THẰNG KHÙNG
(Thanh Ngang Trên Thập
Tự Giá)
Bài viết của nhà thơ Phùng Quán,
(THẰNG KHÙNG trong tù này là Cha
Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971), của Nhà thờ
lớn Hà Nội. Bài viết của Phùng Quán đã kể lại chuyện thật những năm, những ngày
cuối trong ngục tù của Ngài. Phùng Quán viết lại theo lời kể của nhà thơ Tuân
Nguyễn (không phải Nguyễn Tuân là nhà văn có cùng tên) – khi cùng ở trong tù)
“… Anh ta vào trại trước mình khá
lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình
sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin.
Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của
người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác
anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi
ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh
ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh
ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác.
Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da,
gân với xương.
Trên người, tứ thời một mớ giẻ
rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi
thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người
quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều
cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao,
ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen…
Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi
lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.
Hầu như tất cả các trại viên, kể
cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia
đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.
Ở trại, anh ta có một đặc quyền
không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi
lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi “thằng khùng” (tên họ đặt cho anh ta)
và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại
viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu
nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng
queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.
Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta
cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược
gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần
lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được
đóng bằng gỗ tạp sơ sài.
Anh ta cuộn những bộ áo quần khác
thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống
gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh
ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.
Anh ta khóc đau đớn và thống thiết
đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột
thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám
thị trại gọi anh ta lên:
– Thằng tù chết ấy là cái gì với
mày mà mày khóc như cha chết vậy?
Anh ta chấp tay khúm núm thưa:
– Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà.
Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại.
Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn,
nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.
Thằng khùng nói có lý. Giám thị
trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta
khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt.
Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách
khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan
chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng
lỳ lợm, chai sạn, “đầu chày, đít thớt, mặt bù loong” cũng phải rơm rớm nước mắt.
Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người.
Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng
khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?…
Thế rồi, một lần, mình và anh ta
cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa.
Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một
cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu
cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng
trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng,
canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần
sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:
– Anh Tuân này – không rõ anh ta
biết tên mình lúc nào – sống ở đây anh thèm cái gì nhất?
– Thèm được đọc sách – mình buột
miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có
thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.
– Nếu bây giờ có sách thì anh
thích đọc ai? – anh ta hỏi.
– Voltaire! – một lần nữa mình lại
buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói
với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc
bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng
cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh
công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu
trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky
miêu tả trong “Tội ác và Trừng phạt”.
Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời
mặt sông loá nắng, hỏi lại:
– Trong các tác phẩm của
Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?
Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự
nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ
anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát
thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin.
Mình trả lời anh ta:
– Tôi thích nhất là Candide.
– Anh có thích đọc Candide ngay
bây giờ không?
Không đợi mình trả lời, anh ta
nói tiếp:
– Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ
đọc cho anh nghe ngay bây giờ.
Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc
nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người
Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró,
răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời
dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên
bản được chép lên mặt sông…
Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng
ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác
trên bờ cao nói vọng xuống: “Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!”.
– Chúng mình lùa trâu lên bờ đi!
– anh nói.
Lội ra đến giữa sông, mình hỏi
anh ta:
– Anh là ai vậy?
Anh ta cỡi lên lưng một con trâu,
vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:
– Tôi là cái thanh ngang trên cây
thập tự đóng đinh Chúa.
Rồi anh ta tiếp:
– Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa
rồi…
Giáp mặt người lính canh, bộ mặt
anh ta thay đổi hẳn – ngu ngơ, đần độn như thường ngày.
Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã
bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.
Thằng chuyên gia khâm liệm e đi
đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có
ai khóc tống tiễn vong hồn… – những người tù nói, giọng buồn.
Mình gặp giám thị trại, xin được
thăm anh ta.
Giám thị hỏi:
– Trước kia anh có quen biết gì
thằng này không?
Mình nói:
– Thưa cán bộ, không. Chúng tôi
hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.
Giám thị đồng ý cho mình đến
thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng.
Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc
chốc lại lên cơn co giật…
Mình cúi xuống sát người anh ta,
gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró
như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt
anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều
thào nói:
– Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa
bàn tay đây cho mình…
Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi
lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi,
được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta
dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN.
Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt
sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.
Người lính canh dẫn mình lên giám
thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một
ám hiệu.
Giám thị hỏi:
– Cái hình nguệch ngoạc này có ý
nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt
giam.
Mình nói:
– Thưa cán bộ, thật tình tôi
không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và
tà khí.
Nghe ra cũng có lý, giám thị trại
tha cho mình về lán…
Phùng Quán
Ghi chú: Tuân Nguyễn (không phải
nhà văn Nguyễn Tuân) là một nhà thơ tài hoa, tinh tế, song có số phận hẩm hiu,
đau khổ. Đây là câu chuyện do ông Tuân Nguyễn kể lại cho Phùng Quán, rồi Phùng
Quán viết lại. Nhân vật chính – Cha Vinh – mất năm 1971. Tuân Nguyễn bị tù đến
1973, nên ông đã chứng kiến cái chết của nhân vật.
____________________
Ghi Chú:
(*) THẰNG KHÙNG trong tù này là
Cha Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971), của
Nhà thờ lớn Hà Nội. Bài viết của Phùng Quán đã kể lại chuyện thật những năm, những
ngày cuối trong ngục tù của Ngài.
