Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Thơ: Tràng Mân Côi của mẹ tôi


TRÀNG MÂN CÔI CỦA MẸ TÔI

(Ghi nhớ ngày mẹ lần tràng hạt cuối cùng trước khi bị tai biến hôm Mồng hai Tết Mậu Tuất 2018)

“Mẹ ơi con đã già rồi,
Con ngồi ngớ ngẩn nhớ căn nhà xưa…” (Nhạc Trần Tiến)

Tuổi già trái chín đong đưa,
Mỗi cơn gió nhẹ cũng thừa lắng lo.
Một đời mòn mỏi thân cò,
Đường xa héo hắt chuyến đò thời gian.
Mỗi hạt kinh, mỗi gian nan,
Tràng Mân Côi đó mẹ van mẹ cầu.
Sáng hừng đông, tối đêm thâu,
Lời xưa rõ tiếng giờ câu nhạt nhoà.
Mẹ mang tràng chuỗi ngọc ngà,
Mẹ thương, mẹ kính Maria Mẹ hiền.
Căn nhà mãi thật bình yên,
Âm vang tiếng mẹ diệu hiền lời kinh.
Đường trần cho dẫu lênh đênh,
Tràng Mân Côi mẹ con quên bao giờ.

Sơn Ca Linh
(Tháng Mân Côi 2018)


Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Sách Giáo Khoa Tiểu Học trước 1975


SÁCH GIÁO KHOA VÀ NỀN GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM

  




Hôm nay, nhân đọc tin tức, các sự kiện trên báo chí, trên Internet về vấn đề giáo dục tại Việt nam, tôi cảm thấy đau lòng nên không thể không nói lên cảm xúc của mình.

Tôi đau lòng cho những đứa trẻ thơ vô tội vì nghe cha mẹ chửi mắng vì quá bức xúc trước sách học Tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục của ông gs. Hồ ngọc Đại, đau lòng khi thấy những phụ huynh không an tâm khi cho con em đến trường; đau lòng cho một đât nước mà những người lãnh đạo không tuân hành luật pháp quôc gia. Có Hiến Pháp, có luật Giáo Dục nhưng chỉ dừng lại trên mặt chữ còn việc thực hiện thì tùy tiện. Những công trình nghiên cứu, nhất là về phương diện giáo dục, chưa được thông qua hội Đồng Khoa Học giám định, công nhận, chưa thông qua Chính phủ, Quốc Hội, đã có quyền in sách, thử nghiệm trên diện rộng 49 tỉnh thành, thử nghiệm trên 800.000 học sinh lớp 1. Cho thấy Nền Giáo Dục Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng. Những người thuộc Bộ Giáo Dục coi như một ngành béo bở để kiếm tiền khi in sách mới.  Cùng một chữ Quốc Ngữ mà dạy học sinh hai cách đánh vần khác nhau, hai cách đọc các mẫu tự khác nhau làm xáo trộn nền giáo dục, xáo trộn việc dạy và học của giáo viên và học sinh, xáo trộn hoang mang trong các gia đình; cha mẹ không biêt dạy con thế nào; xáo trộn ngoài xã hội, nhiều tiếng nói lên án cách làm tùy tiện của Bộ Giáo Dục. Cuối cùng vẫn là nhưng bậc phụ huynh chịu thiệt thòi vì phải nai lưng ra đóng tiền sách, tiền học cho con. Những em bé thiệt thòi vì phải chịu làm vật hy sinh để người ta thí nghiệm cái gọi là một nền "giáo dục mới chưa từng có". Tôi cảm thấy đau lòng trước những câu nói tự cao , tự mãn đầy khoát lác như câu nói của ông gs. Hồ Ngọc Đại khi trả lời phỏng vấn của báo chí và đài truyền hình VTV: làm giáo dục tôi khẳng định không ai giỏi hơn tôi..., thế hệ mới phải có một nền giáo dục mới, một nền giáo dục không noi gương ai cả..., công nghệ giáo dục là vĩnh viễn..., bằng của tôi là cao nhất thế giới... Tự thân những câu nói này đã là phản cảm, thiếu đạo đức; vậy mà được thốt ra bởi những người đang làm giáo dục, đang dẫn dắt thế hệ trẻ thơ, mà chính nhà nước đang hổ trợ cho họ. Không hiểu rồi nền giáo dục của Việt Nam sẽ đi về đâu? tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Nếu để những con người cực đoan, thiếu đạo đức, phiến diện nhưng tự mãn như vậy đưa ra những sáng kiến và áp dụng? Lịch sử nhân loại đã chứng minh khi những con người có đầu óc cực đoan, tự mãn, độc tài có những tư tưởng cực đoan sai lạc sẽ gieo rắc đau thương và khốn khổ cho nhân loại.  

