SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH
GIÁ
VỚI ĐỨC THÁNH CHA
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
10-04-2020
Giới thiệu
Các bài suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay được văn phòng tuyên
úy nhà tù “Due Palazzi” ở thành phố Padova biên soạn. Đón nhận lời mời của Đức
Thánh Cha Phanxicô, 14 người đã suy niệm về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô
Chúa chúng ta bằng cách tái hiện nó trong cuộc sống của họ. Trong số này có 5
tù nhân, một gia đình nạn nhân của một vụ giết người, con gái của một tù nhân bị
kết án chung thân, một nữ giáo viên của nhà tù, một người giám thị, một bà mẹ của
một tù nhân, một giáo lý viên, một tu huynh tình nguyện viên, một nhân viên cảnh
sát nhà tù và một linh mục bị tố cáo và sau 8 năm xét xử đã được tuyên bố vô tội
hoàn toàn.
Đồng hành cùng Chúa Kitô trên con đường Thánh Giá, với giọng
khàn khàn của những người sống trong thế giới của các nhà tù, là một cơ hội để
chứng kiến cuộc song đấu phi thường giữa Sự Sống và Cái Chết, và khám phá ra những
điều tốt nhất xen lẫn với những điều xấu. Chiêm ngắm đồi Canvê từ phía sau những
song sắt là tin rằng toàn bộ cuộc sống có thể được quyết định chỉ trong khoảnh
khắc, như đã xảy ra với người trộm lành. Chỉ cần lấp đầy những khoảnh khắc đó bằng
sự thật: ăn năn thống hối về tội lỗi đã phạm, xác tín rằng sự chết không phải
là mãi mãi, tin chắc rằng Chúa Kitô là người vô tội đã bị chế giễu cách bất
công. Mọi sự đều có thể đối với những người tin, bởi vì ngay cả trong bóng tối
của nhà tù vẫn vang lên lời loan báo tràn đầy hy vọng: “Đối với Thiên Chúa
không có gì là không thể được” (Lc 1,37). Nếu có ai đó nắm lấy tay họ, thì cho
dù là người có thể phạm tội khủng khiếp nhất, họ vẫn có thể trở thành người
được hồi sinh bất ngờ nhất. Chắc chắn là ngay cả khi kể về sự ác và đau khổ,
người ta vẫn có thể dành chỗ cho ơn cứu độ khi nhận ra rằng giữa sự ác vẫn có hoạt
động của sự thiện, và dành chỗ cho sự thiện (x. Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế
giới Truyền thông Xã hội năm 2020).
Các bản văn mà cha tuyên úy Marco Pozza và tình nguyện viên
Tatiana Mario đã thu thập lại được chính các nhân chứng viết, nhưng họ quyết định
không ghi tên: người đã tham dự vào bài suy niệm này muốn nói thay cho tất cả
những người trên thế giới đang chia sẻ cùng số phận. Chiều nay, trong sự thinh
lặng của các nhà tù, tiếng nói của một người mong ước trở thành tiếng nói của tất
cả mọi người.
(Nguồn: Vatican News Tiếng Việt)
Lời khởi nguyện
Chúng con hiệp ý với Đức Thánh Cha đi chặng đàng Thánh Giá
này cầu xin Chúa thương đến tất cả những tù nhân trên khắp thế giới. Xin Chúa
thương xót chữa lành nhưng vết thương tâm hồn của họ và cho họ cơ hội để hoán cải
, để làm lại cuộc đời và đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, qua Chúa Giêsu Kitô Con
Chúa, Chúa đã mang lấy các vết thương và thống khổ của nhân loại. Hôm nay con
có can đảm cầu xin Chúa, như người trộm đã hối cải: “Xin nhớ đến con!”
Con ở đây, trước nhan Chúa, trong bóng tối của nhà tù
này, nghèo hèn, trần trụi, đói khổ và bị khinh khi, và con cầu xin Chúa đổ dầu
tha thứ và an ủi trên các vết thương của con, và đổ rượu của tình huynh đệ củng
cố trái tim.
Xin chữa lành con bằng ân sủng của Chúa và xin dạy con biết hy vọng trong thất
vọng. Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, con tin, xin giúp con trong khi con cứng
lòng tin.
Lạy Cha thương xót, xin tiếp tục tin tưởng con, xin ban cho con một cơ hội luôn
mới mẻ, xin ôm lấy con trong tình yêu vô bờ bến của Cha. Với sự trợ giúp của
Cha và ơn của Chúa Thánh Thần, con cũng sẽ có thể nhận ra Cha và phục vụ Cha
trong các anh em của con. Amen.
- Đoàn rước
Thánh Giá tiến đến chặng thứ nhất.
- Hát: Con
đường Chúa đã đi qua
- L.m. Chủ Tế
xông hương trước mỗi chặng
Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình
(Suy niệm của một tù nhân bị kết
án tù chung thân)
Trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23,20-25)
Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng
một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập
giá!” Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm
điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho
đánh đòn rồi thả ra.” Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh
Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội. Ông Philatô quyết định chấp thuận
điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống
ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp
theo ý họ muốn.
Nhiều lần, tại các tòa án và trên báo chí, tiếng la hét đó:
“Đóng đinh nó vào thập giá!” ào ào đổ xuống. Đó là tiếng thét gào mà tôi
đã nghe đổ xuống trên tôi: tôi đã bị kết án chung thân, cùng với cha tôi. Tôi
đã bắt đầu bị đóng đinh từ khi còn là một đứa bé: nếu nghĩ về nó, tôi nhìn thấy
lại cảnh mình cuộn tròn trên chiếc xe buýt đưa tôi đến trường, bị gạt ra ngoài
vì nói lắp, không có mối quan hệ nào. Tôi đã bắt đầu lao động từ khi còn nhỏ,
không được học hành: sự dốt nát đã chiến thắng sự ngây thơ của tôi. Sau đó,
tình trạng bị bắt nạt đã cướp mất những ánh sáng ít ỏi trong thời thơ ấu của đứa
trẻ chào đời ở Calabria vào những năm 1970. Tôi trông giống như tên cướp Baraba
hơn là giống Chúa Kitô, nhưng sự lên án dữ dội nhất vẫn là từ lương tâm của
tôi: ban đêm tôi mở đôi mắt và tìm kiếm trong tuyệt vọng một ánh sáng chiếu
sáng lịch sử đời tôi.
