Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

Bài giảng Mùng 2 Tết


MÙNG 2 TẾT
Lm. G.B. Trương Đình Hà


Hiếu thuận là căn bản của đạo làm người. Một người được đánh giá là tốt hay không chính là nhìn vào việc họ đối xử với cha mẹ thế nào, giữ tròn phận làm con ra sao.
Hiếu, chính là điều căn bản của đức hạnh. Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trong trăm đức tính tốt thì hiếu đứng đầu). Người Á Đông coi hiếu thuận chính là phẩm chất quan trọng nhất, là bài học đầu tiên mà ai cũng cần phải biết.
Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng hai tết mỗi năm để cầu nguyện cho tổ tiên và ông bà cha mẹ, và dạy cho con cái biết giữ lấy lời của cha, ghi nhớ lời của mẹ như Sách Cách ngôn 6, 29-23 viết:
" Con ơi giữ lấy lời cha,
Chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm.
Đèn soi trong chốn tối tăm,
Ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.
Nhớ cầu cho bậc tổ tiên,
Khắc ghi công đức một niềm tri ân ".

Lý do mà con người phải đền đáp công ơn tổ tiên, ông bà,cha mẹ cho cân xứng chính bởi vì chúng ta tin vào Thiên Chúa, biết ơn Thiên Chúa trước hết, vì Ngài là nguồn cội sự sống, chính Thiên Chúa là Đấng tác thành vũ trụ vạn vật. Ngài ban cho sự sống trên đời, ban sự sống cho tổ tiên. Tổ tiên sinh ra ông bà nội ngoại và rồi nội ngoại sinh ra cha mẹ ta, cha mẹ sinh ra ta là con cái. Kinh tiền tụng lễ mồng hai tết, đã dẫn chúng ta đến mạc khải của Thiên Chúa sáng tạo, đến nguồn cội sự sống:" Quả thực, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ....Nhưng phải nhờ ơn Cha mạc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng đã ban cho các ngài ơn huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Chúa ".
Chính vì biết Chúa, yêu mến Chúa, giữ giới luật của Chúa mà phận làm con mới giữ chữ hiếu với cha mẹ. Vì vậy, lúc cha mẹ còn sống phải thăm nom, nuôi dưỡng. Khi cha mẹ yếu đau phải chăm sóc thuốc men, đưa đi bệnh viện chữa trị cho tận tâm tận lực về phần xác, về phần hồn cầu nguyện lo liệu cho cha mẹ được đón nhận các bí tích, bí tích giải tội, bí tích Thánh Thể, bí tích Xức dầu. Khi cha mẹ khuất bóng, phải cầu nguyện, lo liệu xin lễ, lo hậu sự chu đáo, lo ngày giỗ ngày chạp vv...Đó là ơn nghĩa con cái phải đáp trả báo đền, vì "cầu nguyện cho những người qua đời  được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...". Sách Khải Huyền viết:" Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả. Giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi ". Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo đoàn Êphêsô trong bài đọc 2 hôm nay:" Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này ". Tin Mừng Matthêu còn nhấn mạnh hơn:" Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử ". Hôm nay có những người con thảo hiếu, về thăm cha mẹ trong những ngày tết. Tuy nhiên, chúng ta cũng đau đớn mà nói rằng có những người con trong xã hội hiện thời, ngay trong xứ của chúng ta cũng có nữa, bất kính với cha mẹ, qua lời nói cử chỉ thái độ làm cha mẹ rất buồn tủi, đau khổ. Những người con bất hiếu là những ngày tết chỉ nghĩ đén mình, lo vui chơi với bạn bè mà không nghĩ gì đến cha mẹ.
Tôi nhớ đến câu chuyện ông Tăng Sâm hiếu thảo với mẹ. Tăng Sâm, một trong những môn đệ nổi tiếng nhất của Khổng Tử, là người thờ mẹ chí hiếu, được liệt vào 24 tấm gương hiếu thảo. Tương truyền rằng khi mẹ ông cắn vào ngón tay cũng khiến ông bồn chồn lo lắng. Khi ông còn nhỏ lầm lỗi bị mẹ lấy roi đánh, Tăng Sâm cười, mẹ càng đánh mạnh ông càng cười. Rồi khi lớn lên ông cũng nghịch ngợm khi đó mẹ đã lớn tuổi cũng lấy roi đánh  Tăng Sâm khóc nức nở.
Mẹ hỏi: “Trước nay bị đánh con không bao giờ khóc lóc, con lại còn cười nữa. Cớ sao nay lại khóc?”. Tăng Sâm gạt nước mắt thưa rằng: “Thưa mẹ, mấy lần trước mẹ đánh thấy đau, con biết rằng mẹ còn khoẻ nên con cười vui. Hôm nay mẹ vung roi đánh không thấy đau nữa, biết rằng mẹ đã yếu đi nhiều. Con đau lòng thương mẹ nên khóc“. Thật là một người con chí hiếu!
****
Những năm trước tôi về thăm mẹ thì mẹ còn khỏe, còn minh mẫn còn đi đứng được; mỗi lần tôi ra đi mẹ chạy theo cho mẹ đi với. Có lần tôi cũng đưa mẹ đi theo lên chơi vài ngày, nhưng nhiều khi bận việc, nhiều lúc vội đi tôi phải trốn mẹ đi để mẹ khỏi biết mà đòi đi theo. Bây giờ về muốn cho mẹ đi nữa cũng không được vì mẹ yếu nhiều rồi. Tôi viết bài thơ "Con nhớ mẹ" để tặng mẹ khi mẹ cấp cứu ở bệnh viện vào ngày Chúa Nhật Mother's Day
1. Mẹ ơi!
Con nhớ mẹ từng chiều nắng nhạt
Trong lời kinh cầu mỗi sớm mai
Bao năm trường trĩu nặng đôi vai
Cuộc đời mẹ dãi dầu mưa nắng
Miền quê xa hiền hòa xanh sóng lúa 
Cánh đồng chiều thơm ngát đòng đơm bông
Mẹ bươn chải trong nắng hạ mưa đông
Gánh gạo qua sông từng triều lên lặng lẽ
Mẹ nuôi con bằng dòng sữa mẹ,
bằng trái tim từ ái ngọt ngào,
bằng những giọt mồ hôi trưa hè nào trên sân lúa,
bằng những đêm trường thức trắng suốt canh thâu.
Thân mẹ gầy mảnh mai cánh hạt
Đôi mắt sâu thâm quầng mỏi mệt vẫn hát ru con.