Đứng trước thực trạng đau lòng đó, tôi là người Việt nam, tôi cũng đã từng sống qua giai đoạn lịch sử của đất nước, những đổi thay của đât nước. Tôi yêu mến quê hương, đất nước, dân tộc tôi, tôi cảm được nỗi đau của người dân nước tôi chịu nhiều oan ức, gánh nặng, áp lực trên vai, những em bé thơ ngây, những người nghèo ở miền núi, miền sâu, vùng xa lại chịu thiệt thòi nhiều nhất.Vì vậy, Tôi cố tìm lại những trang sách cũ, những bài tập đọc mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ như bài tập đọc: Tôi đi học của tác giả Thanh Tịnh để giói thiệu đến quý phụ huynh có thể tham khảo và giúp cho các em học tập. Xin trân trọng gửi đến các bậc phụ huynh có các em nhỏ đang học ở bậc Tiểu Học bộ sách Giáo Khoa bậc Tiểu Học của miền Nam Việt Nam thời Cộng Hòa trước năm 1975. Sách đuọc in từ những năm 1961 và đuọc tái bản nhiều lần, có bản in năm 1971.
Chính tôi đã học qua bộ sách này thời Tiểu học, và nhiều người trong chúng tôi nhận thấy bộ sách rất hữu ích cho việc giáo dục các em bậc tiêu học. Bộ sách được đầu tư kỹ lưỡng của những nhà giáo dục có tâm huyết, đạo đức, hiểu biết về tâm sinh lý trẻ thơ, kiến thức về khoa học, lịch sử, văn học, đời sống; có chuyên môn về khoa sư phạm. Đồng thời bộ sách muốn nhắm đến việc giáo dục con người. Học để nên người. 
Trang link sau đây khi click chuột vào sẽ hiện trang mới, xin hãy click chuột lần nữa vào ô đọc sách. Hoặc mở trang trên đầu trang. Tôi chỉ đưa ra vài cuốn sách mẫu. Quý vị mở cuốn sách nào thì trong trang đó có đầy đủ các cuốn sách khác, chỉ click chuột vào để đọc.

Tôi xin giới thiệu một số những sách giáo khoa sau đây, được trích đăng từ website thuongmaitruongxua.vn 

(Lưu ý: Tôi có liên lạc với Ad của trang web thuongmaitruongxua và được biết hiện trang đang tạm thời đóng vì thiếu kinh phí và đang cập nhật, nên xin quý độc giả vui lòng chờ một thời gian web hoạt động lại.)



(Cụm từ "Sài gòn hòn ngọc Viễn Đông" xuất hiện trong sách Tập đọc lớp nhì,  bài Sài Gòn, trang 32.)

  Giang Hạ

Đọc tiếp »

Chuyện công nghệ giáo dục


VẪN CHUYỆN CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC CỦA “HỒ HỌC ĐẠI “-NGUYỄN VĂN TUẤN
15/09/2018 · by lequangchac · ·

– tại sao dân phải mất tiền
vì quyển sách vớ vẩn này?
Sách Tiếng Việt lớp 1- công nghệ giáo dục

Nguyễn Văn Tuấn
“Công nghệ giáo dục” xuất phát từ “Học thuyết phát triển phương pháp giáo dục” của V.V Davydov và D.B Elkonin thịnh hành tại Liên Xô những năm 70. Ông Hồ Ngọc Đại đã “bê nguyên” mô hình giáo dục của nước Nga về áp dụng tại Việt Nam. Thời ấy tin học chưa phát triển, ngày nay các phương tiện thính thị của công nghệ điện tử, các phương tiện trao đổi của công nghệ thông tin có thể hỗ trợ cho việc giảng dạy nhưng ông Hồ Ngọc Đại dùng từ “Công nghệ giáo dục” cho một phương pháp giản đơn của việc đánh vần thì không ổn chút nào. Ngay các giáo sư người Nga cũng dùng từ “phương pháp giáo dục”, họ đâu có cao ngạo quá đáng là “công nghệ giáo dục” !