Khi bị nhốt trong phòng giam, tôi đọc lại các trang về cuộc
Thương Khó của Chúa Kitô, tôi òa khóc: sau 29 năm ở tù, tôi vẫn chưa mất đi khả
năng khóc, chưa mất đi khả năng xấu hổ về quá khứ của mình, về điều ác mà tôi
đã phạm. Tôi cảm thấy mình là Baraba, là Phêrô và Giuđa trong cùng một con người
duy nhất của tôi. Quá khứ là điều gì đó mà tôi cảm thấy kinh tởm dẫu biết rằng
đó là lịch sử đời tôi. Tôi đã sống nhiều năm trong nhà tù cực kỳ nghiêm khắc
theo điều luật 41-bis và cha tôi đã chết khi bị giam trong cùng một điều kiện
như tôi. Nhiều lần, vào ban đêm, tôi nghe thấy ông khóc trong phòng giam. Ông
che dấu điều đó nhưng tôi nhận ra nó. Cả hai chúng tôi đều chìm trong bóng tối
cùng tận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh không có sự sống này, tôi luôn tìm kiếm điều
gì đó có thể là sự sống: thật là lạ khi nói điều này, nhưng nhà tù là sự cứu rỗi
của tôi. Nếu đối với ai đó tôi vẫn là Baraba, tôi không tức giận: trong lòng
mình tôi cảm thấy rằng Con Người vô tội đó, bị kết án như tôi, đã đến tìm tôi
trong nhà tù để dạy tôi về sự sống.
Lạy Chúa Giêsu, mặc cho những tiếng gào thét dữ dội làm
chúng con ngoảnh mặt đi,chúng con vẫn thấy Chúa giữa đám đông những người gào
thét muốn Chúa phải bị đóng đinh; và có lẽ chúng con cũng nằm trong số đó,
không ý thức về sự dữ mà chúng con có thể phạm. Từ các phòng giam của chúng con,
chúng con muốn cầu nguyện với Chúa Cha cho những người bị kết án tử hình như
Chúa và cho những người vẫn muốn thay thế quyền xét xử tối cao của Chúa.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, Đấng yêu quý sự sống, trong bí tích hòa giảiChúaluôn
ban cho chúng con cơ hội mới để thưởng nếm lòng thương xót vô bờ của Chúa,
chúng con xin Chúa đổ tràn ơn khôn ngoan cho chúng con để nhìn mỗi người nam,
người nữ như đền thờ của Chúa Thánh Thần và tôn trọng họ trong phẩm giá bất khả
xâm phạm. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chủ sự:
Lạy Chúa, xin thương xót chúng chúng con
CĐ:
Xin Chúa thương xót chúng con
Hát: (Khi di
chuyển đến chặng thứ hai)
Chủ sự Chúng con kính lạy và ngợi khen
Chúa Giêsu Kitô. Đáp: Vì Chúa đã dùng cây Thánh giá Chúa
mà chuộc tội cho Thiên hạ.
Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thánh giá
(Suy niệm của đôi vợ chồng có con
gái bị sát hại)
Trích Tin Mừng theo thánh Marco (15,16-20)
Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong công trường, tức là
dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm
áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng
bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do Thái!” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu
Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo
điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng
đinh vào thập giá.
Vào mùa hè khủng khiếp đó, cuộc sống của người cha người mẹ
như chúng tôi đã chết cùng với cái chết của hai đứa con gái. Một đứa bị sát hại
cùng với người yêu bởi bạo lực mù quáng của một người không có lòng thương xót;
đứa kia, nhờ phép lạ, đã sống sót, nhưng vĩnh viễn không còn nở nụ cười. Cuộc sống
của chúng tôi là một cuộc đời hy sinh, đặt nền tảng trên công việc và gia đình.
Chúng tôi đã dạy các con của mình tôn trọng người khác và giá trị của việc phục
vụ những người nghèo khổ nhất. Chúng tôi thường tự nhủ: “Tại sao sự ác vùi dập
này lại xảy ra với chúng tôi?” Chúng tôi không tìm được bình an. Ngay cả công
lý mà chúng tôi luôn tin tưởng cũng không thể xoa dịu vết thương sâu thẳm nhất:
nỗi đau của chúng tôi sẽ còn mãi cho đến cuối đời.
Thời gian không làm cho gánh nặng của thập giá mà chúng tôi
đã vác trên vai được nhẹ đi: chúng tôi không thể quên người mà bây giờ không
còn nữa. Chúng tôi đã già, luôn là những người thiếu tự vệ nhất, và chúng tôi
là nạn nhân của nỗi đau tồi tệ nhất trên đời: sống sót sau cái chết của con
gái.
Thật khó để diễn tả, nhưng trong thời khắc mà nỗi tuyệt vọng
dường như áp đảo, Chúa đã đến gặp chúng tôi, với những cách thế khác nhau, khi
ban cho chúng tôi ơn yêu thương nhau như vợ chồng, nâng đỡ nhau dù mệt mỏi.
Ngài mời gọi chúng tôi mở cửa nhà mình cho những người yếu đuối nhất, cho người
thất vọng, đón tiếp người đến gõ cửa thậm chí là chỉ xin một bát súp. Làm việc
bác ái, giới răn của chúng ta, đối với chúng tôi là một hình thức cứu độ: chúng
tôi không muốn đầu hàng sự ác. Thật sự là tình yêu Thiên Chúa có khả năng tái
sinh sự sống, bởi vì, trước chúng ta, Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã nếm trải nỗi
đau con người để có thể cảm được lòng cảm thương thực sự.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm thấy rất đau khổ khi nhìn thấy
Chúa bị đánh đập, sỉ nhục và lột trần, nạn nhân vô tội của sự cứng tin vô nhân
đạo. Trong đêm đau khổ này, chúng con dâng lên Chúa Cha những lời cầu xin để
phó thác cho Người tất cả những người gánh chịu bạo lực và tội lỗi.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, là công lý và ơn cứu độ của chúng con, Đấng
ban cho chúng con người Con độc nhất của Chúa khi tôn vinh Ngài trên ngai Thánh
giá, xin đổ tràn tâm hồn chúng con niềm hy vọng của Chúa để nhận ra Chúa hiện
diện trong những giờ phút đen tối của cuộc sống chúng con. Xin an ủi chúng con
trong mọi phiền não và nâng đỡ chúng con trong thử thách, khi chờ đợi Nước Chúa
hiển trị. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
(Suy niệm của một tù nhân)
Trích sách Ngôn sứ Isaia (53,4-6)
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng
ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng
người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị
đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa
trị để chúng ta bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa
lành.Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.