2. Cứ mỗi lần con ghé về thăm mẹ
mẹ già hơn, yếu hơn, mắt sâu hơn
Tay mẹ gầy bàn tay ấy đã từng...
Nâng niu con trao cho con hơi ấm
Trứơc sân nhà lững thững bước chân thon
Vẫn hình bóng bà mẹ quê thủa nhỏ
Mẹ cúi nhặt từng chiếc lá khô rơi
Để lại cho con gương sáng đời cần lao nghèo khó.
Hôn chào mẹ con phải đi mẹ ạ!
"Cho mẹ đi với"! Mẹ chạy theo,
bồn chồn nắm tay con.
Gỡ tay mẹ ngậm ngùi con bước vội
Lòng quặn đau thương mẹ hy sinh nhiều.

3. Được tin mẹ đau con về thăm mẹ
Chân yếu, mắt mờ không trông thấy con
Nhưng lời kinh vẫn sốt sáng trên môi
Mẹ nằm đây trong tuổi già cô đơn hiu quạnh
Thuở ấu thơ con cần mẹ, mẹ luôn bên cạnh
Mẹ đồng hành che chở bảo vệ con
Tuổi già xế bóng, đau yếu mẹ cần con,
Con biền biệt phương trời xa vắng lặng
Con thương mẹ, mẹ ơi! Con thương mẹ!
Ngày mẹ xa con đã gần rồi.
Một ngày nào đó con về đơn côi.
Sẽ không còn thấy bóng dáng mẹ nhặt lá khô rơi,
Không có mẹ chạy theo nắm tay con,
Không còn nghe mẹ nói: "cho mẹ đi với" nữa!

