Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

LỄ MỪNG 25 NĂM LINH MỤC - LINH MUC VỚI HY TẾ THÁNH GIÁ


THÁNH LỄ MỪNG 25 NĂM LINH MỤC
Cha Đaminh Phạm Đình Hảo, chánh xứ Lam Sơn (1994 22/9 2019)
(Bài đọc 1: Is 6,1-8; Bài đọc 2: Rm 8, 31b-39; 
Tin Mừng: Lc 1, 39-56)

LINH MỤC VỚI HY TẾ THÁNH GIÁ

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, chúng ta đến hiệp dâng thánh lễ Tạ ơn chia sẻ niềm vui với Cha Đaminh nhân dịp mừng Ngân Khánh Linh Mục, đồng thời cũng là dịp để cùng với Cha Tạ ơn Chúa về hồng ân linh mục đã lãnh nhận. Nhìn lại chặng đường 25 năm Linh Mục, có lẽ Cha Đaminh cũng chỉ biết cùng với Đức Mẹ cất cao lời ca Tạ ơn mà trong Tin mừng chúng ta vừa nghe: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…vì Chúa đã đoái thương đến phận hèn tôi tá Chúa”. Mà lời Tạ ơn có hiệu lực nhất và đẹp lòng Thiên Chúa nhất là Lời Tạ Ơn mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trong hiến tế thập giá. Và Hiến tế thập giá được hiện tại hóa qua Hy Tế Tạ Ơn, mà linh mục dâng lên Chúa Cha mỗi ngày. Vì thế mà cuộc đời linh mục găn liền với Hy Tế Thánh Giá, như thánh Phaolô đã nói: “Khi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1 Cr 2,2)
1. Chúng ta có suy nghĩ gì khi ngày nào chúng ta cũng tham dự thánh lễ, ngày nào cứ khoảng 4g00 chuông nhất là mọi người lục tục dậy kéo nhau đến nhà thờ, đi hoài ngày nào cũng đi, có người siêng năng đi sáng rồi đi chiều nữa, ngày nào cũng thấy ông cha làm lễ vậy mà không chán. ÔBACE biết sao không bởi vì mỗi khi chúng ta cử hành Thánh lễ, là chúng ta tham dự vào một lễ hy tế, một cử hành Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc Ly, khi Người truyền cho các Tông đồ rằng: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). và chính hôm sau Người dâng mình trên thánh giá Chính vì thế, việc cử hành Thánh Thể thường được gọi là “Hy tế Thánh lễ”[1]. Và điều đặc biệt trong Hy tế Thánh lễ là Hy lễ do quyền năng Chúa Thánh Thần thánh hóa và biến đổi. Trong thánh lễ Chúa Thánh Thần làm một cuộc biến đổi kỳ diệu: biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, và như thế ai tham dự vào hy lễ của Chúa Kitô thì được biến đổi để nên mới hơn.
Chính vì thế mà Chúa mời gọi các linh mục dấn thân theo Chúa để Chúa nhờ con người yếu đuối của linh mục mà hiện diện với Dân Chúa để ban ơn cứu độ cho Dân Chúa, để biến đổi đời sống của Dân Chúa từng ngày. Linh mục là con người cũng cần được biến đổi nên mới, và phải hiến thân cho dân Chúa mỗi ngày, đó là thập giá.
Mọi ơn gọi nên thánh trong Giáo Hội đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô (ĐSTH số 23). Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn cảm hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời linh mục. Nói đến Thập Giá của Chúa là nói đến chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa mà mỗi người kitô-hữu đều thông phần khi chịu phép rửa. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20).
Thế nhưng Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô lại dẫn con người đến ơn Phục Sinh. Những ai cùng chết với Đức Kitô thì sẽ cũng sống lại với Người. Người linh mục nếu đã cùng hiến thân đến cùng trong hy tế Thập giá của Chúa Kitô thì cũng sẽ vui mừng đón nhận ơn phục sinh của Người.
Vì thế có thể nói Con người linh mục là con người của thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên Con đường của người linh mục không là một giấc mơ về Đấng Mesia trần thế của quyền lực, của cai trị. Chúa Giêsu của các sách Tin Mừng loại trừ hình ảnh Đấng Messia theo mơ ước quyền năng của con người. Thập giá đảo lộn các ước mơ của con người. Theo thần học gia Karl Rahner, muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra. Tìm Thiên Chúa nơi nào khác không phải là thập giá là tư duy theo kiểu loài người, chứ không theo đường lối của Thiên Chúa.Vì vậy những người sống đời linh mục là những người đi tìm Thiên Chúa. mà Thập Giá Chúa Kitô đối với họ hết sức quan trọng, vì họ chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa nơi mà Người tự mạc khải rõ nét nhất khuôn mặt của Chúa Cha. Theo cái nhìn của thánh Máccô huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế chỉ được bộc lộ rõ rệt khi Người bị chết treo trên thập giá với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thực người này là Con Thien Chúa” (Mc 15,39). Vì thế, con đường của người linh mục theo bước Thầy Chí Thánh không thể tách rời khỏi thập giá. Theo con đường thập giá có nghĩa là từ bỏ bản thân (Mc 8,35), sống liên đới với tha nhân, bán tài sản để phân phát cho người nghèo (Mc 10,21), phục vụ cho đến chết (Mc 10,45).