Để rộng đường dư luận cho các chuyên gia giáo dục, nhà giáo và người dân Việt Nam nhận diện được bản chất của phương pháp đánh vần của ông Hồ Ngọc Đại, xin giới thiệu một bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ( Australia ). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
“Trong y văn thế giới, đánh vần theo “Công nghệ giáo dục” ô vuông, tròn, tam giác là một sáng kiến của nhà tâm lí học người Nga D. B. Elkonin nhằm ĐIỀU TRỊ CÁC TRẺ EM GẶP KHÓ KHĂN TRONG ĐỌC VÀ VIẾT.
Elkonin là người thầy của ông Hồ Ngọc Đại !

Elkonin

Chúng ta biết rằng, lời nói được xây dựng bằng chữ (words). Chữ được cấu thành từ âm tiết (syllables). Âm tiết được hình thành từ âm thanh hay tiếng (sound). Phonemes là đơn vị nhỏ nhất của âm thanh (cũng như nucleotide trong di truyền học vậy). Trong tâm lí ngôn ngữ học, họ có khái niệm “Phonemic Awareness” (chưa biết dịch là gì ?) để chỉ sự hiểu biết về chữ nói từ âm thanh. Phonemic Awareness là một kĩ năng nói (oral) và nghe (aural). Sáng kiến của ông Elkonin xoay quanh vấn đề Phonemic Awareness.

Sáng kiến của Elkonin là dùng các ô để thể hiện âm thanh [sound] của một chữ (1). Một ví dụ nhỏ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn chút. Chẳng hạn như với tiếng Anh, theo phương pháp của Elkonin, chữ CAT sẽ được thể hiện bằng 3 ô vuông, vì chữ này có 3 âm thanh: /k/ + /a/ + /t/. Nhưng với chữ SOAP thì cũng được thể hiện bằng 3 ô dù nó có 4 mẫu tự. Tuy 4 mẫu tự, nhưng chỉ có 3 âm thanh: /s/ + /O/ + /p/. Tuy nhiên, với chữ MILK thì có 4 ô chữ vì 4 mẫu tự có 4 âm thanh khác nhau: /m/ + i/ + /l/ + /k/. Người ta gọi phương pháp đánh vần này là “Elkonin box”, có khi còn gọi là “Sound Box”.
Ngày nay, có cả một App trong điện thoại để sử dụng trong việc dạy cách đánh vần này !
Trên thế giới, có khoảng 15% trẻ em gặp khó khăn về đọc và đánh vần (hội chứng “dyslexia”). Phương pháp của Elkonin chủ yếu áp dụng nhằm giúp những trẻ em với hội chứng “dyslexia”, nhưng cũng áp dụng cho trẻ em nước ngoài mới học tiếng Anh hay một ngoại ngữ (2-3). Có một số chứng cứ khoa học cho thấy khi can thiệp trên trẻ em gặp khó khăn về đọc viết, thì phương pháp Elkonin có hiệu quả giúp các em cải tiến đọc chữ. Có cả một luận án tiến sĩ báo cáo hiệu quả của Elkonin box ở trẻ em gặp khó khăn trong việc đọc (4). Nhưng ở HỌC TRÒ BÌNH THƯỜNG THÌ CHƯA CÓ DỮ LIỆU NÀO CHO THẤY PHƯƠNG PHÁP ELKONIN CÓ HIỆU QUẢ.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần biết là phương pháp Elkonin chỉ là một trong nhiều phương pháp cho trẻ học đọc / đánh vần. Các phương pháp khác là bắt cặp (one-to-one matching), tách chữ (taking words apart), và ví von (analogies). Có thể tóm tắt các phương pháp này thành 2 nhóm [theo tiếng Anh]: nhóm “whole language” và nhóm “decoding”. Nhóm whole language xem chữ là một hình tượng có ý nghĩa, nên học trò phải học nguyên chữ và ý nghĩa của nó, chứ không tách ra từng âm thanh. Phương pháp Elkonin có thể xem là thuộc nhóm decoding, có nghĩa là tách chữ thành âm thanh, mà ít quan tâm đến ý nghĩa. Xem ra cách tiếp cận whole language thích hợp cho trẻ em bình thường, còn cách tiếp cận decoding thích hợp cho trẻ em có khó khăn về đọc/viết.
Trong thực tế, phương pháp Elkonin rất hiếm được áp dụng ở các nước phương Tây. Lí do có lẽ do số trẻ em gặp khó khăn đọc/viết không nhiều, và ngay cả trong nhóm này thì bằng chứng về hiệu quả của phương pháp Elkonin không nhiều và thuyết phục bằng các phương pháp khác.
Quay lại trường hợp Việt Nam, phương pháp dạy theo ô chữ (hay ‘công nghệ giáo dục’) là một sản phẩm của một đề tài nghiên cứu cấp Bộ do ông HNĐ chủ trì. Đề tài này có mục tiêu giúp học sinh tiểu học các dân tộc thiểu số (5). Trong khoa học, có khái niệm “external validity” (hợp lí ngoại tại), có nghĩa là kết quả nghiên cứu trên quần thể nào thì chỉ có thể áp dụng cho quần thể đó. Nếu thuốc được nghiên cứu ở nữ giới sau mãn kinh, thì chỉ định điều trị thuốc đó chỉ cho phụ nữ sau mãn kinh. Tương tự, nếu nghiên cứu trên người thiểu số thì kết quả chỉ áp dụng cho họ, chứ khó áp dụng cho ngoài dân tộc thiểu số. Do đó, ĐÁNG LÝ RA, CÁCH DẠY THEO Ô CHỮ CỦA ELKONIN Ở VIỆT NAM CHỈ NÊN ÁP DỤNG CHO HỌC TRÒ DÂN TỘC THIỂU. THẾ NHƯNG TRONG THỰC TẾ, PHƯƠNG PHÁP NÀY ĐƯỢC TRIỂN KHAI ĐẠI TRÀ CHO HÀNG TRIỆU HỌC SINH LÀ ĐIỀU KHÔNG ĐÚNG KHOA HỌC.
Càng kém tính khoa học hơn khi chưa có chứng cứ về hiệu quả từ các thử nghiệm khoa học (chứ chưa nói đến thử nghiệm randomized controlled trial) mà đã áp dụng cho hàng triệu trẻ em. Thật ra, có chứng cứ ban đầu cho thấy phương pháp ‘công nghệ giáo dục’ không có gì hơn so với phương pháp hiện hành ở trẻ em ở vùng xa thành phố (6). Việc triển khai đại trà như thế là cách làm không đúng với chủ trương giáo dục thực chứng — evidence based education.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: <https://kontumquetoi.com/2018/09/15/van-chuyen-cong-nghe-giao-duc-cua-ho-hoc-dai-nguyen-van-tuan/>
(1) Clay M. Reading Recovery: a guidebook for teachers in training. Portsmouth, 1993.
(2) Teffaine R. Phonemic Awareness prevents reading disabilities. 
http://psych.hsd.ca/Phoneme.pdf
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Elkonin_boxes
“Elkonin boxes are an instructional method used in the early elementary grades especially in children with reading difficulties and inadequate responders in order to build phonological awareness by segmenting words into individual sounds.”
(4) https://etd.ohiolink.edu/…/document/get/osu1342804885/inline
(5) http://giaoduc.net.vn/…/Ve-loi-ich-nhom-dang-sau-tranh-luan…
“Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách Công nghệ Giáo dục trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: ‘Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số’.”