Chúa Nhật "Mother's Day" 13/5/2018 .Thương tặng mẹ đang cấp cứu tại bệnh viện.
Giang Hạ (Lm. G.B. Trương Đình Hà)

Trong ngày mùng hai tết hôm nay chúng ta về nhà vui tết để báo hiếu cha mẹ, cố gắng sống những ngày với cha với mẹ thật hạnh phúc đừng làm phật lòng cha mẹ. Xin Chúa chúc phúc cho những bậc ông bà, cha mẹ  còn sống, và xin Chúa thương đưa những vị đã khuất về với Chúa. Amen.
Bà Rịa 6/2/2019


Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Người lính không mang súng - Hacksaw Ridge

NGƯỜI LÍNH KHÔNG DÙNG SÚNG
Trong bộ phim Hacksaw Ridge
Trương Đình Hà



Hôm rồi, tình cờ tôi xem bộ phim trên kênh truyền hình Box, bộ phim mang tên: HACKSAW RIDGE, tạm dịch là “mõm núi lưỡi cưa”.
Bộ phim mang thể loại Chiến tranh lịch sử, thời Đệ II Thế chiến, do Mel Gibson đạo diễn, xuất bản năm 2016, kịch bản được viết bởi Andrew Knight và Robert Schenkkan, dựa trên bộ phim tài liệu năm 2004 The Conscientious Objection (Sự phẩn đối tận tâm). Nội dung phim là câu chuyện lịch sử nói về một trận đánh khốc liệt của quân đội Mỹ và Nhật tại quần đảo Okinawa, trong đó nỗi bật một người lính trẻ và là bác sĩ Desmond Doss, người anh hùng ra chiến trường với chủ trương hòa bình nhất định không cầm súng. Desmond Doss chủ trương làm một người lính ra trận không chỉ để giết người mà còn là cứu người, vì vậy anh làm lính cứu thương để rồi cuối cùng được nhận huân chương cao quý nhất của quân đội Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ II. Bộ phim vừa nói lên lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước cao độ của chàng lính trẻ Desmond Doss, vừa làm nỗi bật tình yêu thương con người mà chiều sâu là lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa và thực hành giới răn của Người: “ngươi chớ giết người”. Bộ phim rất hay xin được giới thiệu và lượt tóm bộ phim sau đây.

1. Desmond Doss, chàng trai đạo đức, tin Chúa, nói không với bạo lực và vũ khí

Desmond Thomas Doss sinh ngày 7/2/1919 tại Lynchburg bang Virginia Hoa Kỳ. Doss đã ảnh hưởng nền giáo dục từ người mẹ giàu tình yêu thương, sùng đạo Thiên Chúa, giữ ngày nghỉ Thứ Bảy theo Giáo Hội Phục Lâm; vì vậy mà tính cách của Doss hiền hòa hay làm việc tốt giúp người. Doss từng đi bộ 10 cây số chỉ để đến hiến máu cho một người hoàn toàn xa lạ sau khi nghe tin báo trên radio. Vài ngày sau đó, anh tìm đến bệnh xá để tiếp tục hiến tặng máu cho bệnh nhân ấy.

