Thầy hay thích
điều gì ở Thầy mà giờ này còn hỏi nhau “người này là ai” vậy chứ?
Vâng, thật buồn! Buồn cho họ và buồn cho chính chúng
ta, vì chúng ta cũng vẫn “thắc mắc” như vậy, dù chúng ta không nói ra thôi.
Chúa Giêsu cũng buồn, Ngài không buồn vì Ngài chưa được chúng ta tin thật, mà
Ngài buồn cho đức tin của chúng ta còn non nớt, còn ấu trĩ, chỉ chạy theo “sự
lạ” chứ chưa “bén rễ sâu” vào đất-ân-sủng và chưa lưu thông “nhựa” của Cây Nho.
Kinh Thánh đã cho chúng ta biết chắc rằng Thiên Chúa
là “Đấng gìn giữ chúng ta, không để chúng ta lỡ chân trật bước”, chắc chắn
“Ngài không ngủ quên” và cũng “không chợp mắt ngủ quên” bao giờ (Tv 121:3-4).
Thiên Chúa không hề vô tâm vô tính như chúng ta tưởng, đừng suy bụng ta ra bụng
người! Miệng thì nói tin, nhưng khi gặp sóng đời duyềnh lên là chúng ta hốt
hoảng ngay, mà sóng đời đâu đã to gì cho cam, chỉ mới “lăn tăn” thôi! Chúng ta
có đáng trách không nhỉ?
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết vững tay
chèo, chống, bát, cậy,… dù sóng đời nhỏ hay to. Chúng con không dám
xin Ngài đưa thuyền của chúng con ra khỏi vùng biển động hoặc nước
xoáy, nhưng xin Ngài làm Hoa Tiêu hướng dẫn chúng con chèo lái để có
thể vượt qua mọi con sóng dữ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh
Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
41. Người dựa vào chiếc gối mà ngủ _ Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo
gì sao?”
Cũng như hai dụ ngôn ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải
nhỏ bé’ được kể trước đó, sự kiện cuồng phong nổi lên và sóng nước ập vào làm
cho con thuyền các môn đệ hòng chìm, trong khi đó Đức Giê-su ‘đang ở đàng lái,
dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ’ buộc ta phải suy nghĩ khi giáp mặt với những nghịch
lý đầy thách thức trong chính đời sống Tin Mừng. Tự nhiên, khi nghĩ về Thiên
Chúa cũng như về vương quốc của Ngài, thì quyền năng và sức mạnh mới chính là
điều mà mọi người thường nghĩ tới trước nhất. Chính vì vậy mà khi nhìn thấy đau
khổ tràn lan, bất công ngập tràn và sự ác thống trị, trong khi sự thiện lại
thoi thóp trong tuyệt vọng, nhiều người đã cho rằng, đó là một bằng chứng
thuyết phục cho thấy không hề có Thiên Chúa; vì nếu Ngài thật sự hiện hữu, thì
với tất cả quyền năng và thánh thiện như thế, tại sao lại không can thiệp,
không giáng phạt bằng tất cả sức mạnh của Ngài? Thiên Chúa lẽ nào lại vô tâm
tới mức đó sao? Giải đáp duy nhất mà người ta thường nại tới để giải quyết
nghịch lý này là sự kiên nhẫn chịu đựng có giới hạn của Thiên Chúa, sự nhẫn
nhục này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời này, để rồi tới
kiếp sau sự công thẳng và quyền bính của Ngài sẽ hiển trị qua việc nghiêm minh
xét xử, với phần thưởng thiên đàng dành cho người thiện, hay hình phạt hỏa ngục
dành cho người dữ. Giải đáp này trên thực tế hình như được hầu hết các tôn giáo
trưng ra, tuy với những hình thái khác nhau, chẳng hạn như thuyết luân hồi của
Phật Giáo.
Vẫn biết Thiên Chúa là quyền năng và quyền năng này
vượt trên tất cả mọi sự, ‘Thức dậy, Người ngăn đe gió và truyền cho biển: “Im
đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’. Thiên Chúa đương nhiên có
quyền trên cả sự dữ! Trong trường hợp cụ thể này, theo lối suy nghĩ của các môn
đệ, biển cả dậy sóng là hình ảnh quen thuộc của sức mạnh sự dữ, của tà thần
(xem Mc 1:25). Có điều là ít tôn giáo nào dám nghĩ rằng quyền năng lớn lao nhất
của Thiên Chúa (Thượng Đế…) lại chính là quyền năng buộc Ngài phải câm nín.
Ngoài Ki-tô giáo, có tôn giáo nào dám nghĩ rằng có một Thiên Chúa mà quyền năng
và bản chất tuyệt hảo nhất của Người lại chính là lòng nhân từ và thứ tha? Đặc
tính ‘nhân từ và hay thương xót’ của Thiên Chúa, nếu có tìm thấy trong Do Thái
giáo, Hồi giáo…, thì cũng chỉ mang tính tạm bợ và hạn hẹp, và chỉ dành cho một
số đối tượng nhất định mà thôi (các tín hữu trung thành, những người công chính
chẳng hạn). Chỉ riêng Tin Mừng của Đức Giê-su mới cho ta hiểu rằng Thiên Chúa
là tình yêu, và bản chất của Tình Yêu đó trước hết và trên hết là thứ tha và
hay thương xót. Phải chăng từ muôn thuở yếu tính của Thiên Chúa chính là điều
này… và sẽ còn tiếp tục mãi mãi cho tới muôn đời? Mạc khải lớn nhất của Đức
Giê-su Ki-tô chính là đây: Thiên Chúa không lên án, Ngài không luận phạt, Ngài
chỉ làm một điều duy nhất là cứu độ và xót thương. Luận phạt hay lên án là do
chính con người tự quàng vào cổ mình “vì đã không tin vào danh của Con Một
Thiên Chúa” (Ga 3:16-21). Kể từ mạc khải vĩ đại này, thinh lặng trước sự dữ,
thay vì là yếu đuối sợ hãi, lại biểu lộ sức mạnh vô địch nhất của Thiên Chúa.
“Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?… Nhưng đức
Giê-su vẫn làm thinh” (Mt 26:62-63).
Thần lực Người làm cho gió im biển lặng đã làm cho các
môn đệ hoảng sợ, mối hoảng sợ này có lẽ lớn không kém lúc cuồng phong bão tố
nổi lên, ‘Các ông hoảng sợ nói với nhau…’ Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh
3:1), hoặc I-sai-a khi thoáng nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa (Is 6:5), hoặc
bất cứ ai khác cũng đều run sợ trước mọi biểu hiện của quyền lực thần linh. Chỉ
duy uy quyền tình yêu của Thiên Chúa là không gây sợ hãi! Và chỉ có sức mạnh
tình yêu tha thứ mới làm cho con người được thư thái và an bình thực sự. “Bình
an cho anh em… Thầy đây đừng sợ!” (Lc 24:36). Một khi được Đức Giê-su tỏ cho
biết Thiên Chúa là ai trong thực chất của Ngài, và Thần Khí giúp ta khám phá ra
Thiên Chúa thật gần gũi, thấu hiểu hết các yếu đuối lỗi lầm của con người cho
dù họ có gian ác tội lỗi tới đâu đi nữa, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy tràn ngập một
niềm an bình độc đáo, một thứ an bình không ai trên cõi đời này có thể ban cho.
“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy… không theo kiểu thế gian. Anh em đừng
xao xuyến cũng đừng sợ hãi…” (Ga 14:27)
Tuy nhiên, một khi khám phá ra và hiểu rõ hơn về sức
mạnh tình yêu tha thứ và xót thương của Thiên Chúa, con người sẽ không khỏi cảm
thấy một mối kinh ngạc thú vị, gần giống như một cảm giác ngất ngây. Hy vọng
rằng các Ki-tô hữu chúng ta, một khi nghiệm thấy cảm giác tuyệt diệu đó, hãy để
cho mối ‘kinh ngạc ngất ngây’ này tiếp tục tràn ngập tâm hồn mình… bây giờ và
cho tới muôn đời!
Lạy Vua Tình Yêu nhân ái, cảm tạ Chúa đã một lần cho
con nếm cảm được uy lực tình yêu nhân ái Chúa trong đời sống con. Xin cho con
luôn nghiệm thấy Thiên Chúa tình yêu đang thinh lặng hiện diện trong con giữa
mọi sóng gió cuộc đời. Xin đừng bao giờ cất khỏi lòng con sự bình an ngây ngất
của Thần Khí hiện diện trong con, để con luôn có thể mở miệng kêu lên ‘Áp-ba’
giữa mọi nghịch cảnh. A-men.
42. Suy niệm của Lm. Antôn
Ông bà anh chị em thân mến. Có một câu chuyện về đôi
vợ chồng có 6 người con. Như mọi cha mẹ, đôi vợ chồng này cảm thấy cần có một
ngày sống riêng với nhau, cho nên họ dặn dò và chuẩn bị con cái chu đáo cẩn
thận ở nhà. Sau đó họ lái xe tới một cái hồ, vui hưởng thời giờ và tâm sự với
nhau trên một du thuyền nhỏ.
Gió thổi nhè nhẹ và không bao lâu từ từ đưa chiếc du
thuyền xa bờ ra giữa hồ. Đang lúc hưởng những giây phút thoải mái, thình lình
bầu trời đổi thành sám vì những đám mây đen kéo đến. Gió nhè nhẹ bây giờ trở
thành những cơn gió bão, tạo nên những làn sóng lớn và dữ dội đập vào thành
thuyền làm cho chiếc du thuyền chao đảo.