Đọc tiếp »

Con nhớ mẹ

Con nhớ mẹ





1. Mẹ ơi!
Con nhớ mẹ từng chiều nắng nhạt
Trong lời kinh cầu mỗi sớm mai
Bao năm trường trĩu nặng đôi vai
Cuộc đời mẹ dãi dầu mưa nắng

Miền quê xa hiền hòa xanh sóng lúa  
Cánh đồng chiều thơm ngát đòng đơm bông
Mẹ bươn chải trong nắng hạ mưa đông
Gánh gạo qua sông từng triều lên lặng lẽ

Mẹ nuôi con bằng dòng sữa mẹ,
bằng trái tim từ ái ngọt ngào,
bằng những giọt mồ hôi trưa hè nào trên sân lúa,
bằng những đêm trường thức trắng suốt canh thâu.
Thân mẹ gầy mảnh mai cánh hạt
Đôi mắt sâu thâm quầng mỏi mệt vẫn hát ru con.

2. Cứ mỗi lần con ghé về thăm mẹ
mẹ già hơn, yếu hơn, mắt sâu hơn
Tay mẹ gầy bàn tay ấy đã từng...
Nâng niu con trao cho con hơi ấm

Trứơc sân nhà lững thững bước chân thon
Vẫn hình bóng bà mẹ quê thủa nhỏ
Mẹ cúi nhặt từng chiếc lá khô rơi
Để lại cho con gương sáng đời cần lao nghèo khó.