Xin mời đọc thêm (bài kèm theo dưới
đây) tiểu sử của Cha Vinh để chúng ta biết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời
Ngài; và cũng để hiểu thêm gương phụng sự Chúa của Ngài….
Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN
VINH,
Cha chính Hà Nội, (1912 – 1971).
Tấm gương can trường.
Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN
VINH*
Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh
chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà
Nam.
Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ,
thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính
trên, nhường dưới, trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố
Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường
Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà
Tây.
Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương
dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày
20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges.
Chiến tranh thế giới xảy ra, cha
Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập.
Ngài học Văn Khoa – Triết tại Đại
Học Sorbone, học sáng tác và hòa âm tại
Nhạc viện Quốc Gia. Ngài phải vừa
học vừa làm. Vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương của ngài đã làm cho nhiều người Pháp
tưởng lầm ngài là phụ nữ nên cứ chào: “Bonjour Madame!”
Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ
bé đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười
là ý chí sắt son.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn
Triết ở Sorbone, ngài gia nhập dòng khổ tu
Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.
Sau 17 năm du học, năm 1947 cha
Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vững mạnh về mọi
mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize – Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm
ngài làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài xin Bề trên lập dòng Biển Đức ở Việt
Nam, nhưng không thành.
Cha Vinh, dù tu học ở Pháp nhưng
luôn có tinh thần yêu nước, độc lập, không nệ Pháp. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội
tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni. Trong
thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt
chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì
lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh cương quyết không chịu.
Tướng De Lattre rất tức giận, gọi
cha Vinh tới, đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại,
quyết không nhượng bộ, nhưng Thủ Tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau vụ
đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu
Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm
tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.
Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê
cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại
sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức
Cha Khuê bổ nhiệm ngài làm Cha Chính, kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc.
Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho
các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc
Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức
thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám Mục, về sau, con số người tham dự tăng
dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cả ngoài sân. Lớp học hiệu quả
rất lớn, những tín hữu khô khan trở thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới
cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. Sau chính quyền
ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh.
Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng
Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh Giá ở
các lớp học. Ngài không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm
1957, trường bị đóng cửa.
Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội
thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha
Khuê cử cha Vinh đến trường dạy
La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc
đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn
tháp tùng: “Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?” Ít lâu sau
trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa.
Biết tài năng và kiến thức âm nhạc
của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại
những bản nhạc, bài ca họ mới viết.
Cha Vinh, một trong những nhạc sĩ
tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam, và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm
và dương cầm thật tuyệt, chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà
Nội.
Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm
nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm thánh
ca tuyệt vời. Cha Vinh trình bày bản hợp tấu “Ở Dưới Vực Sâu” nhân cuộc đón tiếp
phái đoàn Việt Nam do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau
năm 1946.
Ngài cộng tác với Hùng Lân sáng
tác “Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít.” Sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: “Mở Đường Phúc
Thật,” “Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi,” “Ôi GiaVi,” “Lạy Mừng Thánh Tử Đạo.” Ngài
phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8, Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và
nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những
bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài “Bước Tới Đèo Ngang” của Bà
Huyện Thanh Quan.
Hằng tuần ngài đến dạy nhạc, xướng
âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh
thoát, lôi cuốn. Ngài tổ chức và chỉ huy dàn đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước
kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thờ Lớn Hà Nội.
Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho
dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam đạo Công giáo vẫn được tự
do hành đạo và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp Lễ Noel,
chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ
họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và
tiền công.
Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ
Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe
ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí
ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo
vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ
làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến
quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng.
Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp,
sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người của Nhà nước
đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính ngài leo lên thang, hai tay đưa cao
trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt lên nhau, làm dấu hiệu còng
tay số 8, và nói lớn:
“Tự do thế này à!”
Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt
buổi sáng, công cuộc trang trí không thành. Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo
dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh
Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958
chịu án 12 tháng tù treo.
Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án
18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị
an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!).
Sau phiên tòa, cha Vinh bị đưa đi
giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối
cùng là trại “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội.
Khi cha Vinh mới đến trại Yên
Bái, ngài còn được ở chung với các tù nhân
khác, nhiều giáo dân, chủng sinh,
tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân
trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi:
“Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được
ra, anh tiếp tục phạm quy?”
Ngài đáp:
“Cấm là việc của các ông, giải tội
là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”
Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc
nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu
muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một… Một lần cha Vinh nhận được gói
bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức
ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả
Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi
ngài là “Bố.”
Ngay trong nhà tù, cha Vinh vẫn
can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, ngài lên
tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, ngài đưa
tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn cha Vinh giỏi võ, mọi
người phải nể vì.
Một cán bộ cao cấp ở Hà Nội lên Cổng
Trời gặp cha Vinh, nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều
kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công
Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng
khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.
Vì không khuất phục được ngài,
nên bản án từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã
biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim, biệt giam và án tử.
Năm 1971, khi ngài từ trần không
ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha Cương quản
lý Nhà Chung: “Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”
Suốt đời mình, trong mọi tình huống
cha Chính Vinh làm tròn trách vụ của mình. Ngài đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng
và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách
gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên
Chúa và Giáo Hội.
Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn
Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường,
hậu thế kính tôn và ghi ân ngài.
TGP Hà Nội
BBT (Theo HĐGMVN)
Nguồn trang Facebook Lư Lư Châu