Đó là lần thứ nhất tôi vấp ngã, nhưng lần vấp ngã đó đối với
tôi chính là cái chết: tôi đã cướp đi sự sống của một người. Chỉ cần một ngày
là đủ đi từ một cuộc sống không thể chê trách đến thực hiện một việc làm vi phạm
đến mọi giới răn. Tôi thấy mình là hình ảnh hiện đại của người trộm đã cầu xin
Chúa Kitô: “Xin nhớ đến tôi!”. Còn hơn là thống hối, tôi tưởng tượng anh ta như
một người ý thức mình đi trên con đường sai trái. Tôi nhớ về tuổi thơ của mình
với môi trường lạnh lẽo và thù oán nơi tôi lớn lên: chỉ cần tìm thấy sự mỏng
manh yếu đuối của người khác là đủ để biến nó thành trò chơi giải trí. Tôi đã
tìm những người bạn chân thành, tôi đã muốn được chấp nhận như tôi là, nhưng
không thành công. Tôi đau khổ vì hạnh phúc của người khác, tôi cảm thấy những
cây gậy thọc giữa bánh xe, họ chỉ yêu cầu tôi hy sinh và tuân giữ các quy tắc:
tôi cảm thấy mình là người lạ đối với tất cả và tôi đã cố gắng trả thù bằng mọi
giá.
Tôi đã không nhận thấy rằng sự ác từ từ lớn lên trong tâm hồn
tôi. Cho đến một buổi chiều, giờ đen tối của tôi đã đến: trong một khoảnh khắc,
như một trận tuyết lở, tôi nhớ lại tất cả những bất công mà tôi đã phải chịu
trong cuộc sống. Sự giận dữ đã giết chết sự dịu dàng, tôi đã phạm một tội ác lớn
hơn rất nhiều tất cả những gì tôi đã nhận được. Sau đó, trong nhà tù, sự lăng mạ
của những người khác đã trở thành điều sỉ nhục đối với chính tôi: chỉ cần một
chút xíu nữa là tôi kết thúc cuộc đời, tôi không thể chịu nỗi nữa. Tôi cũng đã
đưa cả gia đình tôi đến bờ vực thẳm: vì tôi, họ mất tiếng tăm, danh dự, họ trở
thành gia đình của tên sát nhân. Tôi không tìm cách bào chữa hay xin giảm tội,
tôi sẽ hoàn thành án của tôi cho đến ngày cuối cùng bởi vì ở trong tù tôi đã
tìm thấy những người giúp tôi khôi phục lại niềm tin đã bị mất.
Việc không nghĩ rằng trên thế gian tồn tại điều tốt chính là
sự vấp ngã đầu tiên của tôi. Vấp ngã thứ hai, tội giết người, hầu như là hậu quả:
tôi đã chết từ trong tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu, cả Chúa cũng đã chết trên thế gian. Lần đầu
tiên có lẽ là lần khó khăn nhất bởi vì tất cả đều mới mẻ: cú đánh quá mạnh và
hoang mang bối rối chế ngự. Chúng con phó thác cho Chúa Cha những người đang
đóng mình với những lý luận riêng của họ và không thể nhận ra những tội lỗi đã
phạm.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, Chúa đã nâng con người vấp ngã đứng lên,
chúng con cầu xin Chúa: xin đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng con và ban cho
chúng con đôi mắt để chiêm ngắm những dấu chỉ của tình yêu Chúa được gieo vãi
trong cuộc sống hàng ngày của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa
chúng con.
Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ
(Suy niệm của một người mẹ có con bị tù)
Trích Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 19, 25-27)
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu,
bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ
mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây
là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó,
người môn đệ rước bà về nhà mình.
Với việc con trai bị kết án, tôi không có một chút mảy may
cám dỗ từ bỏ con mình. Vào ngày con tôi bị bắt, tất cả cuộc sống chúng tôi đã
thay đổi: cả gia đình vào tù cùng con. Ngay cả hôm nay, sự phán xét của mọi người
vẫn không dịu lại, đó là một lưỡi dao sắc: những ngón tay chỉ thẳng vào tất cả
chúng tôi làm đè nặng thêm những đau khổ mà chúng tôi đã mang trong tâm hồn. Các
vết thương lớn dần theo từng ngày, thậm chí lấy đi hơi thở của chúng tôi.
Tôi cảm thấy sự gần gũi của Đức Mẹ: Mẹ giúp tôi không bị đè
bẹp bởi tuyệt vọng, Mẹ giúp tôi chịu đựng những điều xấu. Tôi trao phó con trai
cho Mẹ: chỉ với Mẹ Maria tôi mới có thể thổ lộ nỗi sợ hãi của tôi, tôi đã thấy
chính Mẹ đã trải nghiệm những đau khổ này trong lúc Mẹ đi lên núi Sọ. Trong
thâm tâm, Mẹ biết Con Mẹ sẽ không thoát khỏi sự xấu xa của con người, nhưng Mẹ
không từ bỏ Con Mẹ. Mẹ ở đó, chia sẻ nỗi đau, đồng hành với Chúa Giêsu bằng sự
hiện diện. Tôi tưởng tượng khi đó Chúa Giêsu ngước nhìn lên, bắt gặp đôi mắt đầy
tình yêu của Mẹ và không bao giờ cảm thấy cô đơn.
Tôi cũng muốn làm như vậy.
Tôi xin nhận lỗi cho con tôi, tôi cũng xin tha thứ cho trách
nhiệm của tôi. Tôi khẩn nài lòng thương xót trên tôi, điều mà chỉ một người mẹ
mới có thể cảm nhận được, để con trai tôi có thể trở lại cuộc sống bình thường
sau khi mãn hạn tù. Tôi tiếp tục cầu nguyện cho con trai tôi để ngày qua ngày,
con tôi có thể trở thành một người khác, một lần nữa có khả năng yêu thương
chính mình và người khác.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ với Mẹ Chúa, trên đường Thánh
giá, có lẽ là cảm động và đau đớn nhất. Giữa cái nhìn của Mẹ và của Chúa, chúng
con xin đặt tất cả người thân trong gia đình và bạn bè, những người cảm thấy
xót xa và bất lực trước số phận của những người thân yêu.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội, người môn đệ
trung tín của Con Mẹ, chúng con hướng về Mẹ, để phó thác nơi Mẹ ánh mắt ân cần
và sự chăm sóc mẫu tử của Mẹ, để phó thác nơi Mẹ tiếng kêu của nhân loại đang
rên rỉ và đau khổ chờ mong ngày nước mắt trên từng khuôn mặt sẽ được lau khô.
Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ V: Ông Simôn vác Thánh Giá đỡ Chúa Giêsu
(Suy niệm của một tù nhân )
Trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23,26)
Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là
Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu.
Với nghề của tôi, tôi đã giúp các thế hệ trẻ em sống ngay thẳng.