Hôn chào mẹ con phải đi mẹ ạ!
"Cho mẹ đi với"! Mẹ chạy theo,
bồn chồn nắm tay con.
Gỡ tay mẹ ngậm ngùi con bước vội
Lòng quặn đau thương mẹ hy sinh nhiều.

3. Được tin mẹ đau con về thăm mẹ
Chân yếu, mắt mờ không trông thấy con
Nhưng lời kinh vẫn sốt sáng trên môi
Mẹ nằm đây trong tuổi già cô đơn hiu quạnh

Thuở ấu thơ con cần mẹ, mẹ luôn bên cạnh
Mẹ đồng hành che chở bảo vệ con
Tuổi già xế bóng, đau yếu mẹ cần con,
Con biền biệt phương trời xa vắng lặng

Con thương mẹ, mẹ ơi! Con thương mẹ!
Ngày mẹ xa con đã gần rồi.
Một ngày nào đó con về đơn côi.
Sẽ không còn thấy bóng dáng mẹ nhặt lá khô rơi,
Không có mẹ chạy theo nắm tay con,
Không còn nghe mẹ nói: "cho mẹ đi với" nữa!

Chúa Nhật "Mother's Day" 13/5/2018
(Thương tặng mẹ đang cấp cứu tại bệnh viện)
Giang Hạ
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Cuộc Tử Đạo Mới



CUỘC TỬ ĐẠO MỚI SAU HƠN BA THẾ KỶ

(Chia sẻ nhân Lễ Khai mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 19/06/2018)

Hôm nay, 19/6/2018 Giáo Hội Việt Nam long trọng khai mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hình ảnh của các Thánh Tử Đạo như sống lại trong tôi, những con người chất phác, nghèo khó, đơn sơ, chân thành; những con người can đảm, giàu lòng hy sinh và trung kiên với đức tin. Trong cơn gian nan bị bách hại bị bắt bớ các ngài là những con người hòa bình, không quá khích, không bạo động, có những vị là quan của triều đình một lòng trung thành với vua, yêu đất nước. Chỉ vì tin vào Đức Kitô mà các ngài bị bắt bớ bị giam cầm, bị tra khảo, bị đánh đập và bị giết chết dưới nhiều hình thức. Trong cơn đau đớn các ngài âm thầm chịu đựng vì Chúa và làm theo Lời Chúa dạy. Tôi tình cờ xem vidéo clip chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc Lụa ở Sài Gòn bị công an bắt hôm nay và bị đưa về đồn công an phường Bến Nghé. Xin được chia sẻ lời kể của chị như một lời chứng.