Chỉ sau mấy giây phút sau đó, chiếc du thuyền bị đắm
và biến mất dưới những ngọn sóng lớn chập chờn. Đôi vợ chồng lấy hết sức bám chặt
vào hai chiếc phao cứu cấp nhỏ. Sau 4 tiếng đồng hồ chiến đấu với những cơn
sóng lớn dữ dằn và chịu đựng khí hậu lạnh buốt, họ cảm thấy quá mệt mỏi, hết
sức, đuối hơi, và nghĩ rằng giây phút cuối cuộc đời của họ gần đến.
Lấy hết tất cả sức cuối cùng còn lại, họ cùng nhau cầu nguyện và sau đó buông
tay nhau ra để mặc cho những ngọn sóng đưa đẩy.
Năm tiếng sau đó, người chồng thoi thóp, nửa tỉnh nửa
mê, trôi nổi trên mặt hồ. Anh lấy hết sức gọi tên người vợ, nhưng không có
tiếng trả lời, và anh cảm thấy mất hết hy vọng. Anh nghĩ tới sự đau đớn lúc
phải nói với các con mẹ của chúng đã chết chìm, và có cảm giác kinh hoàng không
biết mình có thể sống sót không.
Trong lúc nguy khốn đó, anh nghĩ tới một câu trong
Thánh vịnh 50 “Hãy kêu cầu Ta trong ngày cùng khốn, Ta sẽ giải thoát, và ngươi
sẽ làm hiển danh Ta.” (Tv. 50,15) Anh bắt đầu kêu cầu Chúa với tất cả lòng tin
và cậy trông vào chủ quyền của Chúa. Sau đó một sự kiện xảy ra, trong lúc giọng
nói của anh từ từ yếu đi và nhỏ dần, một chiếc thuyền cấp cứu đã nhìn thấy anh
và tăng tốc chạy đến. Trong khi anh được dìu kéo lên thuyền từ dòng nước giá
lạnh, anh hỏi những người cấp cứu có tin tức gì về vợ anh không. Họ trả lời
không. Họ không có tin tức và không nghe thấy gì về vợ anh.
Thình lình, một sự lạ thường xảy ra, họ nhìn thấy hình
dáng của vợ anh ở khoảng cách xa xa đang trôi nổi trên mặt hồ. Khi đến nơi, họ
thấy người vợ đang run cầm cập vì giá lạnh nhưng còn sống. Sau đó là giây phút
trùng phùng trong nước mắt, và họ cùng chung trong lời cầu nguyện tạ ơn Thiên
Chúa.
Khi về nhà, vợ chồng và những người con tụ họp lại,
tiếp tục cầu nguyện dâng lời cảm tạ tri ân Chúa. Họ cảm tạ Chúa, không những đã
cứu thoát họ khỏi chết, mà còn lôi kéo vợ chồng và gia đình đến gần Chúa, và
với nhau một cách khắng khít hơn, kết quả sau một cơn nguy khốn trong cuộc đời.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu truyện đôi vợ chồng trên
đây có một sự tương đồng với câu truyện trong bài Tin mừng hôm nay. Trong hai
câu truyện đều có những người có cảm giác kinh hoàng sợ hãi cho tính mạng trong
một cơn bão tố trên biển hồ. Cả hai câu truyện đều có những người trong lúc đối
diện với sự kinh hoàng và cơn khốn khó đều kêu cầu Chúa giúp đỡ, và được Chúa
nghe lời và cứu chữa. Đức tin của họ được củng cố, trở nên vững mạnh hơn, kết
quả của một kinh nghiệm khốn khó, sóng gió trong cuộc đời.
Hai câu truyện trên cũng gởi đến cho chúng ta một sứ điệp
quan trọng, và sứ điệp này có 2 khía cạnh mà chúng ta thường quên và cần được
nhắc lại. Thứ nhất, hai câu truyện trên đây là sứ điệp nhắc nhở chúng ta trong
cuộc sống sẽ có những cơn khốn khó, sóng gió xảy ra, nhưng lôi kéo chúng ta đến
gần với Chúa và với nhau hơn. Tôi xin nhấn mạnh có những trường hợp xảy
ra lôi kéo chúng ta đến với Chúa và với nhau hơn, vì không phải trường hợp nào
cũng có kết quả như vậy, sự thật, có những trường hợp ngược lại. Một sự khó
khăn hay cơn sóng gió xảy ra trong cuộc sống có thể tách rời và đưa chúng ta xa
Chúa, mất đức tin và xa nhau hơn, làm cho cha mẹ, vợ chồng, con cái bất hòa,
đưa tới cảnh ly dị, con cái lâm cảnh khốn khổ, xa lìa anh chị em, thân nhân bạn
bè, thậm chí xa cả cộng đoàn giáo xứ nữa.
Và tới đây chúng ta nhận thấy, cả hai câu truyện trên
đây cho chúng ta bài học quan trọng và giúp chúng ta phân biệt được một sự khác
biệt to lớn. Sự khác biệt mà một sự khó khăn, một cơn sóng gió trong đời lôi
kéo chúng ta đến gần Chúa và gần nhau hơn, hay tạo nên một khoảng cách, cách
biệt chúng ta xa Chúa và xa nhau hơn là cầu nguyện. Nhưng chúng ta
phải ý thức rằng không phải bất cứ sự cầu nguyện nào, nhưng là cách cầu nguyện
mà Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện. Cách cầu nguyện Chúa dạy là chúng ta
đặt trọn niềm tin nơi Chúa và trong thánh ý của Chúa cho chúng ta. Đó là cách
cầu nguyện mà chính Chúa Giê-su đã làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta khi
Chúa cầu nguyện trong vườn Giệt-si-ma-ni, Chúa thưa với Chúa Cha “Lạy Cha…
Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha.” (Lc 22,42)
Chúng ta phải biết rằng một sự cầu nguyện mà không có
ý nguyệnn hay một niềm tin nhận biết Thiên Chúa biết những gì tốt đẹp cho chúng
ta, thì thật sự không phải là lời cầu nguyện. Một cách cầu nguyện không phải là
một sự cầu nguyện chính đáng nếu chúng ta có thái độ coi Chúa như là một người
tôi tớ, bắt Chúa phải vâng theo ý muốn của chúng ta, phải nghe lời chúng ta
phán bảo, hay làm những điều chúng ta mong muốn ngay. Đây là biểu hiệu lòng ích
kỷ và không có lòng tin thật. Chúng ta phải có thái độ và lòng tin Chúa là
người Cha nhân từ và yêu thương chúng ta như một người mẹ hiền, hay một người
cha nhân từ, như chúng ta mừng ngày Hiền phụ hôm nay. Chúng ta phải tin Chúa
biết điều gì tốt đẹp nhất cho chúng ta.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận biết trong
cuộc sống sẽ có những khó khăn, thử thách, sẽ có những cơn bão hay giống tố xảy
đến. Những sự kiện này có thể lôi kéo đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, hay ngược
lại làm chúng ta xa cách Chúa, và sự khác biệt là cầu nguyện, nhưng là sự cầu
nguyện mà Chúa dạy chúng ta cầu nguyện như Chúa phán: “Lạy Cha… Nhưng xin đừng
theo ý con muốn, một theo ý Cha.” Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn đặt
trọn niềm tin, cậy trông và phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chứ
không phải chỉ lúc gặp khó khăn hay sóng gió mà thôi.
43. Sóng yên biển lặng _ Lm. Jos. DĐH
Né tránh đau khổ, mong muốn bình an trên bước đường
mình đi là điều dễ hiểu, vì tâm lý tự nhiên ai cũng sợ đau khổ, sợ phải đối
diện với “chướng ngại vật”. Thực ra biển, mấy khi mà không có sóng gió, đường
đời không thể lúc nào cũng bằng phẳng, và nếu gặp khó khăn, trở ngại, cũng là
dịp để chúng ta rèn luyện đôi chân của mình nên vững chắc hơn. Kinh nghiệm cho
biết cây cao bóng cả, thuyền to sóng lớn, không ai thay
đổi được “qui trình” ấy, bậc cha mẹ phải có trách nhiệm bao bọc che chở con
cái; người lắm tài nhiều đức phải là người đã từng trải qua khổ đau tập luyện,
rồi mới có thể đem tài năng để phục vụ anh chị em nhiều mình.
Vì xét thấy ý chí, bản lãnh, rất cần để con người đối
phó với biết bao phức tạp nơi cuộc sống này, cha ông chúng ta đã truyền lại cho
hậu thế một “quyết tâm căn bản” khi vượt biển trần: chớ thấy sóng cả mà
ngã tay chèo. Vì muốn nói với con người qua các thời đại, sóng gió ở biển
cả bao giờ cũng dữ dội, nguy hiểm, dù các các bạn là dân chài lưới đầy kinh
nghiệm. Bằng mưu trí, khả năng của con người không thể chống trọi được với
giông bão bủa vây, hãy nhờ tình yêu thương của anh chị em đang ở bên cạnh mình
trợ giúp.
Hành trình vượt biển hồ của thầy trò Giêsu cũng như
biết bao người, biển hồ có “cuồng phong” là chuyện bình thường, khác ở chỗ là
có phải Đức Giêsu mê mệt đến độ sóng gió, nước tràn vào thuyền mà Thầy vẫn ngủ.