Rồi một hôm, tôi đã sa ngã. Như thể người ta đã đánh gẫy lưng của
tôi: việc làm của tôi khiến tôi bị lên án nhục nhã. Tôi bị vào tù: ngục tù đã
vào tận nhà tôi. Từ đó tôi trở thành một người đi hoang trong thành phố: tôi đã
mất tên, họ gọi tôi với tội danh mà công lý đã buộc tội tôi. Tôi không còn là người
chủ cuộc đời mình nữa. Khi tôi nghĩ đến hình ảnh đứa trẻ với đôi giày
bị rách, đôi chân bị ướt, quần áo cũ kỷ: đó chính là tôi, có một
thời tôi là đứa trẻ như thế. Rồi một ngày, ngày tôi bị bắt giam: ba người
đàn ông mặc đồng phục, một thể thức cứng rắn và nhà tù nuốt chửng tôi vào trong
bức tường.
Thập giá họ đặt trên vai tôi thật nặng. Với thời gian, tôi
đã học cách sống chung với nó, nhìn trực tiếp vào thập giá và đặt tên cho nó:
tôi và nó trải qua nhiều đêm trọn đồng hành với nhau. Trong các nhà tù, tất cả
đều biết Simon xứ Kyrênê: đó là tên chỉ những người thiện nguyện, của người leo
lên đồi Canvê này để giúp vác đỡ thập giá; đó là những người khước từ luật lệ
băng đảng để lắng nghe lương tâm. Rồi Simon xứ Kyrênê là người ở cùng phòng
giam với tôi: tôi đã biết ông trong đêm đầu tiên ở nhà tù. Đó là một người đã từng
sống nhiều năm trên một băng ghế, chẳng được tình thương cũng chẳng có lợi tức.
Của cải duy nhất của ông bấy giờ là hộp bánh ngọt. Ông vốn là người thích ăn đồ
ngọt, nhưng vẫn nài nỉ để tôi mang hộp bánh ngọt ấy cho vợ tôi lần đầu tiên khi
cô ấy đến thăm tôi: cô ấy đã bật khóc vì cử chỉ bất ngờ rất ân cần như thế.
Tôi đang già đi trong tù: tôi mơ ước trở về một ngày mà tôi
có thể tin tưởng vào con người. Trở thành một người Kyrênê mang lại niềm vui
cho một ai đó.
Lạy Chúa Giêsu, từ lúc Chúa được sinh ra cho đến khi gặp một
người không quen biết giúp Chúa vác đỡ Thánh Giá, Chúa đã muốn cần sự giúp đỡ của
chúng con. Như người Kyrênê, chúng con cũng muốn trở thành người thân cận của
anh chị em chúng con và cộng tác với lòng thương xót Chúa Cha để làm nhẹ bớt
ách sự dữ đang đè nặng trên anh chị em chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, Đấng bảo vệ những người nghèo và là Đấng an ủi
những người khốn cùng, cùng với sự hiện diện của Chúa, xin ban sức mạnh cho
chúng con và xin giúp chúng con mỗi ngày mang lấy ách ngọt ngào của giới răn
yêu thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ VI: Bà Vêronica lau mặt Chúa Giêsu
(Suy niệm của một giáo lý viên của giáo xứ)
Trích Thánh vịnh (Tv 27, 8-9)
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con.Xin
chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con”.
Là một giáo lý viên, tôi đã lau khô biết bao nước mắt tuôn
trào. Những dòng nước mắt không thể ngăn lại từ những con tim đã bị tan vỡ. Rất
nhiều lần tôi đã gặp những con người tuyệt vọng, mà trong bóng tối của nhà tù,
họ tìm lý do cho sự ác dường như vô tận của họ. Những giọt nước mắt này có vị của
thất bại và cô đơn, của hối hận và thiếu cảm thông. Tôi thường tưởng tượng nếu
Chúa Giêsu ở vị trí của tôi nơi nhà tù thì Chúa sẽ lau những dòng nước mắt đó
như thế nào? Chúa sẽ xoa dịu nỗi buồn phiền cho các tù nhân này như thế
nào, những người không tìm được một lối thoát cho điều khiến họ phải đầu hàng
trước sự ác?
Tìm một câu trả lời là một bài tập khó khăn, thường không thể
hiểu được đối với lý luận nhỏ bé và giới hạn của chúng tôi. Con đường Chúa gợi
ý cho tôi là không sợ hãi khi chiêm ngắm những khuôn mặt bị biến dạng do đau khổ.
Tôi được mời gọi ở lại đó, bên cạnh, tôn trọng sự thinh lặng của họ, lắng nghe
nỗi đau, và cố gắng có cái nhìn vượt lên định kiến, như Chúa Giêsu nhìn sự mỏng
manh yếu đuối và giới hạn của chúng ta bằng đôi mắt đầy yêu thương. Mỗi người,
ngay cả với các tù nhân, mỗi ngày có cơ hội để trở thành những con người mới nhờ
những cái nhìn không xét đoán, nhưng mang lại sự sống và niềm hy vọng.
Và bằng cách này những giọt nước mắt rơi xuống có thể trở
nên hạt mầm của một vẻ đẹp, là điều thật khó tưởng tượng.
Lạy Chúa Giêsu, bà Vêrônica đã tỏ lòng trắc ẩn với Chúa. Bà
đã gặp một người đau khổ và đã phát hiện ra khuôn mặt Chúa. Chúng con xin phó thác
những người nam và nữ của thời đại chúng con cho Chúa Cha, để họ tiếp tục lau
khô những giọt nước mắt cho anh chị em chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Chúa là ánh sáng và suối nguồn ánh sáng, trong sự yếu đuối
Chúa biểu lộ quyền năng và tình yêu vĩ đại, xin khắc ghi vào tâm hồn chúng con
khuôn mặt Chúa, để chúng con biết nhận ra Chúa trong những đau khổ của nhân loại.
Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ VII: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
(Suy niệm của một tù nhân)
Trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23, 34)
Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì
họ không biết việc họ làm. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
Trước đây, mỗi khi đi ngang qua một nhà tù, tôi thường ngoảnh
mặt ngó sang nơi khác và thầm nhủ: “Mình sẽ không bao giờ kết thúc ở trong đó”.
Có những lần tôi đã nhìn nhà tù, thở dài sầu muộn và cảm thấy tối tăm. Khi đi
ngang qua nhà tù tôi cảm thấy như đang đi qua một nghĩa trang của những người sống
đã chết. Rồi một ngày, tôi đã kết thúc cuộc đời đằng sau song sắt cùng với em
trai. Và dường như điều đó là chưa đủ, tôi đã đưa cả cha mẹ tôi vào trong đó. Từ
một lãnh địa xa lạ, nhà tù trở thành nhà của chúng tôi: những người đàn ông
trong một phòng giam, và mẹ chúng tôi trong một phòng giam khác. Tôi nhìn cha mẹ,
cảm thấy xấu hổ: tôi không muốn được gọi là một người đàn ông. Cha mẹ tôi đã
già đi trong tù vì tội của tôi.