1. Câu chuyện của chị Lụa
Kết thúc thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam khoảng 7g45 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, chị ra trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện. Khoảng năm phút sau có bốn người công an đến bắt chị. Chị hỏi các anh là ai mà bắt tôi? Họ trả lời: mày phải về đồn công an. Tên công an tát cho chị một cái rồi bắt chị lên xe đưa về đồn. Chị chứng kiến có khoảng mười người lúc ấy ở đồn nhưng một lúc sau xe buýt chở người đến đông thêm, rất đông có khoảng 150 người, công an cũng tới đông. Chị nói công an bắt người đem đến đồn như một cái chợ không có luật lệ. Chúng nó cải cọ, chửi bới, cấp trên chửi cấp dưới, cấp dưới cải cọ với nhau, có một tên công an đứng ra vỗ ngực xưng tên: ở đây là phải nghe tao, không nghe thằng nào hết. Họ dùng những lời lẽ rất thô tục để chửi những người họ bắt được, những người đáng bậc cha mẹ họ cũng gọi bằng "mày" hết. Cả những người công an nữ cũng dùng những lời lẽ thô bỉ để chửi mắng những người phụ nữ. Chị chứng kiến công an đánh anh Trịnh Toàn cùng bị bắt hôm đó. Một tên công an dùng cái mũ bảo hiểm của anh đánh lên đầu anh một cái anh té ngã xuống đất ngay lập tức, chị Loan vợ anh chạy tới ôm anh thì nó đá chị một cú vô hông chị cũng ngã xuống xĩu luôn. Thấy vậy, chị Lụa chạy lại chỗ hai người kêu khóc các anh đừng đánh người, tại sao các anh đánh ngừoi, nó xô chị ra. Rồi bọn công an lôi anh vào phòng tiếp tục đánh anh, anh kêu lớn cứu tôi với! công an đánh tôi, cứu tôi với! công an đánh tôi, chị nghẹn lời chỉ còn biết cầu nguyện xin Chúa gìn giữ anh. Chị vừa khóc vừa nói các anh tại sao lại đánh người Việt của mình, tại sao không đương đầu với những người Trung quốc? hãy thả anh ấy ra, các anh coi người Việt cùng máu mủ như kẻ thù. Mọi người trong phòng bị bắt lúc đó cũng đứng lên kêu họ ngừng đánh anh Trịnh Toàn nhưng công an dùng dùi cui quất tới tấp với những người lên tiếng ở đó, và nói tụi mày chống phá hả, tụi mày ngồi xuống!!! Tiếp đó, chị thấy họ dẫn ra một tốp những người thanh niên mặt mày đầy máu, có ngừoi mặt sưng húp vì bị đánh, nghĩa là họ dẫn vào phòng của họ và đánh đập trước hết, hễ ai có thái độ đứng lên phản đối tức thì họ bị công an đánh đập bắt ngồi xuống. Chị nói những người bị bắt ở đây có rất nhiều người công giáo, mình bị họ bắt bớ, đánh đập chỉ vì hòa bình, vì công lý, vì sự thật, vì yêu quê hương, đất nước. Con thấy như một cuộc bách hại. Sáng nay con đi lễ trong bài giảng trong thánh lễ cha nói về cuộc bách hại đạo.
Thấy chị Lụa cầm tràng Hạt đọc kinh, tên công an lôi chị riêng ra rồi hỏi mầy cầm cái gì đó? nó bắt chị đưa cho nó, chị trả lời Chúa của tôi, nó hỏi Chúa của mày là ai? Chúa của tôi là sự thật! Sự thật hả! Rồi nó tát chị một cái. Chị bắt đầu đọc kinh, giờ con chỉ biết cầu nguyện thôi không làm được gì. Khi nghe tiếng đánh đập người trong phòng trong con cảm thấy đau xót như họ đánh mình vậy... và kêu gọi mọi người đọc kinh cầu nguyện cho những anh chị em ở đây, xin Chúa ban cho họ can đảm và gìn giữ họ. Nghe họ đọc kinh, công an liền nói ở đây mà tụi mày còn đọc kinh hả! Có một chị bị bắt ở Đồng Nai, công an lôi chị vào phòng đánh chị gãy răng và miệng chị đầy máu, nhưng chị không phun máu ra ngoài chị nuốt luôn cái răng bị gãy và máu vào bụng. Chị nói nó đánh gãy răng chị rồi em nhưng chị nuốt cái răng với máu vô bụng rồi, đây là máu cao quý của người Việt Nam chị không để nó rơi ra ngoài. Chị rất can đảm và mạnh mẽ.
Rồi chị Lụa xin mọi người cùng đọc với chị một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh để cầu nguyện cho những người công giáo và ngay cả không công giáo đang bị bắt, được sự bình an. Cầu xin cho đất nước thoát khỏi sự dữ. Chị  cũng xin Chúa tha thứ cho những người công an đã bắt bớ đánh đập chị và mọi người bị bắt. Xin Chúa hoán cải lòng họ trở về với dân.