Hơi lạ ở chỗ, những con người từng làm nghề “thuyền chài”, đối diện với phong
ba bão táp, các ông vẫn cuống cuồng bất lực. Bất thường là các ông có Vị Thầy
tài giỏi ở trên con thuyền, nhưng sao các ông lại thiếu bình tĩnh tới mức phải
hoảng hốt la lên: “lạy Thầy, chúng con sắp chết rồi mà Thầy không quan
tâm sao”? Và đặc biệt, tại sao Thầy Giêsu ra lệnh: “hãy im đi, hay lặng
đi”, ngay lúc ấy sóng yên và biển lặng, khiến các ông không khỏi ngạc nhiên nói
rằng: “Người là ai mà cả sóng gió cũng vâng lệnh Người”?
Hành trình vượt biển trần gian của mỗi chúng ta hôm
nay cũng đầy sóng gió, sợ hãi, khó khăn, phải vất vả chèo chống thì vẫn còn đó,
Thầy Giêsu luôn ở trên con thuyền của Giáo Hội, chúng ta có tin, có cậy nhờ
Thầy ra tay trợ giúp không ? Đức Giêsu sẽ chẳng trách mắng chúng ta đứng “nản
lòng nhụt chí” trên hành trình trần gian, nhưng Ngài sẽ hỏi “sao các con sợ hãi
thế? “Các con chưa có đức tin ư”? nếu khi gặp giông bão chúng ta cứ tự xoay sở
một mình.
Biển hồ nào mà không có sóng gió, ơn gọi làm con Chúa,
làm môn đệ của Thầy Giêsu, không thể chỉ hoàn toàn là êm xuôi, phẳng lặng. Trong
cuộc sống tự nhiên, chẳng ai thành đạt mà không từng nếm mùi đau khổ, Cụ Phan
Bội Châu cũng đã chia sẻ ý tưởng đó: nếu cuộc đời bằng phẳng, anh hùng
hào kiệt nào có hơn ai. Xét theo mức độ siêu nhiên, có đau khổ, giông tố
xuất hiện trong đời, là dịp để ta nhận ra mình là ai: “siêu nhân hay phàm
nhân”? Có tin Thiên Chúa, tin Đức Giêsu là Thầy là Chúa, hay ta vẫn tin vào
mình?
Giông tố luôn là nỗi lo sợ của người đi biển, đau khổ,
thua lỗ bao giờ cũng cản trở bước đường của người tìm kiếm bình an, niềm vui.
Qui luật hay lề luật, tự nhiên hay siêu nhiên, cũng là điều kiện nhằm đưa dẫn
con người tới bến bờ tự do hạnh phúc. Giống tố có thể làm chìm thuyền, nếu các
tông đồ khi ấy chỉ cậy dựa vào sức mình hay hiểu biết của các ông. Giông tố
cũng là điều kiện để các tông đồ và chúng ta hôm nay, hãy tự tin, cậy trông vào
quyền năng của Thầy Giêsu đang đồng hành với chúng ta trên con thuyền vượt biền
trần này. Cây lớn lên sinh trái quả, nhờ nắng mưa và người chăm sóc; biển có
yên, sóng có lặng là nhờ mỗi chúng ta tin tưởng và kêu cầu Đức Giêsu trợ giúp
để con thuyền mình cặp bến an toàn.
Thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng
đời thuyền. Trong câu ca dao ấy, người ta mượn hình ảnh thuyền
và bến để nói tới tình yêu đôi lứa thật đẹp, khi họ biết chung thủy đợi chờ
cùng vượt sông nước tới bờ hạnh phúc. Trong hành trình vượt biển hồ hôm nay,
sóng gió, sợ hãi là dịp nhắc nhớ các tông đồ và chúng ta hãy kêu cầu Thầy Giêsu
trợ giúp để con thuyền tới bến bờ bình an. Trong tâm hồn người môn đệ theo Đức
Giêsu, luôn có Đức Giêsu đồng hành, chúng ta không cần phải trang bị thứ vũ khí
phòng thân nào, ngoài tình yêu thương và trái tim biết quảng đại với anh chị em
mình.
Cuộc sống trần gian, tự nhiên đã có đầy khổ đau bất
trắc, vì chuyện ăn uống, vì tương quan giữa tình người bị phân rẽ hiểu lầm!
Bước theo Chúa Kitô, vâng lệnh Ngài nhổ neo đẩy thuyền ra khơi vượt biển, tất
nhiên có sóng gió, biển động là không tránh khỏi. Chúa không muốn chúng ta co
cụm, chấp nhận số phận hên xui, Ngài lưu ý hãy an tâm, vì con thuyền vượt biền
trần gian nếu không có sóng gió thì cũng chẳng cần đến Chúa hiện diện. Nếu mỗi
người tin Chúa, kêu cầu Chúa là Vị thuyền trưởng dẫn đưa thuyền chúng ta vượt biển
trần, con thuyền sẽ đến bến bờ an bình hạnh phúc. Chúa không hứa sẽ dùng quyền
phép để làm cho sóng yên biển lặng, không dẹp hết những hận thù ghen ghét,
những đau khổ bệnh tật, nhưng trên hành trình đức tin, Ngài vẫn mời gọi :
“chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Xin Chúa chúc lành, để mỗi người chúng ta
không bao giờ nghi ngờ và xa cách tình Chúa yêu thương trên hành trình vượt
biển của chúng ta hôm nay. Amen.
44. Ai có thể trở nên một người như thế?
(Trích trong ‘Mở Ra
Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Chiếc tàu Titanic được chào hàng như một chiếc tàu
không bao giờ chìm. Và sau đó là đụng một tảng băng ngay trong cuộc hành trình
đầu tiên của nó, chiếc Titanic đã chìm xuống đáy của Đại Tây Dương với hầu hết
những người đi trên con thuyền đó trong vài phút. Đại dương quyền năng hơn bất
cứ một con tàu nào, đã nuốt trọn con tàu Titanic giống như nó đã nuốt một hộp
cá mòi vậy.
Đó là một mầu nhiệm sâu xa về biển cả, và đó không có
gì là ngạc nhiên về quyền năng của nước được xem là một thuộc tính của thần
linh. Trong sách Gióp chính Thiên Chúa đã làm chứng về quyền năng thần linh của
Ngài, bằng việc biểu dương quyền năng của Ngài là chủ tể của nước sâu. Những
tông đồ là những người đánh cá, hơn ai hết họ không cần ai nói cho họ biết về
việc phải sợ hãi cái vẻ bề ngoài đáng sợ của biển Galilê. Thình lình, tai họa
có thể xảy ra một cách bất thường. Biển thì ở 685 bộ bên dưới mực nước biển và
bao quanh bởi những ngọn núi. Với một làn không khí lạnh thổi xuống từ những
ngọn núi hầu như nhanh chóng biến đổi làn nước đại dương thành những con sóng
nguy hiểm cao đến bảy hoặc tám bộ.
Thật chính xác những gì đã xảy ra vào buổi chiều hôm
đó, khi Chúa Giêsu vào thuyền của các môn đệ ở trên biển Galilê. Đó giống như
một ngày của sáng tạo, những yếu tố tự nhiên đang chờ đợi khoảnh khắc khi mà
Chúa là chủ tể của chúng xác quyết quyền năng và tỏ hiện sự thần linh của Ngài.
Sau khi Chúa Giêsu làm cho biển bình yên bởi những lời của Ngài, các tông đồ đã
kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Người này là ai mà làm cho gió biển phải vâng
lời?”
Gió và biển đã biết Chúa Giêsu là ai và cả chúng ta
cũng như thế. Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi của các tông đồ. Nếu chúng ta
không có đức tin, chúng ta xem Người một cách giới hạn bởi xét đoán của con
người nhưng bởi đức tin mà chúng ta nhận biết rằng Chúa Giêsu là Chúa, là Đấng
Cứu Độ. Vì Chúa là Đấng cứu độ của chúng ta, Ngài ước ao giải thoát chúng ta
khỏi những tai họa của đời sống trên biển. Sự sợ hãi những căn bệnh như ung thư
hoặc Siđa, lo lắng về tận cùng của tương lai một cách bất an, những lo lắng về
con cái trong một xã hội say sưa và hỗn tạp, sự không vững chắc hay gãy đổ của
đời sống hôn nhân, sự khủng hoảng hay sự cô độc, bị bỏ rơi, sự khủng khiếp mà
viễn cảnh của sự chết có thể phát sinh.
Trong lời tuyên xưng Thánh Thể chúng ta đã kêu lên:
“Bởi thánh giá và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta”. Sau kinh
Lạy Cha chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ
và ban cho chúng con bình an trong ngày hôm nay, bởi lòng thương xót Chúa sẽ giữ
gìn chúng con khỏi tội lỗi và bảo vệ chúng con khỏi mọi lo âu”. Lời nguyện này
muốn nói lên lời diễn tả đức tin của chúng ta nhưng cấp độ bình an và quang
đãng của chúng ta không tùy thuộc và sự diễn tả đức tin của chúng ta nhưng ở
chiều sâu của nó. Đức tin của chúng ta phải sâu như biển cả vậy.
Khi chiếc Titanic chìm xuống, số người bị lâm nạn đã
tăng lên gấp bội bởi vì thuyền đã không trang bị đủ những thuyền cứu sinh.