Từ bé, Doss đã rất ghét bạo lực và vũ khí. Điều này một phần đến từ niềm tin tôn giáo ảnh hưởng từ người mẹ của anh. Suốt cuộc đời mình, Doss luôn tự nhủ mình dù trong hoàn cảnh nào cũng không được ra tay giết người. Nguyên nhân khác bắt nguồn từ người cha bạo lực của Doss. Một lần ông tận mắt chứng kiến cha mình dùng khẩu súng đe dọa người chú khi cả hai đang cãi nhau. Khi ấy, mẹ Doss giật khẩu súng từ tay chồng và bảo con trai hãy mang giấu nó đi nơi khác. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông cầm súng.
Năm 18 tuổi, Doss nộp đơn vào nhà máy Newport News Naval, tiểu bang Virginia và được nhận vào làm công nhân đóng tàu. Sau đó, Thế chiến thứ II nổ ra, nhất là khi quân đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Cái chết tàn khốc của khoảng 2000 người lính tại Trân Châu Cảng, đã thôi thúc lòng yêu nước của người thanh niên trẻ cùng nhiều người khác, Doss quyết định lên đường tham gia quân ngũ với tư cách bác sĩ quân y.

Thế nhưng, cuộc sống quân ngũ của Doss ngay từ đầu đã không hề suôn sẻ chút nào, vì do anh từ chối động đến vũ khí và quyết tâm không giết người khiến cho cấp trên cùng đồng đội vô cùng bực tức. Do đó, Doss bị coi là gánh nặng của cả đội, thậm chí các sĩ quan chỉ huy chỉ muốn “tống cổ” chàng lính gầy gò, hèn nhát ra khỏi quân ngũ ngay lập tức vì cho rằng anh bị mắc bệnh tâm thần.
Doss bị mọi người xa lánh, ai cũng chê cười việc ông đêm nào cũng cần mẫn đọc Kinh thánh, cầu nguyện. Trong khi ngày chủ nhật tất cả mọi người được nghỉ thì Doss phải làm việc gấp đôi, gấp ba. Hầu hết mọi người trong quân ngũ đều coi thường Doss, chỉ trích lòng yêu nước của ông và cho rằng một người như ông không có tư cách đứng trên tiền tuyến.
Bất chấp mọi sự bất công, khinh miệt của mọi người, tinh thần yêu nước không cho phép Doss bỏ cuộc. Anh tìm mọi cách từ chối việc bị đuổi khỏi quân ngũ để thực hiện được mơ ước trở thành bác sĩ trên chiến trường. Doss muốn chứng minh cho tất cả mọi người thấy được rằng chiến tranh không nhất thiết chỉ có bạo lực, chết chóc mà còn có tình thương. Không phải chỉ giết người mà là cứu người.

Mọi thứ dần trở nên dễ dàng hơn khi Doss tìm được cách chữa lành vết phồng rộp do hành quân quá nhiều cho đồng đội. Nếu ai đó bị say nắng hay cảm cúm, ông không ngại nhường giường cho họ nằm nghỉ. Doss tốt bụng với tất cả mọi người, kể cả những người đã từng chế nhạo ông. Trong phim có lần ông bị đồng đội vây đánh ban đêm bầm dập cả người vì cho rằng ông không xứng đáng ở lại trong quân ngũ. Sáng ra, sĩ quan chỉ huy muốn chuyển ông về địa phương và hỏi tên người đã đánh đập ông để truy tố kỷ luật, nhưng ông nhất định không khai ra những người bạn trong trại lính đánh ông.

2. Người anh hùng không cầm súng được trao Huân chương danh dự cao quý


Mùa hè năm 1944, Doss được điều đến phục vụ tại chiến trường đảo Guam và Leyte (Philippines). Giữa chiến trường bom đạn máu me, ông không sợ hiểm nguy xông pha cứu người, kể cả kẻ địch ông cũng không nỡ bỏ mặc. Sau trận chiến ở Leyte, Doss được trao Huân chương Sao Đồng rồi tiếp tục lên đường sang chiến trường mới Okinawa, Nhật Bản.
Tháng 5/1945, cuộc chiến tàn khốc giữa quân đội Mỹ và Nhật nổ ra trên sườn núi Maeda (trong phim là Hacksaw Ridge). Khi đó, quân Nhật chiếm thế thượng phong, mặc dù trước đó bị trận hải pháo cày nát trước khi quân Mỹ đổ bộ, quân Nhật đã như từ dưới đất trồi lên đánh úp khiến binh lính Mỹ không kịp trở tay, người chết, người bị thương nhiều không kể xiết. Thay vì tìm nơi trú ẩn, Doss dũng cảm lao mình giữa biển bom đạn, đưa đồng đội từng người từng người một xuống dưới chân núi bằng chiếc cáng tự chế.