Tôi đã ngã xuống đất hai lần. Lần đầu tiên khi cái xấu quyến
rũ tôi và tôi đã chịu thua: Tôi buôn ma túy, trong mắt tôi hoạt động này đáng
giá hơn công việc của cha tôi, phải nai lưng làm việc 10 tiếng một ngày. Lần
ngã thứ hai xảy ra khi tôi phá sạt nghiệp gia đình, tôi bắt đầu tự hỏi: “Tôi là
ai tại sao Đức Kitô chết vì tôi?” Tiếng kêu của Chúa Giêsu “Lạy Cha, xin tha
cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Tôi đọc được điều này trong đôi mắt mẹ
tôi: bà đã mặc lấy sự xấu hổ của mọi người trong nhà để cứu gia đình. Và bà
mang lấy khuôn mặt của cha tôi, người tự thẳm sâu đã tuyệt vọng trong phòng
giam. Chỉ hôm nay tôi mới có thể thừa nhận điều này: trong những năm đó tôi
không biết mình đã làm gì. Giờ đây tôi biết điều đó, với sự trợ giúp của Chúa,
tôi đang cố gắng xây dựng lại cuộc đời. Tôi mắc nợ cha mẹ tôi: nhiều năm trước
họ đã phải bán đấu giá những thứ thân thương nhất của chúng tôi, bởi vì họ
không muốn tôi phải sống trên đường phố. Trên hết, tôi mắc nợ chính tôi về ý
nghĩ để cho cái ác tiếp tục điều khiển cuộc sống của tôi. Điều này đã trở thành
đàng thánh giá của tôi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa lại ngã xuống đất một lần nữa, Chúa bị
đè nặng do bởi việc quyến luyến cái xấu của con, do nỗi sợ hãi không thể trở
thành người tốt hơn. Với đức tin, chúng con hướng về Cha và chúng con cầu nguyện
cho tất cả những ai vẫn chưa biết cách thoát khỏi quyền lực của Satan, khỏi tất
cả sức cuốn hút từ việc làm của Satan và hàng ngàn hình thức quyến rũ của nó.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa không để chúng con trong đêm tối và bóng tối
của sự chết, xin nâng đỡ sự yếu đuối của chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi
xiềng xích của điều ác và che chở chúng con bằng khiên sức mạnh của chúa, để
chúng con có thể hát ca lòng thương xót Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ
Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ VIII: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem
(Suy niệm của cô gái có cha bị kết án chung thân)
Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23,27-30)
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ
vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi
chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho
phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói:
‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’ Bấy
giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: ‘Đổ xuống chúng tôi đi!’, và với gò nổng:
‘Phủ lấp chúng tôi đi!’.
Là con gái của một tù nhân, nhiều lần tôi thấy mình hay được
hỏi: “Bạn rất quý cha mình, nhưng có khi nào bạn nghĩ đến nỗi đau mà cha bạn
gây ra cho các nạn nhân không?” Và những năm tháng qua, tôi chưa bao giờ tránh
né trả lời rằng: “Có chứ, làm sao tôi không nghĩ về điều đó được.” Nhưng tôi
cũng hỏi họ rằng: “Có khi nào bạn nghĩ rằng tôi là nạn nhân đầu tiên sau tất cả
những gì cha tôi đã làm không? Suốt hai mươi tám năm qua, tôi đã phải chịu đựng
bản án ấy, lớn lên mà không có cha bên cạnh.” Suốt những năm qua, tôi đã sống
trong giận dữ, khắc khoải và u sầu. Tôi đi khắp các vùng của nước Ý, từ Bắc tới
Nam để ở cùng ông ấy. Tôi biết đến các thành phố, không phải vì những danh lam
thắng cảnh, mà vì những nhà tù tôi đã viếng thăm. Tôi giống như chàng
Telemachus đi tìm Ulysses cha mình: những chuyến đi của tôi là hành trình xuyên
nước Ý với những nhà tù và những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Cách đây đã lâu, tôi mất đi người mình yêu chỉ vì tôi là con
gái của một tù nhân, mẹ tôi bị mắc bệnh trầm cảm, và gia đình tôi sụp đổ. Còn
tôi, với đồng lương ít ỏi của mình, tôi vẫn còn chịu được sức nặng của tất cả
chuyện này. Cuộc sống đã ép tôi trở thành một người phụ nữ mà không cho tôi thời
gian và cơ hội để sống là một đứa trẻ.
Việc cha tôi bị kết án chung thân thực sự là một đàng thánh
giá nơi gia đình tôi. Ngày tôi kết hôn, tôi đã ước rằng ông ấy sẽ ở bên tôi, rồi
thậm chí chỉ cần ông nghĩ về tôi dù cách xa nhau đến hàng trăm cây số. “Nhưng
cuộc sống là thế!” Tôi thường lặp lại điều ấy để có thêm can đảm. Có một sự thật
rằng: vì yêu thương, cha mẹ là những người học chờ đợi những đứa trẻ của mình
khôn lớn trưởng thành. Còn tôi, vì yêu thương, tôi chờ đợi cha tôi trở về.
Đối với những người như chúng tôi, hy vọng là điều cần phải
có.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm thấy lời mà Chúa dành cho những
phụ nữ thành Giêrusalem là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng con. Lời ấy mời gọi
chúng con hoán cải, đi từ thứ tôn giáo cảm xúc để đi đến một đức tin bám rễ sâu
trong Lời của Chúa. Chúng con cầu nguyện cho những ai bị buộc phải mang những
gánh nặng vì xấu hổ, phải mang lấy những đau khổ vì bị bỏ rơi, phải mang lấy những
trống rỗng vì thiếu vắng tình thân. Và với mỗi người chúng con, xin đừng để tội
lỗi của những người cha đổ xuống trên con cái của họ.
Chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa là Cha nhân hậu, Cha không bỏ rơi con cái Cha trong
những thử thách gian nan của cuộc đời, xin ban cho chúng con ân sủng để có thể
nghỉ yên trong tình yêu của Cha và luôn tận hưởng sự an ủi vì có Cha ở cùng.
Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen
Chặng thứ IX: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba (Suy niệm của một tù nhân)
Bài trích sách Ai-ca (Ac 3, 27-32)
Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ.
Khi chính Chúa bắt nó phải mang, nó hãy cứ ngồi im lặng một mình, cứ đặt
miệng nó trong bụi đất may ra còn chút hy vọng nào chăng – nó cứ đưa má
cho kẻ tát, chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ. Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ
rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả.
Ngã xuống đất chưa khi nào là điều dễ chịu: ngã hết lần này
đến lần khác, chẳng những không đẹp đẽ chút nào, mà còn trở thành điều khiến
người ta bàn tán và lên án, như thể người ấy không còn có thể đứng lên được nữa.
Là nam nhi, khi bị gục ngã dù quá nhiều lần, tôi cũng đứng lên bấy nhiêu lần.