Chúng ta còn được hơn thuyền cứu sinh cứu nữa. Chính Chúa Giêsu đã cứu chúng ta
khi chúng ta bị chìm trong biển cám dỗ sâu nhất của cuộc đời. Chúng ta có con
người của Chúa Giêsu Kitô, luôn luôn hiện diện với chúng ta trong Giáo Hội và
hướng về Người, chúng ta có thể cầu nguyện một cách tin tưởng. Trong cơn bão
trên biển hồ, các tông đồ đã phàn nàn: “Lạy Thầy chúng con sắp chết mà Thầy
không quan tâm đến sao?” Với đức tin chúng ta biết rằng, không có vấn đề gì với
Chúa Giêsu. Vấn đề là sự cứu độ của chúng ta không đến từ những lời nói, tuy nhiên
ở nơi. Lời quyền năng của Ngài: “Hãy yên lặng, hãy im đi”. Sự cứu độ của chúng
ta đến từ hy tế nơi thánh giá. Đức tin của chúng ta là: “Lạy Chúa bởi thánh giá
của Người, và sự Phục Sinh của Người xin giải thoát chúng con, Người là Đấng
cứu độ chúng con”.
45. Nỗi kinh hoàng của con người và sự yên tĩnh của Thiên Chúa – Achille
Degeest.
(Trích trong ‘Lương
Thực Ngày Chúa Nhật’)
Giai thoại bão táp yên lặng là một cơ hội tốt cho
những ai ngã theo khuynh hướng “giải huyền thoại” trong phúc âm (khuynh hướng
này ngày nay đã giảm). Để giản lược biến cố vào một sự kiện tự nhiên, họ chỉ
cần tưởng tượng và rồi sau khi đã chiều theo sức ép của trí tưởng tượng, quả
quyết rằng bão táp tự nó ngưng lại, vừa lúc Đức Giêsu ra lệnh cho biển; và như
thế là do tình cờ. Có một loại não trạng tự gọi là khoa học, chủ trương ngay từ
đầu chối bỏ mọi can thiệp của Thiên Chúa trong vũ trụ và giải thích một số sự
kiện bằng một định kiến như thế thật dễ dàng. Trong trường hợp này chúng ta có
thể bám vào lời này: Ở khởi điểm của truyền thống Phúc Âm, có thật là biến cố,
nhưng liền được giải thích trong môi trường của Giáo Hội sơ khai, dựa trên một
não trạng Kinh Thánh và một niềm tin vào sự Sống Lại” (X.L. Dufour, Etudes
d’Evangile, Paris, 1965).
Ưu tư của Giáo Hội sơ khai là minh chứng: Đức Giêsu có
cùng một quyền năng trên tạo vật như Thiên Chúa (não trạng Kinh Thánh) và dẫn
đưa người tín hữu đến một niềm tin nơi Đức Giêsu Phục Sinh, một niềm tin trọn
vẹn, truyền giáo (Hãy sang bên kia bờ) và có khả năng đương đầu với mọi nghịch
cảnh.
Giải quyết xong điều trên, câu chuyện bão táp yên lặng
gợi cho chúng ta một vài suy nghĩ rất đơn sơ:
1) ‘Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan
tâm đến sao?’
Lời trách móc này cho thấy rõ sự mâu thuẫn giữa nỗi
kinh hoàng của các môn đệ và sự yên tĩnh của vị Thầy. Một bên sóng gió nguy
hiểm, một bên Đức Giêsu vẫn ngủ. Biển hồ Giê-nê-sa-rét, như các biển hồ được
núi đồi bao phủ khác, thường có những cơn bão táp đột ngột và dễ sợ. Con thuyền
bị sa vào một trong các cơn bão táp như thế. Chúng ta hiểu Đức Giêsu sau một
ngày trọn rao giảng mệt nhọc, đã ngủ thiếp đi. Các môn đệ không hiểu được sóng
gió mạnh mẽ như thế, lại tràn ngập vào thuyền mà không làm cho Ngài tỉnh dậy.
Họ không mường tượng được rằng: chỉ duy có sự hiện diện của Đức Giêsu với họ,
đã là một sự bảo đảm an toàn vững chắc.
Họ có lỗi vì đánh thức Thầy dậy không? Chắc là không.
Đó chỉ là phản ứng bình thường của con người hoảng hốt, sự yếu hèn của họ
(nhưng họ chưa có niềm tin sau Phục Sinh) ở chỗ họ không đặt sự a
toàn của mình nơi con người Đức Giêsu. Chúng ta cũng
gặp phải những giây phút thử thách nghiêm trọng. Chúng ta không có lỗi khi kêu
đến Thiên Chúa, khi đánh thức Người dậy. Chúng ta không thể chế ngự một số âu
lo tự nhiên. Ít là chúng ta nên nhớ Đức Giêsu đang ở với chúng ta để giữ vững
niềm tin của chúng ta.
2) Hình ảnh con thuyền gợi lên con thuyền Giáo Hội,
theo như ngôn từ của các thánh phụ.
Trong thời đại của chúng ta, cũng như trong mọi thời
đại, Giáo Hội tựa con thuyền bị lay động và cản trở mạnh mẽ do các lầm lạc,
bách hại, thao túng của thế gian. Một vài lầm lỗi hình như xâm chiếm cả Giáo
Hội. Những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. Điều này có lẽ tạo
nên nỗi lo âu lớn nhất cho nhiều người ưu tú trong nhóm môn đệ Đức Kitô. Hãy
nhớ rằng chỉ một lời của Chúa vào lúc ngài muốn, có khả năng cứu thoát tất cả.
Ngài nói: “Im đi…”, tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Điều quan trọng là hãy
giữ niềm tin cho sống động và mạnh mẽ. ‘Các con không có đức tin ư?’.
46. Đức tin trưởng thành
(Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
John Newton là con trai một đại uý hải quân người Anh.
Khi John lên 10 tuổi, mẹ cậu qua đời. Từ đó cậu bé thường theo bố đi biển. Nhờ
vậy mà cậu rành rẽ đường lối ngoài biển khơi. Tuy nhiên vào năm cậu 17 tuổi,
cậu bé bất mãn với bố. Cậu bỏ thuyền ra đi lao vào cuộc đời gió bụi. Cuối cùng cậu
nhận được việc làm trên chiếc tàu hàng buôn nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu. Cậu
thăng quan tiến chức rất lẹ và chẳng bao lâu đã trở nên thuyền trưởng. Chẳng
bao giờ Newton bận tâm suy nghĩ đến việc buôn nô lệ là đúng hay sai. Cậu chỉ
làm công việc của mình nhằm mục đích kiếm tiền mà thôi. Thế nhưng một biến cố
quan trọng đã xẩy đến thay đổi tất cả cuộc đời cậu.
Một đêm nọ một cơn bão dữ dội xuất hiện trên mặt biển.
Sóng dâng cao như thác núi xô đẩy và quay vòng chiếc thuyền của Newton như món
đồ chơi trẻ con. Mọi người trên thuyền vô cùng kinh khiếp. Lúc bấy giờ bỗng dưng
Newton buột lời cầu nguyện. Đây là điều cậu không hề làm kể từ khi rời khỏi
thuyền của bố cậu, cậu kêu to: “Lạy Chúa, nếu Ngài thương, xin cứu vớt chúng
con, con nguyện sẽ mãi mãi làm nô lệ cho Ngài”.
Chúa nhậm lời cầu xin của cậu và cứu vớt con thuyền.
Thế rồi sau khi vào được bờ, Newton đã giữ lời hứa và bỏ nghề buôn nô lệ. Sau
đó cậu đi tu, và một thời gian sau trở thành mục sư coi sóc một nhà thờ nhỏ ở
Olney, nước Anh. Ở đây vị mục sư trở nên một nhà giảng thuyết kiêm nhà soạn
thánh ca lừng danh. Một trong những bản thánh ca cảm động nhất mà Newton đã
sáng tác là bản nhạc ca ngợi Chúa về cuộc trở lại của cậu.
Giống như Newton, các Tông đồ cũng gặp phải bão biển
dữ dội. Giống như Newton, các ông đã kêu to lên cùng Chúa: “Xin hãy cứu chúng
con”. Giống như Newton, các ông cũng đã được biến đổi hoàn toàn sau khi Chúa
nhậm lời cầu xin. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Ông này là ai, mà cả đến
gió và biển cũng phải tuân lệnh?”.
“Ông này là ai?”. Đây chắc chắn là một câu hỏi căn
bản. Dĩ nhiên câu trả lời đã có sắn trong bài đọc 1 và trong Thánh Vịnh đáp ca
hôm nay. Bài đọc 1 mô tả Chúa là Đấng Tạo Hoá, chính Ngài đã tạo dựng biển cả,
đã đặt ranh giới cho chúng và truyền lệnh cho chúng tuân theo ý muốn của Ngài.
(x.G 38,1.8-11). Thánh Vịnh đáp ca là lời kêu cầu Chúa của những thuỷ thủ gặp
bão biển. Và Chúa đã ra tay cứu họ. Họ vui sướng, vì trời yên biển lặng. Và
Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ. Họ tạ ơn Chúa, vì Chúa từ nhân (x. Tv
107).