2. Hành xử cách côn đồ trong một xã hội văn minh
Tôi thật sự đau xót khi xem clip chị kể lại. Tôi cầu nguyện cho chị, cho những anh chị em tín hữu công giáo hay không công giáo đang gặp cảnh bắt bớ, đánh đập. Họ là những người dân trong tay không một tấc sắt, chỉ vì họ biểu tình một cách ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước, nói lên bức xúc của người dân trước việc đất nước có nguy cơ mất chủ quyền. Bởi vì nhà nước chuẩn bị ký dự luật đặc khu kinh tế cho Trung quốc thuê đất 99 năm ở ba trọng điểm chiến lượt của đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quôc và dự luật an ninh mạng. Thật ra chính quyền đã nhượng bộ nhiều đã để người Trung Quốc vào Việt nam mua đất, xây dựng nhà cửa, nhà hàng, cơ quan khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ Tây Nguyên tới đồng bằng, từ đất liền ra biển đảo.
Trong khi thế giới đang cùng nhau xây dựng nền văn minh, thì đất nước mình tụt hậu như vậy. Tại sao lại đánh đập ngừoi dân nước mình, tại sao lại hành xử cách côn đồ và thiếu văn minh. Khi bắt người cần có lệnh bắt không dùng luật rừng, không tùy tiện. Đất nước có luật pháp thì xin hành xử theo pháp luật. Ai có quyền đánh ngừoi dân khi họ không có bạo động không quá khích. Những lời lẽ thô bỉ thiếu văn hóa lại được chính những người thi hành công vụ xử dụng để nói với dân. Anh không được xúc phạm đến tôn giáo của ngừoi khác, đó là quyền tự do tôn giáo mà hiến pháp đã quy định. Xúc phạm đến tôn giáo rõ ràng là hành vi vi hiến.
Xin các thánh Tử Đạo Việt nam gìn giữ bảo vệ những người con của các thánh Tử Đạo. Hôm nay, họ đang bắt đầu cuộc tử đạo mới trên chính mảnh đất thân yêu, mà hơn ba thế kỷ trước các thánh Tử Đạo đã anh dũng làm chứng cho đức tin. Tôi mường tượng cảnh của người dân bị công an bắt bớ, đánh đập, dày xéo hôm nay chẳng khác nào cảnh hỏa ngục. Những con người lương thiện bị bắt vào giữa bầy quỹ dữ gào thét, cãi cọ, chửi bới những lời lẽ gớm ghiết thô tục, bạo lực, chà đạp trên nhân phẩm của con người. Cảnh mà xưa kia chính các thánh Tử Đạo cũng đã từng trãi qua. Tôi đọc hạnh cách thánh Tử Đạo thấy các ngài bị quan quân bắt, giam vào tù ngục, rồi bị đánh đập, bị chửi mắng, bị thích lên mặt hai chữ "tả đạo", có những người bị dụ dỗ bước qua thập giá như các thánh Đaminh Ninh, Giuse Túc. Thánh Guse Khang, thánh Giuse Ngôn bị đánh đòn đến ngất xỉu trong tù...họ bị chặt đầu, bị thiêu sống, bị siết cổ, bị phanh thây, bị bêu riếu đánh đòn, làm nhục trên các con phố như trường hợp thánh Hồ Đình Hy. Rõ ràng là nhân phẩm bị chà đạp đến cùng cực. Nhưng các thánh vẫn can đảm chịu mọi cực hình sĩ nhục và trung kiên với đức tin. Suy niệm Tin mừng của Chúa Giêsu trong tuần này cũng thật trùng hợp: "Các ngươi đã nghe bảo người xưa hãy yêu mến thân nhân và ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các ngưoi hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi" (Mt 5, 43-44). Xin Chúa tha thứ cho họ. Họ đang lầm đường lạc lối mà không biết, xin đưa họ về đường chính nẻo ngay.

3. Sống tinh thần các Thánh Tử Đạo
Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu như Ngài đã yêu, sống như Ngài đã sống "ai vả má bên phải của con, hãy đưa má bên kia nữa. Ai đoạt áo trong của con, hãy đưa cho nó cả áo khoát. Ai bắt con làm phu đi một dặm, hãy đi với nó hai dặm" (Mt 5, 38-41). Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu thương và tha thứ. Quá khích và bạo động không phù hợp với Tin Mừng. Sống Tin Mừng giữa những bấp bênh và nghịch cảnh của đất nước hôm nay người Kitô hữu cần sống tinh thần của các thánh Tử Đạo: ôn hòa, nhẫn nại, can đảm, hy sinh, kiên trung. Là công dân của nước Việt nam các thánh Tử Đạo đã nêu cao lòng dũng cảm, yêu đất nước, tận tụy lo dân nước như thánh Micae Hồ Đình Hy, quan Thái Bộc dưới triều vua Tự Đức. Những người ghen tức ông xin truất chức ông, vua Tự Đức trả lời: "Không thể truất chức ông được, vì ông đã chu toàn trách nhiệm một cách đáng khen có lẽ trẫm còn phải tăng lương bổng cho cân xứng với việc ông làm". Chưa ai giữ chức ấy được hai năm. Đến nay, trẫm chưa có gì phải phiền trách ông ta"[1].