Trong tù, tôi thường nghĩ đến việc một đứa trẻ phải ngã xuống đất rất nhiều lần
trước khi biết đi: tôi tin rằng chúng ta đều trải qua những điều ấy, và khi ta
ngã cũng là lúc ta lớn khôn. Khi còn nhỏ, tôi sống trong gia đình như sống
trong một nhà tù: tôi đã sống trong những thống khổ vì bị đánh đập, xen lẫn nơi
tôi là nỗi u uốt của một người lớn và cái vô tư của một đứa trẻ. Trong những
năm tháng ấy, tôi nhớ đến chị Gabriella, hình ảnh duy nhất khiến tôi thấy chút
an ủi: chị là người duy nhất thấy được những điều tốt nhất nơi những điều tồi tệ
nhất của tôi. Như Phêrô, tôi đã đi tìm và tôi đã tìm thấy hàng ngàn lời bào chữa
cho những sai lầm của mình: và một điều kỳ lạ là một chút sự thiện vẫn còn lại
đâu đó trong tôi.
Lúc trong tù, tôi đã trở thành ông ngoại. Nếu một ngày kia
tôi có thể nói với cháu mình, tôi sẽ không kể về những điều xấu xa tôi đã phạm,
nhưng chỉ nói về những điều thiện mà tôi đã tìm thấy. Tôi sẽ kể cho con bé nghe
ai đã giúp tôi đứng dậy, ai đã mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến với tôi,
và những điều ấy xảy ra khi nào. Trong tù, điều tuyệt vọng thực sự chính là cảm
thấy cuộc đời mình sống không còn ý nghĩa gì nữa: đó chính là điều đau khổ nhất,
điều khiến người ta trở nên người cô đơn hơn tất cả những ai cô đơn trên thế giới
này. Đúng là cuộc đời tôi đã trải qua hàng ngàn những vỡ vụn, nhưng điều tuyệt
vời là những mảnh vụn ấy vẫn có thể được ráp nối lại. Đó chẳng phải là điều dễ
dàng, nhưng đó là điều duy nhất vẫn còn ý nghĩa ở đây.
Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa ngã xuống đất lần thứ ba, mọi người
nghĩ rằng ‘mọi chuyện thế là kết thúc,’ nhưng một lần nữa, Chúa lại đứng lên.
Cùng với Chúa, chúng con xin tín thác cuộc đời của chúng con nơi đôi tay của
Chúa Cha, và trao phó nơi Người tất cả những ai đang bị giam hãm trong những vực
thẳm sai lầm của mình, để họ có sức mạnh đứng dậy và can đảm để chính mình được
giúp đỡ.
Chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa là thành lũy của những ai hy vọng nơi Chúa, Đấng
ban cho những ai bước theo lời dạy bảo của Chúa được sống trong bình an, xin
nâng đỡ những bước chân đầy sợ hãi của chúng con, xin nâng chúng con dậy khỏi
những sa ngã của sự bất tín bất trung, xin đổ dầu an ủi và rượu hy vọng trên những
vết thương của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột áo
(Suy niệm của một nhân viên giáo dục trong trại tù)
Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 19,23-24)
Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy
áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài
nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy
họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời
Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm
luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.
Là một nhân viên giáo dục trong trại, tôi thấy một khi bước
vào tù, người ta bị tước bỏ mọi sự: người ấy bị tước hết nhân phẩm vì những lỗi
lầm mình đã phạm, mất lòng tự trọng cũng như sự tôn trọng của người khác. Mỗi
ngày, tôi thấy sự tự chủ của người ấy mất dần sau những song sắt: người ấy cần
đến tôi, cũng là để nhờ viết một bức thư. Những thụ tạo bị giam giữ ấy được
trao phó cho tôi: những con người bất lực, tức giận trong sự mong manh của
mình, và cũng thường bị tước đi những gì cần thiết để hiểu những tội ác mình đã
phạm. Nhưng nhiều khi, họ giống như những em bé mới sinh, vẫn còn có thể được định
hình lại. Tôi nhận thấy rằng cuộc sống của họ có thể bắt đầu lại theo một hướng
khác, dứt khoát quay lưng lại với cái ác.
Nhưng sức mạnh của tôi đang yếu dần từng ngày. Là một cái phễu
của những giận dữ, sầu buồn và cay đắng thì rốt cục cũng sẽ bị bào mòn tất cả,
ngay cả những người đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi chọn công việc này sau khi
mẹ của tôi bị giết hại trong một tai nạn do một cậu bé trong cơn thèm ma túy
gây ra: Tôi quyết định ngay lập tức đáp trả điều ác đó bằng điều lành. Dù yêu
công việc này, nhưng nhiều khi tôi cũng phải chiến đấu để tìm thấy sức mạnh
giúp mình tiến bước. Trong công việc phục vụ tế nhị này, chúng tôi cần phải
luôn cảm thấy rằng mình không bị bỏ rơi, để có thể nâng đỡ rất nhiều anh chị em
được giao phó cho chúng tôi và đang có nguy cơ chìm xuống mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, khi chiêm ngắm Chúa bị lột áo ra hết, chúng
con cảm thấy xấu hổ và thẹn thùng. Khi đối diện với sự thật trần trụi, chúng
con bắt đầu trốn chạy. Chúng con ẩn mình sau những chiếc mặt nạ đáng kính và
thêu dệt cho mình những bộ quần áo dối trá, thường làm bằng miếng cơm manh áo của
người nghèo, nhưng lại bị tước đoạt chỉ vì sự thèm khát tiền bạc và quyền lực của
chúng con. Xin Chúa Cha thương xót chúng con, và nhẫn nại giúp chúng con trở
nên những người sống bình dị hơn, trong sáng hơn, và chân thật hơn, để chúng
con có thể từ bỏ mọi thứ vũ khí của sự giả hình.
Chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng ta bằng sự thật của Chúa, xin
chiếu soi ánh sáng của Chúa trên chúng con để chúng con phản chiếu vinh quang của
Chúa trong thế giới này. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ XI: Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá
(Suy niệm của một linh mục bị kết án và sau đó được tuyên bố
vô tội)
Tin mừng theo thánh Luca (Lc 23, 33-43)
Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá,
cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu
nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy
áo của Người chia ra mà bắt thăm. Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh
thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật
hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng
cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu
ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có
bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.” Một trong hai tên gian phi bị treo
trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao?
Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang
chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng
ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có
làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su:
“Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến
tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với
tôi trên Thiên Đàng.”