Trong cả hai bài đọc Cựu Ước này, chúng ta thấy Chúa
đang thi hành chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài truyền lệnh cho chúng và
chúng tuân phục Ngài. Đây cũng là điều chúng ta thấy Chúa Giêsu đang thực hiện
trong Tin Mừng hôm nay.ngài đang biểu lộ chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài
truyền lệnh và chúng tuân phục ngay. Như thế các bài đọc hôm nay cho thấy Thiên
Chúa trong Cựu Ước và Đức Giêsu của Tân Ước là một. Ngài đang thực thi quyền
năng của một Thiên Chúa. Thánh Marcô không chỉ muốn nói lên quyền năng của Chúa
mà còn muốn khẳng định Ngài chính là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, và mời gọi
chúng ta hãy hoàn toàn tin vào Ngài.
Các môn đệ ở chung một thuyền với Chúa, các ông đã
biết Chúa quyền năng, có thể làm nhiều phép lạ, nhưng khi sóng gió nổi lên, các
ông vẫn hoảng hốt. Các ông quên rằng dù thức hay ngủ, Chúa vẫn là Chúa. Các ông
chưa hoàn toàn tin vào Chúa. Chúng ta thường nghĩ mình có đức tin, nhưng trong
thử thách, khi cần biểu lộ lòng tin thì nhiều khi ta lại hoảng sợ.
Đời tự nó đã là khó. Đi trong cuộc đời với niềm tin
theo cách Chúa dạy lại càng khó hơn. Chúng ta đã vâng lệnh Chúa mà nhổ neo ra
khơi, đã tin tưởng vì có Chúa ở đàng lái, ở vị trí hoa tiêu, nhưng có thể đã có
lần chúng ta đau đớn vì Chúa lại ngủ giữa phong ba. Điều đó có thật, là kinh
nghiệm muôn đời của những ai tin Chúa. Niềm tin không phải là giải đáp dễ dãi,
không miễn trừ những khó khăn. Cần phải dày công học tập mới chấp nhận được
thực tế đó. Người có niềm tin trưởng thành là người “giữa phong ba khốn cùng
ngàn nỗi vẫn luôn thành tín ngợi khen Chúa là thuẫn đỡ, là khiên che, là đồn
luỹ”. Phải dám ra đi dù trời đã về chiều, dù có thể gặp phong ba. Nếu không thì
chẳng bao giờ sang được “bờ bên kia” của cuộc sống. Chúa có thể ngủ, nhưng Chúa
luôn thức vào lúc quyết định để trợ giúp những ai bằng lòng để cho “Chúa ở đằng
lái”.
Bão lớn, nước sắp đầy thuyền thì ai mà không sợ? Vậy
mà Chúa còn trách: “Sao các con sợ thế, các con không có đức tin ư?”. Các môn
đệ lâm nguy thật sự. Trong hoàn cảnh đó, chẳng những nên kêu cứu Chúa, mà đúng
là phải kêu cứu Chúa. Nhưng đừng kêu cứu với tâm trạng sợ hãi đến tuyệt vọng
như vậy. Phải kêu cứu nhưng hãy kêu cứu trong niềm cậy trông tín thác tuyệt
đối. Lời trách cứ của Chúa Giêsu khai mở cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin
quý báu: niềm tin vững vàng làm chúng ta thêm can đảm lắm mới có thể tin. Vì
tin Chúa, thực tế chính là “ trao thân gởi phận” cho Chúa. Người tin Chúa thực
sự thì không sợ, còn người sợ thực sự thì không tin. Trong rất nhiều trường
hợp, “yếu tin” đồng nghĩa với “hèn tin”!
Câu hỏi của các môn đệ sau khi được Chúa cứu nguy:
“Ngài là ai mà cả gió lẫn biểu cũng đều vâng lệnh?” phải là câu hỏi căn bản cho
những ai muốn tin và muốn đạt tới niềm tin trưởng thành vào Chúa Giêsu. Phải
trả lời cho thật, cho đúng, cho sâu và sát với hoàn cảnh đời mình. Tin không
phải chỉ là xác tín về một chân lý lý thuyết cho thoả trí óc, nhưng là “trao
thân gởi phận” cho Chúa, nên phải biết rõ Chúa là ai, đáng tin đến mức nào.
Thánh Phaolô là chứng nhân đức tin kiệt xuất, đã trải qua bao gian nan mà vẫn
tín trung với Chúa, vì thánh nhân “biết mình đã tin vào ai” (2Tm 1,13). Nếu
thực sự muốn tin, chúng ta cũng phải biết: Chúa Giêsu Kitô là ai? Tin Mừng cho
chúng ta biết: Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Chân lý ấy quá đơn sơ, chúng ta
đều đã biết. Nhưng có thể chúng ta mới biết bằng “cái đầu”, bằng trí óc, chứ
chưa biết bằng “con tim”, bằng lòng yêu mến. Tin cuối cùng là yêu, là trung
thành gắn bó với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Vậy lòng ta cần
phải biết Ngài là Chúa, nghĩa là không chỉ biết rằng Ngài quyền trên cuộc đời
mình, Ngài là Chúa của mình. Khi lòng ta chưa biết điều đó, thì dù không nói
hay không dám nói ra, tự thâm tâm ta vẫn nghĩ: Lời Chúa chói tai quá! Lệnh Chúa
truyền khó khăn qúa! Và sẽ bỏ đi như người Do Thái, vì thầy tin Chúa là phải là
phiêu lưu và quá khó khăn! Người có đức tin trưởng thành là người “biết điều”:
họ nhận ra Đấng mời gọi là Đấng có quyền, nên họ dấn thân theo lời mời gọi của
Ngài vì đó là đòi hỏi của tình yêu.
Hãy vận dụng đức tin để dấn thân vào đời, lấy sức chèo
chống, ngăn chận sự ác đang hoành hành. Hãy chạy đến Chúa và phó thác cho Ngài
mọi lo lắng của cuộc đời, kiên trì tin tưởng Chúa sẽ cứu thoát chúng ta.
47. Giông bão
Qua hình ảnh mặt biển dạy sóng Chúa Giêsu muốn nói với
chúng ta những gì?
Mặt biển dạy sóng trước hết là hình ảnh của tâm hồn
chúng ta.
Thực vậy, nhiều lúc chúng ta đã cảm thấy: những quyến
dũ bất chính, những đam mê mù quáng, những cám dỗ nặng nề, quả thực đã trở nên
như những ngọn sóng ngầm. Những quyến dũ ấy, những đam mê ấy, những cám dỗ ấy
như muốn đè bẹp con thuyền nhỏ bé là tâm hồn chúng ta, nhận chìm nó xuống đáy
nước tội lỗi, nếu như Chúa Giêsu, Đấng có quyền làm cho gió yên biển lặng đã
không đến can thiệp và giúp đỡ chúng ta. Vì thế chúng ta hãy kêu xin Chúa như
các tông đồ ngày xưa:
– Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp chúng con không thì chúng
con chết mất.
Mặt biển dạy sóng còn là hình ảnh của thế gian.
Đúng vậy, thế gian là một mặt biển dạy sóng, trong khi
đó Giáo hội chỉ là một con thuyền nhỏ bé, mà người cầm lái, là Đức Kitô thì
dường như lại đang ngủ say. Những phong ba bão táp và những ngọn sóng trào dâng
là những cấm cớ bách hại, là những lập trường bài bác vu khống và chụp mũ,
khiến cho chúng ta, những môn đệ của Chúa cũng phải bàng hoàng kinh hãi, nếu
không muốn nói là đã đi đến chỗ tuyệt vọng.
Tại sao chúng ta lại sợ hãi? Phải chăng là vì yếu đức
tin. Chúng ta nên nhớ rằng, tình thương và sự quan phòng của Ngài luôn canh giữ
chúng ta. Chỉ một cái nhìn của Ngài cũng đã đủ để làm cho sóng yên biển lặng,
tất cả trở lại trật tự.
Kinh nghiệm của Giáo hội, cũng như của bản thân mỗi
người cũng làm chứng như vậy. Điều quan trọng, chúng ta phải luôn xác tín rằng:
Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta. Mặc dù đôi lúc Ngài dường như có vẻ ngủ say,
nhưng thực sự thì tình thương của Ngài luôn canh giữ chúng ta. Và một khi Ngài
đã ở với chúng ta thì không ai có thể chống lại chúng ta.
Thánh nữ Cartarina Sienna ngày kia đã hỏi Chúa, sau
khi đã thoát khỏi sự cám dỗ nặng nề:
– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải chiến đấu. Chúa
Giêsu đã trả lời:
– Ta ở bên cạnh con để giúp đỡ con.
Chính vì thế, giữa những gian nguy thử thách, giữa
những cám dỗ đe dọa, chúng ta hãy biết chạy đến và kêu van:
– Lạy Chúa, xin cứu chúng con, không thì chúng con
chết mất.
Điều quan trọng là làm thế nào để Chúa Giêsu thực sự ở
trong chúng ta với tất cả tình thương của Ngài?
Tôi xin đưa ra một pháp đó là hãy xa tránh tội lỗi. Vì
tội lỗi sẽ đẩy chúng ta xa lìa tình Chúa và làm dấy lên trong tâm hồn cũng như
xã hội một trận cuồng phong thảm khốc.
Chính vì thế muốn trấn áp cuồng phong, muốn tái lập
trật tự, chúng ta phải biết hãm dẹp những dục vọng xấu xa, những khuynh hướng
tội lỗi. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thành công, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ
đã kêu lên với Chúa giữa cơn phong ba bão táp:
– Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con, không thì chúng
con chết mất.