2. Tuy hồng ân linh mục được Chúa và Hội Thánh trao ban cho một cá nhân như trong bài đọc thứ nhất Chúa kêu gọi Isaia và Isaia đáp lời, nhưng sứ vụ linh mục lại nhắm sinh lợi cho nhiều người: “Thầy đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại”. Hôm nay khi mừng Ngân Khánh 25 năm linh mục của cha Đaminh chắc chắn là ngài đã để lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho dân Chúa qua những nơi mà ngài phục vụ, thế nhưng có lẽ ngài cũng không cần làm bảng tổng kết.
Chúng ta trở lại với Cha Karl Rahner, đã chia sẻ trong dịp mừng Ngân Khánh Linh mục như sau: “Nếu muốn làm bảng tổng kết những năm qua, chúng tôi sẽ làm thế nào đây? Nhưng có cần làm bảng tổng kết không? Với tâm tình biết ơn và hoan hỉ, hãy trao những năm ấy cho lòng thương xót Chúa, và thế là đủ. Điều tốt Chúa đã làm, thậm chí đã thương tình thực hiện khi sử dụng chúng ta, chắc chắn sẽ còn. Nhưng song song với điều tốt ấy vẫn còn khối điều tiêu cực, như sự mù quáng thiêng liêng của chúng ta, sự hèn nhát của chúng ta, sự dửng dưng của chúng ta, sự máy móc của chúng ta. Chính sự nghèo nàn đáng thương ấy đã được tình thương Thiên Chúa bao bọc lấy. Chính vì thế, chúng ta chỉ biết tri ân Thiên Chúa và tri ân các hồng ân Thiên Chúa ban, tri ân Giáo Hội, tri ân mọi người”.
Lược lại tiểu sử, tôi thấy hành trình của Cha Đaminh bắt đầu từ Năm 1954 di cư vào Nam, định cư tại Rạch Bắp, Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Năm 1968-1971 đệ tử Viện Don Bosco Thủ Đức
Năm 1971-1972 tập viện Dòng Don Bosco Trạm Hành Đà Lạt
Năm 1972 nhập Giáo phận Xuân Lộc
Năm 1972-1973 giúp Giáo xứ Thanh Sơn, Gia Kiệm
Năm 1973-1974 giúp Giáo xứ Tân Phước, BRVT
Năm 1974-1975 giúp Giáo xứ Vinh Trung, BRVT
Năm 1975-1978 học tại Đại chủng viện Xuân Lộc
Năm 1978-1994 làm việc mục vụ tại Kinh tế mới Thọ Lộc, xã Bảo Chánh, Xuân Lộc
- 22/9/1994 lãnh nhận thừa tác vụ Linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Xuân Lộc do Đức giám mục Phaolo Maria Nguyễn Minh Nhật
- 15/8/1995- 2001 Phó xứ Bến Đá, BRVT
- 2001-2008 Chánh xứ Bến Đá, Giáo phận Bà Rịa
- 2008 đến nay, Chánh xứ Lam Sơn, Giáo phận Bà Rịa
Khẩu hiệu đời Linh mục của ngài là: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh người thật chí thánh chí tôn” (Luca 1,49)
+ "Năm 2013 đến nay, con bệnh suy thận mãn tính, sức khỏe suy yếu dần nên đã xin Đức cha được phép nghỉ hưu". Có lẽ đây là câu mà tôi cảm động nhất và cho tôi suy tư về hành trình linh mục với hy tế thập giá của cha Đaminh, như trong sắc lệnh Presbyterorum Ordinarium có viết:
"Nhờ thái độ khiêm nhường và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm và tự nguyện, các linh mục nên giống Đức Kitô, có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu, Đấng “tự hủy mình khi nhận lấy thân nô lệ…, đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7-9), và nhờ vâng phục, Người đã vượt thắng và chuộc lại tội bất phục tùng của Ađam, như Thánh Tông Đồ đã minh chứng: “vì một người không vâng phục mà muôn người hoá thành tội nhân, thì cũng thế, vì một Đấng phục tùng mà nhiều người được trở nên công chính” (Rm 5,19").(PO 15)
Trong 6 năm qua có lẽ quý ông bà ace không còn thấy một linh mục trẻ trung, tháo vát, nhanh nhẹn, giọng nói to hùng hồn nữa mà chỉ thấy một linh mục lọm khọm, đau yếu, chân đi không vững, giọng nói thì thều thào run run đứt quảng không nghe rõ nữa. Có khi có người thầm thì chán quá sao Đức Cha không đổi ông cha già này đi cho ông cha trẻ hơn. Thế nhưng thưa ôbace, chính lúc này, chính lúc sức tàn lực kiệt, già nua bệnh tật đeo đẳng trong mình thì người linh mục thể hiện rõ nét nhất khuôn mặt của Chúa Kitô, người linh mục dâng hiến tế đẹp nhất lên Cha trong cuộc đời Linh mục đầy thăng trầm đau thương đã trọn hiệp thông cuôc đời mình với Hiến Tế Thập Giá của Đức Kitô mà không bỏ cuộc. Chúng ta thấy Chúa Giêsu được Chúa Cha tôn vinh lúc nào: không phải lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, không phải lúc Chúa làm cho nước hóa thành rượu tại Cana, cũng không phải lúc Chúa chữa lành người phong hủi, cho người què đi được người chết sông lại…mà Chúa Giêsu được Chúa Cha tôn vinh khi Người không còn hình tượng người ta nữa, khi Người bị đóng đinh trên thập giá, khi Người thều thào mếu máo nói với Cha: Lạy Cha sao Cha đành bỏ con?
Và Cha Đaminh hôm nay có lẽ cũng tâm niệm sâu xa trong hành trình linh mục của ngài nên ngài cũng ghi sâu với lời mẹ Magarita nói với cha Don Bosco: “…bắt đầu dâng Lễ là bắt đầu vác Thánh Giá…”. Con xin chúc mừng Ngân khánh linh mục cha hôm nay và con Nguyện xin Chúa cho cha được đi hết hành trình đời linh mục theo gương Thầy Chí Thánh. Amen
L.m. G.B. Trương Đình Hà
(Ngọc Hà CN 22/9/2019)

Đọc tiếp »