Chúa Kitô bị đóng đinh vào Thánh giá. Trong đời linh mục của
mình, tôi đã nhiều lần suy niệm đoạn Tin Mừng này. Rồi một ngày kia, người ta đặt
tôi lên thánh giá, tôi cảm thấy tất cả sức nặng của cây gỗ ấy: lời buộc tội là
những từ ngữ cứng như đinh, đường lên dốc thì cheo leo, nỗi đau đớn thì thấm
vào từng làn da thớ thịt. Khoảnh khắc đen tối nhất là khi tôi nhìn thấy tên
mình bị treo bên ngoài phòng xử án: lúc ấy, tôi hiểu rằng mình buộc phải chứng
minh sự vô tội của mình, rằng tôi không phải là thủ phạm. Tôi bị treo trên cây
thập giá ấy ròng rã suốt mười năm: đó là đường thập giá của tôi với những tập
tài liệu, những hoài nghi, những cáo buộc và lăng mạ. Mỗi lần đứng trước các
tòa án, tôi thường tìm Đấng bị treo trên Thánh giá: tôi nhìn chằm chằm vào đó
khi những người làm luật điều tra câu chuyện của tôi.
Lần kia, sự xấu hổ đã khiến tôi nghĩ rằng tốt nhất là kết
thúc điều này. Nhưng rồi tôi quyết định: mình vẫn là linh mục như mình vẫn luôn
là như thế. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cắt ngắn cây thánh giá, ngay cả khi
luật pháp cho phép tôi làm điều ấy. Tôi đã chọn nếm trải những phán xét thông
thường: tôi nợ chính mình, nợ những chàng trai mà tôi đã huấn luyện nhiều năm
trong chủng viện và nợ gia đình của họ. Khi leo lên đồi Calve của chính mình,
tôi đã thấy tất cả những con người ấy: họ trở thành những bạn đồng hành của
tôi, họ chịu đựng sức nặng của cây thánh giá với tôi, họ giúp lau khô những giọt
nước mắt của tôi. Cùng với tôi, nhiều người trong số họ đã cầu nguyện cho cậu
bé đã buộc tội tôi: chúng tôi sẽ không bao giờ ngưng làm điều ấy. Ngày tôi được
tuyên trắng án với công thức đầy đủ, tôi khám phá ra rằng tôi hạnh phúc hơn so
với mười năm trước: tôi đã cảm nhận rõ ràng hành động của Thiên Chúa trong cuộc
đời mình. Bị treo trên thập giá, chức tư tế thừa tác của tôi đã được chiếu tỏ.
Lạy Chúa Giêsu, tình Chúa yêu chúng con đến nỗi khiến Chúa bị
treo trên Thánh Giá. Chúa đang hấp hối, nhưng Chúa không mỏi mệt tha thứ và
trao ban sự sống. Chúng con xin trao vào tay Cha những người con vô tội của Cha
đã phải chịu những án phạt bất công trong suốt dòng lịch sử. Ước gì Lời Chúa
vang vọng trong con tim của họ: “hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch thương xót và tha thứ, xin Chúa
tỏ mình giữa những đau khổ của nhân loại, xin soi sáng chúng con bằng ân sủng
tuôn tràn từ vết thương của Đấng đã bị đóng đinh và xin cho chúng con kiên trì
trong đức tin giữa những đêm tối của thử thách. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô
Chúa chúng con. Amen
Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá
(Suy niệm của một nhân viên giám sát nhà tù)
Tin mừng theo thánh Luca (Lc 23, 44-46).
Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt
đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền
Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng : “Lạy Cha, con xin phó thác
hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở.
Là một nhân viên giám sát nhà tù, tôi không thể đóng đinh một
người, bất kỳ người nào, vào bản án của họ: như thế là kết án họ thêm một lần nữa.
Họ phải đền trả cho tội ác họ đã gây ra: nếu không làm thế thì có nghĩa là coi
nhẹ tội ác của họ và biện minh cho những hành động không thể khoan dung mà họ
đã gây ra khiến người khác phải đau khổ cả về thể xác và đạo đức.
Tuy nhiên, công lý thực sự chỉ có thể đạt được nhờ lòng
thương xót, không đóng đinh vĩnh viễn một con người vào thập giá, nhưng trở
thành một sự hướng dẫn để giúp người ấy đứng dậy, dạy cho họ biết nắm lấy điều
lành, là thứ không bao giờ hoàn toàn tắt nơi trái tim họ mặc cho điều ác họ đã
phạm. Chỉ khi tìm lại nhân tính của mình, người bị kết án mới có thể nhận ra
mình nơi người khác, nơi nạn nhân mà họ đã gây ra đau khổ. Hành trình tái sinh
này có thể quanh co và có nguy cơ ngã lại vào điều ác vẫn luôn rình chờ; không
có con đường nào khác để họ xây dựng lại một lịch sử cá nhân và cộng đồng.
Sự cứng rắn của bản án đặt hy vọng của một người vào thử
thách khó khăn: giúp họ suy ngẫm và tự hỏi liệu những lý do cho hành động của họ
có thể trở thành một cơ hội để nhìn lại bản thân từ một góc nhìn khác chăng.
Tuy nhiên, để làm điều này, họ cần phải học nhận ra con người ẩn đằng sau tội lỗi
mà mình gây ra. Trong quá trình này, đôi khi thoáng thấy một chân trời có thể
gieo hy vọng cho người bị kết án, và một khi bản án đã được thi hành, họ trở lại
xã hội và hy vọng rằng họ sẽ được mọi người chào đón trở lại sau một thời gian
bị khước từ.
Bởi vì, kể cả những người bị kết án, tất cả đều là con cái của
cùng nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã chết vì một bản án bại
hoại, được tuyên bố bởi các thẩm phán bất công và bị kinh tởm bởi sức mạnh
không thể chối bỏ của Chân lý. Chúng con xin phó dâng các quan toà, thẩm phán
và luật sư cho Chúa Cha, để họ được chính trực khi thực thi việc phục vụ của họ
vì dân vì nước, đặc biệt vì những người đau khổ trong hoàn cảnh túng nghèo.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, là vua của công lý và hòa bình, Ngài đã nghe
tiếng kêu của Con Chúa nơi tiếng kêu của toàn thể nhân loại. Xin dạy chúng con
đừng định danh một người bằng tội lỗi họ đã phạm và giúp chúng con nhìn thấy
nơi mỗi người ngọn lửa sống động của Thánh Thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô
Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ XIII: Đức Giêsu được hạ xác xuống
(Suy niệm của một thầy tình nguyện viên)
Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23, 50-53)
Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng,
một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động
của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người
Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn
Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà
liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao
giờ.