48. Điều khiển
Rufus Jones có thuật lại câu chuyện sau đây: “Một cậu
bé đang chơi trên boong tàu, khi đó một cơn bão tố đang nổi lên. Một hành khách
tiến lại hỏi cậu bé: Này cháu, cháu không sợ cơn bão đang đến hay sao? Cậu bé
trả lời: “Không, cháu không sợ. Bởi vì cha cháu đang điều khiển con tàu”.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại một câu chuyện xảy
ra trong một cơn bão tố. Nhưng nó chỉ giống ở khung cảnh mà lại khác hẳn về nội
dung. Nỗi sợ hãi của các môn đệ hoàn toàn trái nghịch với lòng tín thác của cậu
bé trong câu chuyện của Jones, một lòng tín thác xuất phát từ một niềm tin vững
mạnh.
Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu
quở trách: “Tại sao các con nhát gan thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”
Chúng ta cần nhớ lại lời Kinh Thánh đã chép: “Đức tin là bảo đảm cho những điều
ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.
Chúng ta không luôn luôn thấy những đối tượng đức tin
của chúng ta, đặc biệt khi niềm tin của chúng ta bị che phủ bởi nỗi sợ hãi và lo
âu xao xuyến, và nhất là khi chúng ta bị những cơn giông tố trong cuộc đời vùi
lấp một cách phũ phàng. Trong những cơn thử thách mãnh liệt như vậy, chúng ta
hãy đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác vào chính Thiên Chúa. Vào thế kỷ 19,
tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ người Tô Cách lan George MacDonald đã viết: “Con
người hoàn hảo về đức tin là kẻ có thể đến với Thiên Chúa trong sự trống rỗng
về cảm giác, không có một chút cảm hứng và an ủi nào, chỉ có những thất bại
nặng nề, bị bỏ rơi, bị quên lãng hoàn toàn, và vẫn nói với Thiên Chúa: “Lạy
Chúa, Chúa là nơi con náu ẩn, là thành lũy che chở con”.
Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa là Trạng Sư và là bạn thân
thiết của con. Xin Chúa dạy con biết từ bỏ bản thân mà lệ thuộc hoàn toàn vào
Chúa Giêsu. Con không muốn trốn tránh trách nhiệm của con đối với cuộc đời của
mình, nhưng con muốn để Chúa Giêsu chi phối toàn bộ cuộc sống của con.
49. Cuồng phong thử thách _L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Gió dữ gây nên xáo động, mất ổn định, mang tai họa,
biểu tượng cho thần dữ. Khi Chúa Giêsu truyền cho gió dữ im đi, Chúa Giêsu bày
tỏ quyền năng của Người trên tất cả thần dữ. Vấn đề ở con người đang ở trên
chiếc thuyền cùng Chúa, tại sao lại lo sợ cuồng phong?
Tránh né nỗi sợ.
Tâm lý chung của con người trước những biến cố không
hay xảy ra đến với mình là tìm cách né tránh. Do không dám đương đầu với những
khó khăn, gai góc do chính mình gây ra, người ta thường tìm cách loại bỏ, mặc
dù điều ấy vi phạm nặng nề đến lề luật như: phá thai, hủy diệt nhân chứng, mua
sự im lặng, tiêu hủy bằng chứng, đổ lỗi. Ở cấp độ nhẹ hơn, hoặc do hoàn cảnh
dẫn đến, người ta thường hay lên tiếng trách móc, như các môn đệ kêu trách:
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Né tránh nỗi sợ, không giải quyết được vấn đề. Người
ta sẽ lại thấy nỗi sợ dường như càng ngày càng lớn hơn. Chấp nhận sóng gió và
tìm cách để giải quyết nó một cách can đảm mới thực sự nhận ra trách nhiệm của
mình. Việc Chúa Giêsu ngủ trên chiếc thuyền cùng giông bão với các môn đệ cho
thấy: Chúa muốn cho các môn đệ cần lớn lên trong cách lãnh đạo của mình sau
này.
Tính lười – sức ỳ.
Không thể xem tính lười là một câu trả lời đúng. Thông
thường, sức ỳ, tính lười ấy có những nguyên nhân. Thiếu tin tưởng vào bản thân,
làm việc gì cũng lo sợ không thành công dẫn đến do dự, chần chừ. Không tìm được
người hỗ trợ tinh thần. Cô đơn khi phải đương đầu với khó khăn nên thường trì
hoãn. Thiếu mất động cơ làm việc. Ỷ lại vào người khác làm thay thế cho mình,
hoặc chán nản với thời gian dài đòi hỏi kiên nhẫn… Những nguyên nhân đó làm cho
con người mất khả năng tích cực giải quyết hay thực thi sứ vụ. Chúa Giêsu trách
các môn đệ: “Sao lại nhát sợ? sao kém lòng tin?” (Mc 4,40).
Đối diện với khó khăn.
Tĩnh lặng và cầu nguyện: Một trong những điều cần
thiết nhất khi gặp trở ngại, khó khăn, Chúa Giêsu dạy “hãy cầu nguyện”. Cầu
nguyện để vững niềm tin, cầu nguyện để có một khả năng của ân sủng nâng đỡ.
Không ai kém may mắn hơn người khác vì nguồn ân sủng Thiên Chúa trao ban cho
mọi người không hề cạn. Cầu nguyện để đủ sáng suốt biết đâu là giới hạn của
chính mình, biết giữ kỷ luật, kiểm soát chính mình để tiến tới trong đời sống.
Chúa luôn mời gọi sống trưởng thành trong đức tin qua việc Chúa thử thách. Có
sóng gió mới biết là đôi khi các môn đệ còn thiếu sức mạnh của niềm tin, thiếu
đời sống cầu nguyện để can đảm vững tay chèo, thiếu nghị lực để vượt qua nỗi sợ
hãi.
Quả cảm lãnh trách nhiệm.
Chúa Giêsu truyền lệnh cho sóng biển: “im đi, lặng đi”
(Mc 4,39). Chúa trao quyền cho con người kiểm soát thiên nhiên và vạn vật khi
dựng lên muôn loài. Thế nhưng, con người vẫn sợ hãi? Sợ hãi vì con người đã
phạm tội, và tội đã làm suy yếu đi uy quyền của con người. Uy quyền của từng
con người rõ ràng nhất là mỗi người có quyền quyết định mọi điều thuộc về mình;
người khác hay tổ chức nào khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Uy quyền được trao cho
mỗi người để tùy nghi sử dụng theo khả năng. Như đồng bạc Chúa trao, người năm
nén, người ba nén, người một nén. Cuối cùng là trách nhiệm trong việc sử dụng
quyền của mỗi người. Nhận lãnh trách nhiệm và quả cảm thi hành trong ân sủng
Chúa ban, đó là cách thức Chúa mời gọi. Giống như các môn đệ, nếu cứ can đảm
lèo lái con thuyền giữa sóng dữ, cứ để Chúa Giêsu ngủ, có chết cùng chết, chắc
sự kiện đã xảy ra theo cách khác và các môn đệ đã thấy điều mình hoàn toàn xác
tín.
Sống trong cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng
và nhất là trong đời sống đức tin, nhiều hoàn cảnh thay đổi, niềm tín thác lu
mờ, tội lỗi và cám dỗ lan tràn, con người dễ buông xuôi. Xin cho chúng con biết
luôn nỗ lực trưởng thành, nhờ ơn Chúa, sống quả cảm, lãnh trách nhiệm, kiên
vững lớn lên trong thử thách.
50. Quyền Uy Trên Thiên Nhiên _ Lm Đan Vinh – HHTM
HỌC LỜI CHÚA
TIN MỪNG : Mc 4,35-41
(c 35) Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các
môn đệ: Chúng ta sang bờ bên kia đi!” (36) Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người
đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền. Có những thuyền khác cũng theo Người. (37)
Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước.
(38) Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.
Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi.
Thầy chẳng lo gì sao?” (39) Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển:
“Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. (40) Rồi Người bảo các ông:
“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? (41) Các ông hoảng sợ và
nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Ý CHÍNH: Đức Giê-su chứng tỏ
quyền năng của Người trên gió và biển, tượng trưng cho những thế lực của ma quỉ
muốn chống lại Thiên Chúa. Người đã dùng lời quyền năng dẹp yên sóng gió để
củng cố đức tin yếu kém của các môn đệ. Đồng thời cũng để các ông vững tin khi
gặp phải những cơn thử thách bách hại sau này.
CHÚ THÍCH :
-C 35-36: +Chúng ta sang bờ bên kia đi” :Biển
hồ ở đây là hồ Galilê, cũng có tên Giê-nê-sa-rét hay Ti-nê-ri-a. Đây là một các
hồ lớn nằm bên trong đất liền xứ Ga-li-lê, dài 21 km và rộng 13 Km. Hồ thấp hơn
mặt biển 210 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng thương hay có những trận
cuồng phong. Biển hồ theo nghĩa của Thánh Kinh là một thế lực gian ác chống lại
Thiên Chúa và con người. Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ tại vùng biển hồ này
như : Hóa bánh ra nhiều (x Mt 14,14-31); Đi trên mặt nước (x Mt 14,25); Chữa nhiều
bệnh nhân (x Mt 15,29-31); Hiện ra sau khi sống lại (x Ga 21,1); Mẻ cá lạ lùng
(x Ga 21,4-8).