Khi đó, Doss chỉ biết cầu nguyện với Chúa rằng: “Hãy cho con cứu thêm 1 người nữa” và trong suốt 12 giờ đồng hồ trong đêm, ông đã cứu sống được 75 người, bao gồm cả đại úy Jack Glow, người trước đó từng chê cười và chèn ép Doss đủ cách.
Hai tuần sau đó, trận chiến khốc liệt tiếp diễn, Doss không may bị một mảnh lựu đạn văng trúng người. Năm giờ sau đó, ông bị bắn gãy xương tay. Nhưng bấy nhiêu không đủ làm nhụt chí người anh hùng, Doss vẫn kiên cường làm nhiệm vụ của mình, ưu tiên cứu chữa cho một đồng đội bị thương sau đó mới bò 270m đến trạm sơ cứu điều trị thương tích trên người.

Cuộc chiến kết thúc, Doss được trở về nhà và vào
ngày 12/10/1945, Doss được trao trao tặng Huân chương danh dự, phần thưởng cao quý nhất trong quân đội Mỹ được trao cho quân nhân có hành động thể hiện sự dũng cảm vượt xa yêu cầu của nhiệm vụ. Tổng thống Harry S. Truman đã nói với Doss khi trao huân chương danh dự cho anh: “Anh thực sự rất xứng đáng. Tôi xem đây là vinh dự lớn lao hơn cả việc làm Tổng thống”.
Dù được tôn vinh là anh hùng nhưng Doss vẫn nhất mực khiêm nhường và rất hiếm khi nhắc đến chiến tích của mình. “Mọi vinh quang nên thuộc về Thiên Chúa. Chưa kể Người đã cứu tôi biết bao lần” - ông chia sẻ với tờ The Richmond Times-Dispatch vào năm 1998.

Tổng thống Truman trao huân chương danh dự cho Doss

Trước khi xuất ngũ, Doss trải qua 5 năm nằm trong bệnh viện quân đội để điều trị bệnh lao phổi. Vì không đủ sức khỏe làm việc khác, ông dành cuộc đời còn lại cho tôn giáo. Doss qua đời tại nhà riêng vào ngày 23 tháng 3 năm 2006 sau cơn đau phổi nặng, ở tuổi 87. Tang lễ của ông sau đó được tổ chức long trọng theo nghi thức quân đội, thi thể được an táng tại nghĩa trang quốc gia Tennessee.

                                Desmony Doss và vợ    
3. Đạo diễn Mel Gibson                                           
 Đạo diễn Mel Gibson trên trường quay
 Hacksaw Ridge 2016
Tinh thần quả cảm, lòng yêu nước, chủ trương bất bạo lực, đức tin và lòng đạo đức sâu sắc của Doss, người anh hùng không cầm súng, được nhắc đến rất nhiều trên báo chí và đài truyền hình. Ông trở thành nguồn cảm hứng cho đạo diễn Mel Gibson làm nên tác phẩm “Hacksaw Ridge”, bộ phim từng lọt vào danh sách đề cử giải Oscar trong nhiều hạng mục và được các nhà phê bình đánh giá rất cao nhờ nội dung ý nghĩa, thấm đẫm giá trị đạo đức, nhân văn. Bộ phim có các diễn viên Úc tham gia: Andrew Garfield đóng vai Doss, với Sam Worthington, Luke Bracey, Teresa Palmer (vai Dorothy người yêu của Doss), Hugo Weaving, Rachel Griffiths và Vince Vaughn trong các vai phụ.


Nguồn: New York Times và Wiki Pedia
 
Giang Hạ (L.m. G.B. Trương Đình Hà)
Đọc tiếp »