Những người tù luôn là những thầy dạy của tôi. Trong sáu
năm, tôi đã đến các nhà tù với tư cách là một tu sĩ tình nguyện và tôi luôn tạ
ơn về ngày đầu tiên, lúc tôi gặp thế giới khuất này. Nhìn vào khuôn mặt họ, tôi
nhận ra một cách rõ ràng rằng nếu tôi ở vị trí của họ, cuộc sống của tôi có thể
đã đi theo một hướng khác. Kitô hữu chúng ta thường rơi vào ảo tưởng nghĩ rằng
chúng ta tốt hơn những người khác, như thể sự quan tâm của chúng ta đối với người
nghèo cho phép chúng ta đứng lên làm thẩm phán trên người khác, lên án họ bao
nhiêu lần chúng ta muốn mà không một lời kháng cáo nào.
Trong cuộc đời của Ngài, Chúa Kitô đã chọn và muốn ở cùng với
những người rốt cùng: Ngài đi đến những vùng biên bị lãng quên của thế giới,
nơi những kẻ trộm, người phong cùi, những cô gái điếm, những kẻ tội đồ. Ngài đã
muốn chia sẻ nỗi khốn cùng, cô đơn và bất an. Tôi luôn nghĩ rằng đây thật đúng
nghĩa với những lời của Ngài: “Ta ngồi tù, các ngươi đã đến viếng thăm” (Mt
25,36).
Khi bước qua từ nhà tù này đến nhà tù khác, tôi nhìn thấy
cái chết ở đó. Nhà tù tiếp tục chôn những người đang sống: những câu chuyện đời
họ chẳng ai muốn nghe. Đức Kitô mỗi lần lặp lại với tôi: “Hãy tiếp tục, đừng dừng
lại. Hãy nắm lấy họ bằng đôi tay của con.” Tôi không thể không nghe Ngài nói:
ngay cả nơi những người tồi tệ nhất cũng luôn có Ngài ở đó, chỉ có điều ký ức về
Ngài bị che mờ. Tôi chỉ cần dừng lại sự tất bật của mình, dừng lại trong thinh
lặng trước những khuôn mặt bị sự ác tàn phá và lắng nghe họ với lòng thương
xót. Đây là cách duy nhất tôi biết để đón nhận họ, và tránh đi ánh mắt nhìn vào
những lỗi lầm mà họ đã gây ra. Chỉ bằng cách này, người ta mới có thể tin cậy
và tìm lại sức mạnh để phó mình cho sự tốt lành của Thiên Chúa, và nhận ra mình
theo một cách khác.
Lạy Chúa Giêsu, thân thể Chúa bị biến dạng bởi quá nhiều tội
ác, giờ đây được quấn vải và trao lại cho lòng đất: đây là sự tạo thành mới.
Chúng con dâng Giáo hội vào tay Chúa Cha, một Giáo hội được sinh ra từ cạnh sườn
bị đâm thâu của Chúa, để Giáo hội không bao giờ đầu hàng trước thất bại và vẻ bề
ngoài, nhưng tiếp tục đi ra loan tin vui cứu rỗi cho tất cả mọi người.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, là khởi nguyên và cùng đích của mọi sự, nhờ
sự Vượt Qua của Đức Kitô, Ngài đã cứu toàn thể nhân loại, xin cho chúng con sự
khôn ngoan của Thập giá để có thể trao mình cho ý Chúa, với một tâm hồn tươi
vui và biết ơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ XIV: Đức Giêsu được chôn táng trong mộ
(Suy niệm của một sĩ quan cảnh sát nhà tù)
Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23,54-56).
Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng. Cùng đi với
ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý
nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị
dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.
Trong sứ mạng của một Cảnh sát nhà tù, mỗi ngày tôi đụng chạm
đến nỗi đau của những người sống cảnh tù tội. Thật không dễ đối diện với người
bị sự dữ điều khiển và đã gây ra đau khổ tột cùng cho tha nhân, ngang qua đó
làm cho đời sống của họ thêm khó khăn. Trong nhà tù, sự vô tâm gây ra những tổn
thương sâu xa cho những ai đã phạm tội và đang phải trả cái giá của công lý. Một
đồng nghiệp, và là thầy của tôi, thường nói rằng: “Nhà tù sẽ biến đổi anh: một
người tốt lành có thể trở nên cộc cằn; một người xấu có thể trở nên lương thiện”.
Kết quả phụ thuộc vào tôi và “cắn răng chịu đựng” là điều thiết yếu để đạt đến
mục tiêu công việc của tôi, là mở ra một cơ hội nữa cho những ai nghiêng chiều
về sự dữ. Để làm được điều này, tôi không thể giới hạn mình vào việc đóng và mở
cửa nhà tù mà không cảm thấy nỗi đau của kiếp người.
Trân trọng những khoảnh khắc đời người, tình liên đới tha
nhân có thể dần dần nảy sinh ngay cả trong thế giới đau khổ này. Tất cả có thể
được thể hiện ngang qua những cử chỉ, mối quan tâm và ngôn từ có khả năng biến
đổi, ngay cả khi chúng được cất lên cách lặng lẽ. Tôi không cảm thấy xấu hổ khi
thi hành sứ mạng này ngang qua việc khoác lên mình bộ đồng phục mà tôi luôn tự
hào. Tôi cảm nhận được sự đau khổ và tuyện vọng, vì tôi đã có kinh nghiệp ấy từ
thuở nhỏ. Ước mong nhỏ bé của tôi là trở thành điểm quy chiếu cho những ai tôi
gặp gỡ ngang qua song sắt nhà tù. Tôi nỗ lực hết mình để bảo vệ niềm hy vọng của
những người đã đánh mất chính mình, lo sợ về một ngày họ được ra ngoài và có
nguy cơ bị xã hội từ chối thêm một lần nữa.
Trong nhà tù, tôi thường nhắc nhớ họ, với Thiên Chúa, không
có tội lỗi nào là không thể được tha.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa được trao vào tay con người thêm một lần
nữa, nhưng lần này là trong bàn tay yêu thương của ông Giuse Arimatea và của những
phụ nữ đạo đức từ Galilea, những người hiểu rằng thân thể Ngài quý trọng biết
bao. Những đôi tay này đại diện cho bàn tay của tất cả những ai phục vụ Ngài
không biết mệt mỏi và hiện thực hoá tình yêu nhân loại. Và chính tình yêu này
làm cho chúng con hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, chỉ cần con người sẵn
lòng buông mình cho ân sủng của Ngài. Trong lời cầu nguyện, chúng con tín thác
nơi Chúa Cha, cách đặc biệt, tất cả cảnh sát nhà tù và những ai cộng tác
vào các công việc khác nhau trong sứ mạng ấy.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Chúa là ánh sáng vĩnh cửu và hừng đông không bao giờ
tàn, xin đổ đầy ân sủng Ngài trên những ai đang dấn thân làm vinh danh Ngài và
phục vụ những người đau khổ nơi vô số những đau khổ của kiếp người. Chúng con cầu
xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.