-C 37-38: +Và một cơn cuồng phong nổi lên :Cơn
cuồng phong đe doạ sẽ nhấn chìm thuyền của các Tông đồ xuống lòng biển, tiên
báo những nguy hiểm thử thách mà Hội Thánh sẽ phải trải qua sau này. +Đức
Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ: Trong khi
chiếc thuyền và những người trên thuyền lâm nguy vì bị bão tố trù dập thì Đức
Giê-su vẫn nằm ngủ để thử thách đức tin của các môn đệ. Giấc ngủi còn là hình
ảnh ám chỉ về sự chết của Người (x Tv 13,4; Ep 5,14).. +Các môn đệ
đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo
gì sao?”: Đánh thức là hành động của các môn đệ kêu cầu Đức Giệ-su
cứu giúp trong cơn nguy hiểm. Điều này cho thấy lòng tin yếu kém của các ông vì
chưa tín vào quyền năng và tình thương của Thầy mình. +Thầy ơi,
chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?”: Các môn đệ hốt
hoảng khi thấy thuyền của các ông sắp bị chìm đắm giữa biển khơi mà xem ra thầy
các ông không hay biết.
-C 39-41: +Người thức dậy, ngăm đe gió, và
truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”: Đức Giê-su bày tỏ
uy quyền trên gió bão và biển động. Khi ra lệnh cho ai là chứng tỏ mình có
quyền trên người đó. Khi truyền cho sóng gió yên lặng, Đức Giê-su chứng tỏ
quyền năng trấn áp các thế lực gian ác. +Lập tức gió ngưng biển lặng
:cho thấy sự dữ đã phải tùng phục uy quyền của Con Thiên Chúa.+
“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?: Đức Giê-su
quở trách sự hèn tin của các môn đệ như nhiều lần khác Người đã trách các ông
chậm tin vào Người: “Hỡi những kẻ ngu muội và trí lòng chậm tin” (Lc 24, 25);
“Người quở mắng sự cứng tin chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ đã thấy
Người sống lại” (Mc 16,14).+Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển
cũng tuân lệnh?:Các môn đệ ngạc nhiên và đầy lòng thán phục Đức Giê-su,
khi họ được chứng kiến lời phán đầy uy quyền của Người trên thiên nhiên là gió
và biển..
CÂU HỎI :
1-Biển hồ Ga-li-lê còn có những tên gọi nào? Dài rộng
bao nhiêu?
2-Đức Giê-su đã làm các phép lạ nào tại vùng biển hồ
này?
3-Cơn cuồng phong tượng trưng cho điều gì?
4-Đức Giê-su ngủ ở đàng lái trong khi cuồng phong nổi
lên nhằm mục đích gì?
5-hành động đánh thức Đức Giê-su nói lên điều gì về
đức tin của các môn đệ?
6-Đức Giê-su bày tỏ quyền năng Con Thiên Chúa qua lời
nói và hành động nào?
7-Ngoài lần này, Đức Giê-su còn trách các môn đệ hèn
tin trong những hoàn cảnh nào nữa không?
8-Các môn đệ đã biểu lộ đức tin thế nào khi chứng kiến
phép lạ Đức Giê-su thực hiện trên thiên nhiên?
SỐNG LỜI CHÚA
LỜI CHÚA: Môn đệ liền nói: “Người là ai, mà cả đến gió
và biển cũng phải tuân lệnh?” (Mc 4,41).
CÂU CHUYỆN :
1) TÍN THÁC VÀO TÀI NĂNG CỦA CHA:
Trong một chuyến du hành vượt Đại Tây Dương, nhiều du
khách đang đứng trên boong ngắm cảnh hoàng hôn mặt trời đang dần lặn xuống biển. Bỗng
mây đen ùn ùn kéo tới, chẳng mấy lúc làm tối sầm cả vùng trời. Rồi sấm chớp đổ
xuống liên hồi, trên mặt biển giông tố cuồn cuộn nổi lên, gió càng lúc càng
thét gào dữ dội. Mọi người trên boong chen lấn nhau đi về phòng mình, duy chỉ
một bé trai là tiếp tục chơi trên boong khi trận cuồng phong sắp ập xuống.
Khi có người hỏi «Em không thấy sợ khi cơn giông tố
đang ập đến sao?» Em thản nhiên đáp lại: «Em không sợ, vì ba em chính là thuyền
trưởng cừ khôi đang cầm lái con tàu này!».
Giống như cậu bé đã tin tưởng ở cha mình đang cầm lái
con tàu, mỗi người chúng ta cũng hãy vững tin Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu và
quyền năng. Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời chúng ta bước theo đường lối của Ngài để
tới bến bình an.
2) CON RUỒI: MỘT TẠO VẬT TINH XẢO CỦA THIÊN CHÚA:
Ngày kia khi tôi đang ngồi ăn trong phòng thì một con
ruồi từ bên ngoài bay vào. Nó bay mấy vòng trên bàn rồi nhẹ nhàng hạ cánh xuống
miếng chuối ăn dở trên bàn… Con ruồi đã có thể làm bất cứ điều gì nó thích và
bay đến bất cứ nơi nó muốn.
Con ruồi chỉ là một sinh vật nhỏ bé và không chứt giá
trị, thế nhưng hoạt động của nó lại trổi vượt hơn hẳn một chiếc máy bay tinh
xảo đắt tiền… Ruồi cất cánh mà không cần lấy đà như máy bay. Đang bay nhưng nó
vẫn có thể đáp xuống ngay. Ruồi không bị rơi, không va chạm vào vật nào khác và
cũng không bị tai nạn mjuw máy bay. Nó không cần phải học bay và động cơ cũng
không bao giờ bị trục trặc hay gặp sự cố. Và cuối cùng nó có khả năng sản xuất
ra ngàn vạn con ruồi tương tự mà không phải tốn bao nhiêu công sức.
Con ruồi cho chúng ta thấy quyền năng vô biên của
Thiên Chúa trong vũ trụ thiên nhiên.
3) TẬN MẮT CHỨNG KIẾN PHÉP LẠ TẠI LỘ ĐỨC:
Một sinh viên y khoa người Tây Ban Nha đi viếng trung
tâm hành hương Đức Mẹ tại Lộ Đức bên Pháp. Ở đại học Madrid, chàng sinh viên
này đã nghe các giáo sư vô tín ngưỡng nói về Lộ Đức như là nơi sản xuất của
những mê tín dị đoan trong tôn giáo. Nên trong thời gian ba tháng này, anh sinh
viên muốn điều tra thực hư về các phép lạ. Tại đây anh đã được tận mắt chứng
kiến một phép lạ như sau :
“Hôm đó tôi đang ở sân Vương cung Thánh đường Lộ Đức
cùng với các bà chị của tôi chờ Kiệu Mình Thánh Chúa sắp đi qua. Bấy giờ một bà
tuổi trung tuần đang đẩy một chiếc xe lăn đi tới ngay trước mắt chúng tôi. Bà
chị tôi chỉ chiếc xe lăn nói: “Kìa hãy coi cậu con trai đáng thương của bà ta!”
Đó là một anh chàng khoảng 20 tuổi bị bại liệt và toàn thân biến dạng. Mẹ của
anh ta đang lần chuỗi to tiếng, kèm theo lời cầu nguyện “Lạy Đức Nữ Đồng Trinh,
xin hãy giúp đỡ chúng con!”.
Khi Đức Giám Mục ban phép lành Mình Thánh cho chàng
thanh niên bại liệt, đang lúc anh ta nhìn vào mặt nhật có đựng Mình Thánh Chúa.
Đột nhiên chàng thanh niên bại liệt trỗi dậy, từ từ bước ra khỏi chiếc xe lăn
và đã hoàn toàn bình phục! Dân chúng thấy vậy liền hô to trong niềm
vui hân hoan: “Phép lạ! Phép lạ!”
Sau đó nhờ có giấy phép, nên tôi được xem các bằng
chứng xác minh phép lạ này. Tôi không thể diễn tả hết những điều tôi cảm nhận
và về tâm trạng tôi lúc đó. Tôi đến từ trường Y Khoa Đại Học Madrid, nơi có
nhiều giáo sư vô tín nổi tiếng và nhiều sinh viên bạn học của tôi luôn miệng
nhạo báng phép lạ. Thế mà giờ đây, tôi đã được chứng kiến tỏ tường một phép lạ
do Chúa Giê-su Thánh Thể thực hiện. Khi ấy tôi đã cảm nhận được một sức mạnh vô
song của Chúa và thấy thế giới chung quanh tôi thật nhỏ bé. Tôi đã trở về
Madrid, Tây Ban Nha và ba tháng sau tôi chính thức được gia nhập vào Tập Viện
Dòng Tên».