4. Tử đạo ngày hôm nay
Ngày hôm nay, con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ tiếp bước cha ông khi họ nổ lực sống tinh thần Tin Mừng; nổ lực xây dựng hòa bình. Khi họ tích cực đóng góp vào việc xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương; khi họ phải đấu tranh cho công lý và hòa bình; khi họ phải can đảm sống sự thật giữa bao điều dối trá, cả những lúc họ chịu nhiều đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần vì mục đích cao thượng nhằm phát triển cộng đồng nhân loại trên mọi phương diện: tự do, hạnh phúc, nhân quyền, giáo dục, y tế, chính trị, xã hội, tôn giáo... . Không có thành công nào mà không phải trả giá bằng gian nan, khổ cực, nước mắt và cả máu nữa. Không có nền độc lập của nước nhà, nếu như không có những giọt máu trên chiến trường của tất cả các chiến sĩ đã hy sinh. Sẽ không có Giáo Hội Việt Nam như hôm nay, nếu không có những đau khổ, hy sinh và máu các Thánh Tử Đạo đã đổ ra. Vì vậy, để vươn lên, để sống còn, lẽ nào đất nước Việt Nam, Giáo Hội Việt nam hôm nay lại không đi qua con đường đó.
Trong giai đoạn hiện tại, chính quyền csVN đã có quyết tâm dùng bạo lực để trấn áp những người biểu tình cách ôn hòa vì lòng yêu nước. Họ bắt giam đánh đập tùy tiện với chủ trương khủng bố tinh thần. Có thể có một cuộc bách hại lớn lao trên toàn Giáo Hội Việt nam với từng cá nhân, những người công giáo âm thầm bị xé lẽ hay trên quy mô lớn. Càng ngày càng lộ rõ bản chất khiếp nhược của chính quyền trước Trung Quốc nhưng lại hành xử côn đồ đối với ngừoi dân. Người dân Việt Nam, người công giáo Việt Nam cần đoàn kết lại và phải can đảm trả giá bằng những hy sinh, bằng nước mắt và máu mới có thể giữ vững bờ cõi và đem lại nền độc lập thật sự cho dân tộc. Trước tình hình này các vị mục tử cần theo dõi bảo vệ cho người giáo dân trước những cuộc đàn áp và bắt bớ. Nếu cần, xin lên tiếng để bảo vệ quyền tự do của người dân, lên tiếng về những bất công xã hội. Các quyền tự do căn bản của ngừoi dân đã bị "đánh cắp" qua dự luật an ninh mạng: Tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, tự do báo chí. Từ nay nhà cầm quyền ra sức sách nhiễu dân chúng, tự tung tự tác mà luật an ninh mạng như là vũ khí để bảo vệ những sai trái của chính quyền và sẽ bóp nghẹt tiếng nói của ngừoi dân.
Cũng cần cảnh báo rằng nhà cầm quyền sẽ một mặt siết chặt, theo dõi những cuộc lễ nghi tôn giáo đông người, theo dõi những cá nhân bất đồng chính kiến, cả những người công dân lẫn những vị lãnh đạo Giáo Hội. Với những người công dân thấp cổ bé miệng thì họ dễ dàng bắt bớ, đánh đập khủng bố tinh thần; với những Linh mục hay Giám Mục họ sẽ cô lập, làm áp lực với cấp trên để buộc vị đó nghỉ việc về hưu non; mặt khác chính quyền sẽ tìm cách tiếp cận với các vị lãnh đạo Giáo Hội, bằng cách gây thân thiện, tặng quà cáp, những cuộc mời mọc giao lưu để làm lu mờ ý chí, tìm cách làm cho các vị lãnh đạo Giáo Hội có một sự thỏa hiệp nào đó bất thành văn để an thân mà không còn có thể lên tiếng trước những bất công xã hội, trước an nguy tồn vong của Đất Nước. Trong một chuyến viếng thăm tại Braxil, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".
Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt nam, gìn giữ mọi thành phần Dân Chúa được luôn trung thành theo Chúa Kitô, can đảm làm chứng cho Chúa cho dù gặp thử thách, gian nan, đau khổ; đồng thời nói không với thỏa hiệp chỉ vì sự an thân, dễ dãi hay một chút lợi quyền để gióng lên tiếng nói cho công lý, cho hòa bình, cùng thao thức với mọi người dân trước vận mệnh của đất nước.

Giang Hương Trà






[1] Lm. Vinh Sơn Bùi Đức Sinh O.P, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong llịch sử Giáo Hội Công Giáo, NXB Veritas Edition, San Jose. 2012, 240.






[1] Lm. Vinh Sơn Bùi Đức Sinh O.P, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong llịch sử Giáo Hội Công Giáo, NXB Veritas Edition, San Jose. 2012, 240.

Đọc tiếp »