4) SỨC MẠNH VÔ SONG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN:
XÁC INH-LÍT (Charles Inglis), một nhà truyền giáo nổi
tiếng thánh thiện đã kể lại câu chuyện như sau: trên một chuyến đi biển kia có
một nhà truyền giáo tên là GIOÓC-DƠ MU-LƠ ở BỚ-RAI-TƠN, dự định sẽ đến nhà thờ
lớn ở QUÊ-BÉC giảng đạo vào chiều thứ Bảy cuối tuần. Nhưng do bị sương mù quá
dầy khiến vị thuyên trưởng phải cho tàu chạy chậm và như thế khiến nhà truyền
giáo sẽ bị trễ hẹn. Bấy giờ nhà truyền giáo mới nói với thuyền trưởng mình có
cách sẽ sớm làm tan làn sương mù kia đi. Thuyền trưởng nghĩ ông này bị mát dây
thần kinh nên không thèm để ý. Bấy giờ nhà truyền giáo liền yêu cầu thuyền
trưởng cùng quỳ gối cầu nguyện với mình. Rồi ông một mình quỳ gối xuống dâng
một lời cầu nguyện sốt sắng, đang khi viên thuyền trưởng vẫn đứng nhìn với con
mắt không mấy tin tưởng. Chờ cho nhà truyền giáo cầu nguyện xong, vị thuyền trưởng
mới nói: “Ngài có biết độ dày của sương mù kia đến cỡ nào không?”. Nhà truyền
giáo trả lời: “Không biết! Nhưng tôi không nhìn vào sương mù. Tôi chỉ nhìn vào
Đấng dựng nên sương mù mà thôi”. Viên thuyền trưởng định quỳ gối xuống cầu
nguyện thì nhà truyền giáo đã ngăn lại và nói: “Nếu lòng ông không tin thì cầu
nguyện nào có ích gì? Hơn nữa, tôi tin chắc Chúa đã nhận lời cầu của tôi
rồi nên ông chẳng cần phải cầu thêm làm chi! Tôi đã nhận biết Chúa được 57 năm
rồi, và trong suốt thời gian đó không ngày nào mà tôi không thưa chuyện với
Người. Bây giờ ông hãy mở cửa ra mà xem việc Chúa làm”. Quả nhiên khi mở cửa ra
thì viên thuyền trưởng thấy làn sương mù dày đặc trước đó đã tan biến hết, con
tàu lại tiếp tục tăng tốc và cuối cùng đã cập bến đúng theo lịch trình.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy đức tin mạnh mẽ của
nhà truyền giáo. Chính Chúa Giê-su đã luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và
hoàn toàn tín thác cậy trông nơi Cha. Ngày nay, vì thiếu lòng tin nên người ta
coi thường việc cầu nguyện. Mỗi khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gặp gian
nan thử thách, người ta thường chỉ biết dựa vào sức riêng mình, đang khi lẽ ra
vừa phải xin Chúa ban ơn soi sáng để tìm ra giải pháp tốt nhất, lại vừa phải cố
gắng làm hết sức mình để giải quyết các khó khăn trở lực ấy.
SUY NIỆM:
Tin Mừng kể lại cảnh tượng xảy ra trên biển hồ
Ga-li-lê: Đức Giêsu đang ngủ. Ngài ngủ vì mệt mỏi sau khi dùng thuyền làm giảng
đài để dạy dỗ dân chúng. Các môn đệ đều là các ngư phủ chuyên nghiệp, và vùng
biển này là điạ bàn hoạt động quen thuộc của các ông, thế mà lúc này các ông
lại đang trong tâm trạng hoảng loạn.
Chúa ngủ trong thuyền giữa cơn bão: Theo
Chúa không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió hay được hưởng thái bình thịnh
vượng. Ngay cả những lúc chúng ta gần Người nhất, khi không có tội lỗi hay nghi
ngờ nào làm ta cách ly Người, thì giông tố vẫn có thể xảy tới. Chúa không hứa
cho chúng ta được thư thái an nhàn, nhưng đòi ta phải sẵn sàng chiến đấu, từ
bỏ, thậm chí có khi còn phải chịu chết vì danh Người…
Chết đến nơi rồi mà Thầy không lo gì sao?:Câu
nói biểu lộ sự kinh hãi tột độ và ngụ ý trách móc Chúa đã không quan tâm giúp
đỡ khi môn đệ đang gặp nguy nan. Ngày nay một bộ phận tín hữu chúng ta cũng có
tư tưởng này mỗi khi bị cơn bão cuộc đời vùi dập. Từ khi tin theo Chúa chúng ta
thường nghĩ rằng chúng ta sẽ đương nhiên được Chúa che chở và cứu khốn phò nguy
như đó là trách nhiệm Chúa phải chu tòàn, đang khi lẽ ra ta phải luôn cầu xin
Chúa giúp ta vượt qua thử thách và phó thác cuộc đời trong bàn tay Chúa quan
phòng.
Gió liền tắt và biển lặng như tờ: Chúa
Giêsu đã lệnh cho sóng gió yên lặng. Ngày nay cũng có người tự hỏi: “Tại sao
Chúa lại không ra tay can thiệp cứu giúp các tín hữu mà lại mặc họ phải bị chết
chìm trong biển cả cuộc đời?” Nếu chúng ta hiểu câu chuyện chỉ vỏn vẹn là sự dẹp
yên bão tố của thời tiết thì chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề làm chúng ta
phải nặng lòng. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện này còn lớn hơn thế nữa :
Chúng tôi phải làm gì?: Trong
cuộc sống, các tín hữu chúng ta phải thể hiện đức tin bằng cách:
-Khi sự sầu muộn đến như nó phải đến: Ta
tin rằng Chúa sẽ biến đổi bóng tối của sự chết thành ánh sáng phục sinh vĩnh
cửu. Người sẽ giúp chúng ta tin cậy vào tình yêu vô cùng của Ngài. Chẳng hạn
khi ta bị nất đi một người thân yêu, thì chúng ta nên biết rằng: Chết không
phải là hết, nhưng là bước vào một đời sống mới vĩnh hằng và mai ngày chúng ta
sẽ gặp lại người thân của chúng ta trên Thiên đàng.
-Khi chúng ta gặp phải một hoàn cảnh nan giải:
Khi ta không biết phải làm gì, phải giải quyết thế nào mới đúng, chúng ta hãy
thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh của con bây giờ thì
Chúa sẽ làm gì?” hoặc: “Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì?” Bấy giờ Chúa sẽ nói
trong lương tân để giúp chúng ta nhận biết con đường phải đi và ta sẽ có thể
mạnh dạn thưa cùng Chúa: “Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha”.
-Khi gặp cơn lo âu bối rối: Khi
ta phảilo cho bản thân, lo về một tương lai bất định, lo cho con cái sau này…
Chúng ta hãy ý thức về lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa để trông cậy phó
thác cuộc đời trong tay Chúa quan phòng. Người sẽ luôn giúp chúng ta đạt tới
hạnh phúc đời đời. Bấy giờ tâm hồn chúng ta sẽ được bình an như lời
Chúa Giê-su phán: “Hỡi những ai lao nhọc và gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta.
Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Và tâm hồn các con sẽ được bình an” (Mt 11,29).
THẢO LUẬN:
1) Một người có đức tin vững mạnh có bị thất bại hay
gặp phải những sự gian nan khốn khó trong cuộc đời hay không?
2) Một người chỉ biết cầu xin Chúa giúp mà không cố
gắng làm việc để tự giải quyết những khó khăn gặp phải thì có phải là người có
đức tin vững mạnh không? Tại sao?
3) Vậy khi gặp gian nan thử thách, người tín hữu phải
làm gì để chứng tỏ đức tin vững mạnh của mình?
CẦU NGUYỆN :
-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nào chúng con cũng gặp phải
nhiều gian nan thử thách. Nhiều khi những sự sui sẻo hoạn nạn lại cứ dồn dập đổ
xuống làm con thuyền đức tin của chúng con như sắp bị chìm đắm. Trong những lúc
ấy, xin cho chúng con ý thức rằng Chúa vẫn đang ở trong thuyền linh hồn chúng
con, để chúng con yên tâm và không còn bị nao núng sợ hãi nữa. Xin cho chúng
con biết vừa làm hết sức mình, vừa tín thác cậy trông vào ơn cứu độ của Chúa.
Nhờ đó chúng con sẽ có thể vượt qua các cơn gian nan sóng gió và tới bến bình
an.
-LẠY CHÚA. Xin cho chúng con luôn tin vào tình thương
quan phòng của Chúa. Cho chúng con biết xử dụng những ơn lành Chúa ban để giải
quyết những trở ngại gặp phải trên đường đời. Mỗi khi gặp phải điều gì trái ý,
xin cho chúng con biết cầu nguyện như Chúa khi xưa: “Lạy Cha, nếu có thể được,
thì xin cho con khòi uống chén này. Nhưng đừng theo ý riêng con, một xin vâng ý
Cha” (Mt 26,39). Xin cho chúng con vừa làm việc vừa cầu xin Chúa trợ giúp như
lời bài hát: “Có Chúa đi với con, con sẽ không còn sợ chi. Có Chúa đi với con,
con sẽ không còn thiếu gì”. Xin cho con năng dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa về
muôn ơn lành Chúa đã thương ban, cho con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a mà dâng lên
lời ngợi khen cảm tạ tình thương bao la của Chúa, vì Chúa đã làm cho con biết
bao điều lớn lao kỳ diệu (x Lc 1,46-55).
[1] Marie-Emile Boismard, Jésus, un homme de
Nazareth, raconté par Marc l'évangéliste. Paris, Cerf, 1996, 78.
[2] Cf. Fiches Dominicales.
[3] Jean Potin, Jésus, l'histoire vraie (coll. Biographies),
Paris, Centurion 1994, 256-257.
[4] Cf. Thư mục vụ của Đức
TGM Giuse Nguyễn Năng, Thông báo tạm ngưng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ
16g00 ngày 26/3/2020. Trong thư có đoạn: “Anh chị em thân mến, đây là một quyết định rất khó khăn đối với chúng
ta, nhất là trong những ngày cao điểm của Tuần Thánh và Phục Sinh. Chưa bao giờ
chúng ta phải ngưng thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung như thế này.”